Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Tuần trước là lần đầu tiên mình phải làm phản ứng với một cái chất siêu độc KCN. Ai cũng biết nó độc, nhưng không phải ai cũng đã từng phải xài nó. Như một nhà hóa học đầy trách nhiệm (hừm), trước khi làm mình phải ngồi nghiên cứu coi phải xài nó như thế nào cho an toàn, lỡ bị đổ ra thì làm gì, làm phản ứng xong thì dọn như thế nào, không được để cho nó bị vô axit vì ra HCN vân vân. Cuối cùng sau khi bàn với Sung Hwan và Alissa thì quyết định là sau khi làm xong thì dọn bằng cách đổ NaOH vô cái dung dịch work up xong rồi tống ôxi già vô cho nó xử rồi đem bỏ vô bình dung môi rác riêng.

Dĩ nhiên là mình làm cực kì cẩn thận nên không có chuyện gì xảy ra. Cái ligand mới có thêm nhóm CN bây giờ nó kết tinh lại màu trắng tinh đẹp như phim, thay vì hồi trước là cái bông bông như kẹo bông gòn.

Vì bàn về KCN nên dĩ nhiên mình với Kristers nói nhảm về mấy vụ tự tử bằng KCN. Nó nói ở trường nó ở Latvia hồi mấy chục năm trước có người ở khoa hóa tự tử bằng KCN. Thực tình không hay ho gì vụ này, không chết liền được mà còn phải chịu khổ cả ngày mới đi. Rồi mình nói nó lại về vụ hơn chục năm trước cái vụ ông nghiên cứu sinh trong lab Corey ở Harvard tự tử cũng bằng KCN. Vụ đó đúng là gây chấn động nguyên cái ngành hóa, không chỉ vì Corey siêu nổi tiếng và giải Nobel, mà cũng vì từ vụ đó mà vấn đề về sức khỏe tâm lí của giới nghiên cứu sinh được quan tâm hơn (nhất là ở cái xứ Mẽo đó, nơi mà nghiên cứu sinh bị bóc lột như nô lệ). Chuyện tự tử ở lab Corey được lên nhiều báo, wikipedia, vân vân. Ông nghiên cứu sinh đó cũng phải siêu giỏi, kiểu ngôi sao sáng trong tương lai, ai cũng tiếc, chỉ vì ghép hai miếng phân tử lại không được mà như vậy.

Kristers hỏi mình mày có nghĩ tụi mình có sức chịu đựng cao không. Mình nói có, nếu không thì cũng chết hết rồi. Đó cũng là một phần nói giỡn, nhưng mình thấy đúng là mọi người trong lab mình hầu hết ai cũng lạc quan, vui vẻ và lành mạnh. Có lẽ không khí, tinh thần và phong cách làm việc ở đây không độc hại như ở bên Mĩ. Nicolai có hơi khùng khùng và lâu lâu la lối mọi người nhưng nói chung là không tạo ra một không khí toxic. Áp lực đúng cách và lành mạnh thì luôn luôn tốt.

__________________

Trên Begin Japanology có cái tập về quần jean. Tập này nói về việc Nhật chế lại quần jean cho thời trang bằng cách ngồi cào, xé, đốt, vá... cho nó cũ đi, xong rồi bán với giá trên trời. Có cái ông chuyên gia, nhà nghiên cứu gì đó, liên hệ việc này với việc nghệ thuật chữa chén gốm, bình gốm bị bể, bằng keo vàng, trở thành tác phẩm nghệ thuật trong truyền thống gốm của Nhật. Rồi có cái ông làm quần jean cũng nói là ổng nghĩ cái nguyên tắc thẩm mĩ của việc mặc quần jean sờn, quần jean cũ, rách, nằm ở chỗ sự sờn, cũ, rách nó thể hiện nét đẹp của thời gian, của việc bền chắc.

Mình thì không thích mặc đồ rách và cũng không thấy nó đẹp ở chỗ nào. Mình nghĩ những cái lí lẽ biện giải về cái đẹp kiểu đó nó hơi giả tạo hay đạo đức giả. Cái nét đẹp đến từ sự bền chắc, sự mặc nhiều lần lại được tạo ra một cách nhân tạo, thủ công, nó không đẹp gì. Có cái kiểu áo khoác jean làm theo kiểu áo khoác xưa của nông dân Nhật, vá chằng vá đụp trải qua bao nhiêu đời. Giống như khoác lên cho cái quần cái áo một cái mặt nạ, nó không thật, nó giả tạo. Thay vì để chính cái quần cái áo nguyên vẹn, để cho thời gian thực hiện những biến đổi (mĩ học nếu có) lên trên nó, thì tầng lớp thị dân vương giả ngày nay lại tự mình giả lập những biến đổi thời gian đó. Cái nét đẹp từ sự bền chắc, sự cũ kĩ rồi lại thay đổi theo trend thời trang, nó không còn mang thực chất nữa.

Mình luôn nghĩ nếu mà chủ nghĩa tiêu dùng tư bản có phát triển thì nó nên phát triển theo hướng của Nhật hay châu Âu, sẽ tốt hơn là theo hướng tào lao của Mĩ. Nhưng vấn đề về cái chủ nghĩa tiêu dùng quần jean như trên thì không đồng ý được hehe.