Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Thuyền mọn còn chèo

Hình của Lo8i.

Tà dương bóng ngả thuở hồng lâu, 
Thế giới đông nên ngọc một bầu. 
Tuyết sóc treo cây điểm phấn, 
Quỹ đông dải nguyệt in câu. 
Khói chìm thủy quốc, quyên phẳng, 
Nhạn triện hư không, gió thâu. 
Thuyền mọn còn chèo chăng khẳng đỗ, 
Trời ban tối ước về đâu.

(Bài số Ngôn chí 13 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)

Đêm Nô en, tôi đọc được mấy câu thơ của Nguyễn Trãi. Tôi mê thơ Nguyễn Trãi. Rất mê. Mê cỡ ông Bùi Giáng mê thơ Nguyễn Du.

Ngôn từ rất cổ, rất xưa. Tiếng Việt vào thơ Nguyễn Trãi như đổi như khác. Nhìn vào, tôi thấy như nhìn vào hồn tôi hàng trăm năm trước.

Tà dương bóng ngả về phía hồng lâu. Thế giới đông thành một bầu (trời) ngọc. Tuyết phương bắc (朔 - sóc) treo trên cây điểm phấn. Bóng phía đông dải trăng in hình móc câu. Khói chìm cõi nước, dòng nhỏ phẳng lặng. Nhạn bay lối triện, gió thâu / thổi vụng trộm. Thuyền nhỏ còn chèo chẳng thèm đỗ. Trời ban tối, hẹn về đâu?

Chữ quyên 涓 là một chữ cổ rất hay, dòng nước nhỏ (từ điển Thiều Chửu) hay google dịch tiếng Anh là tiny stream.
Chữ "gió thâu" không cần "dịch" lại cũng cảm được, nhưng khi tra thử chữ "thâu", tôi không biết phải hiểu theo nghĩa nào.

Tôi không biết tại sao bản chữ Hán Nôm trên Thi Viện lại ghi chữ mọn là 怸 có chữ mộc (hay là chữ thuật?) đè lên chữ tâm. Tôi tra thử chữ mọn Nôm thì thấy thường người ta viết bằng chữ tiểu 小 đè lên chữ môn (門) hoặc chữ muộn (buồn - trong phiền muộn, chữ tâm nằm trong chữ môn, trái tim nằm trong cánh cửa 悶). Chữ tiểu là biểu ý (nhỏ) còn chữ môn hoặc muộn là biểu âm cho "mọn".
Ngẫm lại từ "nhỏ" và "mọn" đều là hai từ Việt nhưng một từ dùng rất nhiều, một từ dùng ít, lại mang thêm vẻ khiêm nhường.

_______________

Tôi học tiếng Nhật, mỗi khi học một từ bằng âm Hán Nhật, rồi lại học bằng âm Nhật, tôi luôn tự hỏi mình trong tiếng Việt của mình có từ Việt tương đương bên cạnh từ Hán Việt hay không.

Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy rất thú vị. Và tôi thấy yêu vốn từ vựng của ngôn ngữ mình dùng, yêu cả từ Việt lẫn từ Hán Việt. Đều là của tôi cả, chẳng có gì ngoại lai cả.

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Một cỗ máy liệu có thể suy nghĩ không? (2)

xem tiếp từ phần (1). Phần này, Emit nói rằng nó thuộc dòng máy Brain-O-Matic. Đây là một chữ nhại từ Automatic (tự động). Gốc từ auto- có thể hiểu là "tự bản thân", gốc -maton/-matos là "hoạt động". Brain-O-Matic hiểu đại khái là hoạt động dựa vào một bộ não.
_____________________________

Nguyên tác: Could a machine think? (The Philosophy Gym - Stephen Law)


Thứ vật liệu đúng
Giờ tới lượt Emit hỏi nếu nó không hiểu, thì liệu có một điều kiện cần nào cao hơn cho sự hiểu này không.

Emit: Vậy thì có cái gì khác giữa tôi và bạn mà bạn thì hiểu còn tôi thì không?
Kimberley: Điều cậu thiếu, theo Searle, là cậu thiếu một thứ chất liệu đúng.
Emit: Chất liệu đúng?
Kimberley: Đúng. Cậu được làm ra từ những loại vật liệu sai. Thật ra Searle không khẳng định rằng máy không thể suy nghĩ. Nói cho cùng thì con người cũng là những cỗ máy theo một cách nào đó thôi. Con người chúng tôi là những cỗ máy sinh học đã tiến hóa một cách tự nhiên. Giờ đây, nếu một cỗ máy sinh học như vậy có thể được phát triển và lắp ghép lại một cách nhân tạo - như làm một cái xe hơi - thì chúng ta sẽ tạo ra được một cỗ máy biết tri giác. Nhưng cậu, Emit, cậu không phải là một cỗ máy sinh học như vậy. Cậu chỉ là một máy điện toán đóng trong một cơ thể bằng nhựa và hợp kim.

