Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Review: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ





"Cuốn đó viết rất kỳ lạ."
[Lời bạn Giang nói với bạn Danh khi mình đang làm bài lượng giác]

____________________

"Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" là một cuốn truyện có nội dung kỳ lạ được viết bằng một văn phong kỳ lạ của Nguyễn Ngọc Thuần. Chị Bò từng nói rằng chị Bò thích đọc những cuốn hoặc là nặng uỳnh uỵch như Haruki Murakami hoặc là nhẹ tâng tâng như Nguyễn Ngọc Thuần. Lối viết của Nguyễn Ngọc Thuần cứ nhè nhẹ, lâng lâng như một giấc mơ (nhắc tới đây bỗng nhớ ra tôi chưa đọc "Một thiên nằm mộng" của Nguyễn Ngọc Thuần).

Tôi đọc "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" bằng bản in của lần xuất bản đầu tiên, bản in năm tôi học lớp 4, in sau lần trao giải "Cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước" mà Nguyễn Ngọc Thuần đạt giải A. Nhưng hồi lớp 4 tôi chỉ khoái đọc cuốn "Người khổng lồ núi Bạc" của Trần Thùy Mai vì cái văn phong hoành tráng (theo suy nghĩ của tôi hồi đó, bây giờ thì mất tiêu cuốn đó rồi). Tới năm lớp 7 tôi mới lật sách Nguyễn Ngọc Thuần mà đọc. Rồi bây giờ, 6 năm sau lại lôi ra đọc lần nữa.

Sáu năm là khoảng thời gian đủ dài để tôi có những suy nghĩ và nhìn nhận khác khi đọc quyển sách. Sáu năm đủ để sau khi đọc lại lần hai, tôi quyết định xếp cuốn sách này vào hàng "Những quyển sách hay nhất từng đọc" của mình.

Lần nào cũng vậy, lúc bắt đầu đọc tôi đều có một cảm nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Thuần đang viết một dạng hồi ký về tuổi thơ mình, đọc tiểu sử của tác giả, thấy quê ở Bình Thuận, nên đầu óc tôi luôn cố gắng một cách vô thức gắn những cảnh vật trong sách với những gì mình có thể hình dung được về miền đất đầy cát và nắng đó. Dĩ nhiên là càng đọc, tôi càng nhận ra mình sai lầm, chẳng có chút hơi hướng nào của hồi ký, những hình ảnh trong sách cũng chẳng dính dáng gì với không gian mà tôi đang cố tìm cách gắn kết.

Bởi vì Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng nên những hình tượng quá phổ quát. Đó là đúc kết của tôi sau khi đọc hơn nửa quyển sách mỏng.

Truyện của Nguyễn Ngọc Thuần dễ khiến ta có cảm giác bối cảnh truyện có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, ở một vùng quê nào đó, hoặc Bắc, hoặc Trung, hoặc Nam, hoặc ở ngay một vùng ngoại ô. Chẳng hề có một dấu mốc, một đặc điểm nào rõ nét để nhận ra nơi chốn mà tác giả đề cập.

Còn những nhân vật, vẫn là những cái tên đậm chất Việt Nam, những thằng Tí, những cô giáo Hà, những ông Tư, những chú Hùng..., vẫn những đặc điểm cố hữu: cô giáo Hà thì mặc áo dài, đi guốc, chú Hùng nông dân thì ngày ngày ra ruộng... nhưng Nguyễn Ngọc Thuần muốn xây dựng cho nhân vật mình có một thế giới ngôn ngữ riêng. Hoàn toàn tôi không nhận ra được các nhân vật là người miền nào, chẳng Nam, chẳng Bắc, chẳng Trung, hệt như cái miền đất mà họ ở. Ngôn ngữ của họ cũng khác lạ so với ngôn ngữ nói hàng ngày, hình như là một sự chủ ý của Nguyễn Ngọc Thuần. Thoát khỏi sự kìm kẹp của văn hóa ngôn ngữ địa phương là một điều không phải dễ thấy trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Nếu dịch tác phẩm này ra tiếng Anh, có lẽ không quá khó để người đọc ngoại quốc có thể hiểu và cảm được.

Cuốn sách càng đọc về sau càng kỳ lạ, khi mà văn phong Nguyễn Ngọc Thuần bắt đầu lâng lâng và mộng mị. Những khung cảnh mới bắt đầu xuất hiện: một ngôi nhà thờ nhỏ, có những masơ mặc áo trắng tinh và thường vang lên tiếng đàn piano hòa vào tiếng hát, một góc nhỏ của ngôi chợ với hai ông cháu ăn xin và con dế chết của thằng nhóc, một đoàn sơn đông mãi võ đầy bí ẩn đến dựng rạp trong chợ. Chú bé "tôi" - thú vị là chú có tên Trí Dũng - đã "mở cửa sổ", nhắm đôi mắt, để nhìn bằng một con mắt khác, "con mắt thần", nghĩa là chú đang tập tành nhìn thế giới bằng một tâm thức nguyên sơ, một tâm hồn trong sáng. Chú lần lượt tiếp xúc với những "mùi hương" lạ, những khái niệm mới mẻ đi cùng với những không gian mới mẻ mà chú tiếp xúc. Đó là tình yêu, điều bí mật, là sự sẻ chia, là xúc cảm nghệ thuật, là mặc cảm tội lỗi, là nỗi sợ hãi, ... và điều lớn lao nhất mà chú sẽ phải tiếp cận: cái chết.

Phong cách mộng mị của Nguyễn Ngọc Thuần được pha trộn từ những (1) trang văn nhẹ nhàng, trong trẻo như một tiếng hát vang lên giữa trời mưa, là những lời giản dị người cha dạy chú bé, những điều "bố tôi vẫn nói", là những câu bông đùa vui vui giữa chú Hùng và chú bé và (2) cùng những đoạn cực kỳ tâm linh và kỳ lạ càng về cuối càng xuất hiện với tần suất nhiều (đó là lý do tôi nói truyện càng về sau càng kỳ lạ), là những lời hát của chú bé trong nhà thờ về "Người mẹ vĩnh cửu", là con dế chết, là chi tiết về ông lang vườn, cũng như là câu chuyện về những con ngựa mang những kỵ sĩ áo giáp bay đêm qua núi đồi.
____________________
Bố nói giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Đêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ – cánh đồng của bố.
_________________________
Bố tôi vẫn nói phần thưởng cho người làm vườn là hoa quả.
_________________________
Hãy tưởng tượng một con chim trong lồng, bố nói vậy. Tôi bảo lông nó màu đỏ, cánh nó màu xanh, nó hay háu ăn và mắt thì sáng quắc. Bố nói, chỉ có chim thần mới vậy.
_________________________

Truyện này của Nguyễn Ngọc Thuần đem lại cho tôi một nỗi hoang mang thú vị.
____________________

Bố tôi vẫn nói, khi nhìn theo một bóng người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy "nỗi nhớ" của mình.




_____________________

P/S: truyện này làm mình nghĩ đến cụm từ "Sơn đông mãi võ", không biết nguồn gốc là từ đâu ra. Với lại nhớ tới hồi bé, hồi tôi 4, 5 tuổi, lúc đường Nguyễn Thái Sơn còn chưa bự như hiện nay (nhưng kẹt xe ít hơn hiện nay), ở góc Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão là một cái khu đất trống, lâu lâu hay có những người sơn đông mãi võ ra đó biểu diễn và bán thuốc. Mấy lần được người lớn chở ngang qua đó, tôi có được đứng hóng vô xem. Bây giờ thì chuyện này dường như thành dĩ vãng.



Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (2)

Buổi tối, tôi trèo lên cây vú sữa nghe dế gáy. Những con dế trong vườn nhà tôi luôn được ăn cỏ tươi. Tôi nhìn những vì sao xa và chọn một ngôi sao sáng nhất rồi đặt cho nó một cái tên. Tôi nói với bố:
- Mình có thể đặt cho ngôi sao một cái tên như người được không bố?
Bố gật đầu:
- Được chứ! Nó cũng như con người vậy, chỉ khác là ban ngày đi ngủ thôi.
Tôi đặt tên nó là Lê Văn Tí, tên thằng Tí bạn tôi.
Bố tôi cười khanh khách bảo:
- Chắc ngôi sao đó đẹp lắm!
Có một đêm tôi không tìm thấy ngôi sao của mình. Ngồi trên cây vú sữa lục tìm trong những đám mấy cho đến lúc tóc ướt đẫm. Tôi nói với bố, có những ngôi sao ban đêm vẫn đi ngủ. Khi ngủ nó nhắm mắt lại và thế là chúng ta không nhìn thấy nữa, cũng có thể nó đang nhìn về hướng khác.


[Nguyễn Ngọc Thuần]

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn biết tiếng chân đó là của ai, bố hay mẹ. Bạn sẽ giả vờ hỏi:
- Ai đó? Có phải là người khách lạ không?
- Không. Tôi là khách quen! - Người đó trả lời.
Bạn sẽ nói:
- Khách quen sao tui không biết vậy cà? Tui nghe bước chân lạ lắm.
- Đó là tại vì tui đang hồi hộp. Tui thấy khu vườn nở nhiều hoa quá.
- Hoa hồng và hoa mào gà phải không?
- Ôi! Sao anh biết hay quá vậy?
Bạn sẽ nói to lên:
- Tại vì tôi có con mắt thần.
- Con mắt thần nằm ở đâu vậy?
- Nằm ở mũi tui.

[Nguyễn Ngọc Thuần]