Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Đại giang đông khứ



Ca sĩ: Alan - phim Xích Bích


Hán Việt
Khán đại giang đông khứ 
lãng hoa đào tẫn thiên cổ anh hùng
Tiếu chỉ điểm giang sơn 
thị phi thành bại câu hôi phi yên diệt
Thử địa nhất vi biệt thanh sơn cựu vũ sơ hiết
Hào tình khước hướng thùy thuyết
Ky ngộ nan xa đông phong thả tạm tá
Lưu niên tự thủy túc ấn nan trọng điệp
Xích bích nan biện phong lưu vân tán xử
Chích thặng hạ đương thì minh nguyệt uổng hải khoát thiên không
Cố nhân bất tằng nhập mộng kỷ độ tịch dương hồng vãn chung
Phân cửu tất hợp hợp cửu tất phân
Tạm ký thiên địa chi gian địch hữu nan phân
Đa tình ứng tiếu ngã hoa phát sinh
Đãn vi quân cố độc trầm ngâm chí kim
Nhất thì du lượng nhất hồ tửu vạn cổ tiêu trầm
Nhân đạo thị phân cửu tất hợp hợp cửu tất phân
Hòa nhĩ chung tu nhất biệt thu nguyệt xuân phong tàn tuyết
Uổng hải khoát thiên không cố nhân bất tằng nhập mộng
Kỷ độ tịch dương hồng vãn chung


Phân cửu tất hợp hợp cửu tất phân
Tạm ký thiên địa chi gian địch hữu nan phân
Đa tình ứng tiếu ngã hoa phát sinh
Đãn vi quân cố độc trầm ngâm chí kim
Nhất thì du lượng nhất hồ tửu vạn cổ tiêu trầm
Nhân đạo thị phân cửu tất hợp hợp cửu tất phân
Hòa nhĩ chung tu nhất biệt
Phân cửu tất hợp hợp cửu tất phân
Tạm ký thiên địa chi gian chủ khách nan phân
Đa tình ứng tiếu ngã hoa phát sinh
Đãn vi quân cố độc trầm ngâm chí kim
Nhất thì du lượng nhất hồ tửu nhung mã nhất sinh
Nhân đạo thị phân cửu tất hợp hợp cửu tất phân
Nhân sinh túng sử nhất biệt thiên nhai cộng thử minh nguyệt

Dịch (nguồn:http://quan4.net/dai-giang-dong-khu-alan.html)


Nhìn dòng Trường Giang chảy về Đông, 
bọt nước nhấn chìm bao anh hùng thiên cổ
Cười chỉ khắp giang sơn, 
thị phi thành bại cũng chỉ là làn khói tà
Chính nơi đây ta đã dã biệt, núi xanh còn đó mưa vừa dứt
Tấm chân tình biết tỏ cùng ai
Cơ hội khó cầu, mượn tạm gió đông
Năm tháng trôi qua tựa dòng nước dấu ấn cuộc đời khó in lại trùng điệp
Xích Bích khó phân bởi nơi đây như gió thoảng mây trôi
Chỉ còn lại vầng trăng từ nghìn xưa phí hoài trời biển bao la
Không thể gặp cố nhân dù trong giấc mộng, sắc hoàng hôn hồng đỏ đã lên bao lần, tiếng chuông đêm
Phân ly lâu ắt có ngày tái hợp, tái hợp rồi tất cũng phân ly
Tạm dừng chân giữa trời đất bao la, kẻ thù hay bằng hữu thật khó phân biệt
Người đời cười ta si tình và mái tóc đã điểm bạc
Nhưng theo ngươi, ta phải cô độc trầm ngâm đến tận bây giờ sao
Du, Lượng cùng thời, rượu một bình, chìm vào thiên thu
Quy luật cuộc sống là hợp rồi tan, tan rồi lại hợp
Đến cuối cùng chúng ta cũng phải chia ly, trăng thu gió xuân tuyết tàn
Phí hoài trời biển bao la, không thể gặp cố nhân dù trong giấc mộng
Sắc hoàng hôn hồng đỏ đã lên biết bao lần, tiếng chuông đêm

Hợp rồi tan tan rồi lại hợp
Tạm dừng chân giữa trời đất bao la, kẻ thù và bằng hữu thật khó phân biệt
Người đời sẽ cười ta đa tình và mái tóc đã điểm bạc
Nhưng theo ngươi, ta phải cô độc trầm ngâm đến tận bây giờ
Du, Lượng cùng thời, rượu một bình, chìm vào thiên thu
Quy luật cuộc sống là hợp rồi tan, tan rồi lại hợp
Đến cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ phân ly
Hợp rồi tan tan rồi lại hợp
Tạm dừng chân giữa trời đất bao la, kẻ thù và bằng hữu thật khó phân biệt
Người đời sẽ cười ta đa tình và mái tóc đã điểm bạc
Nhưng theo ngươi, ta phải cô độc trầm ngâm đến tận bây giờ
Du, Lượng cùng thời, rượu một bình, cả đời trên yên ngựa
Quy luật cuộc sống là hợp rồi tan, tan rồi lại hợp
Đời người dù có chia ly dù tới chân trời cũng ở dưới cùng một vầng minh nguyệt



Nếu như "Le Festin" trong Rattatouille là bài hát làm mình mê tiếng Pháp, thì "Đại giang đông khứ" chính là bài hát làm mình mê tiếng Trung Quốc. Mình nghe "Đại giang đông khứ" suốt cả năm mười một, mỗi lần nghe, giống như có một dòng điện chạy qua người, rất kích thích. Thằng Cao Huân là người giới thiệu, nó search đâu đó rồi mang một đống nhạc Alan vào cho mình nghe, trong đó lại có "Đại giang đông khứ" trong OST của Xích Bích.

