Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Bay lên nào, em bay lên nào

Bảo tàng Khoa học Luân Đôn nằm trên đường Đấu Xảo (Exhibition Road) ở phía Nam quận Kensington, Luân Đôn. Sở dĩ gọi là đường Đấu Xảo vì Đại Triển lãm Công nghiệp Quốc tế (tức Đấu Xảo Luân Đôn 1851) tổ chức trên cái đường này. Khu này có rất nhiều bảo tàng, nổi tiếng và hoành tráng hơn cả là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nhưng hôm nay chúng ta sẽ không bàn về cái này, mà chúng ta sẽ nói về Bảo tàng Khoa học, vì nó đang tổ chức một triển lãm rất thú vị tên là "Phi hành gia Xô Viết và sự ra đời của kỷ nguyên không gian".


Ghi chú: Chúng ta cùng chú ý tới từ tiếng Anh chỉ phi hành gia dùng ở đây. Đó là từ cosmonaut. Trong tiếng Anh, chúng ta có hai từ dùng để chỉ phi hành gia, đó là astronaut và cosmonaut. Đây đều là các thuật ngữ có các gốc từ tiếng Hy Lạp, cosmo- là vũ trụ, astro- là sao trên trời, -naut là thủy thủ tức là người lái thuyền (phi hành gia lái phi thuyền mà), ghép lại đều chỉ người đi chu du trên không gian. Tuy nhiên, theo thông lệ, người ta dùng astronaut để chỉ phi hành gia của Mỹ, hay của phe tư bản, còn cosmonaut để chỉ phi hành gia của Liên Xô, hay khối XHCN (bạn nào chơi Red Alert nếu để ý sẽ thấy). Vì từ phi hành gia tiếng Liên Xô là kosmonavt, Anh hóa sẽ thành cosmonaut. Chính xác hơn thì phải nói là ai bay lên bằng tàu của Mỹ thì gọi là astronaut, còn bay bằng tàu của Liên Xô thì gọi là cosmonaut, bất kể phe nào. Ví dụ như phi hành gia người Anh Helen Sharman bay lên Mir bằng tàu của Liên Xô, nên ở Anh người ta gọi bà này là cosmonaut (vụ này xem chương 5), còn sau này các phi hành gia người Anh khác bay lên bằng tàu của NASA đều được gọi là astronaut. Phạm Tuân với Yuri Gagarin sẽ là cosmonaut, còn Neil Amstrong với Matt Damon đều là astronaut.

Triển lãm này rất thú vị, có rất nhiều hiện vật (có cả các khoang chứa phi hành đoàn) được mang từ Nga về để triển lãm. Cách bài trí và dẫn chuyện rất hay, cộng với phim tư liệu và âm nhạc rất Liên Xô lồng vào rất thích. Triển lãm chia làm nhiều gian, nhưng nhìn theo chủ đề có thể phân thành 6 phần, ở dưới sẽ nói theo từng phần. Thông tin trong bài khoảng hơn 60% là từ triển lãm, còn lại là ở ngoài (tức là của người viết thêm vào). Dĩ nhiên là còn nhiều cái ở triển lãm mà chưa nói hết ra đây. Triển lãm sẽ kéo dài cho tới tháng 3, 2016, giá vé là £10.80 cho sinh viên (nhớ đem thẻ). Các bạn ở UK rất nên đi xem.

1. Tiến vào không gian
"Beep...beep...beep"
(Tiếng phát ra từ Sputnik I)


Giấc mơ vũ trụ của người Nga bắt đầu trỗi dậy từ khoảng sau Cách mạng Tháng Mười 1917, và kéo dài cho tới sau Thế chiến II. Sau khi lật đổ chế độ cũ và bắt đầu xây dựng xã hội mới. Trên cái nền triết lý kiến tạo thế giới mới đó của người Nga có cả việc tiến lên không gian để xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên đó. Tuy nhiên, giấc mơ này chủ yếu chỉ dừng lại ở các bản phác thảo, các tính toán bắn tên lửa, phi thuyền. Trong đó, nổi bật là các nghiên cứu và kế hoạch, cả về mặt khoa học lẫn triết học, đưa ra bởi Tsiolkovsky, người được coi là cha đẻ của khoa học tên lửa Xô Viết lẫn thế giới. Triển lãm có cả một bản phác thảo về mô hình công xã lao động trên vũ trụ được vẽ trên giấy.

