Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Người đưa tiễn

Tôi xem lại phim Người đưa tiễn (Okuribito 送り人 - hay tên chính thức dùng toàn hiragana おくりびと), mà xúc động hơn rất nhiều so với lần xem đầu tiên 4 năm trước. Không, có lẽ tôi quên mất cảm giác của mình bốn năm trước mất rồi. Làm sao mà tôi dám nói chắc được tôi trải qua những gì tận bốn năm trước.

Anh Daigo là nhạc công cello thất nghiệp, bán cây cello đắt tiền, cùng vợ dọn về quê sống. Anh đọc trên báo thấy mẩu quảng cáo, lương cao, không cần kinh nghiệm, đọc tưởng là một công ty lữ hành du lịch nào đó tên là NK. Đến chỗ công ty xin việc, anh được nhận luôn, rồi mới biết đó là công ty khâm liệm. NK là chữ viết tắt của Noukan (Nạp quan). Ông chủ trả anh luôn tiền lương ngày đầu tiên, bảo rằng anh có cái duyên, hãy cứ thử xem sao. Thế rồi Daigo bắt đầu bằng việc đi theo phụ giúp và quan sát ông chủ làm công việc liệm xác.

Công việc đầu tiên của anh là một ca khó: một cụ già neo đơn chết trong căn nhà đã hai tuần, bốc mùi lên rồi. Sau công việc đầu tiên này, về nhà nhìn thấy đĩa thịt gà sống mà anh Daigo chỉ muốn nôn ọe. Sau đó là một cảnh mà tôi cho là rất hay và rất thấm, đó là cảnh mà anh nắm chặt tay vợ mình và ngửi, rồi ôm chầm lấy vợ. Anh chỉ muốn tìm lại cái mùi sống, cái sinh khí quen thuộc sau cú sốc nghề nghiệp đầu tiên. Dĩ nhiên là lúc này vợ anh vẫn chưa biết anh làm gì ở cái công ty mới đó.

Daigo tiếp tục công việc với ông chủ. Ở lần thứ hai, Daigo và ông chủ đến trễ 5 phút, bị người chồng mất vợ càu nhàu. Ông chồng trong cơn đau buồn, tỏ ý coi thường hai "người đưa tiễn", bảo rằng loại người "sống nhờ vào người khác chết". Chính ở lần làm việc thứ hai này mà người xem được chứng kiến công việc của ông chủ và Daigo diễn ra như thế nào. Công việc của họ là nút các lỗ của người quá cố lại, thay y phục, rồi trang điểm cho người quá cố trước khi nhập quan. Ông chủ làm thật tỉ mỉ trong khi Daigo chủ yếu ngồi xem và phụ giúp ông. Đoạn này cũng là một đoạn vô cùng cảm động. Người chồng mất vợ ngồi thừ người ra nhìn vợ mình được trang điểm lại thật đẹp, y như chỉ đang ngủ, không hiểu câu ông chủ hỏi rằng nhà có cây son môi vợ ông hay tô không. Cuối cùng, khi hai người ra về, người chồng đến xin lỗi, và cảm ơn, vì hai người đã làm cho ngày hôm nay trở thành ngày vợ mình đẹp nhất.

Chuyện chết chóc không phải là một chuyện dễ nói. Khi phim ra mắt tại Nhật, đạo diễn Takita Yōjirō cũng đã lo ngại không biết người xem phim sẽ phản ứng thế nào. Nhưng sau đó phim được Oscar phim nước ngoài xuất sắc của năm. Trong phim, khi vợ Daigo và bạn bè phát hiện anh làm nghề "đưa tiễn", họ cũng đều phản ứng dữ dội. Vợ anh - cô vợ dễ thương, yêu anh, vâng lời - đã phản ứng bằng cách bỏ về nhà bố mẹ. Nhưng Daigo vẫn làm công việc của mình, có lẽ vì anh cảm nhận được gì đó từ công việc này. Qua từng lần đi khâm liệm, Daigo chứng kiến từng người khác nhau qua đời, người già, trẻ em, thanh niên..., từng gia cảnh khác nhau, nơi thì đau buồn, tiếc nuối, chỗ thì tràn ngập lòng biết ơn người qua đời.

Tôi mê nhạc của Joe Hisaishi làm cho phim này. Tiếng nhạc cello của Okuribito nằm trong ipod của tôi từ đó tới nay, cùng tôi đi qua một quãng đời, giờ được nghe lại, tôi xúc động vô cùng. Nhạc không chỉ còn gắn với phim mà đã gắn với ký ức của tôi đi qua bao nhiêu năm, thậm chí nếu tôi có quên những ký ức đó là gì thì vẫn còn lại những rung cảm ghi vào não, mà khi nghe lại tiếng nhạc, có gì đó lờ mờ lại trở lại, mông lung như sương như khói. Những ký ức đó là vui hay buồn, tôi quên mất rồi, tôi chỉ cảm thấy thời gian của đời mình trải ra một lần nữa, huyền hoặc và riêng tây như một giấc mơ.

