Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Khoảng cách tới trăng

Trong 'Cosmicomics' (tiếng Ý: Le Cosmicomiche) của Italo Calvino
QH dịch (từ bản tiếng Anh của William Weaver)

Chú thích tí: Cosmicomics là một từ không có trong tiếng Anh, cũng như Cosmicomiche không có trong tiếng Ý mà là từ do Calvino tự chế ra, dĩ nhiên là ghép giữa cosmi (sing. cosmo) = vũ trụ, và comiche (sing. comica) = chuyện vui. Cosmicomics trong tiếng Anh do đó là một từ Latin được Anh hóa, và nó có nghĩa là chuyện vui vũ trụ = vũ trụ hí đàm  nếu để Hán Việt cho sang trọng.

Hầu hết các truyện ngắn trong bộ Vũ trụ hí đàm  đều được kể bởi một nhân vật có tên là Qfwfq (thích đọc thế nào là tùy bạn). Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện về một thời kỳ của vũ trụ, vũ trụ trong tưởng tượng của Calvino, dựa trên vũ trụ của Newton, của Einstein, của Gamow, của Hawking, nhưng không nhất thiết phải là vũ trụ của những người đó. Qfwfq sống qua tất cả những thời kỳ đó, dưới nhiều hình thái khác nhau, lúc thì là người chèo xuồng đi lấy sữa trăng, khi thì là con trùng amoeba bơi giữa đại dương thái cổ, có bận lại trở thành những sinh vật biển đang tiến hóa dần thành lưỡng cư để bò lên cạn. Qfwfq đã sống, đã chứng kiến hết thảy thăng trầm của vũ trụ, kiểu như ông ngư tiều đầu bạc của Dương Thận sống trên bãi bồi Trường Giang, đã quen nhìn trăng thu gió xuân, nhìn sóng cuốn hết anh hùng theo sóng theo nước. Ý tưởng về Qfwfq cũng tương tự như Saruta trong bộ Chim lửa của Tezuka, một nhân vật vì một lỗi lầm gây ra ở một thời điểm ở thế kỷ 26 mà cứ phải tái sinh lại làm người mãi, để kinh qua bao nhiêu khổ ải, bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu đau khổ, lúc thì là nhà khoa học cô đơn, mãi không tìm ra được cách nào để tái sinh loài người, lúc thì là tên cướp cùng đường ở thế kỷ 8, trở thành nhà sư mù cụt tay, vân vân...

Ô kê, mời đọc truyện.

_______________________

credit: © 2010 Caroline Jones McKay


Ngày xưa, theo lời ngài George H. Darwin kể lại, Mặt Trăng nằm rất gần với Trái Đất. Rồi dần dần thủy triều đẩy nàng ra xa: là ta đang nói tới những đợt thủy triều mà chính Trăng tạo nên trên mặt nước ở Trái Đất ấy, những đợt thủy triều làm Trái Đất mất dần mất dần năng lượng của mình.   

Ôi ta nhớ rõ lắm! – ông già Qfwfq kêu lên – mấy người thì không nhớ đâu, nhưng ta thì vẫn nhớ. Nàng ở trên đầu bọn ta suốt, ta đang nói nàng Trăng khổng lồ ấy: cứ tới kỳ nàng tròn thì ban đêm sáng như ban ngày, có điều là có màu như vàng bơ thôi – nhìn cứ như nàng sắp đâm vào bọn ta vậy; còn tới kỳ trăng non, nàng lại cuộn quanh bầu trời trông như một cái ô đen bị gió thổi bạt; rồi khi nàng tròn dần trở lại, nàng chìa hai chiếc sừng xuống thấp trông như muốn đụng vào mỏm đá chìa ra biển và mắc kẹt ở đó luôn. Nhưng ngày xưa các pha mặt trăng khác bây giờ lắm, vì khoảng cách từ Mặt Trời cũng khác, và quỹ đạo nữa, và mấy cái góc ghiếc giữa cái này với cái kia gì đó, thôi ta quên rồi. Vì Trái Đất và Mặt Trăng ở sát kề nhau, bọn ta có nhật thực mỗi phút, tự nhiên thôi, hai con quái khổng lồ đó cứ liên tục chen vào bóng của nhau, lần lượt hết cái này xong tới cái kia.

Quỹ đạo à? Ừ, dĩ nhiên là vẫn hình elip: có lúc Trăng lao đến gần bọn ta, có lúc nàng lại bay đi xa. Còn thủy triều, lúc Trăng tới gần, dâng cao tới nỗi không ai ngăn nó được. Có những đêm Trăng rất tròn và rất gần, gần lắm, khiến thủy triều dâng cao tới nỗi Trăng chỉ còn cách mặt biển độ chừng một sợi tóc: thôi được, ta cường điệu đấy, nhưng chỉ độ vài mét thôi. Thế nào, cònvụ trèo lên Mặt Trăng à? Dĩ nhiên bọn ta làm chuyện đó rồi chứ. Chỉ cần chèo một cái thuyền ra biển, tới dưới chân Trăng, rồi bắc một cái thang, trèo lên, vậy là tới.

Vị trí trên Trái Đất gần Trăng nhất là ngoài khơi mỏm đá Kẽm. Bọn ta từng bơi xuồng chèo ra đó, cái kiểu xuồng nhỏ nhỏ bọn ta có thời đó, tròn và dẹp, làm bằng gỗ bần. Xuồng chứa được vài đứa bọn ta, gồm có: ta, Thuyền trưởng Vhd Vhd, vợ Thuyền trưởng, cậu em họ bị điếc của ta, và đôi khi có cả bé Xlthlx nữa – lúc đó bé độ mười hai tuổi gì đó. Những đêm đó, mặt nước rất lặng, bàng bạc nhìn chẳng khác gì thủy ngân cả, và đàn cá thì bơi lội bên dưới, màu tím, chúng không cưỡng nổi sức hút của mặt trăng nên bị nổi hết lên gần mặt nước, cả bọn bạch tuộc và sứa cũng bị như vậy. Lúc nào cũng có những đàn sinh vật tí hon – cua nhỏ, mực nhỏ, có cả rong biển, mỏng tang nhẹ tênh, và san hô – bay lên khỏi mặt nước và dính vào Mặt Trăng, treo rủ xuống từ cái trần màu trắng như vôi, hoặc không thì lơ lửng giữa không trung, làm thành một đám lúc nhúc tỏa ra ánh lân quang, khiến bọn ta phải lấy lá chuối quạt sang một bên mới đi qua được.

Đây là cách bọn ta trèo lên Trăng đây: trên xuồng bọn ta có một cái thang: một người đứng vịn, người thứ hai trèo lên, và người thứ ba ngồi ở mái chèo, chèo tới khi nào bọn ta ở ngay bên dưới Trăng; đó là lý do vì sao bọn ta cần nhiều người như vậy (ta chỉ mới nói tới những nhân vật chính yếu thôi đấy). Người đứng trên thang, khi xuồng tiến tới gần Trăng, sẽ hốt hoảng la lên: “Dừng lại! Dừng lại! Tôi sắp đâm đầu vào Trăng rồi!” Đó là ấn tượng đầu tiên mình thấy khi nhìn vào Trăng, một khối khổng lồ, gồ ghề đầy gai nhọn và lởm chởm những răng cưa. Giờ có lẽ khác rồi, nhưng hồi xưa, Trăng, nói đúng hơn là phần dưới của Trăng, bụng Trăng, phần sượt ngang qua Trái Đất, là như vậy đấy, phủ bằng một lớp vỏ đầy vảy nhọn. Trông nó giống như bụng cá vậy, mùi cũng vậy nữa, ta mang máng nhớ thế, không phải ta bảo chính xác là mùi cá đâu, mà thoang thoảng giống thôi, tựa như mùi cá hồi hun khói vậy.

Từ đỉnh cái thang, đứng thẳng lên trên nấc cuối cùng, mình có thể chạm được vào trăng nếu mình vươn dài tay ra. Bọn ta đã đo đạc cẩn thận (lúc đó, bọn ta chẳng mảy may ngờ rằng nàng Trăng mỗi ngày một rời xa hơn); điều duy nhất mình phải lưu ý là chỗ đặt tay khi với lên chạm vào Mặt Trăng. Ta luôn chọn mảnh vảy nào trông chắc chắn (bọn ta trèo lên thường theo nhóm năm hay sáu người một lúc), rồi ta bám một tay lấy, rồi bám luôn tay kia, và ngay tức thì ta sẽ cảm thấy cái thang và cái xuồng bỗng chốc rời xa bên dưới ta, và chuyển động của Trăng sẽ kéo ta ra khỏi lực hút của Trái Đất. Ừ, vậy đấy, Trăng mạnh lắm, Trăng kéo được cả mình lên; mình sẽ nhận ra điều này ngay khi mình chuyển từ lực hút của Trái Đất sang lực hút của Trăng: rằng mình phải nhảy lên lộn nhào một cái thật đột ngột, nắm chắc lấy cái vảy, giơ chân lên đằng đầu, cho tới khi chân ta đứng trên bề mặt Trăng. Nhìn từ Trái Đất, mình trông giống như mình bị treo ngược đầu lên vậy, nhưng với mình thì trông vẫn rất bình thường, điều lạ duy nhất với mình sẽ là khi mình ngước đầu nhìn trời, mình trông thấy biển bên trên, sáng lóng lánh, có chiếc xuồng và những người kia lộn ngược, nhìn giống như những chùm nho trên giàn vậy.
Cậu em họ ta là anh chàng điếc ấy, tỏ ra rất có năng khiếu trong việc lộn mèo này. Đôi tay vụng về của chú ấy, cứ tới khi chạm lên bề mặt Trăng (chú này luôn là người đầu tiên nhảy ra khỏi thang) là đột ngột trở nên thật khéo léo và nhạy cảm. Đôi tay này ngay lập tức tìm ra vị trí để anh chàng có thể kéo mình lên; nói cho đúng thì chỉ cần lực ép từ lòng bàn tay là cậu em ta có thể dính lên bề mặt của cái vệ tinh này rồi. Một lần, ta còn trộm nghĩ hình như Trăng bay về phía cậu em, khi chú ta giơ tay lên.

Chú cũng điệu nghệ y như vậy lúc trở xuống Trái Đất, dù thao tác lần này khó hơn. Đối với bọn ta, quá trình đi trở xuống bao gồm nhảy lên, càng cao càng tốt, tay giơ thật cao (nhìn từ Mặt Trăng thì như vậy nha, chứ nhìn từ Đất thì thấy bọn ta giống như đang lặn, hay là giống như đang bơi xuống, hai tay hai bên), nói cách khác là giống như nhảy lên ở trên mặt Đất vậy, có điều giờ không còn thang nữa, vì trên Trăng không có chỗ nào để kê thang cả. Nhưng thay vì nhảy giơ tay, cậu em họ gập người, cúi đầu xuống như thể sắp lộn nhào, rồi nhảy một phát, đẩy hai tay ra. Từ dưới xuồng, bọn ta quan sát cậu đứng thẳng giữa không trung giống như đang đỡ lấy quả cầu Trăng khổng lồ rồi bất thình lình dùng lòng bàn tay đẩy nó đi; rồi khi chân cậu em đến vừa tầm với, bọn ta sẽ cố túm lấy mắt cá và kéo xuống thuyền.

Rồi, giờ các người hỏi ta lên trên Mặt Trăng làm cái thứ gì phải không; để ta trả lời luôn. Bọn ta đi lấy sữa, bằng một cái muỗng lớn với một cái xô. Sữa Trăng rất đặc, giống kiểu phô mai mềm đó. Sữa được tạo ra ở các khe giữa hai vảy Trăng, bằng quá trình lên men của các sinh vật và khoáng chất có nguồn gốc Trái Đất, đã bay lên Mặt Trăng từ những thảo nguyên và rừng rậm mỗi khi Trăng lướt ngang những vùng này. Sữa Trăng phần lớn gồm nước ép cây cỏ, nòng nọc, hắc ín, đậu lăng, mật ong, tinh thể tinh bột, trứng cá tầm, mốc, phấn hoa, chất gelatin, giun, nhựa cây, tiêu, muối khoáng, bã của quá trình đốt. Mình chỉ cần đút muỗng xuống dưới lớp vảy phủ trên bề mặt Trăng, rồi mình múc lên đầy một muỗng cái chất quý giá đó. Dĩ nhiên sữa Trăng này không phải là loại tinh khiết rồi, còn nhiều tạp chất trong đó lắm. Trong quá trình lên men (diễn ra lúc Trăng bay ngang vùng sa mạc tỏa ra hơi nóng), không phải tất cả thành phần đều chảy ra; vẫn còn có thứ nằm kẹt lại trong cái hỗn hợp sữa như là: móng tay, sụn, bu lông, cá ngựa, quả hạch và cuống hoa, mảnh sành, móc câu, có lúc có cả lược nữa. Vì thế cái chất sữa này, sau khi thu về phải đem lọc tinh lại. Nhưng việc này không khó, cái khó nằm ở chỗ làm sao chuyển sữa về mặt Đất. Đây là cách bọn ta đã làm: bọn ta hất từng muỗng sữa lên trời bằng hai tay, dùng muỗng làm đòn bẩy. Cái chất sữa đặc như phô mai bay lên, nếu bọn ta ném đủ mạnh nó sẽ dính lên trên trần, nghĩa là dính lên mặt biển Trái Đất. Một khi rơi xuống biển rồi, chúng sẽ nổi lềnh bềnh, bọn ta chỉ việc kéo lên xuồng thôi. Cậu em điếc cũng rất có năng khiếu trong việc này; chú có lực tay mạnh, mà nhắm cũng tốt nữa; chỉ cần một cú ném mạnh, chú có thể hất miếng phô mai vào thẳng trong cái xô bọn ta đang giơ lên. Ta thì hay ném hụt; muỗng sữa không thắng được lực hút của Trăng và rơi thẳng lại xuống mặt ta.

Ta chưa kể hết cho mấy người rằng cậu em họ của ta còn giỏi những gì nữa đâu. Cái công việc múc sữa từ vảy Trăng ấy chỉ là trò trẻ con với chú ấy: đôi khi thay vì phải dùng muỗng, chú chỉ cần thọc tay xuống dưới lớp vảy, có lúc chỉ cần một ngón tay là đủ. Chú ấy không làm theo trật tự gì cả, mà cứ hay đi ra chỗ vắng, nhảy tới nhảy lui, như thể là đang trêu ghẹo Trăng, làm Trăng giật mình, hoặc có lẽ là cù cho nàng bật cười. Và bất kể nơi nào chú ấy đặt tay xuống là sữa lại vọt ra như là vắt từ vú dê vậy đấy. Thế là đám còn lại bọn ta chỉ việc lò dò đi theo và lấy muỗng múc hết sữa chú em vừa vắt ra, lúc thì chỗ này, lúc thì chỗ kia, nhưng rất hên xui may rủi, vì anh chàng Điếc này đúng là làm việc chẳng có theo trật tự gì cả. Ví dụ như là, có chỗ thì chú ây sờ vào hoàn toàn chỉ để sờ cho vui vậy thôi: là những khoảng hở giữa hai cái vảy Trăng, là những nếp gấp trần trụi và mềm mại của da thịt Trăng. Đôi khi cậu em họ ta không chỉ ấn ngón tay xuống, mà còn nhảy nhót rất nhẹ nhàng đúng mực rồi ấn ngón chân to của mình vào da thịt Trăng (chú ấy đi chân không lên mặt Trăng mà). Có vẻ như đây là trò vui nhất của chú ấy, nếu như bọn ta có thể đánh giá thông qua cái âm thanh líu lo vang ra từ cổ họng của chú khi tiếp tục nhảy nhót qua lại. 

Bề mặt của Trăng không chỉ phủ đều vảy, mà còn phô ra đôi chỗ có đất trơn và nhạt màu. Cậu em Điếc rất thích lộn nhào ở những chỗ đất mềm này, hoặc là thích bay lên như chim, cứ như là chú ấy muốn ấn hết cả cơ thể mình ngập vào phần thịt da mềm mại của Trăng. Khi cậu em lang thang ngày một xa, tới một lúc bọn ta không còn trông thấy chú ấy nữa. Trên mặt Trăng có nhiều khu vực rộng lớn mà bọn ta chưa từng có bất kỳ lý do hay mảy may tò mò nào để mà lần ra đấy, và đó chính là nơi cậu em ta biến mất. Ta ngờ ngợ rằng phải chăng những cú lộn nhào với huých đẩy diễn ra trước mắt bọn ta chỉ là để che mắt, là phần dạo đầu để cho âm mưu bí mật của chú muốn đi xa tới những phần còn ẩn dấu kia.

Bọn ta đã ở trong một tâm trạng rất đặc biệt vào những đêm rời khỏi mỏm đá Kẽm: vui vẻ, phấn khích nhưng đượm một chút hồi hộp, giống như ở trong hộp sọ của mình, thay vì não, bọn ta cảm thấy có một con cá, lơ lửng, bị Trăng nhè nhẹ hút lên. Bọn ta lái xuồng, đùa giỡn và ca hát. Vợ của Thuyền trưởng chơi chiếc đàn harp; nàng có đôi tay rất dài, óng ánh bạc như những con lươn dưới biển những đêm đấy, với khe nách phần cuối cánh tay ẩn trong bóng tối và huyền hoặc như bầy nhím biển; và tiếng đàn harp thì ngọt ngào và xuyên thấu lòng, ngọt và nhọn tới nỗi gần như khôn kham, và bọn ta buộc phải thốt lên lời cảm thán, không phải để hòa cùng âm nhạc mà chính là để bảo vệ lấy đôi tai của mình. 

Những con sứa trong suốt nhô lên khỏi mặt biển, co đập một khoảnh khắc, rồi bay về phía Trăng. Bé Xlthlx thích thú thò tay ra cố tóm lấy chúng giữa không trung. Có lúc bé vươn cánh tay nhỏ lên để bắt một con sứa, bé nhảy nhẹ lên và thế là bị Trăng hút rồi bay lơ lửng. Bé nhẹ quá, còn thiếu mấy chục gram trọng lượng nữa để Trái đất có thể thắng được lực hút của Trăng, thế là bé lơ lửng giữa trời cùng với bầy sứa, bồng bềnh trên mặt biển. Bé hoảng sợ, thét lên, rồi sau đó cười nắc nẻ và bắt đầu đùa giỡn, tóm lấy mấy con sò và cá con cũng đang lơ lửng, cho vào miệng và nhai. Bọn ta chèo cật lực để đuổi theo bé: Trăng vẫn chạy theo quỹ đạo elip của mình, cuốn đi theo bầy sinh vật biển, gồm cả những dải rong biến quấn lấy vào nhau và Xlthlx bập bềnh ở giữa. Hai bím tóc mỏng của bé như đang tự ý bay lượn, vươn về phía mặt Trăng; nhưng sau một hồi, bé vùng vẫy và đá vào không khí như muốn chống lại sức hút đó, giày của bé đã tuột khỏi chân trong khi bay, giờ thì đôi tất cũng trượt ra và đu đưa, vì bị Trái đất hút. Ở trên thang, bọn ta cố đưa tay tóm lấy.

