Trang
Mây và sóng
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.
Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009
Letters from Iwo Jima
Nếu bạn là một người lính của Nhật hoàng đang đóng trên đảo Iwo Jima; tiếng máy bay Mỹ đang ngày một rõ dần; ngoài bờ biển, cơ man nào là thuyền có ghi chữ US Navy; bạn biết rằng trận quyết chiến sẽ chẳng còn lâu nữa; tướng của bạn thì bảo rằng: "Never expect to return home alive!"; khi đó, bạn nghĩ gì?
Nếu bạn là một vị tướng của quân đội Đế quốc Nhật đang chỉ huy trận đánh trên đảo Iwo Jima, nơi trọng yếu của quốc gia, trong tay bạn chỉ có 22.000 quân, còn địch là 110.000 quân; là một người từng học ở Harvard, rất hiểu người Mỹ; khi đó, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ, tôi sẽ nghĩ như anh lính Saigo và làm như đại tướng Kuribayashi.
Saigo là một thợ làm bánh có một cô vợ rất đẹp, lại vừa mới sinh một đứa con gái mà anh chưa hề thấy mặt. Trước khi ra chiến trường, anh chỉ nghĩ đến cô, đến đứa bé, ngôi nhà của mình và lời hứa với đứa con từ khi còn trong bụng mẹ: "Cha của con hứa sẽ trở về".
Đại tướng Kuribayashi là một người cực kỳ thức thời, có tư tưởng tiến bộ chứ không quân phiệt như phần lớn tướng Nhật khác, ông cũng có một đứa con trai Taro ở nhà, nhưng ông không chỉ nghĩ đến con, ông đang nắm giữ sinh mạng của hàng ngàn người và một phần vận mệnh quốc gia.
"Những bức thư từ Iwo Jima" là một bộ phim hoành tráng về chiến tranh thế giới thứ hai ở chiến trường Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật, nằm trong bộ 2 phim của Clint Eastwood liên quan đến trận Iwo Jima: "Letters from Iwo Jima" và "Flags of our fathers". Cả hai phim khắc hoạ cái bi thảm của chiến tranh ở cả hai chiến tuyến, của những người thất trận lẫn những kẻ ca khúc khải hoàn. Cả hai phim đều dùng những hình ảnh chủ đạo. Nếu ở "Flags of our fathers" là hình ảnh ngọn cờ nước Mỹ cắm trên đỉnh Suribachi thì ở "Letters from Iwo Jima" là hình ảnh những lá thư.
Đó là thư gửi cho vợ và con của Saigo, anh không nghĩ rằng lá thư này đến được tới tay em, nhưng anh cũng viết cho khuây khoả. Đó là thư gửi đứa con Taro của đại tướng Kuribayashi, tính mệnh của cha con hiện giờ như ngọn đèn trước gió. Đó cũng là lá thư của mẹ gửi từ đất liền cho người lính trẻ tận tuỵ Shimizu, con nhớ đắp chăn kẻo lạnh. Đó cũng là lá thư của mẹ mà anh lính tù binh Mỹ Sam mang theo từ Oklahoma, trung tá Nishi, từng là vận động viên đạt huy chương vàng Olympic đã làm quen và đọc được khi anh qua đời, con chó ở nhà vừa bới hàng rào chạy qua nhà hàng xóm làm ầm ĩ, con nhớ trở về sớm.
Những bức thư đã khiến người ta hiểu nhau hơn, anh lính hiểu được đại tướng, người lính phản chiến hiểu được người lính muốn hy sinh cho quốc gia, quân ta hiểu được quân địch. Người lính Nhật được dạy rằng lính Mỹ là những kẻ khát máu, nhưng sau đó, họ hiểu ra, tất cả cũng đều là con người, họ cũng có cuộc sống bình thường như ta, cũng mong muốn được về nhà, chỉ có chiến tranh...
Một bộ phim mà ý chí sống của con người được miêu tả rõ nét. Khi thất trận ở Suribachi, đại tướng Kuribayashi ra lệnh cho tàn quân rút lên mạn Bắc nhưng chỉ huy ở Suribachi lại kháng lệnh và ra lệnh lính ở Suribachi phải tự sát, "die in honor" - chết trong danh dự, theo tinh thần Samurai, chỉ có Saigo nghe được lệnh của Kuribayashi nên tìm cách trốn lên mạn Bắc. Đó là đoạn kinh hoàng và xúc động nhất.
Anh lính Shizimi, người tận tuỵ vì quốc gia, người sẵn sàng chết vì đất nước, nhưng đến phút cuối, lại quyết định đầu hàng cùng Saigo vì: "Tôi biết nghĩa vụ của mình với quốc gia, nhưng tôi không muốn chết chẳng vì gì cả."
"Letters from Iwo Jima" là một bộ phim dài 2 tiếng 15 phút nhưng rất đáng để ngồi ê cả mông mà xem.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét