Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Mẹ ơi những người sống trên mây cất lời gọi con

Trong những giấc mộng của mình, ông Jiro mơ thấy sushi máy bay. Ông Jiro mặt mũi thanh tú, sáng sủa, nói năng rõ ràng, đĩnh đạc, hành động dứt khoát, nam tính, nhưng ổng vẫn sống ở trên mây. Nhiệm vụ của ông bạn Honjo trong phim không chỉ là suốt ngày than thở mà cũng là người chuyên nhắc cho ông Jiro trở về mặt đất. Ông Honjo liên tục nhắc ông Jiro về tình hình chính trị xã hội hiện tại, trong những năm giữa hai cuộc đại chiến, cho tới khi nước Nhật bắt đầu đưa máy bay qua đại lục. Từ chuyện đi ăn cơm đừng suốt ngày ăn cá với đậu hũ, tới chuyện dân Nhật còn đói ăn mà chính phủ đòi đi làm máy bay đánh nhau, hay chuyện nước Nhật ngày càng bị cô lập, rằng "sắp sụp đổ hết rồi" (cũng là lời ông điệp viên nói với Jiro trên núi). Bên cạnh ông Honjo chuyên than về các việc đao to búa lớn là cô em gái của Jiro. Kayo liên tục la Jiro về việc vợ sắp chết tới nơi mà suốt ngày đi làm máy bay. Nhưng ông Jiro vẫn sống trên mây, và không phải ổng không thấy được, không tỉnh được, không yêu vợ ổng, hay không biết suy nghĩ, mà là ổng kệ. Ổng kệ, vì máy bay là một giấc mơ bị nguyền rủa.




Trong phim có hai bức thư pháp đều mang chữ "Thiên thượng đại phong" tenjoutaifuu, ghi bằng chữ Hán. Bức đầu tiên đặt trong phòng họp của Mitsubishi, chỗ mà bộ sậu Mitsubishi với Jiro ngồi bàn chuyện làm máy bay với bên quân đội. Bức thứ hai đặt ở cửa nhà ông Kurokawa, là chỗ Jiro và Naoko cưới nhau trong đêm. Thiên thượng đại phong, hay là gió lớn trên trời, rõ ràng không còn mang nghĩa Phật tính của trẻ thơ như gió lớn đưa lên trời như bản gốc của thiền sư Lương Khoan nữa, mà giờ ám chỉ cơn gió dữ sẽ đưa "sụp đổ" tới. Thứ nhất là với chiếc Zero, cũng là với nước Nhật. Thứ hai là với Naoko.

Phim có nhiều lần "đại phong" kéo tới, không phải lần nào cũng dữ. Gió đưa Jiro với Naoko gặp nhau hai lần. Gió cũng thổi lửa làm cháy Tokyo, cháy trường đại học, để ông Caproni hiện ra nói "Gió nổi lên rồi". Rồi gió cũng nổi lên trong lần đầu tiên thử mẫu thiết kế máy bay tiêm kích, bẻ nát từng khớp nối máy bay. Ai đã nhìn thấy gió? Không phải anh cũng không phải em. Ông Jiro đọc thơ của Christina Rossetti như vậy.