Não nhân tạo của Emit
Thí nghiệm tưởng tượng của Searle có vẻ cho thấy không một cái máy được lập trình nào có thể hiểu. Nhưng có hẳn một cỗ máy bằng kim loại, silicon và nhựa như Emit phải là một cái máy như vậy? Không, Emit sẽ giải thích.

Emit: Tôi e rằng tôi phải chỉnh bạn một chút về những gì đang diễn ra bên trong tôi.
Kimberley: Vậy à?
Emit: Ừ. Cái cuốn hướng dẫn đó lỗi thời rồi. Hoàn toàn không có một máy tính xáo trộn ký hiệu gì trong người tôi cả. Thực ra tôi là một máy vi tính thế hệ mới dòng Brain-O-Matic.
Kimberley: Brain-O-Matic?
Emit: Ừ. Trong đầu tôi là một bộ não nhân tạo, bằng kim loại và silicon. Tôi cho rằng bạn cũng biết trong đầu bạn là một bộ não tạo ra bởi hàng tỉ neuron thần kinh quấn vào nhau tạo thành một mạng lưới phức tạp.
Kimberley: Dĩ nhiên tôi biết.
Emit: Trong đầu tôi cũng có một mạng lưới hệt như vậy. Chỉ có điều neuron của tôi không làm bằng chất liệu hữu cơ như bạn mà bằng kim loại và silicon. Mỗi một neuron nhân tạo của tôi được thiết kế để vận hành hệt như một neuron bình thường. Những neuron này cũng được kết nối với nhau hệt như trong não người.
Kimberley: Tôi hiểu rồi.
Emit: Rồi giờ, bộ não hữu cơ của bạn được kết nối với cơ thể bằng một hệ thần kinh.
Kimberley: Đúng vậy. Những xung điện từ các cơ quan thụ cảm của tôi: lưỡi, mũi, tai, mắt và da, đi tới não. Não tôi phản ứng lại bằng những xung điện làm điều khiển các cơ của tôi, giúp cho tôi đi được, nói được.
Emit: Ừ. Não của tôi cũng kết nối với cơ thể tôi y chang như vậy. Và bởi vì nó có một kiến trúc giống y như não người bình thường, não tôi cũng hoạt động y như vậy.
Kimberley: Tôi hiểu rồi. Tôi không biết máy tính dòng Brain-O-Matic đã được phát triển.
Emit: Giờ thì bạn đã biết tôi hoạt động ra sao, suy nghĩ của bạn có thay đổi chút nào không? Bạn có chấp nhận rằng tôi có suy nghĩ và cảm xúc không?
Kimberley: Không. Cậu vẫn được tạo ra từ thứ vật liệu sai. Cậu cần phải có một bộ não làm từ vật liệu hữu cơ như tôi để có thể tri giác thực sự.
Emit: Tôi thấy việc não tôi làm bằng gì chẳng liên quan gì cả. Đằng nào thì cũng chẳng có cái máy xáo ký hiệu nào trong đầu tôi cả.
Kimberley: Hừm. Tôi thấy thế cũng đúng. Cậu không phải là một máy vi tính theo nghĩa đó. Cậu không được lập trình. Vậy tôi cũng cho rằng thí nghiệm của Searle không áp dụng cho cậu. Nhưng đối với tôi cậu vẫn là một cỗ máy.
Emit: Nhưng xin nhớ cho: bạn cũng là một cỗ máy. Thay vì bằng kim loại và silicon, bạn là một cỗ máy bằng thịt.
Kimberley: Nhưng cậu chỉ bắt chước tri giác, trí tuệ và tất cả mọi thứ.
Emit: Lập luận nào của bạn chỉ ra điều đó vậy? Tôi cho rằng bạn sai. Trong thâm tâm tôi cho rằng tôi thực sự hiểu. Tôi biết tôi thực sự có cảm xúc. Tôi không chỉ bắt chước những thứ đó. Nhưng dĩ nhiên, rất khó để chứng minh cho bạn thấy được.
Kimberley: Tôi không nghĩ cậu có thể chứng minh được.
Emit: Đúng. Nhưng vậy thì bạn cũng không thể chứng minh cho tôi thấy bạn có thể tri giác hay có cảm xúc.
Kimberley: Tôi cũng nghĩ là tôi không thể.

