Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Điên đảo mộng tưởng

Tôi mới coi phim Little Buddha của Bertolucci xong. Thật ra tôi cứ nhớ lộn phim Kundun coi lúc hồi mới qua Thụy Sĩ là của Bertolucci nhưng thật ra phim này mới là của Bertolucci. Phim này có thể nói là xuống tay so với phim Vị hoàng đế cuối cùng, hai nhân vật ông bố bà mẹ xây dựng quá đơn giản, tự nhiên có mấy ông sư ở đâu ra qua nhà nói con ông bà là chuyển thân của thầy tụi tôi, vậy mà mặt vẫn trơ trơ ra, phản ứng kì cục. Tuyến truyện kia của Keanu Reeves đóng vai Tất Đạt Đa thì cũng chầm chậm, coi thấy giống kiểu cố tình làm cho giống mấy sách dạy giáo lý, nhưng quay đẹp hơn nhiều so với mấy phim cuộc đời Đức Phật này kia của Ấn Độ làm.

Thế nhưng xét các điểm trừ đó là xét ở khía cạnh điện ảnh, còn nếu xem từ khía cạnh một câu chuyện Phật giáo thì đúng là nó chầm chậm, bình tĩnh, không cần lên gân, nhẹ nhàng thoải mái. Rõ ràng là cố tình nhái kiểu kể chuyện của phim Phật. Và nói lại lần thứ hai: phim quay vẫn rất đẹp kiểu Bertolucci.

Tóm lại là dù xuống tay nhưng vẫn hay, và nhắc lại lần thứ ba là quay đẹp.

Có nhiều đoạn hay, nhất là đoạn thầy lạt ma Norbu ngồi thiền xong viên tịch, xong bóng thầy vẫn còn đâu đây, đọc Bát nhã tâm kinh bằng tiếng Anh và camera lia những thước phim rất đẹp. Các bạn có thể coi trên youtube có trích đoạn đó (thôi coi luôn ở đây đi, tôi cho vào đây để sau này tôi coi lại luôn cho tiện). Đoạn hay nhất là đoạn: vì không có gì để thành tựu, Bồ tát nương vào trí tuệ (bát nhã) tối thượng (ba la mật đa), tâm không còn sợ hãi, tâm không còn sợ hãi thì xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt tới Niết bàn.



Bài hát cuối phim vẫn là nhạc của Ryuichi Sakamoto. Lần này là Bát nhã tâm kinh bằng tiếng Phạn phối lại theo kiểu thanh nhạc phương Tây (rất là Baroque luôn).

Kính mời các cụ.



Để tôi đi cop lyrics về cho anh chị đọc
śāriputra: rūpaṃ śūnyatā śūnyataiva rūpaṃ 
(Xá lợi tử, sắc tức là không, không tức là sắc)
rūpān na pṛthak śūnyatā śunyatāyā na pṛthag rūpaṃ 
(Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc)
yad rūpaṃ sā śūnyatā; ya śūnyatā tad rūpaṃ 
(Cái gì sắc cũng đều là không, cái gì không cũng đều là sắc)
tadyathā: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā
(Vậy hãy đọc chú: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā)

Không biết sao nghe bài này tôi cứ nghĩ đến một bài khác, chắc nhạc Sakamoto có mấy chỗ giống. Nghĩ hoài vẫn không nhớ được bài khác kia tên là gì, chỉ nhớ giai điệu. Nghĩ thêm một lúc nữa, với sự trợ giúp của Soundhound thì Soundhound bảo là có thể bài này là bài Pavane chăng. A đúng rồi, Pavane, nhưng mà Soundhound bảo là Pavane của Fauré. Không phải, cũng từa tựa, tôi nghe chục nốt đầu là tôi đã biết rồi, pavane này cũng trong trí nhớ của tôi nhưng không phải pavane tôi đang cần tìm. Nhớ thêm một lúc nữa thì tôi nhớ ra đó là Pavane của Ravel. Tên đầy đủ là Điệu pavane cho một nàng công chúa đã qua đời, ôi giời ơi.

Mời quý anh quý chị nghe pavane do Seiji Ozawa chỉ huy, trên youtube có bản chuyển động nữa nhưng mà tiếng bé quá.





Tôi nói thật chứ vai Phật của Keanu Reeves trong phim này thì cũng tạm được thôi. Diễn viên hay nhất trong phim này là người đóng thầy lạt ma Norbu: ông Anh Nhược Thành (英若诚). Ông này từng đóng vai ông trưởng trại tù của Phổ Nghi trong phim Vị hoàng đế cuối cùng, sau bị cách mạng văn hóa đem ra đấu tố. Ông Anh là người Mãn Châu, bà nội lại còn thuộc tộc Ái Tân Giác La, vậy mà lên làm tới thứ trưởng bộ Văn hóa của TQ. Là cựu thứ trưởng mà không hiểu sao ông đóng được phim này, có nhắc tới sự kiện TQ xâm lược Tây Tạng.