Phải tới sau Thế chiến II thì những giấc mơ này mới được đưa vào hiện thực. Kết thúc chiến tranh, Liên Xô có một thuận lợi lớn là kỹ thuật và sức mạnh về tên lửa của pháo binh rất cao. Kỹ thuật tên lửa của Mỹ lúc đó còn thua, do chủ yếu là phát triển tàu đánh nhau với Nhật, nhưng về sau nhờ đem hết bộ sậu nghiên cứu tên lửa của Đức về mà từ từ Mỹ thắng thế.

Tổng kỹ sư trưởng của Liên Xô là nhà khoa học Sergei Korolev, vốn là một trong số những người ít ỏi sống sót trở về từ gulag trong cuộc Đại thanh trừng sau Cách mạng, do bị kết tội chống phá chính quyền cách mạng. Thông tin Korolev là tổng kỹ sư trưởng chương trình không gian của Liên Xô là thông tin tối mật, chỉ được tiết lộ ra sau khi ông chết năm 1966, do Liên Xô sợ điệp viên phương Tây ám sát ông. Cũng trong giai đoạn hậu chiến này, Khrushchev lên làm Tổng bí thư thay Stalin sau khi Stalin chết năm 1953. Thời ký Khrushchev lãnh đạo, văn hóa và khoa học dễ thở hơn, đã dẫn tới các bước tiến lớn của Liên Xô trong lĩnh vực không gian. Rồi điều gì tới cũng tới, năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik I, lên không gian, làm toàn bộ thế giới phương Tây bàng hoàng. TIME của Mỹ cho Khrushchev làm "nhân vật của năm" năm 1957 luôn. Sputnik I bay lên làm công việc đo các thông số vật lý về nhiệt độ và áp suất của khí quyển ở tầng cao và gửi tín hiệu bằng ăng-ten về cho mặt đất. Có thể click link dưới để nghe tiếng beep beep huyền thoại của Sputnik I
https://en.wikipedia.org/wiki/File:Sputnik_beep.ogg

2. Những "người" tiên phong
"Con đường tới những vì sao đã mở."
(Sergei Korolev - Tổng kỹ sư trưởng chương trình không gian Liên Xô)


Sau thắng lợi Sputnik I, Liên Xô tiếp tục phóng hàng loạt tàu/vệ tinh không người lái lên không gian, và lên cả Mặt trăng. Liên Xô thắng Mỹ trong việc đáp mềm lên Mặt trăng (tức không va chạm làm bể tàu) với Luna 9 năm 1966. 

Cùng lúc đó, nhằm thử nghiệm xem du hành vũ trụ có ảnh hưởng thế nào tới sinh vật, Liên Xô ào ạt phóng đủ thứ lên trời, bao gồm từ cây cỏ, nấm, vi trùng, côn trùng, chuột, thỏ và cuối cùng là chó. Trong khi bên Mỹ khoái chọn khỉ, thì Liên Xô chọn chó thay mặt cho toàn bộ lớp Thú, vì nó dễ huấn luyện và nghe lời. Bạn Laika tử nạn trong Sputnik II nhưng hai bạn sau là Belka và Strelka sống sót trở về. Tin này được báo chí khắp thế giới đưa ầm ĩ, ai ai cũng vui mừng (ít nhất là công chúng và giới khoa học). Belka và Strelka trở thành biểu tượng. Một bạn cún con do Strelka đẻ ra được gửi tặng cho con gái tổng thống Kennedy. Cuộc chạy đua vào không gian bắt đầu mở ra ở hai bờ Thái Bình Dương.

3. Con người tiến vào không gian
"Chinh phục không gian!"
(Tranh tuyên truyền của L. Golovanov)


Năm 1961, Liên Xô lại một lần nữa làm thế giới phát sốt khi đưa người lên không gian. Yuri Gagarin sau gần 2 tiếng đồng hồ bay trên quỹ đạo bỗng chốc nổi tiếng thế giới. Quy trình tuyển chọn và huấn luyện phi hành gia của Liên Xô đã chọn ra 20 người cuối cùng từ hơn một ngàn người ban đầu. Yuri được chọn làm người đầu tiên bay lên không gian không chỉ vì kỹ năng mà còn do lý lịch gia đình tầng lớp vô sản, lại có nụ cười đẹp ăn ảnh. Trái với quan niệm sai lầm rằng phi hành gia là phải cao to, Yuri thật ra chỉ cao có 1m57. Vì phi hành gia thời kỳ đầu phải nhỏ con thì mới nằm gọn được trong khoang phóng (lùn nhưng dĩ nhiên phải khỏe). Triển lãm có treo cái áo hàm đại tá của Yuri từng mặc, đúng là vóc người nhỏ so với kích cỡ người da trắng. 

Trong 4 năm từ 1961 tới 1965, Liên Xô làm luôn cú ăn bốn: đưa người (đàn ông) đầu tiên lên vũ trụ, đưa người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ, đưa phi hành đoàn (3 người) đầu tiên lên vũ trụ, và lần đầu tiên thực hiện bước đi trong không gian. 

Triển lãm có trưng bày hiện vật (thật) là cái khoang phóng Vostok 6 từng chứa Valentina Tereshkova (phi hành gia nữ đầu tiên) và Voskhod 1 từng chứa phi hành đoàn 3 người đầu tiên lên vũ trụ. Tận mắt nhìn vào bên trong sẽ hình dung được nó chật như thế nào.

Trong giai đoạn này, Liên Xô liên tiếp thắng Mỹ trong cuộc đua không gian, một phần cũng nhờ thể chế chính trị. Chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô cho phép họ có thể đổ một đống tiền vào tên lửa với phi thuyền, trong khi chính quyền kiểu Mỹ thì không thể làm như vậy được, một phần có lẽ vì chính phủ Mỹ phải đổ tiền vào điều khiển thị trường tự do cùng với các hoạt động khác. Kết quả là, tuy Liên Xô liên tục ghi bàn, nhưng đời sống nhân dân Xô Viết cũng chẳng khấm khá gì, thế nhưng tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội lại rất cao. 

4. Chương trình bí mật
"Chúng ta chọn đi lên Mặt trăng, không phải vì đây là một việc dễ làm, 
mà bởi vì nó khó, [...] và vì chúng ta nhất định sẽ thắng (cuộc đua này)." 
(Tổng thống J. F. Kennedy)


Sau khi Kennedy đưa ra "Kế hoạch 10 năm" nói trong vòng 1 thập kỷ sẽ đưa được người lên Trăng, cuộc đua không gian tới hồi gay cấn. Liên Xô gấp rút chỉn chu dòng phi thuyền mới Soyuz điều khiển dễ hơn, nhưng vì gấp quá đã khiến hai phi hành gia thiệt mạng.

Rồi ai cũng biết là tới 1969 thì cuối cùng Mỹ cũng thắng được Liên Xô một ván, nhưng là ván quan trọng: đưa được Neil Armstrong đáp lên Mặt trăng. Liên Xô ngoài mặt thì một mực tuyên bố không chạy đua đưa người lên Mặt trăng với Mỹ, thậm chí là từ chối hoàn toàn lời đề nghị họp tác Mỹ-Liên Xô của Kennedy để đưa người lên Trăng. Liên Xô chỉ thỉnh thoảng bắn vài cái Luna không người lên quỹ đạo mặt trăng, đáp xuống bề mặt, quay phim chụp ảnh và lấy mẫu đất về. Tuy nhiên, bên trong lại bí mật phát triển Chương trình Zond, để đối chọi với Chương trình Apollo của Mỹ. Chương trình đưa người lên Mặt trăng của Liên Xô được giữ bí mật tuyệt đối, chỉ lộ ra sau năm 1989, khi chính quyền Liên Xô công bố. 

Để đưa người lên Trăng, Liên Xô cần phát triển dòng tên lửa đẩy mới. Tuy nhiên, nhiều thất bại xảy ra, cộng với việc tổng kỹ sư trưởng Korolev qua đời năm 1966, khiến Liên Xô chơi không lại bộ sâu von Braun (trùm rocket của Nazi, sau thành của Mỹ). 