Ông Jiro có thể làm gì khi "gió" thổi tới? Ổng có thể chống lại gió, như Junker đã làm ở Đức. Ông điệp viên Castrop ở trên núi kể cho Jiro về Junker, rằng Junker chống lại chính quyền Hitler, nhất quyết không làm máy bay chiến tranh, và bị Hitler truy đuổi. Nhưng Jiro (và Miyazaki) không phải Junker, mà ổng mê Caproni, người làm chiếc Ghibli. Khi "gió" thổi tới, ông Jiro kệ. Không phải ổng nương theo gió, mà là ổng kệ. Ổng không chống lại việc làm máy bay chiến tranh, vì với ổng máy bay nào cũng đẹp, bay được là đẹp. Ổng không nghỉ ở nhà với Naoko, vì ổng đã đồng hóa Naoko với máy bay tình yêu của ổng. Ổng kệ gió và ổng lựa chọn như vậy. Vì ổng sống ở trên mây, theo làn hơi nước máy bay. Bài hát chính cuối phim là bài Làn hơi nước máy bay (Hikoukigumo), một bài hát cũ đâu từ thập niên 1970, được có người trong Ghibli đưa cho Miyazaki nghe, vì nó giống nội dung phim. Bài này buồn khủng khiếp, nói về một cô bé đang bay lên trời, trong khi không ai để ý, cô bé không còn sợ hãi, cô lượn giữa trời cao. Làn hơi nước máy bay chính là sinh mệnh của cô. "Cô bé" sắp chết trong bài hát này cũng là Naoko, mà cũng là Zero, mà cũng là giấc mơ sushi máy bay của ông Jiro.

.

Gom hết mấy bài này lại để vô tag Phim gió.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc

Đi mãi trên tuyết tôi tìm
Một dấu chân em để lại
Khi tay em nắm tay tôi
Băng qua đồng xanh cỏ dại



Trong phim gió có đoạn nói về chuyến đi qua Đức thăm hãng Junkers của ông Jiro và ông bạn bán than. Đoạn này có một cảnh nói về việc Jiro khi đi dạo trong đêm mùa đông với ông bạn thì nghe tiếng nhạc phát ra từ một ngôi nhà bên đường. Bản nhạc đó là một đoạn của liên khúc Winterreise của Schubert. Mình nghĩ bài Winterreise tượng trưng cho cả một phân đoạn phim này. Winterreise là "hành trình mùa đông". Có thể gọi đoạn này là đoạn Hành trình mùa đông của Jiro. Ngay sau đoạn này là cảnh Jiro lại mơ thấy Caproni (cậu thích sống trong thế giới có kim tự tháp hay không có kim tự tháp?), và cảnh lập tức chuyển sang mùa xuân, chấm dứt hành trình mùa đông.

Mình không biết đoạn Winterreise trong phim hát là đoạn nào, vì mình không rành nhạc Schubert và tiếng Đức của mình thì trừ mấy câu vớ vẩn linh tinh tụi trong lab dạy thì mình chẳng biết gì thêm nhiều. Nhưng đại loại là bài này sặc mùi lãng mạn chủ nghĩa thế kỉ 19 của Schubert, kể về một anh có hẹn với người yêu trong mùa đông xong bị cô này gạt, xong anh buồn quá đi lang thang trong mùa đông để tìm người yêu. Có vậy thôi. Một khổ tượng trưng cho liên khúc này mình đã dịch ở đầu bài kìa, quay lại đọc đi.

Hành trình mùa đông của ông Jiro cũng chính là hành trình đi tìm tình yêu của ổng, tức là cái máy bay. Và ổng đã gặp tình yêu của ổng trong giấc mơ, chính trong trời tuyết. Tình yêu của ổng, lúc này chưa mang hình dạng chiếc Zero, đang lao từ trên trời xuống và bốc cháy. Còn mặt Jiro thì đù ra như kiểu không biết chuyện gì đang xảy ra.

Lúc này Jiro chưa gặp lại Naoko, và mặt ổng vẫn còn non và rất đù. Đoạn này liên hệ mật thiết với đoạn Caproni kim tự tháp sau đó, nói về cuộc đời sáng tạo và lời khuyên "mười năm đời sáng tạo của cậu, hãy đổ hết sức lực ra mà làm nhé". Tình yêu của Jiro lúc này chưa thành hình, nó mang hình dáng tượng trưng là cái máy bay giấy, xuất hiện khi Jiro với Caproni đứng trên cánh máy bay của Caproni. Máy bay giấy, nghe quen không, đó chính là cái mà vài cảnh sau đó, Jiro dùng để tán Naoko. Rõ ràng thêm một bằng chứng cho thấy Miyazaki ngấm ngầm muốn nói Naoko chính là cái máy bay của Jiro.

Tình yêu của ổng chết từ lúc ổng còn chưa gặp, từ lúc nó còn chưa có hình dạng cụ thể và ổng còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Điềm báo quá. Sau này khi nó dần dần thành hình, cụ thể hóa thành hình dạng Naoko và chiếc Zero, thì lại càng nhiều điềm báo cho thấy cả hai tình yêu đều sắp lên đĩa. Naoko thì đóng vai nữ chính truyện Núi thần phiên bản Nhật còn cái Zero thì bay giữa trời hoa anh đào nở tung, như kiểu samurai viết thơ từ thế dưới tán anh đào đang rơi. Về sau đúng là khi mấy chiếc Zero chuẩn bị đi kamikaze, thiếu nhi ra chào tạm biệt còn vẫy hoa anh đào với tặng cành anh đào cho các chiến sĩ đem lên máy bay. Bi thảm quá.

Còn cái phim này thì mệt ghê, càng coi càng phát hiện ra tùm lum thứ.

___________________

Hãy nghe Ru con mùa đông bản cũ của Ái Vân cho đỡ mệt:

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Gặp nhau ngày mắt biếc

Tương phùng thanh nhãn nhật
Trương Hỗ

Cái chết của Atsumori. Hồi đó coi phim Kagemusha, mình rất thích cảnh Nobunaga khi nghe tin Shingen qua đời đã đứng lên múa và hát lại điệu Nhân gian ngũ thập niên (Ningen gojuu nen, Đời người năm mươi năm), xuất phát từ trong trong tuồng Nô kể về cái chết của Atsumori. Cảnh đó vừa ngầu, vừa bi.

Atsumori là một nhân vật phụ random từ đâu chui ra trong Truyện Heike, là một trường ca quân sự, vừa kể chuyện đánh kiếm chém thương vừa thuyết giảng áo lý Phật giáo vi diệu vừa lồng ghép thơ văn thảo thụ giai thiên cổ. Atsumori con nhà tướng lớn bên phe Taira, ra trận năm 17 tuổi xong chết luôn. Atsumori ra trận người đã trẻ lại mặc áo lụa thêu hạc, da thì đẹp mà mặt lại đánh lớp phấn mỏng, túi giắt theo tiêu.

Khi phe Taira thất trận, Atsumori bị kẹt dưới nước rồi bị tướng phe Minamoto là Naozane tới tóm được. Naozane trông thấy thần thái Atsumori thì động lòng xót thương, tuy Atsumori vẫn tỏ vẻ rất ngầu nhưng có ông già nào thấy một thằng 17 tuổi đẹp trai phong lưu tiêu sái cố gắng làm mặt ngầu trong lúc sắp chết mà không cảm thấy bi ai. Naozane chỉ nghĩ tới con trai mình, thật tình không nỡ giết, vì giết cũng không giúp phe mình thắng thêm được bao nhiêu, mà tha cũng không giúp phe địch bớt thua được phần nào. Lúc đó thì từ đằng xa quân tiếp viện của Naozane đã tới. Giờ nếu thả Atsumori đi thì cũng sẽ bị đám đằng sau xông lên giết thôi.

Naozane lâm vào tình cảnh vô cùng bi đát như vậy, cầm nước mắt không được, vừa khóc vừa cắt đầu Atsumori. Trước khi giết, ông nói thôi thì để ta giết ngài, ít nhất ta cũng mang đầu ngài về mà cầu siêu, còn hơn để xác ngài vùi trên nội cỏ.

Giết xong Atsumori, Naozane ngồi trên chiến trường mà bưng mặt khóc ròng ròng một hồi.

________________

Chuyện có vậy thôi. Đời người năm mươi năm, so với đất trời thì như chiêm bao, như mộng như huyễn. Naozane xông pha trận mạc giết bao nhiêu lính tráng, tướng tá, nhưng tại sao lại chỉ khóc trước Atsumori. Có khi người ta không kể việc Naozane khóc cho những người khác. Có khi Naozane khóc cho Atsumori chỉ tại vì Atsumori đẹp. Có khi quan trọng nhất là Naozane khóc vì tự cảm thấy như mình vừa giết chết con trai của mình. Có vậy thôi mà vừa ngầu, vừa bi, vừa sầu, vừa tráng.

________________

Dehhak giết cha. Đọc Tên tôi là Đỏ cũng có một đoạn Orhan Pamuk nói bâng quơ về một tích giết cha cũng rất ngầu trong văn cổ Ba Tư. Pamuk kể về tích này một cách đẹp tuyệt vời. Trong sách Shahnameh (Sách các vua, Liệt vương kỉ), kể về lúc thế giới mới thành hình, mọi vật vô cùng đơn giản, các vị chẳng cần phải nhọc công giải thích, cứ vậy mà làm thôi. Cứ cần sữa thì kiếm dê mà vắt. Cứ nói ngựa thì ngựa sẽ đến cho các vị nhảy lên mà phóng đi. Cứ nghĩ đến "cái ác" thì Satan sẽ hiện ra và thuyết phục các vị về cái đẹp trong việc giết cha của các vị (ngầu chưa).

Như vậy, Pamuk để cho Satan đánh đồng cái đẹp với cái ác, dĩ nhiên theo tiêu chuẩn của Satan. Rồi ông viết tiếp về việc vì sao Dehhak (đó là tên Thổ, tên đọc kiểu Ba Tư là Zehhak) giết cha của mình lại là đẹp:
1. là vì nó xảy ra vô cớ. Chẳng có cớ gì cả, cứ Satan thuyết phục thì giết thôi.
2. là vì nó xảy ra vào ban đêm, trong vườn ngự uyển lộng lẫy, với sao vàng chiếu trên hàng tùng bách, và hoa xuân đang nở rộ sắc hương. Lý do này dài hơn, được viết rất uyển chuyển.

Vậy là nó đẹp.
Mưa rơi không cần phiên dịch.

_______________

Settle down. Mình nuôi tinh thể. Nuôi tinh thể giống như nghệ thuật hơn là khoa học, nhất là tinh thể của mình là tinh thể hữu cơ nữa, mỗi lần một khác. Lúc nó bắt đầu nảy mầm, bắt đầu xuất hiện những hạt lốm đốm lóng lánh rất đẹp. Mình đưa Alissa coi. Alissa nói đẹp quá.

Ngày hôm sau, khi mình lôi cái bình tròn từ tủ lạnh ra, tinh thể lóng lánh đã lắng hết xuống đáy bình. Mình lại đưa Alissa coi. Chị nói: giờ nó cũng đẹp nhưng hết đẹp giống hôm qua rồi (tinh thể nào chả đẹp). Mình nói: tới lúc nào đó trong cuộc đời thì cũng phải lắng xuống settle down thôi chứ đâu lúc nào cũng đẹp được. Alissa: Buồn ghê.

Nói linh tinh trong lab mà cũng thành được chuyện deep.

______________

Nước. Quỳnh nói lúc mình nắm tay Quỳnh, Quỳnh thấy giống như sờ vào cái lá. Mình thấy giống như chạm vào dòng nước. Vừa mát, vừa hiền. Bao nhiêu năm dòng nước chảy mãi, mỗi phút mỗi giây đều khác, nhưng cái tinh túy vẫn là dòng nước ngày nào thôi.


Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

..

Tối qua mình đi tập kiếm. Tập kiếm xong thay vì đi về nhà thì mình lại quay về lab làm tiếp. Tới nửa đêm thì mình về nhà. Lúc đo thấy vừa mệt vừa đói khủng khiếp. Vừa muốn ngủ vừa muốn nói chuyện gì đó với Quỳnh nhưng Quỳnh bận rồi với lại mình mệt nên mình đi ngủ.

Lúc quay trở lại lab tối qua, Kristers vẫn còn ở đó. Nó hỏi mày quay lại làm gì vậy. Kristers ba bữa nay đang vật lộn với styrene ở trong cái glovebox. Hôm qua nó lại còn phải ngồi chưng cất cái chất quỷ gì của nó để lọc ra. Nhìn nó cũng tội mà thôi cũng kệ. Nó nói mày đi tập kiếm được cũng mừng đó, hôm nay tao định đi đạp xe nhưng chưa đi được mà đã 11 giờ tối rồi. Kristers là người Latvia nên nó thích ăn khoai tây. Hầu như ngày nào nó cũng ăn khoai tây. Khoai tây là tình yêu của nó. Chắc nó yêu khoai tây cũng gần bằng yêu bạn gái nó, hoặc hơn. Đó là những cái chuyện tào lao tụi mình hay nói giỡn về Latvia và khoai tây, riết rồi không biết cái nào là thiệt cái nào là giỡn nữa.

Kristers vô sau mình gần 6 tháng. Nó đứng làm ở kế bên mình. Mình thích nó vì nó nói chuyện nhạc cổ điển với chuyện liên xô với các chuyện nhảm nhí khác với mình. Nó là người Baltic đầu tiên mình gặp trong đời. Nó cho mình nghe nhạc Gershwin. Nó giúp mình khám phá lại nhạc Ravel, để mình thấy được nhạc Ravel đỉnh cao như thế nào. Bạn gái nó cũng tốt tính. Có lần mình dẫn tụi nó đi ăn xong ba đứa ngồi uống bia tới tối nói chuyện nhảm nhí gì mình quên hết rồi.

Hồi nô en có một bữa trong lab chỉ có mình với Kristers, lúc đó đang bật nonstop nhạc The Planets của Holst. Mình thích nhất bài Sao Mộc, là cái bài vui nhất. Không biết sao bữa đó đúng ra là lễ mà prof lại vô làm. Xong lát hồi chán quá prof đi lòng vòng vô lab mình. Lúc này thì đang chơi bài Sao Hoả. Prof kêu tụi bây chơi nhạc gì mà dark music dữ vậy. Đúng là bài Sao Hoả là một cái bài rất mang không khí chiến tranh, nhưng không phải chiến tranh kiểu hoành tráng hào hùng mà là chiến tranh kiểu nộ khí âm binh lởn vởn. Từ đó mình với Kristers kêu bài Sao Hoả của Holst là dark music.

Sáng nay mình phải đi lên uỷ ban quận làm cái thẻ cư trú mới. Đi tới uỷ ban thì mình phát hiện mình để quên hộ chiếu ở nhà, vậy là phải lật đật chạy ngược về nhà. Về tới nhà, mở tủ ra thì phát hiện ra thật ra mình đã bỏ hộ chiếu vô ba lô rồi. Đáng lẽ tối qua nên về nhà ngủ sớm.

Trên đường đi về nhà mình thấy ở bờ tường có một con voi nhồi bông màu hồng bị bỏ rơi đã 4 ngày nay. Khi mình đạp xe thì không thấy nó, nhưng khi đi bộ ra bến tàu thì ngày nào cũng thấy. Mỗi ngày con voi đều đổi chỗ. Cứ như có người nào thay đổi vị trí cho nó. Có khi nó ngồi trên bờ tường. Có khi nó treo trên hàng rào. Nhìn nó thấy cứ tội tội.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Nào chốn nào chẳng gió xuân

Trong phim Gió, lần cuối cùng ông Jiro gặp Naoko là trước khi ra sân bay để cho bay thử mẫu prototype bay được đầu tiên của chiếc Zero. Trong phim, lúc đó là mùa xuân. Miyazaki cho vẽ rất nhiều hoa anh đào, nhưng lồng ghép rất khéo, mãi mình mới nhận ra được.

Lúc Naoko trốn từ trên núi trở về thì là cuối mùa đông. Lúc làm đám cưới thì đã có anh đào đầu mùa bay lả tả trong gió. Lúc Jiro về nhà gặp vợ lần cuối, tức là cảnh Naoko nói: "Nó nhất định sẽ bay mà. Anh Jiro, thương anh nhiều", là anh đào đã nở rộ cả cây. Lúc chiếc Zero đầu tiên bay lên trời, anh đào đã ở tràn hai bên bờ sông.


Naoko gắn liền với cái máy bay của Jiro. Ông Jiro yêu vợ ổng hơn hay yêu cái máy bay của ổng hơn? Hay là não ổng tự liên hệ hai đối tượng này lại rồi yêu hai cái cùng lúc. Lúc hai người gặp nhau khi đã lớn, ông Jiro chơi máy bay giấy với Naoko, có khi lúc này não ổng đã tự tạo liên kết liên hệ giữa người ổng yêu với cái máy bay.

Ở đoạn cuối, Miyazaki đưa ra một biểu tượng mới: hoa anh đào, để gắn liền cả hai đối tượng: Naoko và máy bay lại. Hoa anh đào tượng trưng cho cái đẹp chóng tàn, cho nỗi u buồn man mác về cái đẹp vô thường, về niềm vui và hạnh phúc vô thường. Nói cách khác thì hoa anh đào ý nói rằng Naoko sắp chết rồi, và cái Zero cũng sắp chết. Ở cảnh trước khi về nhà, ông Jiro nói chuyện với ông bạn chuyên than thở của mình. Ông bạn bán than nói về cái máy bay ném bom của ổng thiết kế ("Tụi mình đâu phải dân bán vũ khí, tụi mình chỉ muốn làm ra máy bay đẹp thôi"). Miyazaki cho vẽ cảnh một phi đội máy bay ném bom đi rải bom ở Trung Quốc bị không lực Trung Hoa Dân Quốc (coi kĩ sẽ thấy có hình bạch nhật thanh thiên trên máy bay tiêm kích) bắn vào bình xăng và nổ tan tành. Cảnh đầu tiên chiếc Zero bay ban đầu ngỡ trái ngược với cảnh nguyên phi đội bị ăn hành trước đó, nhưng lại được trộn lẫn với cảnh Naoko ra đi, và như đã nói, được gắn kết chặt chẽ với hoa anh đào. Sau niềm vui là ngay lập tức tới cảnh ông Jiro đi ra một nghĩa địa máy bay. Trong phim, Naoko không có mộ, chỉ có hàng hàng xác những chiếc Zero mang cờ thái dương nằm chết trong lửa đạn.

Đúng là Naoko chính là cái máy bay của Jiro. Chiện thật buồn. Hay đúng hơn Naoko chính là cái máy bay của Miyazaki.

__________________

Sách Mitsubishi A6M Zero của Osprey viết về vụ thử prototype đầu tiên của chiếc Zero như sau. Ghi ra đây để thấy phim của Miyazaki tuy bịa về ông Jiro và vợ ổng nhưng theo sát thực tế lịch sử về cái máy bay Zero tình yêu đích thực của Miyazaki đến mức nào.

"Mẫu prototype bay được đầu tiên đã được gỡ ra và vận chuyển đến sân bay Kakamigahara bằng xe bò (y hệt trong phim). Sau khi được lắp ghép lại, chiếc máy bay được xét duyệt và kiểm tra sơ bộ lần cuối. Chuyến bay đầu tiên của prototype Zero diễn ra vào ngày 1/4 năm 1940 (chính là giữa mùa xuân sang có hoa anh đào). Thời tiết vào ngày bay thử đầu tiên rất thuận lợi, có gió nhẹ. Sân bay Kakamigahara, nằm ở thành phố Gifu, do Không lực Đế quốc Nhật Bản quản lí, nên chuyến bay thử phải chờ đến khi quân đội tập luyện xong mới được diễn ra. Lúc này, chiếc máy bay được kéo ra và chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay thử.

"Phi công chính cho chuyến bay thử là Shima Katsumo [...] Vào lúc 17h30, chiếc A6M1 cất cánh. Phi công thực hiện một loạt các bài kiểm tra tốc độ thấp. Shima Katsumo và Aratani Harumi tường trình lại rằng máy bay A6M1 có cách điều khiển tương tự chiếc A5M, nhưng cả hai phi công đều cảm nhận được rung động rất lớn khi cho máy bay tăng độ cao, và khi động cơ ở trạng thái nghỉ. [...]"

Sau chuyến bay thử đầu, chiếc A6M1 Zero đã được chỉnh sửa lại nhiều lần, cho bay thử suốt một tháng ròng. Rồi mẫu prototype số 2 được đưa ra. Khi bay thử mẫu A6M2, một phi công đã thiệt mạng. Lúc cho bay mẫu thứ 2, ông Jiro thật ngoài đời không có mặt, mà lúc đó đang ở Mitsubishi tại Nagoya. Tiếp tục sau nhiều chỉnh sửa tới prototype 12, cuối tháng 7 năm 1940, thì Không lực Đế quốc mới chấp nhận chiếc A6M, và đặt tên là máy bay Zero.

Tên chiếc Zero là A6M Type 00, rồi gắn kèm số model, như A6M2a chẳng hạn. Ý nghĩa mỗi chữ và số như sau:
- A: dùng để gọi máy bay tiêm kích (chiến đấu cơ) đặt trên mẫu hạm (tiếng Nhật ghi chữ Hán là hạm thượng chiến đấu cơ).
- 6: thế hệ máy bay thứ 6 của Không lực Đế quốc.
- M: Mitsubishi
- Type 00: tiếng Nhật ghi là "linh thức". Linh = 0, thức = type. Đặt theo năm của lịch cũ là năm 2600 (tức năm 1940).

___________________
Tựa đề là thơ Nguyễn Trãi.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Dạ lai u mộng

Đêm rồi mộng ảo chợt về nhà
Bên song cửa
Đang điểm trang
Nhìn nhau không nói
Chỉ ngàn lệ tuôn tràn
Liệu mấy năm ròng đoạn trường ấy
Đêm trăng tỏ
Đồi thông non


Đoạn trên là phần đuôi của bài từ theo điệu Giang thành tử của Tô Thức. Bài có tựa nhỏ là Đêm 20 tháng Giêng ghi lại giấc mộng.

Bài này mình nghĩ là một trong những bài thơ tình cổ buồn nhất của Trung Quốc. Tô Thức viết về giấc mộng gặp lại người vợ chết trẻ của mình. Trong giấc mơ, trở về quê cũ, ông thấy mình đứng bên song cửa xưa. Bên kia song là vợ vẫn đang trang điểm như ngày nào. Bốn mắt nhìn nhau không nói nên lời chỉ có lệ chảy tràn xuống áo (bị nhiễm thập ngũ tòng quân chinh rồi nên có cụm này dùng hoài).

Bài từ còn lời 1, nhưng mình thích lời 2 hơn vì nó thảm hơn. Lời 1 mang tính chất kể lể âm dương đôi ngả.

Tranh Mai Trung Thứ lần trước xem bán đấu giá nhưng tiền kinh quá mua không nổi.

夜來幽夢忽還鄉
小軒窗
正梳妝
相顧無言
惟有淚千行
料得年年腸斷處
明月夜
短松崗

Dạ lai u mộng hốt hoàn hương
Tiểu hiên song
Chính sơ trang
Tương cố vô ngôn
Duy hữu lệ thiên hàng.
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ
Minh nguyệt dạ
Đoản tùng cương



  
(bản thu cuối cùng của du Pré trước khi mất dần khả năng kéo cello rồi qua đời chính là cái bản nhạc này, bài nhạc nghe như u mộng của César Franck.)