Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Mây trắng


- Bên kia sông có gì hở cha ?
- Bên kia sông có đường đất đỏ
có ruộng mía trỗ cờ trắng xoá
những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa.
- Có bươm bướm không cha ?
- Có, có rất nhiều bươm bướm.
Con thì thầm trong hơi thở mạnh
- Sông rộng thế làm sao sang được ?
Cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
- Bên kia sông nhiều bướm nhiều hoa
rồi cha con ta sẽ tìm được con đò
đi sang bên ấy.

(Nói với con cuối năm - Lưu Quang Vũ)

Tôi sống trong những ngày tôi hát
Những khúc ca vang mãi không ngừng
Hơi thở tôi dồn dập
Máu tôi trào dâng
Linh hồn tôi như hóa thành một thiên thần có đôi cánh trắng.

Con người bé nhỏ
trong thành phố không màu
trước một chiếc cầu
không thể đi qua
(Những chiếc lá rơi - Lưu Quang Vũ)

Tôi không muốn nói về những điều không thể
Cuộc đời tôi không trọn vẹn, tròn đầy
Tôi đang sống và tôi vẫn đang trẻ
Nỗi buồn tôi xôm xốp tựa đám mây
Và niềm vui ào ạt như rừng cây
Trong một ngày nổi gió

Cuộc đời này
Có lúc tôi đi dạo
Thả bộ nhìn ngắm thời gian
Có lúc tôi thử tìm cách chơi
Như một con mèo vờn với cái lon rỗng

hót váng lên dù là cá
gầm vang lên dẫu là chim
(Không đề đất - Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Cuộc đời này
Hình như
Tôi chưa tìm cách sống.

Tên mục tử chăn đàn cừu trắng trên những đám mây nỗi buồn - niềm vui của tôi
Hắn bảo:
-Những con cừu đã ăn hết cả mây rồi
Chúng bắt đầu rơi xuống đất
Nhưng tôi gạt phắt:
-Những con cừu đã trở thành mây
Người nhìn đi
Chúng đang bay trên trời.

Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.
(Mây trắng của đời tôi - Lưu Quang Vũ)