Ý tưởng tóm lấy bầy sinh vật nhỏ mà ăn đúng là hay, càng ăn thì Xlthlx càng nặng và càng chìm xuống Trái đất; đúng ra mà nói thì trong bầy sinh vật lửng lơ đó, những con thân mềm, rong biển và phù du to nhất bắt đầu bị hấp dẫn hút về xung quanh bé, và một lúc sau bé đã phủ đầy vỏ sò silic, giáp tôm kitin, và rong biển sợi. Bé càng bị phủ thì càng thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trăng và bắt đầu sượt qua làn nước biển và chìm xuống.

Bọn ta chèo nhanh tới để kéo bé lên, người bé vẫn còn rất hút, bọn ta phải vất vả lắm mới gỡ hết đám sinh vật ra vây lấy bé. Những nhánh san hô mềm vướng vào tóc bé, và mỗi lần bọn ta chải tóc là hàng đống tôm với cá mòi ủa ra. Mi mắt bé bị mấy con sao sao bu vào kéo xuống, xúc tu mực thì quấn lấy tay và cổ, áo đầm thì trông như dệt bằng rong và bọt biển. Bọn ta gỡ gần hết mọi thứ ra, nhưng trong nhiều tuần sau, lâu lâu bé lại rút ra từ đâu đó khi thi cái vảy cá, khi thì miếng vỏ sò, còn da bé thì lấm chấm những tảo cát, ai mà nhìn không kỹ thì cứ tưởng chỉ là tàn nhang trên mặt bé mà thôi.

Nói như vậy chắc mấy người đủ thấy Trái đất và Trăng hút lẫn nhau như thế nào, hai lực hầu như ngang bằng, đánh nhau ở cái khoảng không ở giữa. Để ta nói thêm với mấy người cái này nữa: một vật từ Trăng hạ xuống Trái đất cũng bị lực Trăng hút một lúc, chống lại cái hấp dẫn của mặt đất. Ngay cả ta, to và nặng thế này, lần nào ta từ trên đó xuống, ta cũng phải mất một lúc để quen với bên trên bên dưới của Trái đất, còn những người kia thì phải nắm lấy tay ta, giữ lấy ta mà kéo trên chiếc xuồng bập bềnh theo sóng trong khi đầu ta vẫn lơ lửng còn chân ta vẫn duỗi thẳng lên trời.

"Nắm lấy này! Nắm lấy chúng tôi!", họ la lên như vậy, và trong lúc dò dẫm, đôi lần tay ta nắm phải bầu ngực của vợ thuyền trưởng Vhd Vhd, bầu ngực tròn và chắc, dễ chụp lấy và có một lực hấp dẫn cũng mạnh như Trăng, có khi còn mạnh hơn, đặc biệt là khi ta cố lao xuống, vòng tay ôm lấy eo của nàng, và như thế ta trượt trở lại Trái đất, ngã rầm xuống lòng xuồng, với Thuyền trưởng Vhd Vhd kéo ta dậy và dội một xô nước vào mặt ta.

Đây chính là bắt đầu câu chuyện tình của ta với vợ thuyền trưởng Vhd Vhd và cũng là bắt đầu cho niềm đau khổ của ta. Vì không lâu sau ta nhận ra người mà nàng luôn nhìn đắm đuối chính là cậu em họ Điếc, mỗi khi bàn tay của cậu em ghì chặt lấy Trăng là ta lại lén nhìn nàng, và trong đôi mắt nàng ta đọc được rằng tình cảm thân thiết giữa chàng Điếc và Trăng khiến nàng bị khuấy động ra sao; và khi chú ấy biến mất sau những chuyến thám hiểm Trăng của mình, ta thấy nàng bồn chồn không yên, như đang ngồi trên lửa nóng, và rồi tất cả chợt hiện rõ lên với ta, nàng Vhd Vhd đang ghen với Trăng còn ta thì ghen với cậu em họ của mình. Mắt nàng làm bằng kim cương, nàng Vhd Vhd ấy; đôi mắt rực sáng lên khi nàng nhìn Trăng, gần như thách thức, như thể nàng muốn nói: "Trăng, người không thể có chàng cho riêng mình được!". Và ta cảm thấy như ta là một người ngoài cuộc.

Người chẳng hề biết chút gì về tất cả chuyện này chính là cậu em họ Điếc. Khi bọn ta kéo chú ấy xuống - như ta đã kể ở trên - bằng cách nắm lấy chân mà kéo, nàng Vhd Vhd mất hết cả tự chủ, nàng làm mọi cách để kéo hết sức chú ấy bằng sức nặng của mình, quấn lấy đôi tay dài của nàng quanh chú em; ta cảm thấy một cơn nhói đau trong ngực (khi ta nắm lấy nàng, cơ thể nàng mềm mại và êm dịu, chứ không căng lên và mạnh mẽ như khi nàng kéo cậu em. Trong khi đó, cậu Điếc vẫn cứ lãnh đạm, ngập chìm niềm hạnh phúc với Trăng của mình.

Ta nhìn sang Thuyền trưởng, tự hỏi không biết ông có thấy gì qua cử chỉ của vợ mình, nhưng không bao giờ có chút xúc cảm nào biểu lộ ra trên mặt ông, khuôn mặt bị muối ăn mòn, hằn những nếp nhăn như hắc ín. Vì cậu Điếc luôn là người cuối cùng xuống khỏi trăng, xuồng luôn bắt đầu nhổ neo khi chú ấy chạm đất. Rồi với một cử chỉ lịch thiệp, thuyền trưởng Vhd Vhd nhặt lấy chiếc đàn harp ở lòng xuồng, đưa cho vợ mình. Nàng buộc phải nhận và chơi một vài nốt. Không gì chia cắt nàng khỏi cậu Điếc bằng âm thanh chiếc đàn. Ta âm ư hát bằng giọng thấp một bài hát buồn như thế này: 

"Này đàn cá óng ánh đang trôi, đang trôi;
Và này đàn cá thẫm chìm ở đáy, chìm ở đáy đại dương..."