Bằng cái mớ kiến thức rời rạc về thơ cổ Trung Hoa, mình dòm trong lời Hán Việt thì nhận ra lời thơ của Tô Đông Pha trong từ điệu Niệm Nô Kiều:
Đại giang đông khứ
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cổ luỹ tây biên,
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Du Xích Bích
và của Tào Tháo trong Đoản ca hành (kỳ 2):
Thanh thanh tử khâm
Du du ngã tâm
Đản vị quân cố
Trầm ngâm chí kim.
(Cổ áo xanh xanh
Rầu rầu lòng ta
Chỉ vì ngươi
Mà ta trầm ngâm cho đến nay)


Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Whose cries are not music

Buổi tối, ngồi trò chuyện với Ngọc Như về Yanni, về nhạc của Yanni và về những ước mơ của tôi. Rồi bật DVD Acropolis của Yanni lên xem (và nghe).

Có lẽ tôi vẫn chưa nhận ra mình yêu nhạc Yanni đến mức như vậy trước khi trải qua buổi tối hôm đó. Hay là càng ngày, phát hiện, tích lũy càng nhiều, tình yêu của tôi lại càng sâu đậm?

Nghe lại cả những bài cũ ơi là cũ, những bài tưởng chừng nghe hoài đến phát chán, Santorini, Keys to Imagination, Within Attraction,... nhưng buổi tối khuya đó, càng nghe, càng thấy ấm lòng hơn, không hẳn là thấy nhiều thứ mới mẻ, mà là thấy nhiều thứ ấm áp. Làm sao diễn tả đây. Có lần tôi từng đọc ở đâu đó câu: Writing about art is like dancing about architecture. Âm nhạc cũng từa tựa như vậy, điện ảnh cũng từa tựa như vậy. Làm sao diễn tả được.

Within Attraction có màn duet violin cực hay. Hiện tôi đã nghe được ba bản, một bản ở Acropolis do Karen Briggs cùng với Shardad Rohani chơi phần song tấu, một bản ở Tử Cấm Thành cũng do Karen Briggs cùng với Armen Anassian và một bản ở Acapulco do Ann Marie Calhoun cùng Samvel Yervinyan chơi. Mỗi bản là một phong cách khác nhau. Karen Briggs và Shardad Rohani làm nên một cảm giác vô cùng hoành tráng bằng những nốt nhanh và gọn. Trong khi đó, Ann Marie Calhoun chơi bên cạnh một Samvel Yervinyan đã quá nổi tiếng với những nốt nhạc thần tốc của The Storm và For All Seasons thì lại tỏ ra khác biệt một trời một vực. Phải nói là trước đó tôi rất thích bản Acropolis nhưng sau khi nghe Ann Marie Calhoun, tôi mới thực sự thấy được nét attraction của bản nhạc. Calhoun làm cho bản nhạc của Yanni trở nên mềm mại, điệu đà và ngọt ngào vô song với những nét uốn lượn và quyến rũ của mình.

Rồi tôi nghe cả bản The End of August ở Acropolis. Thật tình tôi không nhớ được là The End of August có xuất hiện ở Acropolis concert, chính là bài cuối cùng khép lại đêm diễn. Trước giờ tôi vẫn chỉ nghe The End of August từ bản CD. Được nghe Yanni chơi live bản nhạc này, được nhìn  nét mặt của Yanni - piano và Briggs - violin khi đàn, quả là một điều thú vị hay ho.

My girlfriend and I went to one of his concerts and he played this song, that was the first time I saw her cry.
(aldamokm - Youtube)

Đọc được comment của một người tên aldamokm trên Youtube bên dưới video The end of August (Live at Acropolis), tự nhiên tôi thấy lòng mình lâng lâng. Giống như gặp được một người đồng cảm.



Tôi đã nói với cô
Rằng những ngày cuối tháng Tám thật dễ chịu.
Rằng tôi muốn nằm ngủ như những con mèo ở Athens.
Trong những phút giây cuối cùng của mùa Hạ.
The end of August



______________
Tựa đề là tên một tập thơ của Linda Benninghoff. Tình cờ bắt gặp trên mạng.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Chuyện nhỏ trong thế giới lớn

Trong một ngày rảnh rỗi của tuần thi học kỳ, tôi muốn viết một bài giới thiệu một quyển sách.