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Người Băng


Dịch truyện này mất 3 ngày. 
Truyện này trong tập Blind willow, Sleeping woman (Cây liễu mù và cô gái ngủ), dịch từ bản tiếng Anh "The Ice Man" do Philip Gabriel dịch.
Haruki Murakami
Chồng tôi là một Người Băng.
Lần đầu tôi gặp anh là ở khách sạn tại một khu resort trượt tuyết. Khó mà nghĩ đến một nơi nào khác thích hợp hơn để gặp một Người Băng. Anh ngồi trong sảnh khách sạn, ồn ào và đầy người trẻ tuổi, trong góc xa lò sưởi nhất có thể, lặng lẽ đắm chìm vào quyển sách. Lúc đó gần trưa, ánh nắng trong và lành lạnh của ban sáng dường như chỉ chiếu vào mình anh. “Một Người Băng đấy”, một người bạn của tôi thì thào. Vào lúc đó tôi chẳng có ý niệm gì về một Người Băng, bạn tôi cũng chẳng giải thích giúp tôi được. Cô ấy chỉ biết rằng anh ta là một dạng người được gọi là Người Băng. “Người ta gọi hắn vậy hẳn vì hắn làm bằng băng,” cô thêm vào với một cái nhìn nghiêm trọng trên mặt. Nghiêm trọng như thể chủ đề nãy giờ không phải về Người Băng mà là về một con ma, hay về một người mang bệnh truyền nhiễm.
Người Băng nhìn khá trẻ, tuy thế, có những sợi màu trắng, như những mảnh tuyết thừa lẫn lộn trên mái tóc cứng của anh. Anh cao, gò má sắc cạnh như những vách núi đóng băng, ngón tay anh được bọc bởi một lớp sương giá trông như chẳng bao giờ tan chảy. Ngoài ra, anh trông hoàn toàn bình thường. Anh không đẹp trai, tuy thế chính xác hơn, một vài người có thể thấy anh cuốn hút. Có điều gì đó ở anh đâm xuyên qua bạn. Đặc biệt là đôi mắt anh, cái nhìn im lặng, trong suốt ấy tỏa sáng yếu ớt như một cột băng vào một ngày mùa đông – một tia phản chiếu đơn lẻ trong một cơ thể tạm thời. Tôi đứng đó một lúc, ngắm nhìn Người Băng từ bên kia sảnh. Anh chìm trong quyển sách, không một lần cử động hay ngước nhìn lên, như thể tự thuyết phục mình rằng anh hoàn toàn một mình.
Buổi chiều hôm sau, anh vẫn ngồi chỗ cũ, đọc quyển sách của anh. Khi tôi vào phòng ăn để ăn trưa, và khi tôi đi trượt tuyết với bạn về vào chiều tối, anh luôn ngồi đó, cùng một cái ghế, cùng một cái nhìn khi anh di chuyển từ trang này đến trang khác của cùng một cuốn sách. Và ngày hôm sau cũng hoàn toàn y chang. Từ sáng đến chiều tôi đều thấy anh ngồi một mình, im lặng đọc, như thể thế giới là một phần của mùa đông lạnh giá bên ngoài.
Chiều ngày thứ tư, tôi tìm cách từ chối không đi trượt tuyết với mọi người. Thay vào đó, tôi ở lại khách sạn, lang thang trong sảnh. Khi mọi người đều đi cả, sảnh trông như một thành phố bỏ hoang. Không khí nhớp nháp và nóng nực, đầy một mùi kì lạ - mùi của tuyết dính vào đế ủng đang tan chảy ra trước lò sưởi. Tôi nhìn ra cửa sổ, giở một tờ báo ra. Cuối cùng, tôi lấy hết can đảm, đi đến chỗ Người Băng và bắt chuyện. Tôi khá e thẹn, và hiếm khi bắt chuyện với người lạ, nhưng tôi không ngăn mình được. Tôi phải nói chuyện với anh. Đây là đêm cuối của tôi ở khách sạn và nếu bỏ lỡ, tôi sẽ chẳng còn dịp nào cả.
Anh không trượt tuyết à? Tôi hỏi, cố tỏ ra tự nhiên. Người Băng chậm rãi ngước đầu lên, nhìn như thể đang lắng nghe gió hú từ rất xa. Anh chăm chú nhìn tôi rồi lặng lẽ gật đầu. Tôi không trượt, anh nói. Tôi chỉ ngồi đọc sách và nhìn tuyết thôi. Tiếng anh trôi lơ lửng trong không khì, một bong bóng trắng như truyện tranh, từng chữ đều hiện rõ mồn một với tôi. Anh nhẹ nhàng vẩy lớp giá ở ngón tay đi.
Tôi không biết nói gì tiếp. Tôi sượng trâng và đứng đó, mọc rễ. Người Băng nhìn vào mắt tôi và như nở một nụ cười nhạt nhòa. Có phải anh vừa thật sự cười không? Có thể tôi chỉ tưởng tượng ra. Cô ngồi xuống chứ? anh hỏi. Tôi biết cô tò mò về tôi, vậy ta trò chuyện một tí nhé. Cô muốn biết một Người Băng như thế nào chứ gì? Anh cười. Được thôi, anh thêm vào. Không có gì phải ngại cả. Cô sẽ không bị cảm lạnh vì nói chuyện với tôi đâu.
Chúng tôi ngồi trên chiếc sofa trong sảnh, vừa ngập ngừng trò chuyện vừa ngắm tuyết xoáy tròn bên ngoài. Tôi gọi một cốc cocoa nóng, còn Người Băng không uống gì cả. Anh cũng ngượng như tôi. Chúng tôi có rất ít điểm chung để nói. Đầu tiên, chúng tôi nói về thời tiết, rồi về khách sạn. Anh đến đây một mình? Tôi hỏi. Ừ tôi đến một mình, anh trả lời. Cô thích trượt tuyết à? Anh hỏi. Không hẳn thế, tôi trả lời. Mấy cô bạn gái của tôi lôi tôi đến. Tôi chỉ biết trượt thôi. Tôi rất muốn biết thêm nhiều về Người Băng là như thế nào. Có phải anh ta làm từ Băng không? Anh ăn gì? Anh sống ở đâu vào mùa hè? Anh có gia đình không? Những câu hỏi như vậy. Không may, Người Băng chẳng hề nói gì về anh ta cả, và tôi không dám hỏi những câu hỏi đang xoắn lấy tâm trí mình. Tôi đồ rằng anh không hề muốn trò chuyện về những điều đó.
Thay vào đó, anh nói về tôi, về con người tôi. Thật khó tin, nhưng anh biết mọi thứ có thể biết được về tôi. Gia đình tôi gồm có ai, tôi bao nhiêu tuổi, sở thích, sức khỏe, trường tôi đã học, bạn bè tôi. Anh biết tất cả. Cả những thứ tôi quên đã lâu, anh cũng biết.
Tôi không hiểu nổi, tôi đỏ mặt. Tôi có cảm giác như bị lột trần truồng trước mặt mọi người. Làm sao anh biết nhiều thứ về tôi như vậy? Tôi hỏi. Anh là đọc được ý nghĩ người khác à?
Không, Người Băng nói. Tôi không đọc được ý nghĩ. Tôi chỉ biết những điều đó. Như là tôi nhìn sâu vào một tảng băng trong suốt vậy. Khi tôi nhìn cô như vậy, tôi thấy được mọi thứ về cô.
Anh thấy được tương lai của tôi không? Tôi hỏi.
Không, không thấy được tương lai, anh trả lời dứt khoát, chậm rãi lắc đầu. Tôi không hứng thú với tương lai. Tôi không có khái niệm về tương lai. Băng không chứa tương lai, chỉ có quá khứ, được niêm phong lại. Như thể chúng vẫn còn sống, mọi thứ trên thế giới đều được niêm phong lại bên trong, tinh tươm và rõ ràng. Băng có thể gìn giữ mọi thứ nhưng vậy, gọn gàng, sạch sẽ. Đó là bản chất của băng, vai trò của băng.
Tôi rất mừng, tôi đáp lời, và mìm cười. Tôi trút được gánh nặng – tôi không muốn biết về tương lai mình chút nào.
***
Chúng tôi gặp nhau vài lần sau khi trở về Tokyo, cuối cùng thì chúng tôi chuyển sang hẹn hò vào những ngày cuối tuần. Chúng tôi không hẹn hò theo kiểu như đi xem phim hay ngồi quán cà phê. Thậm chí chúng tôi còn không đi ăn cùng nhau. Người Băng rất ít khi ăn. Chúng tôi ngồi cùng nhau trên một chiếc ghế băng công viên, trò chuyện. Chúng tôi đề cập đến mọi thể loại chủ đề, chỉ riêng chẳng một lần nào Người Băng nói về anh. Tại sao vậy? Một lần tôi hỏi.Tại sao anh không bao giờ nói về anh? Em muốn biết nhiều hơn về anh: anh sinh ở đâu, cha mẹ anh thế nào, anh trở thành Người Băng như thế nào. Người Băng nhìn tôi một hồi, rồi chậm rãi lắc đầu. Anh không biết câu trả lời cho những câu hỏi đó, anh lẳng lặng trả lời một cách chắc chắn, tỏa ra một hơi thở trắng xóa. Anh không có quá khứ. Anh biết quá khứ của mọi điều, và gìn giữ nó. Nhưng bản thân anh không có quá khứ. Anh không biết anh sinh ở đâu. Anh không biết cha mẹ anh trông ra sao, hay là anh có cha mẹ hay không. Anh không biết anh bao nhiêu tuổi, hay thật sự anh có tuổi hay không.
Người Băng cô lập và đơn độc như một tảng băng trôi trong bóng đêm.
Tôi yêu anh tha thiết, và anh cũng dần yêu tôi, tôi của hiện tại, tách biệt khỏi quá khứ hay tương lai. Và tôi cũng dần yêu anh vì chính con người anh của bây giờ, tách biệt khỏi quá khứ và tương lai. Đó là một điều tuyệt vời. Chúng tôi bắt đầu nói về chuyện hôn nhân. Tôi chỉ vừa hai mươi, Người Băng là người đàn ông đầu tiên tôi thực sự yêu. Tình yêu tôi dành cho anh, lúc đó, vượt xa hơn cả tôi. Hẳn điều đó cũng đúng đối với bất cứ ai, cho dù có phải là Người Băng hay không.
Mẹ và chị tôi hoàn toàn phải đối việc cưới xin. Con còn quá trẻ để cưới, họ nói. Con chẳng biết gì về hoàn cảnh của anh ta – ngay cả việc anh ta sinh ra lúc nào và ở đâu. Làm sao chúng ta trả lời họ hàng được. Rồi nữa, nghe này, anh ta là Người Băng, vậy nếu anh ta tan ra thì sao? Con không có vẻ hiểu được điều đó, nhưng khi con cưới, con phải có những trách nhiệm cụ thể. Làm sao Người Băng làm tốt nhiệm vụ của một người chồng được?
Thế nhưng, nỗi sợ của mẹ và chị tôi là vô căn cứ. Người Băng đâu phải làm từ băng. Anh chỉ lạnh như băng. Vậy nên nếu trời có nóng, anh cũng chẳng thể tan ra được. Anh lạnh thật, nhưng đó không phải là cái lạnh hút mất thân nhiệt người khác.
Vậy là chúng tôi cưới nhau. Không ai ăn mừng đám cưới. Không ai – bạn bè, họ hàng hay cả gia đình – vui với đám cưới này. Chúng tôi còn chẳng tổ chức tiệc. Người Băng cũng chẳng có giấy tờ gia đình gì cả, thế nên cũng chẳng cần đăng ký kết hôn. Hai chúng tôi đơn giản chỉ quyết định là chúng tôi cưới nhau. Chúng tôi mua một cái bánh nhỏ và ăn, chỉ hai chúng tôi. Đó là tiệc của chúng tôi. Chúng tôi thuê một căn hộ nhỏ, Người Băng nhận một công việc ở một kho thịt đông lạnh. Cái lạnh không làm anh khó chịu, dĩ nhiên, anh cũng chẳng mệt mỏi, dù làm việc nặng nhọc bao nhiêu. Anh cũng chẳng bao giờ ăn nhiều. Thế nên ông chủ chỗ anh thích anh, trả lương cho anh nhiều hơn hẳn những người cùng làm. Chúng tôi sống một cuộc sống lặng lẽ, chỉ hai chúng tôi, không làm phiền ai, không quấy rầy ai.
Khi chúng tôi làm tình, tôi luôn hình dung ra một tảng băng trơ trọi, im lìm nằm tách biệt đâu đó. Băng cứng, cứng nhất có thể cứng, tảng băng to nhất trên toàn thế giới này. Nó ở đâu đó rất xa, nhưng Người Băng biết nó nằm ở đâu. Điều anh làm là truyền đạt một ký ức về tảng băng đó. Những lần đầu, tôi luôn rất bối rối, nhưng tôi sớm quen với điều đó. Tôi trở nên thích điều đó mỗi anh giữ chặt tôi trong vòng tay. Như mọi khi, anh chẳng nói điều gì về mình, kể cả việc tại sao anh trở thành Người Băng, và tôi cũng chẳng hỏi. Hai chúng tôi chỉ đơn giản ôm lấy nhau trong bóng tôi, chia sẻ tảng băng khổng lồ ấy, trong đó, quá khứ của thế giới, hàng triệu năm, được gìn giữ cẩn thận.
Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi ổn. Chúng tôi yêu nhau, người ta để chúng tôi yên. Mọi người ban đầu khó khăn khi làm quen với Người Băng, nhưng một lúc sau, họ đã bắt đầu nói chuyện với anh. Người Băng chả khác gì người bình thường, họ kết luận. Nhưng từ trong sâu thẳm, tôi biết họ không chấp nhận anh, họ không chấp nhận tôi vì đã cưới anh. Chúng ta là những người khác hai người đó, họ kết luận. Khoảng trống giữa chúng tôi và họ sẽ không bao giờ được lấp đầy.