Tất cả mọi người, trừ cậu em Điếc, đều hát theo từng chữ của ta.

Bình thường, lúc chưa tới kỳ Trăng cậu Điếc lại về làm con người cô độc tách rời khỏi thế giới; chỉ khi Trăng sắp sửa tròn là chú em ta mới trở nên hăng hái khác lạ. Lần đó ta đã sắp xếp mọi thứ để sao cho không phải tới lượt mình phải trèo lên Trăng, để ta được ở trên xuồng cùng với vợ Thuyền trưởng. Nhưng rồi, tới khi cậu em trèo lên thang, nàng Vhd Vhd nói: "Lần này em cũng muốn trèo lên Trăng!".

Điều này chưa bao giờ xảy ra; vợ Thuyền trưởng chưa từng đặt chân lên mặt Trăng. Nhưng Thuyền trưởng Vhd Vhd không phản đối, ông còn đẩy nàng lên thang và kêu lên: "Vậy thì đi đi!", rồi bọn ta cùng giúp đưa nàng lên. Ta đỡ nàng từ phía sau, cảm thấy sự tròn trịa và mềm mại của nàng trên cánh tay ta, và để đưa nàng lên, ta bắt đầu áp mặt mình và lòng bàn tay mình lên nàng, rồi khi ta cảm thấy nàng bắt đầu bay lên mặt Trăng, ta chợt u sầu vô cùng ngay giây phút ta không còn chạm vào nàng nữa, thế là ta đuổi theo nàng, và la lên: "Tôi cũng sẽ đi lên đó phụ mọi người một lúc!"

Nhưng ta bỗng bị Thuyền trưởng giữ lại, hệt như ông cố dùng một cái kẹp để níu lấy ta. "Cậu ở lại đây; cậu còn việc phải làm", Thuyền trưởng ra lệnh, giọng ông bình thản.

Ngay lúc đó, ý định của từng người đã hiển hiện rõ ràng. Thế mà ta lại không hiểu ra; ngay cả bây giờ ta cũng không chắc liệu ta có hiểu rõ ràng hay không nữa. Chắc chắn vợ Thuyền trưởng đã từ lâu nung nấu ý định muốn cùng đi với cậu em ta tới một chốn riêng tư chỉ có hai người (hay ít nhất ngăn không cho cậu chạy trốn một mình với Trăng), nhưng có lẽ nàng còn một kế hoạch táo tợn hơn, đó là thuyết phục cậu em đồng ý, để mà hai người họ cùng trốn đi, không về xuồng và trú lại ở trên Trăng trong vòng một tháng, cho tới kỳ trăng tiếp theo. Nhưng có lẽ cậu em ta, vì điếc nên không hiểu những gì nàng cố gắng nói với chú, hoặc có lẽ chú ấy còn chưa nhận ra rằng mình chính là đối tượng thèm khát của nàng. Còn Thuyền trưởng? Ông chẳng muốn gì hơn việc tống khứ được vợ mình đi; đúng ra, ngay khi nàng đã yên vị ở trên Trăng, ông mới hiện ra mặt ý định độc ác của mình, và rồi bọn ta hiểu ra tại sao ông chẳng hề làm gì để giữ nàng ở lại. Nhưng ông có biết rằng quỹ đạo của Trăng đang ngày một nới rộng ra hay không?
Chẳng ai có thể ngờ chuyện ấy lại xảy ra. Cậu Điếc thì có lẽ, nhưng chỉ mình cậu ấy thôi: chắc bằng cái nhận thức mù mờ của mình, chú em ta đã có một dự cảm mơ hồ rằng chú sẽ phải nói lời vĩnh biệt với Trăng chính vào đêm ấy. Vì thế mà chú trốn biệt vào cái góc bí mật của mình, ở lì trong đó với Trăng cho tới tận lúc sắp sửa về thuyền với xuất hiện trở lại. Vợ Thuyền trưởng chẳng có cách nào tìm ra chú: bọn ta thấy nàng chạy đôn chạy đáo khắp nơi trên cái bề mặt đầy vảy của Trăng, bất thần dừng lại, nhìn về phía bọn ta như hỏi có thấy chàng Điếc về thuyền chưa.

Nghĩ lại mà nói, đêm ấy quả là có phần kỳ lạ. Mặt biển thay vì căng ra như chão mỗi đêm Trăng tròn, có khi thành một vòng cung hướng về phía bầu trời, nay lại ủ rũ, chùng xuống, cứ như lực hút của Trăng không còn chút sức nào nữa. Còn ánh Trăng nữa, không còn giống như ánh Trăng tròn mọi khi; bóng đêm hôm ấy như đậm đặc hơn. Những người lên mặt Trăng hôm ấy chắc cũng nhận ra là có chuyện gì đó không bình thường đang diễn ra. Họ ngước nhìn lên phía bọn ta đang ở dưới mặt đất với ánh mắt kinh hãi. Rồi từ miệng của họ lẫn của chúng ta, vang lên cùng một lúc tiếng la thất thanh: "Trăng đang trôi ra xa!"

Tiếng kêu vẫn còn vang vọng khi cậu Điếc đột ngột xuất hiện và chạy. Cậu trông không có vẻ gì hoảng sợ, hay ngạc nhiên: cậu chống hai tay xuống đất, lộn nhào một cái như thường làm, nhưng lần này khi cậu bắn lên không trung, cậu đột ngột bị giữ khựng lại như bé Xlthlx lần trước. Cậu lơ lửng giữa trời trong một khoảnh khắc, rồi huơ tay cật lực, như một người đang cố bơi ngược nước, cậu dần tiến về phía trái đất bằng một tốc độ chậm chạp chưa từng thấy trước đây.