Quyển "Chuyện nhỏ trong thế giới lớn" tôi bắt gặp cách đây vài tuần trong nhà sách. Ngay cái bìa đập vào mắt là đã thấy có cảm tình. Nhìn xuống phía dưới, thấy ghi Phương Nam Book và Nhà xuất bản Tri Thức thêm tin tưởng. Thêm một dòng chữ vàng nho nhỏ vắt ngang: "Thật may mắn cho những trẻ em nào được đọc cuốn sách này!" (Wall Street Journal) càng khiến tò mò kích thích tợn. Khi lật sách ra xem thì hóa ra đây là một quyển sách lịch sử, một quyển sách về lịch sử thế giới, nhưng không phải theo lối sách giáo khoa mà là một quyển sách kể chuyện, với từng chương kèm theo hình vẽ minh họa đẹp mắt ở đầu mỗi chương.

"Chuyện nhỏ trong thế giới lớn" (Eine kurze Weltgeschichte für junge Leser) - dịch thô là "Lược sử thế giới cho bạn đọc nhỏ tuổi" của E.H.Gombrich - cũng là tác giả của cuốn The story of Art nổi tiếng (mặc dầu mình không biết cuốn này trước đó) - là một quyển sách nhỏ, đẹp và hay ho. Trước tình hình cần phải phổ cập kiến thức lịch sử thế giới cho thằng em 13 tuổi ở nhà, tôi không ngần ngại mà mua ngay một quyển. Rồi lại tiện tay vớ thêm một quyển nữa cho bé Xíu - 5 tuổi - để dành sau này em đọc. Hy vọng quyển sách nhỏ sẽ đem lại cho cả hai - một đứa 13 tuổi và một đứa 5 tuổi - nhiều điều lớn lao.

Quyển sách lịch sử của Gombrich bắt nguồn từ lời hứa hẹn với một người bạn trong ngành xuất bản năm ông 25 tuổi. Khi được gợi ý dịch một quyển sách lịch sử cho trẻ em từ tiếng Anh sang tiếng Đức, ông đọc thử và không có ấn tượng gì với quyển sách đó cả. Ông bảo với người bạn ông có thề viết một quyển khác thú vị hơn. Một năm sau, năm 1936, quyển sách được xuất bản lần đầu ở Đức. Cuốn sách được chào đón nồng nhiệt và dịch ra vài thứ tiếng khác. Sau đó, chính quyền Quốc xã không cho xuất bản quyển sách này vì lý do nó "hòa bình" quá.

Quyển sách lịch sử tôi cầm trên tay, đọc rất nhẹ nhàng với người kể chuyện xưng tôi và gọi người đọc là em. Dĩ nhiên với tác giả là một người Đức, đối tượng đọc cũng là trẻ em châu Âu nên phương nhìn của quyển sách cũng là từ phía Tây. Thế nhưng, quyển sách nhỏ của Gombrich  có phổ khá rộng, đã mở sang đến lịch sử của phương Đông với những câu chuyện về Đức Phật, về Khổng Tử, về Trung Hoa, dĩ nhiên là vẫn bằng văn phong của một người phương Tây. Quyển sách bắt đầu từ lời giải thích, "lịch sử" là thế nào, rồi đến thời tiền sử của những người Neandethal, rồi lần mò sang nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Do Thái, Hy Lạp rồi sang Ấn Độ với câu chuyện về Đức Phật, sang Trung Quốc với Khổng Tử và đá một tí sang Lão Tử, rồi lại trở về Maccedonia với cuộc chinh phục của Alexander Đại đế, sau đó là thành Rome lên ngôi, rồi đến Chúa Jesus, tiếp theo là thời Trung Cổ đen tối với những nhà vua và những hiệp sĩ, rồi những thị dân ra đời nối tiếp theo sau là thời Phục Hưng, chủ nghĩa tư bản hình thành, những cuộc chiến trong nhà thờ, cách mạng Anh, thời kỳ Khai Sáng rồi tới cách mạng Pháp, Napoléon, sau đó là cuộc cách mạng công nghiệp rồi Marx đến như những gì phải đến, chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, rồi hai mươi năm sau là cuộc chiến lần thứ hai, quyển sách từ từ khép lại với nước Đức thất trận, thế giới chia làm hai phe rồi những căng thẳng leo thang rồi từ từ xuống thang bởi sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc bằng sự kiện nước Đức được thống nhất.

Cuốn sách này không dành cho tôi, tôi mua nó cho những đứa em. Lúc 13 tuổi, tôi không có quyển sách này, nhưng tôi đã đọc những thứ khác. Gì thì gì, những kiến thức luôn luôn là như vậy, không cách này thì nó cũng tìm cách khác để chui vào đầu ta nếu như ta chủ động đi tìm nó.

Thế nhưng, đọc quyển sách này, đối với tôi cũng là một niềm vui, tôi vẫn còn nhiều điều chưa biết và hiểu biết thêm cũng là một niềm vui. Lời văn nhẹ nhàng, dễ chịu và trong sáng thực sự là một nguồn giải trí lành mạnh.