Chúng tôi cố gắng nhưng không thể có con. Có lẽ do sự khác biệt về gene giữa người và Người Băng khiến việc có con trở nên khó khăn. Không bận rộn vì có con, tôi có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Tôi dọn dẹp nhà cửa buổi sáng, nhưng sau đó chẳng còn việc gì để làm. Tôi không có bạn để nói chuyện hay đi chơi, tôi cũng không quen biết hàng xóm. Mẹ và chị tôi vẫn còn giận vì tôi cưới Người Băng và từ chối dính líu đến chúng tôi. Tôi là đứa con hư hỏng của gia đình mà mẹ và chị tôi lấy làm xấu hổ. Không có ai để trò chuyện, kể cả trên điện thoại. Khi Người Băng làm việc vào buổi sáng ở kho, tôi ở nhà một mình, đọc sách hoặc nghe nhạc. Dù sao tôi cũng thuộc loại người ru rú ở nhà nên không bận tâm lắm. Nhưng tôi vẫn còn trẻ và không thể chịu nổi cuộc sống đơn điệu mãi được. Buồn chán không làm tôi bận tâm bằng bóng ma của sự lặp đi lặp lại theo cái nhịp hàng ngày như vậy.
Thế là, một ngày tôi gợi ý với chồng đi một chuyến đâu đó để phá vỡ cái nhịp điệu buồn chán đó. Đi một chuyến? Người Băng hỏi, mắt anh mở to. Tại sao em lại muốn mình đi đâu đó? Em không hạnh phúc khi sống như thế này sao, chỉ có hai ta thôi?
Không, không phải thế, tôi trả lời. Em hoàn toàn hạnh phúc. Chúng ta sống với nhau rất ổn. Chỉ là em chán quá thôi. Em chỉ muốn đi đâu đó thật xa, ngắm những thứ em chưa từng thấy. trải nghiệm những điều mới mẻ. Anh hiểu ý em không? À, còn nữa, mình chưa bao giờ đi tuần trăng mật cả. Chúng ta có đủ tiền tiết kiệm, anh cũng có rất nhiều ngày phép, đủ để đi một chuyến nhàn nhã.
Người Băng thở một hơi sâu, gần như lạnh giá, rõ ràng làm kết tinh không khí, rồi đặt những ngón tay dài, phủ băng lên đùi. Được thôi, anh nói, nếu em thực sự muốn đi một chuyến như vậy, anh cũng chẳng thấy có gì là không nên. Anh không nghĩ du lịch hay ho đến thế, nhưng anh sẽ làm mọi thứ khiến em hạnh phúc, mình sẽ đi bất cứ đâu em muốn. Anh đã làm việc cật lực ở nhà kho, cũng nên nghỉ một thời gian. Đó không là vấn đề. Nhưng em muốn đi đâu?
Đi Nam Cực nhé? Tôi đề nghị. Tôi chọn Nam Cực vì chắc rằng Người Băng sẽ thích thú với nơi đó. Và, nói thật, tôi cũng muốn đến đó nữa. Để ngắm cực quang, ngắm chim cánh cụt. Tôi đã hình dung trong đầu cảnh tôi trùm kín trong áo parka, bên dưới cực quang, chơi đùa cùng lũ cánh cụt.
Người Băng nhìn thẳng vào mắt tôi, không chớp. Cái nhìn của anh như một mũi băng nhọn hoắt đâm xuyên vào não tôi. Anh him lặng một hồi, suy nghĩ, rồi nói, được thôi. Nếu em muốn đến Nam Cực thì mình sẽ đến. Em chắc đó là nơi em muốn đến chứ?
Tôi gật đầu.
Anh có thể nghỉ làm vài tuần, chồng tôi nói. Em nên chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng từ giờ. Thế là được với em chứ?
Tôi không thể đáp. Cái nhìn băng giá của anh đông cứng não tôi, khiến tôi không thể suy nghĩ.
Tuy thế, khi ngày qua, tôi lại thấy hối tiếc vì gợi ý chồng tôi đi một chuyến tới Nam Cực. Tôi không hiểu tại sao. Cứ như thể từ khi tôi thốt lên tiếng “Nam Cực”, anh đã thay đổi. Ánh mắt anh nhọn và lạnh lùng hơn bao giờ hết, hơi thở anh trắng hơn, ngón tay anh nhiều băng phủ hơn. Anh him lặng hơn trước, và cũng ngoan cố hơn. Và anh không còn ăn gì nữa, điều này làm tôi lo lắng nhất. Năm ngày trước khi khởi hành, tôi quyết định phải nói gì đó. Hay là đừng đi Nam Cực nữa anh, tôi nói. Lạnh lắm, và có khi cũng không tốt cho chúng ta. Có lẽ tốt hơn là đi một nơi thông thường - châu Âu, Tây Ban Nha hay chỗ nào đó chẳng hạn. Mình có thể uống rượu, ăn cơm paella, xem đấu bò. Nhưng chồng tôi phớt lờ. Anh nhìn xa xăm một hồi, rồi quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi. Cái nhìn của anh sâu đến nỗi khiến tôi có cảm giác cơ thể tôi sắp sửa tan biến. Không, chồng tôi – Người Băng nói thẳng, anh không thích Tây Ban Nha. Anh rất tiếc, nhưng nơi đó quá nóng và bụi bặm. Thức ăn lại quá cay nữa. Và anh đã mua vé tới Nam Cực, mua một cái áo lông và ủng viền lông cho em. Chúng ta không thể để phí được.