Từ phía Trăng, các thủy thủ khác vội vã làm theo cậu Điếc. Không ai nán lại vớt vát chút sữa Trăng nào để mang về xuồng, mà Thuyền trưởng cũng không la rầy ai vì điều này cả. Họ đã chần chừ hơi lâu, khoảng cách giờ đây trở nên khó mà vượt qua hơn; họ bắt chước cách nhảy và cách bơi của cậu Điếc, nhưng đều bị giữ lại, dò dẫm trên không trung. "Nắm lấy nhau! Khờ quá! Bám lấy nhau mà nắm!", Thuyền trưởng la lên. Nghe thấy lệnh, các thủy thủ cố tạo thành một khối, để đẩy lẫn nhau cho tới khi họ rơi vào vùng hấp dẫn của trái đất: bất thình lình, cả khối cơ thể rơi xuống mặt biển vang lên một tiếng ùm to.

Bọn ta phải chèo xuồng ra để vớt họ lên. "Chờ đã! Còn thiếu vợ Thuyền trưởng!", ta kêu lên. Vợ Thuyền trưởng cũng đã cố nhảy lên, nhưng nàng vẫn còn đang trôi lơ lửng cách mặt Trăng vài mét, chầm chậm huơ đôi tay dài lấp lánh bạc của nàng trong không trung. Ta trèo lên thang, cố gắng trong vô vọng đưa cho nàng đàn harp để nắm. "Tôi không với tới cô ấy! Chúng ta phải chèo về phía cô ấy!" và ta bắt đầu nhảy lên, khua khua cái đàn. Trên đầu ta, cái đĩa mặt Trăng không còn như cũ nữa: nó đã nhỏ hơn nhiều và vẫn tiếp tục nhỏ lại, như thể ánh nhìn của ta khiến cho nó trôi ngày một xa, còn bầu trời ngày càng mở rộng ra như khe vực thẳm, để lộ ra dưới đáy vô vàn vì sao, và đêm tối khiến ta ngập tràn trong hư vô, nhấn chìm ta trong cơn choáng váng và hoảng loạn.

"Mình sợ," ta nghĩ, "mình sợ quá không thể nhảy được. Mình là đứa hèn!" và ngay lúc đó, ta nhảy lên. Ta bơi dữ dội trên nền trời, đưa chiếc đàn về phía nàng, và thay vì tiến về phía ta, nàng cứ lộn nhào, lộn nhào, làm ta đầu tiên trông thấy khuôn mặt điềm tĩnh của, rồi sau đó là tấm lưng nàng. 

"Nắm chặt lấy tôi!", ta la lớn, và ta đã bám lấy được nàng, quấn tay chân ta vào tay chân nàng. "Nếu chúng ta giữ chặt lấy nhau thế này, chúng ta sẽ xuống được!" và ta tập trung hết sức lực để khiến ta với nàng thành một khối, ta cũng tập trung hết cảm giác của mình để tận hưởng cái ôm thật chặt này. Quá đắm chìm trong cảm giác của mình, ta không nhận ra rằng thật ra ta đã kéo nàng ra khỏi trạng trái không trọng lượng, để rồi khiến nàng rơi ngược trở lại Trăng. Ta chẳng nhận ra ư? Hay đó chẳng qua chính là ý định của ta ngay từ ban đầu? Trước khi ta kịp suy nghĩ cho thấu đáo, một tiếng kêu đã dâng lên tới cổ họng ta. "Tôi sẽ là người ở với em trong một tháng!", à mà không đúng, "Bên em!", ta la lên, trong niềm háo hức: "Tôi sẽ ở bên em trong một tháng!" và đúng ngay lúc đó, ta và nàng bị dứt ra khỏi nhau khi cả hai cùng rơi ầm xuống Trăng, chúng ta lăn về hai ngả trên những chiếc vảy Trăng lạnh lẽo.

Ta ngẩng đầu lên như một thói quen mỗi khi ta chạm bề mặt Trăng, để nhìn cho chắc là trên đầu ta vẫn là mặt biển quen thuộc trải rộng ra như một cái trần nhà mênh mông vô hạn, và ta lại nhìn thấy biển, thật vậy, vẫn là biển, nhưng cao hơn nhiều và hẹp hơn nhiều, bị những bờ những bãi, những doi những vịnh, những vách đá bao lấy chung quanh, và những chiếc xuồng của chúng ta nữa, nhỏ làm sao, những khuôn mặt bạn bè ta mới xa lạ làm sao, tiếng kêu la của họ mới yếu ớt làm sao. Ta nghe một tiếng động ở gần mình: Nàng Vhd Vhd đã tìm ra chiếc đàn harp của nàng và đang mân mê nó, rồi kéo một tiếng tơ nghe não nùng như tiếng khóc. 

Một tháng dài bắt đầu. Trăng chầm chậm dịch chuyển quanh quả Đất. Chúng ta không còn nhìn thấy bờ biển quen thuộc của mình nữa, mà giờ là những dặm dài đại dương xa xôi, sâu thẳm như vực và những hoang mạc đầy những đá vụn lấp lánh, những lục địa phủ băng, những rừng rậm oằn mình dưới bầy bò sát, những rặng núi bị dòng sông chảy siết xẻ ngang, những thành thị lầy lội, những nghĩa địa đầy mộ đá, và những đế chế xây bằng đất sét và bùn. Khoảng cách vời vợi phủ một màu đơn điệu lên tất cả mọi thứ: cảnh tượng xa lạ khiến mọi hình ảnh đều xa lạ; tất cả đều trông như nhau, những đàn voi và những đàn châu chấu chạy khắp các bình nguyên, mênh mông, dày đặc, và rậm rạp một cách đều tăm tắp, y hệt như nhau.

Ta phải nên vui mới đúng: giờ thì như ta hằng mơ, ta đã được ở một mình bên nàng, ở thật gần theo đúng cái kiểu cậu em Điếc thân thiết với Trăng khiến ta luôn ghen tị, và nàng Vhd Vhd giờ là của riêng ta, những ngày những đêm ròng một tháng trời trôi qua không gì gián đoạn, vỏ Trăng nuôi sống chúng ta bằng thứ sữa Trăng có cái vị chua chua mà ta ăn đã quen, chúng ta ngước mắt nhìn lên, nhìn lên cái hành tinh mà chúng ta đã sinh ra, chúng ta đã được trông thấy tất cả mọi miền đất, được nhìn hết những phong cảnh chưa một người Trái Đất nào được chứng kiến qua, nếu không thì chúng ta cũng đã ngắm những vì sao xa hơn Trăng, to như quả mọng, làm bằng ánh sáng, lơ lửng trên cành cong của bầu trời, tất cả mọi thứ đều vượt quá những hy vọng, những mơ tưởng hão huyền nhất của ta ngày trước, thế nhưng, thế nhưng, hoàn cảnh này, đối với ta giờ đây thực chẳng khác nào một cuộc đày ải, một hình phạt tha hương.