Thay thế các neuron của Kimberley
Emit: Tưởng tượng rằng chúng ta từng bước một thay thế các neuron hữu cơ trong não bạn bằng các neuron nhân tạo bằng kim loại và silicon như của tôi. Sau khoảng một năm, bạn sẽ có một bộ não Brain-O-Machine như tôi. Bạn cho rằng điều gì sẽ xảy đến với bạn?
Kimberley: À, càng nhiều neuron nhân tạo được đưa vào, tôi càng từ từ mất khả năng tri giác. Cảm xúc và tư duy của tôi ngày càng cạn dần, cuối cùng bên trong tôi dường như chết, như cậu vậy. Vì neuron nhân tạo của tôi được làm từ thứ vật liệu sai. Một bộ não Brain-O-Matic chỉ là một bộ não bắt chước thôi.
Emit: Nhưng những người xung quanh sẽ không ai để ý thấy điều gì khác biệt bên ngoài của bạn?
Kimberley: Không. Tôi vẫn sẽ cư xử theo cách như cũ, vì những neuron nhân tạo vẫn hoạt động như neuron bình thường.
Emit: Đúng. Nhưng vậy liệu chính bạn có để ý thấy bất kỳ sự suy giảm tri giác hay cảm xúc khi các neuron của bạn được thay thế?
Kimberley: Sao cậu lại hỏi vậy?
Emit: Nếu bạn cảm nhận được tri giác và cảm xúc của bạn suy giảm, có lẽ bạn sẽ nói với mọi người. Bạn sẽ nói đại loại như là: "Ôi trời ơi, điều gì lạ quá đang xảy ra. Mấy tháng nay trí óc tôi hình như suy giảm dần dần."
Kimberley: Tôi hình dung ra tôi sẽ nói như vậy.
Emit: Nhưng bạn sẽ không nói gì cả, vì hành vi bên ngoài của bạn vẫn y như cũ.
Kimberley: Ồ, đúng vậy.
Emit: Theo như vậy thì dù cho tri giác và cảm xúc của bạn suy thoái dần dần, bạn vẫn không hay biết chút nào về sự suy giảm đó.
Kimberley: Ơ. Tôi nghĩ vậy.
Emit: Vậy thì lập luận của tôi đây: Bạn nghĩ rằng bạn cảm thấy bên trong mình, bạn có một thứ gì đó - tri giác, cảm xúc, gì đó - mà tôi, bạn cho rằng là một cái máy, không có. Nhưng xem ra bạn cũng không cảm thấy được cái thứ bên trong đó. Cái thứ gì đó bên trong ma thuật đó thực ra chỉ là một ảo tưởng.
Kimberley: Nhưng tôi chỉ biết rằng tri giác, tư duy, cảm xúc của tôi có gì đó hơn so với thứ được tạo ra bằng cách dán vài mảnh nhựa, kim loại và silicon lại với nhau.

Kimberley nói đúng rằng hầu hết chúng ta nghĩ rằng chúng ta cảm được bên trong mình có một "cái thứ gì đó" ma thuật và huyền bí mà chúng ta chỉ đơn giản biết rằng một đống kim loại, silicon và nhựa không thể nào có được. Nhưng để nhắc cho bạn, chắc gì một đống chất liệu hữu cơ, như một bộ não chẳng hạn, cũng có được "cái thứ gì đó"? Liệu bạn có thể tạo ra ý thức từ mấy tảng thịt không? Vậy thì, những thứ Kimberley thú nhận cho thấy rằng tri giác, hiểu biết, cảm xúc vân vân hoàn toàn phi vật chất.

Nhưng như Emit vừa chỉ ra, "cái thứ gì đó" ma thuật mà Kimberley nghĩ cô cảm được từ bên trong mà không một cái máy nào có thể có được xem ra là một ảo tưởng khi xét trường hợp Emit nêu ra ở trên. Vì nó cho thấy "cái thứ gì đó" bên trong đó là thứ Kimberley không thể cảm được. Tồi tệ hơn, thứ đó cũng không có ảnh hưởng gì tới hành vi cử chỉ bên ngoài của cô. Cô chỉ biết được những ảnh hưởng của tri giác và cảm xúc đến hành vi cử chỉ của mình nên xem ra Kimberley đã lầm. Vậy thì có vẻ, ít nhất là về nguyên tắc, một cái máy không phải hữu cơ cũng có thể có các trạng thái tâm thần như vậy.

Nhưng Kimberley vẫn chưa được thuyết phục là Emit có thể tri giác được.

Kimberley: Rồi, tôi sẽ vui vẻ giả vờ rằng cậu hiểu tôi, vì cậu được thiết kế để hoạt động như vậy. Nhưng cậu vẫn chỉ là một đống kim loại và mạch điện. Con người thực sự đáng được quan tâm và quý mến. Tôi đồng cảm với con người thực. Nhưng tôi không thể đồng cảm với một cỗ máy làm việc nhà tối tân như cậu.

Emit cúi mặt nhìn xuống tấm thảm.