Nói thật với các bạn, tôi đã rất sợ. Nếu chúng tôi đến Nam Cực, tôi cảm thấy chắc chắn như một điều gì tồi tệ sẽ xảy đến với chúng tôi. Tôi có cùng một giấc mơ khủng khiếp đêm này qua đêm khác. Tôi đang đi đâu đó, đột nhiên bị rơi xuống một cái hố sâu. Không ai tìm ra tôi và tôi đóng thành đá. Tôi vẫn tỉnh táo nhưng không thể động đậy một ngón tay. Thật là một cảm giác lạ lùng. Với mỗi phút giây trôi qua, tôi lại càng trở thành một phần của quá khứ. Không có tương lai cho tôi, chỉ có quá khứ chất chồng. Mọi người đang nhìn vào điều đang diễn ra với tôi. Họ đang nhìn quá khứ, nhìn tôi trượt ra xa, ra xa hơn.
Rồi tôi tỉnh giấc và thấy Người Băng nằm cạnh mình. Anh không phát ra tiếng động nào khi ngủ cả, như thứ gì đó đóng băng và đã chết. Tuy thế, tôi yêu anh. Tôi bắt đầu khóc, nước mắt tôi ướt đẫm má anh. Anh tỉnh dậy và ôm tôi sát vào người. Em có một giấc mơ khủng khiếp, tôi nói với anh thế. Trong bóng tối, anh chậm rãi lắc đầu. Chỉ là một giấc mơ thôi mà, anh nói. Mộng mị đến từ quá khứ, không phải từ tương lai. Mộng mị không thể kiểm soát em, em mới là người nên kiểm soát mộng mị.
Anh đúng, tôi nói – Nhưng em không chắc lắm.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng lên máy bay đi Nam Cực. Tôi không thể tìm ra lý do để hủy chuyến bay. Phi công và tiếp viên trên máy bay chỉ nói vài lời trong cả chặng đường. Tôi hy vọng tận hưởng được cảnh vật khi bay, nhưng mây quá dày, tôi chẳng thể nhìn thấy gì. Tiếp đó, cửa sổ phủ dày một lớp băng. Toàn bộ thời gian trên máy bay, chồng tôi ngồi im lặng đọc một quyển sách. Tôi chẳng hề thấy niềm háo hức và vui tươi thường thấy khi bắt đầu một chuyến đi chơi gì cả, chỉ là cảm giác đang hoàn thành một điều chúng tôi buộc phải làm.
Khi đi xuống thang máy bay và đặt bước chân đầu tiên lên Nam Cực, tôi có thể cảm thấy toàn bộ cơ thể chồng tôi run lên. Điều này xảy ra thoáng trong chớp mắt, cử chỉ của anh không thay đổi tí nào, nên chẳng ai nhận thấy. Nhưng tôi không bỏ lỡ. Điều gì đó trong anh làm bật ra ở anh một cơn choáng váng nhanh nhưng rất mãnh liệt. Tôi nhìn mặt anh. Anh đứng đó, nhìn lên trời, rồi nhìn xuống bàn tay, rồi thở một hơi thật sâu. Anh nhìn sang tôi và mỉm cười. Vậy ra đây là nơi em muốn đến? anh hỏi. Đúng thế, tôi trả lời.
Tôi biết Nam Cực là một nơi trơ trọi, nhưng nó xem ra còn trơ trọi hơn tôi có thể tưởng tượng. Hầu như chẳng ai sống ở đây. Chỉ có một thị trấn nhỏ chẳng ra hình thù gì, với một khách sạn cũng chẳng ra hình thù gì. Nam Cực không phải là một nơi để du lịch. Chẳng có con chim cánh cụt nào, đó là chưa nói tới cực quang. Tôi cứ dừng những người đi đường lại, hỏi họ chim cánh cụt ở đâu, nhưng họ chỉ đơn thuần lắc đầu. Họ không hiểu tôi nói gì, thế là tôi vẽ hình chim cánh cụt ra giấy, nhưng điều tôi nhận được cũng chỉ là những phản hồi như cũ – một cái lắc đầu im lặng. Tôi cảm thấy cô đơn vô cùng. Bước ra ngoài thị trấn và tất cả những gì thấy được là băng giá. Không cây, không hoa, không sông hồ. Chẳng có gì ngoài băng giá – trong tầm mắt tôi chỉ là một hoang địa đóng băng.