Ta chỉ nghĩ về Trái Đất. Chính Trái Đất đã khiến chúng ta trở thành chúng ta như ngày hôm nay; ở trên này, cách Trái Đất vời vợi, cứ như mọi thứ đổi khác, ta không còn là ta, nàng cũng không còn là nàng. Ta chỉ mong mỏi vô cùng được trở về Trái Đất, và ta run rẩy mỗi khi nghĩ tới việc phải rời ra nó mãi mãi. Giấc mơ tình yêu của ta đã thỏa mãn ngay cái khoảnh khắc chúng ta ôm lấy nhau ở giữa Đất và Trăng; bị tách rời khỏi đất, ta giờ chỉ còn biết tới nỗi nhớ nhà quặn thắt lấy tim, nỗi nhớ man mác về cái nơi chốn, cái bắt đầu, cái kết thúc không còn nữa.

Đây là những điều ta cảm thấy. Còn nàng? Khi ta tự hỏi mình điều đó, nỗi sợ như xé ta rách làm đôi. Bởi vì nếu nàng cũng chỉ nghĩ về Trái Đất, đó là một điềm tốt với ta, nó cho thấy nàng cuối cùng cũng đã hiểu ta, nhưng cũng có thể tất cả mọi thứ đều là công cốc, vì những nỗi nhớ của nàng đều vẫn và chỉ hướng về cậu em Điếc. Thay vì thế, nàng chẳng cảm thấy gì cả. Nàng chẳng bao giờ ngước mắt nhìn lên hành tinh cũ, nàng cứ thơ thẩn, trông tái nhợt, loanh quanh những vùng đất trống, lầm bầm những bài ca buồn, và gảy chiếc đàn của mình, như thể muốn tạm thời (ta nghĩ thế) hoàn toàn làm quen với tình cảnh lúc này của mình. Thế có phải là ta đã thắng tình địch của mình không? Không; ta đã thua: một thất bại vô vọng. Vì nàng đã nhận ra rằng cậu em ta chỉ yêu mỗi Trăng, điều duy nhất nàng muốn bây giờ là trở thành Trăng, được hòa làm một với Trăng, với thứ tình yêu kỳ lạ của cậu em ta.

Khi Trăng đã đi trọn một vòng quanh Trái Đất, chúng ta lại trở về ở trên Mỏm đá Kẽm. Ta bần thần nhận ra khung cảnh quen thuộc: chưa bao giờ, dù trong những mường tượng tăm tối nhất, ta có thể hình dung ra cảnh mình đứng nhìn về Mỏm đá ở một khoảng cách vời vợi thế này. Giữa biển khơi lầy lội như vũng bùn, các bạn ta vẫn đang cố gắng, nhưng lần này không dùng thang nữa. Từ dưới xuồng mọc lên một rừng những cây gậy dài, mỗi người đều vung lên một cây, cây nào cũng có gắn móc ở đầu, có lẽ nhằm mục đích vớt vát chút sữa Trăng cuối cùng, cũng như cố giúp bọn ta trèo xuống. Nhưng rồi, mọi người mau chóng nhận ra rằng không có cây gậy nào đủ dài để với tới Trăng, và thể là họ bỏ cuộc, những cây gậy ngắn ngủn nực cười, nổi lềnh bềnh trên mặt biển; trong cơn bối rối, vài chiếc xuồng mất cân bằng, lật nhào xuống nước. Thế mà, lại ngay lúc đó, từ một xuồng khác, một chiếc gậy dài hơn, gắn lại từ những chiếc gậy ngắn mới đây thôi vẫn còn lềnh bềnh trên sóng nước, bắt đầu huơ về phía Trăng. Chiếc gậy hẳn phải làm bằng tre, nhiều gây tre nhỏ, nhiều lắm, gắn lại vào nhau, thế nên để đưa nó lên cao, họ phải nâng thật châm, vì gậy tre mỏng manh như vậy, chỉ cần lỡ tay là nó sẽ gãy ngay. Họ cũng phải nâng gậy thật cẩn thận, nếu không muốn làm lật thuyền.

Lập tức, bọn ta nhận ra rằng đầu gậy lần này sẽ chạm vào Mặt Trăng, rồi thấy nó sượt qua bề mặt, ấn vào nền đất Trăng đầy vảy, ngừng một chút, rồi đẩy nhẹ, không phải, đẩy mạnh thì đúng hơn, làm cho gậy nảy ra, rồi bật trở lại đập vào đúng điểm đó, rồi lại nảy trở ra. Rồi ta nhận ra, cả hai ta - vợ Thuyền trưởng và ta - đều nhận ra, đó chính là chú em ta, không thể là ai khác, đang chơi đùa lần cuối cùng với Trăng của mình, bằng cách dùng gậy cù Trăng, như thể chú vẫn thường đùa với nàng. Và bọn ta nhận ra rằng chú em ta không hề có một chủ đích nào cả, mấy người có thể nói rằng chú ấy đang cố giúp đẩy Trăng ra xa, cố cho Trăng thấy được quỹ đạo rộng hơn của nàng. Chính là kiểu chú ấy chứ không lẫn vào đâu được, chú hoàn toàn không hề có bất kỳ mong muốn nào đi ngược lại ý thích của Trăng, hành trình và số phận của Trăng, nếu Trăng muốn trôi ra xa, thì chú sẽ vui lòng giúp Trăng đạt ý nguyện, hệt như, cho tới mới đây, chú vẫn hạnh phúc ở cùng Trăng gần bên mình.