Sau rồi Liên Xô dẹp luôn chương trình đưa người lên Mặt trăng, coi như chịu thất bại trước Mỹ. 

5. Tiền đồn trên không gian
"Dấu chân của chúng ta sẽ mãi còn trên các dặm đường
bụi bặm nơi những hành tinh xa xôi"
(Tranh tuyên truyền của U. Ivanov)
Đây là căn phòng áp chót của triển lãm. Cuộc đua không gian hạ nhiệt sau khi Apollo hoàn thành sứ mệnh, cũng là lúc cả Mỹ và Liên Xô phát hiện mình đã hết tiền. Tuy nhiên, thời kỳ sau đó lại mở lại sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực du hành không gian, một phần cũng nhờ Hiệp ước Ngoại tầng Không gian của Liên Hiệp Quốc năm 1967.

Liên Xô xây trạm không gian Salyut năm 1971, sau thêm trạm Mir 1986. Sau tới thời Gorbachev thì quan hệ giữa Anh và Liên Xô giảm căng thẳng. Gorbachev và Thatcher bắt tay xây dựng chương trình không gian, thậm chí bỏ thêm tiền túi, để cuối cùng đưa phi hành gia đầu tiên người Anh (là nữ luôn) là bà Sharman năm đó 27 tuổi, trước đó là nhà hóa học ở công ty sô cô la Mars (hay thế!), bay lên Mir. Đã nói ở trước, do bà Sharman bay lên Mir bằng tàu của Liên Xô, nên ở Anh, bà hay được gọi là cosmonaut.

Cứ mỗi một phi hành gia ở trên trời thì sẽ có hơn trăm người làm việc ở mặt đất. Căn phòng áp chót này có ảnh, tư liệu và hiện vật về công việc dưới đất và trên trời của các trạm không gian Liên Xô. Có nguyên bộ sưu tập quần áo của phi hành gia, tùy điều kiện sinh hoạt, lại còn có cả toilet (dùng chân không để hút chất thái, chứ không nó bay lung tung), phòng tắm cá nhân (kéo phéc mơ tuya lên rồi đổ nước vào), tủ lạnh (hàng tháng có tàu không người lái phóng lên mang theo thực phẩm tươi)...

Năm 1991, Liên Xô tan rã khiến cho phi hành gia Sergei Krikalev bị kẹt trên trạm Mir thêm gần 5 tháng mới được về nhà dưới danh nghĩa công dân Liên bang Nga. 

6. Vũ trụ này là của chúng mình
"Địa cầu là cái nôi của nhân loại, 
nhưng nhân loại không thể suốt đời ở mãi trong nôi." 
(Tsiolkovsky)


Căn phòng cuối cùng của triển lãm chỉ có một mô hình người, mặt được làm theo mặt Gagarin, được dùng để phóng lên quỹ đạo mặt trăng, nhằm đo đạc lượng bức xạ mà từng phần trong cơ thể phải chịu. Ngoài ra không còn gì. Chỉ có tường được chiếu ánh sáng màu xanh dương phớt trắng và trần chiếu một hình chữ nhật màu đỏ. Tên tường có trích dẫn câu ở trên của Tsiolkovsky, người đặt nền móng cho giấc mơ không gian của Liên Xô. Rất mang tính biểu tượng. 

Kết
Gác chuyện tranh cãi về chính trị, quân sự và kinh tế sang một bên, thì những gì Liên Xô đạt được hoàn toàn là những điều đáng trân trọng. Giấc mơ không gian của loài người đã trở thành hiện thực. Chúng ta đã từng khao khát được bay lên trời cao, nhưng mặt trời đã thiêu đốt giấc mơ của Ikarus, Rồi máy bay đã được tạo ra, nhưng vậy vẫn chưa đủ, chúng ta vẫn muốn đi xa hơn. Giai đoạn cuối 50, và thập niên 60 là những năm tháng mà tâm trí toàn nhân loại dường như ở trên mây, khi lần đầu tiên chúng ta thoát ra được đất mẹ, rồi lần đầu tiên chúng ta chạm được vào những thiên thể trên trời cao.