Chồng tôi, mặt khác, với hơi thở trắng muốt, bàn tay giá lạnh và cái nhìn xa xăm trong đôi mắt lạnh lùng của anh đi hết chỗ này đến chỗ kia. Không lâu sau, anh học được ngôn ngữ của họ và nói chuyện được với dân địa phương bằng một giọng thô cứng, băng giá. Họ nói hàng giờ, sôi nổi, nhưng tôi chẳng có lấy một gợi ý về điều gì họ đang nói. Chồng tôi được chào đón ở mọi nơi. Có điều gì dường như mời gọi anh. Đầu tiên, tôi rất buồn, rồi sau đó có cảm giác như bị phản bội, bị bỏ rơi.
Thế nhưng cuối cùng, trong nỗi im lặng này, trong thế giới băng giá này, tất cả sức lực trong người tôi đều bị rút ra, từ từ từng ít một. Kể cả sức lực để làm tôi buồn. La bàn cảm xúc của tôi biến mất. Tôi mất cảm giác về phương hướng, về thời gian, về cái cảm giác tôi là ai. Tôi không biết nó bắt đầu khi nào, hay kết thúc khi nào. Trước khi nhận ra nó, tôi đã bị nhốt vào trong một mùa đông vô tận của thế giới băng giá đó, cô đơn, tê cóng. Ngay cả sau khi tôi mất hết cảm giác của mình, tôi vẫn biết rằng: Chồng tôi ở Nam Cực này không phải là người chồng mà tôi từng biết. Tôi không thể nói anh thay đổi ra sao một cách chính xác, vì anh lúc nào cũng chín chắn, lúc nào cũng nói với tôi những lời dịu dàng. Và tôi biết anh luôn nói những lời ấy một cách chân thành. Nhưng tôi cũng biết Người Băng trước mặt tôi đây không còn là Người Băng tôi gặp ở khu resort trượt tuyết ấy nữa. Nhưng tôi kể lể với ai đây? Toàn thể Nam Cực này thích anh ấy vô cùng, và người ta cũng chẳng thể hiểu tôi lấy một lời. Với hơi thở trắng muốt và những khuôn mặt giá lạnh, họ trò chuyện, cười đùa, và hát bằng thứ ngôn ngữ sinh động đặc biệt của họ. Tôi câm họng ngồi trong phòng khách sạn nhìn ra bầu trời xám xịt sẽ chẳng tươi sáng trong hàng tháng trời, vật lộn với thứ ngữ pháp phức tạp của ngôn ngữ Nam Cực, thứ mà tôi biết sẽ chẳng bao giờ tôi học nổi.
Không còn chiếc máy bay nào ở sân bay nữa. Sau khi chiếc máy bay đưa chúng tôi đến khởi hành đi, không còn chiếc nào đến nữa. Đến lúc này, đường băng đã bị chôn vùi dưới một lớp băng dày. Y như trái tim tôi vậy.
Mùa đông đến rồi, chồng tôi nói. Một mùa đông dài. Sẽ không có chiếc máy bay nào đến cả, cũng sẽ chẳng có tàu. Mọi thứ đóng thành băng cứng, anh nói. Tất cả những gì chúng ta làm được là chờ cho đến mùa xuân.
Đã ba tháng trôi qua từ lúc chúng tôi đến Nam Cực, tôi nhận ra mình mang thai. Và tôi biết một điều: đứa bé tôi sắp sửa cho ra đời sẽ là một Người Băng nhỏ. Tử cung tôi đã đóng băng lại rồi, một lớp băng mỏng nằm lẫn trong nước ối của tôi. Tôi cảm thấy cơn ớn lạnh đó rõ ràng bên trong bụng mình. Và tôi còn biết thêm một điều: đứa trẻ trong bụng tôi sẽ có cái nhìn lạnh giá, có những ngón tay đóng băng hệt như cha nó vậy. Và tôi còn biết thêm một điều: gia đình mới bé nhỏ của chúng tôi sẽ không bao giờ bước ra khỏi Nam Cực nữa. Cái khối lượng lớn lao của quá khứ vĩnh cửu đã tóm lấy chúng tôi và chẳng buông tha. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tự do.
Trái tim tôi sắp sửa tàn lụi rồi. Hơi ấm tôi từng có đã biến đi đâu thật xa. Đôi khi tôi quên mất rằng hơi ấm từng tồn tại. Tuy nhiên, tôi vẫn còn khóc được. Tôi hoàn toàn một mình, ở nơi lạnh nhất, trơ trọi nhất của thế giới. Khi tôi khóc, chồng tôi hôn lên má tôi, biến nước mắt thành băng. Anh gỡ những mảnh nước mắt ấy ra, đặt lên lưỡi. Em biết mà, anh yêu em, anh nói. Và tôi biết đó là sự thật. Người Băng thật sự yêu tôi. Nhưng ngọn gió thổi những ngôn từ đóng băng bay đi mãi vào trong quá khứ. Tôi khóc thêm nhiều lần nữa, những giọt lệ đóng băng tuôn ra không ngớt trong ngôi nhà nhỏ đóng băng của chúng tôi ở vùng Nam Cực xa xôi.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Tony Takitani