(Ngày trước có lần tôi nghĩ về những giấc mơ của mình như thế này:

Những giấc mơ kỳ lạ của tôi, tôi rất muốn có thể chia sẻ cùng ai đó. Tôi muốn được dẫn ai đó vào giấc mơ của mình, để chỉ cho họ xem, à, cái này này, tớ nghĩ nó nghĩa là thế này, thế kia, cái kia, hình như tớ mơ thấy nó mấy lần rồi, trông rất quen quen,... Tôi muốn cho họ thấy những thứ mà đáng lẽ chỉ có tôi được thấy.

Nhưng tôi dần nhận ra rằng, trong cuộc đời này, có nhiều thứ chúng ta phải tự làm một mình, làm trong nỗi cô đơn không phải do tự nguyện, nỗi cô đơn gắn chặt với chúng ta. Mơ là một trong những chuyện như vậy. Dù có bao nhiêu người đi bên cạnh, chúng ta vẫn phải tự lê bước  trên con đường cuộc đời mình, bằng chính đôi chân của mình. Dù gì, chúng ta vẫn phải đi một mình. Một mình.)



Bản Okuribito của Joe Hisaishi sáng tác, trong đoạn này có cảnh tờ sheet nhạc có ghi tựa tiếng Anh là A wayfarer.

Phim có nói về người cha của Daigo, ông theo người tình bỏ đi khi anh còn nhỏ. Ký ức của anh về cha là một người đàn ông không rõ mặt, và anh giận ông. Anh chỉ nhớ ông là người cho anh học cello lúc anh còn bé, và là người dạy cho anh trò lá thư bằng đá - hãy tặng một viên đá cho người mình yêu thương, người được tặng sẽ cảm nhận hòn đá, sần hay nhẵn, to hay nhỏ, màu sáng hay tối, mà từ đó lại cảm nhận được điều mà người kia muốn gửi cho mình là gì.

Cuối phim, cuối cùng Daigo vứt bỏ được cơn giận để mà đến nhìn mặt cha lần cuối - ông vừa qua đời ở một thành phố khác. Nhìn hai nhân viên nhà tang lễ định khuân xác cha mình bỏ vào quan tài, Daigo ngăn lại, và anh tự tay liệm cho cha mình, tự tay tiễn ông đi. Rồi anh phát hiện tay cha đang nắm chặt hòn đá ngày xưa lúc nhỏ anh trao cho cha mình. Hòn đá cuội trắng, nhỏ, và nhẵn. Cha đưa cho anh hòn đá tối, to và sần. Giờ khi chết, cha trao lại cho anh hòn đá ngày xưa. Hòn đá trắng và nhẵn, giống một lời xin lỗi muộn ông gửi tới đứa con. Daigo cuối cùng tới đây mới nhận ra người nằm trước mặt chính là cha mình, bóng hình của ông trong ký ức anh giờ đã hiện rõ khuôn mặt. Anh áp hòn cuội trắng lên bụng vợ mình, đang mang đứa con của anh, như một kiểu trao truyền lại ký ức.

Xem phim để thấy rằng cái chết thật ra chỉ là một việc bình thường. Chúng ta tiếp cận với cái chết hằng ngày. Phải có cái chết đi để cái khác sống tiếp. Động vật, cỏ cây, thậm chí là các tế bào của chúng ta chết từng khoảnh khắc. Nỗi đau buồn khi người thân yêu từ giã mình mà biến mất là có thật, thậm chí có thể còn là một nỗi sợ thường trực. Thế nhưng hay là nghĩ về cái chết như một chuyện bình thường, như hít vào, như thở ra, như điều chúng ta đối diện hằng ngày, để mà trân trọng cái sống, yêu quý những gì hiện diện xung quanh, những gì mình ăn vào, những gì mình thải ra, những gì chết đi để nuôi sống mình, yêu thương tất cả để từ từ nhận ra rằng thật ra chúng ta chỉ là một.

Dàn diễn viên của phim ai cũng dễ thương, tôi phải nói như vậy. Thỉnh thoảng tôi phải xem một phim như thế này, sau một thời kỳ khô hạn, nó giống như một liều thuốc cho tâm hồn tôi, bón vào cho tươi tốt trở lại.