Tặng mọi người tấm hình cuối cùng:


(Chủ nghĩa xã hội là bệ phóng)

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Marco Polo season 1

Mình đăng ký Netflix xài free một tháng để coi Marco Polo. Phim này làm từ 2014, mới season 1, có 10 tập, do Netflix độc quyền. Kể ra Netflix cũng không có nhiều phim lắm để coi, nhưng nếu đăng ký để coi phim truyền hình dài tập kiểu Marco Polo, Breaking Bad, Better Call Saul này nọ thì cũng rẻ, mà chất lượng hình ảnh tốt.

Marco Polo là một phim rất hoành tráng vì quay đẹp, cảnh đẹp, nhà cửa đẹp, quần áo đẹp. Dàn diễn viên đóng rất có thần thái, Đại Hãn ra Đại Hãn, hoàng hậu ra hoàng hậu, công chúa ra công chúa. Có điều một vài vai nữ thì không đẹp lộng lẫy lắm. Do phim này Mỹ và Ý làm nên phải kiếm nữ chánh châu Á nói tiếng Anh tốt, chắc vậy mà khó kiếm diễn viên nữ đẹp kiểu phim cổ trang Tàu làm, kiểu Phạm Băng Băng đóng Võ Tắc Thiên này nọ.

Phim bối cảnh là cái thời mà văn hóa và sắc tộc hòa trộn một cách giống như siêu thực. Đó là cái lúc mà Bắc Kinh có tên gọi là Khanbaliq hay ghi theo kiểu Marco Polo ghi trong cuốn sách của ổng là Cambulac. Biên chữ Hán kiểu sách Tàu là Hãn Bát Lý, hay gọi kiểu Mông Cổ nhà Nguyên là Đại đô. Cambulac là Đại đô bởi vì nó là kinh đô của nhà Nguyên, tức là Hãn quốc bự nhất và quyền lực nhất của đế chế Mông Cổ. Thời Kublai (Hốt Tất Liệt) thì Mông Cổ đã bị chia rẽ ra thành 4 Hãn quốc, trong đó hai Hãn quốc mạnh nhất là Nguyên Mông và Kim Trướng (tức Lều Vàng - đóng đô ở Mông Cổ). Theo trong phim thì cung điện, nhà cửa ở Cambulac có đủ loại kiến trúc, giống kiểu trong cái hình ở dưới, mái vòm củ tỏi nằm lọt giữa một khung cảnh rất Tàu. Dân cư thì đủ loại từ Mông Cổ tới Ả-rập, Ba Tư bán buôn cưới hỏi với dân Chi Na bản địa, thêm anh Latin Marco Polo đi lại loanh quanh, ngẫm khác nào London với New York bây giờ.



Chỗ còn Tàu duy nhất của nước Tàu đó là khu miền Nam, gần sông Dương Tử. Nhà Tống thoi thóp gần chết thủ lại trong thành Tương Dương tường cao ngói vững. Coi phim Kim Dung nhiều thì sẽ biết Quách Tĩnh, Hoàng Dung kháng Mông về thủ ở thành Tương Dương giữ cho nhà Tống khỏi sụp hơn chục năm, đẻ con ra đặt tên theo tên thành là Quách Tương về sau lập phái Nga Mi. Phim Marco Polo dĩ nhiên không phải Truyện Anh hùng bắn chim hay Chim Thần Đại Hiệp nên không có mấy vụ này. Trong thành Tương Dương có ông vua Tống Lý Tông, sau là ấu đế Tống Độ Tông cùng với tể tướng Giả Tự Đạo gian thần nhưng là trùm Đường Lang Quyền (võ bọ ngựa).

Phim này dùng tiếng Anh giọng Anh (phần nhiều) và giọng Úc xuyên suốt phim, coi như tiếng Anh đại diện cho cái lingua franca thời đó. Đôi khi nhân vật nói tiếng Tàu, Ý, Ả-rập nữa nhưng không nhiều. Marco Polo lần đầu vào gặp Hãn Kublai thì chém được mấy câu tiếng Mông Cổ rồi thôi, làm mình nghĩ nếu mà phim này có thêm tí tiền đầu tư cho nói tiếng Latin, Mông Cổ, Ba Tư này kia thì nâng giá trị hơn rất nhiều. Nhưng rồi nghĩ lại đây cũng không hẳn là phim tài liệu, với lại phim chỉ bám theo lịch sử chứ không đi theo y xì nên bỏ tiền vô làm ngôn ngữ cũng không đáng lắm.