Tôi bắt đầu tìm kiếm phim được làm dựa trên tiểu thuyết của Haruki Murakami cách đây vài tháng và phát hiện ra có khá nhiều phim đã được dựng từ truyện của ông chứ không phải chỉ có cuốn "Rừng Nauy" đang được Trần Anh Hùng dựng. Nhưng "Rừng Nauy" là bộ phim đầu tiên dựng từ tiểu thuyết. Còn các phim còn lại đều dựng từ truyện ngắn.

Phim Tony Takitani do Jun Ichiwara, đạo diễn người Nhật dựng. Đó là thật sự là một bộ phim Nhật.

Khung hình phim đơn giản, camera ít quay, dường như hầu hết cảnh đều được quay bằng cách cho cameraman lướt từ bên trái sang bên phải màn hình. Xuyên suốt bộ phim là nhạc. Nhạc nền lúc nào cũng vang lên, chủ yếu là tiếng piano gõ từng nốt rời rạc.

Tiết tấu phim chậm rãi. Một người dẫn chuyện đi suốt phim. Cả bộ phim 75 phút là một câu chuyện. Thậm chí nhân vật cũng tham gia dẫn chuyện bằng lời nói của mình một cách trực tiếp.

Đột nhiên tôi có cảm giác, nếu tất cả tác phẩm của Haruki được dựng thành phim, phải chăng nó đều đơn điệu và lặp lại theo một motif chậm rãi, ánh sáng u tối, nhạc phim buồn buồn? Thế chẳng phải chán lắm sao?

Không, tôi nghĩ là sẽ có cách khác.

_______________

Khi một người cô đơn từ nhỏ như Tony Takitani thì sẽ không cảm nhận được rằng mình cô đơn.
Khi một người chợt vì một lý do nào đó nhận ra mình cô đơn như Tony Takitani thì sẽ tìm cách để hết cô đơn hay chết đi.
Khi một người đã không còn cô đơn như Tony Takitani thì sẽ luôn luôn lo sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ cô đơn trở lại. Đó là nỗi lo sợ ám ảnh.
Khi một người cô đơn trở lại như Tony Takitani thì chắc sẽ biến kí ức của mình thành những làn gió thổi đi trong sương mù.


Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Nước nhỏ giọt từ tán lá cao
Lá tre sắc cứa vầng trăng đẫm máu
Đêm oi nồng
Củi đậu đun hạt đậu.

Tháng tư vừa hoàn hồn
Con gà mái đẻ quả trứng non
Đêm đen kịt đen kịt
Màu phấn son.

Ve bắt đầu kêu ra rả
Mưa đầm
Oi ả
Rơm rạ
Bắt lửa
Cháy tàn.

___________

Chợt mê thét giữa sân
Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng
Máu đổ
Mây đùn
Gió lộng

Sớm mai đi

(Hoàng Cầm)


Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

Để được bay



Để được bay, bạn phải có một thứ gì nhấc mình lên.

Về bản chất, con người không thể nào bay. Cơ bắp của chúng ta quá yếu ớt. Con người không thể nào tự nâng mình lên bằng cánh tay của mình. Chúng ta phải viện đến những phương tiện khác để phục vụ cho giấc mơ ấy.

Giấc mơ được bay lên bầu trời xanh của con người là một giấc mơ đẹp và vĩ đại, đồng thời cũng chính là bi kịch của chính loài người. Con người đã thử hết mọi cách nhưng để rồi thất vọng nhận ra rằng: bay bằng chính sức mình là điều bất khả. Đó là bi kịch của Ἴκαρος.

"How to train your dragon" là một bộ phim đẹp, hình ảnh đẹp, hiệu ứng đẹp. Một bộ phim làm tôi nhớ đến giấc mơ vĩ đại kia: GIẤC MƠ BAY.

Xem Hiccup và Astrid bay cùng Toothless, tôi thấy tuyệt diệu quá. Nhạc nền là bài Romantic Flight của John Powell, thoạt tiên tôi nghe thấy âm hưởng nhạc Bắc Âu. Không hiểu sao nhạc Bắc Âu luôn làm tôi mê mẩn, nó làm tôi liên tưởng đến những đồng cỏ ngút ngàn, những đỉnh núi tuyết phủ, những ngôi nhà nho nhỏ của người Hobbits trong Chúa Nhẫn. Nó làm tôi nhớ đến những giấc mơ.

Ôi, con người chẳng thể nào vươn ra những đôi cánh như Rafael hay Gabriel. Con người hoặc là cưỡi rồng như Hiccup, hay trở thành Toruk Makto như Jake Sully, hoặc chế tạo ra thứ máy móc nâng mình lên trời như Orville và Wilbur Wright. Con người không thể nào gắn sáp vào lông chim và bay lên như Ἴκαρος được. Mặt trời sẽ thui đốt những giấc mơ.

Tôi luôn đặt trường hợp mình sống vào năm 1969, khi mà Neil Amstrong bước những bước chân đầu tiên trên Mặt trăng, và tự hỏi mình sẽ cảm thấy gì lúc đó. Hẳn là tôi sẽ cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên và hẳn môt cảm thức vĩ đại sẽ bao trùm lấy tôi. Cả ngàn năm rồi, con người mơ ước được chạm tay lên nền trời ấy, lên những vì tinh tú xa vời ấy, từ khi người Do Thái xây tháp Babel mong được với tới những tầng trời cao.

Nói chung, tôi thật khó khăn khi diễn đạt những cảm xúc của mình. Nhưng bộ phim hẳn phải rất hay, vì nó chạm được tới giấc mơ sâu kín và vĩ đại nhất của tôi và của cả nhân loại.

Nói chung, để được bay bạn phải có một con rồng.