Nàng Vhd Vhd sẽ làm gì, khi chứng kiến tất cả cảnh này? Chính lúc này, nàng lại chứng tỏ rằng tình yêu của mình với cậu Điếc là một lời thề nguyện bất khả bội, hoàn toàn không phải là thứ tình cảm nhẹ dạ nhất thời. Nếu chú em ta hết lòng hết dạ với Trăng cách xa thăm thẳm, thì nàng cũng sẽ một mực nguyện ở trên Trăng thăm thẳm cách xa. Ta nhận ra điều này, khi không thấy nàng bước tới đầu gậy tre, mà chỉ xoay chiếc đàn harp về phía Trái Đất, cao cao trên trời, buông vài tiếng tơ. Ta nói ta thấy nàng, nhưng thật ra bóng dàng nàng chỉ sượt bên góc mắt ta mà thôi, vì ngay khi gậy chạm vào Trăng, ta đã buông hết tốc lực chay tới, bám ngay lấy nó, và giờ đây, nhanh như con rắn bò, ta đang trèo theo từ mấu tre, tay chân thoăn thoắt tiến về phía trước, ta thấy nhẹ bẫng trong phần không gian loãng giữa hai thiên thể, ta được cái sức mạnh tự nhiên điều khiển, sai khiến ta phải trở về Trái Đất, ta hiểu rõ, ta nhận ra cái ý định ban đầu đã mang ta lên Trăng, nhận ra cái kết cục không hay ho gì của nó; và cuối cùng, nỗ lực của ta cũng khiến ta trèo tới được điểm mà ta không còn cần phải cố gắng gì nữa, lực hút từ Trái đất khiến ta chỉ cần để mình tự trượt, đầu chúi xuống, cho tới khi chiếc gậy gãy ra làm nhiều mảnh, còn ta thì rơi xuống biển, giữa những chiếc xuồng.

Ta đã trở về trong ngọt ngào, đã tìm lại được nhà của mình, nhưng tâm trí ta vẫn ngập tràn nuối tiếc vì đã đánh mất người con gái ta yêu, và khi muốn tìm nàng, ta lại nhìn về phía Trăng, giờ đây hoàn toàn ngoài tầm với. Ta thấy nàng. Nàng vẫn ở lại nơi ta đánh mất nàng. Nàng ngồi trên một bờ biển ngay trên đầu ta, và nàng im lặng. Nàng tiệp cùng màu với Trăng; nàng nâng chiếc đàn harp, rải vài hợp âm chậm. Ta vẫn nhìn ra được dáng hình bờ ngực nàng, cánh tay nàng, đùi nàng, hệt như trong trí nhớ. Tới giờ ta ta vẫn còn nhớ, tới tận bây giờ, khi mà Trăng đã trở thành cái hình tròn bẹp, xa xăm trên bầu trời, và ta vẫn tìm kiếm nàng như vậy mỗi khi mảnh trăng đầu tiên hiện ra. Trăng càng già, ta càng thấy nàng rõ nét hơn, thấy nàng hay thấy bất kể thứ gì của nàng, nhưng chỉ nàng mà thôi, trong hàng trăm, hàng ngàn viễn tượng, chính nàng người ta làm Trăng trở thành Trăng, chính nàng, mỗi khi tròn, lại khiến bầy chó hú gào thâu đêm, và có cả ta cùng nhập cuộc.

[Hết]

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Hãy quên mình đi

Tôi viết cái ở dưới vào ngày 31 tháng 12, ngày cuối cùng của năm 2010. Bản gốc tôi viết là bằng tiếng Anh, ở chỗ này. Thời kỳ đó là lúc tôi bị chìm vào một cái mặc cảm tội lỗi bàng bạc và mờ ảo không rõ nguyên nhân, kèm với cái nỗi bức bối của cái kỳ thi sắp diễn ra. Nhờ ghi chép lại trên cái blog này mà về sau tôi vẫn còn nhớ được mình đã trải qua những gì. Ngoài cái cảm giác mơ hồ rằng mình làm điều gì đó sai, tôi còn có cái cảm giác mình đang im lặng và nắm giữ một bí mật, rồi lại còn kiểu như trẩu tre, nghĩ rằng mình rất oách, rất xịn (Đây là hương và đây là hoa). Rồi tôi bắt đầu viết về Umbreon và Espeon (cái sê ri đó đây), xem như là hai cái biểu tượng cho suy nghĩ của mình. Espeon là con pokémon mèo mặt trời (Eevee tiến hóa max friendship buổi sáng), Umbreon là con pokémon mèo bóng đêm (Eevee tiến hóa max friendship buổi tối). Espeon hệ siêu linh và là ánh sáng nên nó tượng trưng cho rất cả những gì phô trương, những gì chói rạng, những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất của tôi. Umbreon là bóng tối, nó tượng trưng cho đêm đen im lặng, nhưng tràn đầy năng lượng, và chứa đựng tất cả những gì bí mật tôi chứa bên trong mình, có khi nhầy nhụa, nhưng cũng có cái còn đẹp hơn những gì phô ra.



____________________

(Eng ver.)

Hãy quên mình đi
Hãy quên mình đi
Xin hãy quên mình đi

Vì mình nằm ngủ đè lên bông hoa
Mọc trên ngọn cây
Vì mình ngồi đếm đàn cừu
Chạy ngoài đồng cỏ
Vì mình bắt mất con chim
Hót bên cửa sổ

Hãy quên mình đi
Hãy quên mình đi
Xin hãy quên mình đi

Bằng không mọi người sẽ mãi chẳng tha thứ cho những gì mình đã làm.

Hãy rời mình đi
Hãy rời mình đi
Xin hãy rời bỏ mình đi
Hãy xa mình ngay, khi mình còn bay trên không
Hãy xa mình ngay, khi mình còn chưa biết
Mình đẹp đẽ, mình tinh khiết, nhưng mình dễ vỡ
Thế nên xin hãy rời mình ngay
Khi mình còn chưa tới

Khi mình còn chưa tới
Xin hãy bảo bạn mình, rằng mình sẽ ghé ngang qua
Xin hãy bảo mèo mình, rằng mình sẽ cho nó ăn sau
Xin hãy bảo Espeon, rằng thật ra nó không biết gì cả
Xin hãy bảo Umbreon, rằng nó nên khóc đi thì hơn
Và xin hãy tự bảo với người, rằng hãy rời mình ngay.

Bằng không mọi người sẽ mãi chẳng tha thứ cho những gì mình đã làm.

Hãy quên mình đi
Hãy quên mình đi
Mọi người ơi, xin hãy quên mình đi

Vì mình rồi sẽ quên mọi người thôi.