Không bám chắc theo lịch sử nhưng mà phim cho thấy là biên kịch có kiến thức rất tốt. Các bạn coi sẽ thấy rất đã.

Nhưng nếu mà nói Marco Polo là phim xuất sắc thì mình sẽ nói hem. Một vài chỗ trong kịch bản còn khá yếu. So về kịch bản thì phim này đọ không nổi hai series đỉnh cao coi gần đây là Breaking Bad với Sherlock. Nhưng mà coi nó vẫn hay và thích. Giải trí vậy là ngon rồi.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Nhà hóa học tổng hợp thì làm gì

Tác giả: Dr. Michael Edmonds
Dịch: QH

___________________________________



Theo kiểu truyền thống thì ở các năm đầu bậc đại học, sinh viên được dạy cho làm các thí nghiệm tổng hợp hữu cơ, tức là đem trộn hai hay nhiều hóa chất lại với nhau trong một khoảng thời gian nhất định, ở các điều kiện nhất định, để tạo ra một hợp chất mới. Sinh viên làm các thí nghiệm này tuân theo "công thức" có trong tài liệu hướng dẫn. Dưới góc nhìn của một người không chuyên thì đúng là tổng hợp hữu cơ kiểu này giông giống như học nấu ăn. Thực tế thì hai việc lại cực kỳ khác xa nhau (không chỉ ở chỗ trong phòng lab hóa học thì người ta không cho phép liếm muỗng như dưới bếp).

Khi sinh viên bắt đầu vào bậc sau đại học, hóa tổng hợp trở thành việc dùng những kiến thức về phản ứng hóa học để tạo ra một hợp chất hoặc một phân tử cụ thể. Lắm khi cái hợp chất đó lại là một phân tử chưa bao giờ tồn tại, nhưng người ta dự đoán nó có thể có những tính chất hữu ích nào đó. Lắm khi khác, nó lại là một phân tử có sẵn trong thiên nhiên, nhưng chúng ta cần tìm ra cách tốt hơn để tái tạo (ví dụ như là các phân tử dùng trong dược phẩm tìm thấy trong một vài loài thực vật hiếm).

Nhà hóa học tổng hợp sẽ xem xét cái phân tử mà mình muốn làm, xem xem làm thế nào để tạo ra nó. Bằng kiến thức của mình, nhà hóa học sẽ xác định các liên kết nào dễ tạo và tiến hành giải cấu trúc toàn bộ phân tử cho tới khi có thể gắn nó lại từ các phân tử nhỏ hơn mà nhà hóa học có thể đi mua ở các công ty hóa chất (hoặc đôi khi từ nguồn tự nhiên). Nhà hóa học sẽ thẩm định từng cách ghép các mảnh này để xem cách nào thuận lợi hay dễ thành công hơn. Giáo sư hướng dẫn của tôi gọi việc này là một trò đánh cờ phân tử – cá nhân tôi thì nghĩ chơi cờ dễ hơn cái này nhiều.

Một khi đã vạch được hướng đi khả dĩ tới phân tử đích, nhà hóa học sẽ gom các mảnh vật liệu nguồn lại, bắt đầu tráo đổi và kết hợp chúng lại với nhau. Tôi từng miêu tả việc này giống như ghép các mảnh LEGO, nhưng thường thì phức tạp hơn ghép LEGO nhiều. Nhiều khi một phản ứng không chỉ biến đổi cái phần của phân tử mà bạn muốn nó đổi, mà còn phá luôn một phần khác. Để giải quyết điều này, thường thì nhà hóa học cho thêm các nhóm bảo vệ vào để che phần phân tử cần được giữ nguyên, không cho nó phản ứng.

Hướng đi tới phân tử đích bao gồm một chuỗi phản ứng. Có khi chuỗi này có khoảng 4 hay 5 phản ứng. Có khi lại là hơn 5 chục. Trong hầu hết trường hợp, sản phẩm của mỗi phản ứng phải được tinh lọc và kiếm tra xác nhận đủ kiểu để chứng minh nó là sản phẩm trung gian cần tìm, rồi mới đi tiếp các bước sau *(ngoại lệ xem ở phần ghi chú). Quá trình tinh lọc gồm có chưng cất, kết tinh, hoặc dùng phương pháp sắc ký rất tốn thời gian nhưng rất hữu hiệu. Bước xác minh cấu trúc hóa học của chất trung gian dùng một loạt các kỹ thuật phân tích, lấy vài ví dụ như phương pháp Cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), khối phổ (MS), hay đo độ triền quang của chất (xem góc xoay của ánh sáng phân cực khi đi qua chất như thế nào).

Sau khi đã lập kế hoạch tới phân tử đích, nhà hóa học sẽ dựa vào văn liệu hóa học đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành để xác định xem từng phản ứng có xảy ra hay không. Tuy vậy, chỉ cần 1 thay đổi nhỏ trên cấu trúc phân tử cũng khiến cho kết quả thu được thực tế khác xa kết quả đã được công bố. Nhà hóa học phải luôn thủ sẵn những phương án mới, ngay cả khi phải lần ngược lại quy trình, có lúc bỏ rất nhiều phản ứng, để đi theo đường khác.

Phản ứng được làm thử lần đầu tiên thường không cho kết quả tốt nhất. Vậy nên mỗi phản ứng phải được tiến hành nhiều lần để tối ưu hóa. Nhà hóa học sẽ thay đổi thời gian phản ứng, cũng như thử các nhiệt độ khác nhau. Nhiều chất xúc tác có thể sẽ được thử nghiệm, cũng như thay đổi tỉ lệ các chất phản ứng. Phản ứng có thể được tiến hành dưới áp suất cao, hoặc trong môi trường khí trơ. Bước tối ưu hóa này có lẽ là phần chán nhất của quá trình nghiên cứu, tuy nhiên dù sao cũng còn đỡ hơn là khi đã thử mọi cách mà vẫn không làm phản ứng xảy ra được.

Làm nhà hóa học tổng hợp hữu cơ rất dễ nản. Nhiều phản ứng đáng lẽ phải xảy ra, đôi khi không thèm xảy ra. Nhà hóa học lắm lúc cần đến lab từ sáng tinh mơ và về nhà lúc gần nửa đêm, vì phải ngồi canh chừng những phản ứng chậm và thất thường như trông em bé. Tuy nhiên, lúc cầm trên tay chiếc lọ thủy tinh đựng một vài giọt hợp chất mới chưa từng được tạo ra là lúc nhà hóa học cảm thấy một cảm giác thỏa mãn dạt dào nhất trong lòng. Vì lúc đó, nhà hóa học biết được rằng tất cả máu, mồ hôi và nước mắt của mình đổ ra đã được đền đáp, và có thể, chỉ có thể thôi, cái hợp chất mới này, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, sẽ mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.

*Ghi chú  – trong khi hầu hết các quá trình tổng hợp hữu cơ đều cần bước tinh lọc mỗi hợp chất mới tạo ra, hiện giờ đã có nhiều bước tiến mới trong việc áp dụng các quy trình tổng hợp "one-pot" (một bình) (hai hoặc nhiều hơn hai phản ứng hóa học xảy ra trong cùng một bình phản ứng mà không cần tinh lọc chất tạo ra trung gian) và các quy trình tổng hợp liên tục nhiều bước (continuous flow multi-step syntheses) (sản phẩm tạo ra sẽ di chuyển từ bình phản ứng này sang bình phản ứng kế tiếp với bước tinh lọc diễn ra tại chỗ (in situ)), một cách tiếp cận hứa hẹn sẽ làm một cuộc cách mạng hóa tổng hợp trong thập kỷ tới.



Bản gốc từ http://sciblogs.co.nz/molecular-matters/2012/10/08/what-does-a-synthetic-organic-chemist-do/

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Im lặng

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bả cây.
(Ngôn chí số 10 - Nguyễn Trãi)

Tôi thấy hai câu này của Nguyễn Trãi, xét về tinh thần, nó rất gần với một bài thơ haiku 17 chữ. Cảm giác khi đọc lên là rất nhẹ và rất tĩnh. Đêm lặng, khẽ nghiêng chén, hớp cả ánh nguyệt. Ngày vắng, nhẹ nâng cành, xem được sắc hoa. Không thấy chủ thể đâu cả. Chủ thể biến mất trong cái vắng lặng.

Nguyễn Trãi có lẽ làm bài Ngôn chí số 10 này trong một cái chùa nào đó, nói trong câu đề đầu tiên "Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy". Người ta không uống rượu trong chùa, mà hơi rượu bén vào hai câu "bài cú" trên cũng làm mất đi cái tĩnh. Chén nghiêng để uống đó, có thể là chén trà, hoặc một chén nước. 

Cái vắng lặng hiện ra rõ hơn bằng những âm thanh nhẹ và lọt thỏm giữa không gian. Đó là tiếng nghiêng nước hớp trăng giữa đêm, đó là tiếng rẽ lá thưởng hoa lúc ban ngày. Bài bài cú của Buson dưới đây cũng là những âm thanh vẫy vùng giữa không gian để làm nên cái tĩnh mịch:

 雁   行きて  門田   も   遠く    おもはるる
Kari yukite kadota mo tooku omowaruru
(与謝 蕪村 Yosa Buson)

Đàn ngỗng bay qua
Đồng lúa trước nhà
Trông dường như xa
(QH dịch)

Chữ Hán dùng cho kari ở trên là chữ 雁 nhạn. Chim Nhạn trong tiếng Hán là chỉ loài ngỗng thiên di, bay về từ phương Bắc hàng năm vào mùa thu. Vì vậy đây là quý ngữ chỉ mùa thu của haiku. Tiếng Việt lại gọi con chim én, con swallow là chim Nhạn. Nếu không tra quý ngữ và xem lại chữ 雁, đọc bản dịch của thầy Nhật Chiêu (đàn nhạn đi rồi, cánh đồng trước cửa, dường như xa xôi) tôi đã tưởng ở đây nói con chim én bay trú rét. Đàn ngỗng bay sẽ khác đàn én liệng. Đàn ngỗng ồn ào hơn, nhưng một khi những tiếng kêu chìm khuất trong thinh không, khi sóng âm bị hiệu ứng Doppler kéo dãn ra, thì cái ồn ào đó quay trở về tịch mịch. Cái còn sót lại là im lặng.

Tôi đang cần im lặng.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Tsubaki

日 の 目  見ぬ   冬  の     椿     の  咲  に  けり
hi no me minu fuyu no tsubaki no saki ni keri

Chẳng thấy mặt trời
Hoa trà mùa đông
Vẫn nở
Issa

Hồi tôi còn nhỏ, chừng 7-8 tuổi, nhà tôi có một chai dầu gội đầu không nhớ ở đâu ra. Đó là chai mùi hoa trà tsubaki của Shiseido. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ngửi một mùi hương tuyệt vời như vậy. Tôi rất thích cái mùi đó, nên không chỉ dùng để gội đầu, tôi còn lấy để rửa tay. Đó là một cái mùi ngọt lịm, một cái mùi mê mẩn đối với tôi lúc còn nhỏ. Lớn lên, tôi vẫn còn nhớ cái mùi, vẫn còn nhớ cái cảm giác lúc nhỏ. Sau này lâu lâu mẹ vẫn có chai đó trong nhà, tôi vẫn thích cái mùi đó.

Đi khắp nơi, đôi khi tôi vẫn thấy hoa trà. Dĩ nhiên cái loài camellia japonica này không phải hiếm, người ta trồng khắp nơi. Nhưng đứng cạnh bông hoa, tôi chưa bao giờ ngửi thấy cái mùi ở trong dầu gội đầu của Shiseido. Cái mùi của Shiseido chỉ có trong chai dầu gội đầu của mẹ, và vài lần trên tóc của vài đứa con gái ở lớp (PTNK). Tôi chưa hề gặp trong tự nhiên.

Cái mùi đó vẫn là một bí ẩn.


Hình ở trên là bông hoa trà tôi chụp ở vườn thực vật trường Berkeley ở trên núi, vào mùa đông năm 2014. HN nói cái bông nhìn như cái trứng devil egg