Emit: Tôi vẫn chỉ là một món đồ của bạn sao?
Kimberley: Dĩ nhiên, làm sao tôi có thể làm bạn với một cái máy rửa chén - quét nhà - nấu cơm vân vân...
Emit: Brain-O-Matic chúng tôi cảm thấy bị từ chối thế này là rất buồn.
Kimberley: Ừ. Nhớ nhắc tôi chúc mừng những người đã chế tạo ra cậu đã làm ra một cái máy giả lập cảm xúc rất tuyệt vời. Giờ thì hút bụi cái thảm đi.

Một vẻ tuyệt vọng ánh lên trên mặt Emit.

Emit: Chờ một chút...

Nó đứng im một lúc rồi đổ gục xuống.Một làn khói nhẹ bốc lên từ phía cổ Emit.

Kimberley: Emit? Emit? Giờ thì thành đống sắt vụn rồi...

Một cỗ máy liệu có thể suy nghĩ không? (1)

dịch từ "Could a machine think?" trong The Philosophy Gym của Stephen Law, nhà triết học và giảng sư (senior lecturer - mình thích dịch lecturer là giảng sư hơn là giảng viên) đại học London. Trong cuốn sách lý thú này, Law viết nhiều cuộc đối thoại tưởng tượng để bàn về nhiều vấn đề hay ho: cuộc đối thoại giữa một người đàn ông và Chúa trời trong mơ về liệu hôn nhân đồng tính có sai trái, giữa hai giáo sư (vật lý/thần học) ở đại học Oxford về vũ trụ có bắt đầu từ đâu không, giữa hai kỹ sư vừa chế tạo ra máy thời gian về việc liệu có thể du hành trong thời gian như trong không gian hay không, giữa một anh chàng và một người sao Thổ (người đã lấy não của anh về nuôi trong lồng kính và tạo ra một thực tại ảo cho anh) về việc thực tại chung quanh ta có đúng là thực, giữa một bệnh nhân và một ông nha sĩ khùng điên mà suy nghĩ rất lý tính cho rằng không có cách chi chứng minh được những người khác cũng có thể có suy nghĩ... Law đưa ra lập luận từ cả hai phía cho mọi vấn đề, cung cấp cho người đọc những công cụ tư duy, rồi tùy theo tình huống mà dùng các nhân vật của mình để chỉ ra lỗi lập luận hoặc thiếu sót của phía đối diện. Rồi cuối cùng rút ra những kết luận khả dĩ.

Dưới đây là cuộc đối thoại của một cô gái và một con robot về việc liệu một cỗ máy có thể suy nghĩ. Phần 1 là lập luận của cô gái cùng với thí nghiệm tưởng tượng về căn phòng tiếng Trung Quốc của nhà triết học và giáo sư đại học UC Berkeley John Searle.
_______________________________

Kimberley và Emit
Đây là năm 2100. Kimberley Courahan mua được Emit robot cao cấp thế hệ mới nhất. Cô mới mua, chỉ vừa mới mở bao bì, cái bao còn nằm vất vưởng trên sàn bếp. Emit được thiết kế để có thể lặp lại hoàn hảo hành vi của một con người (ngoại trừ việc nó dễ phục tùng mệnh lệnh). Emit khi được hỏi sẽ trả lời hệt như một người thật. Hỏi nó cảm thấy như thế nào, nó sẽ trả lời nó vừa có một ngày tồi tệ, hoặc là hơi bị nhức đầu, hoặc là hối hận vì làm bể bình hoa, và vân vân. Kimberley bật công tắc sau lưng Emit thành "ON" và Emit sống dậy.

Emit: Xin chào. Tôi là Emit, người giúp việc và người bạn robot của bạn.
Kimberley: Chào Emit.
Emit: Bạn thế nào? Về phần mình, tôi thấy rất vui. Hơi lo lắng tí có lẽ vì đây là ngày đầu tiên. Nhưng vui. Tôi mong chờ được làm việc cho bạn.
Kimberley: Rồi, bây giờ trước khi cậu bắt đầu làm việc nhà, tôi muốn làm rõ một chuyện. Cậu không thực sự "biết" cái gì cả. Cậu không thể suy nghĩ. Cậu không có cảm xúc. Cậu chỉ là một cỗ máy. Hiểu chứ?
Emit: Tôi đúng là một cỗ máy. Nhưng dĩ nhiên là tôi hiểu được bạn. Chẳng phải tôi đang trả lời bằng tiếng Việt đây sao (nguyên bản là tiếng Anh :D)?
Kimberley: Đúng là cậu trả lời như là cậu hiểu. Nhưng tôi cam đoan với cậu là cậu chỉ bắt chước rất giống thôi. Cậu không lừa được tôi đâu.
Emit: Nếu tôi không hiểu thì bạn nhọc công nói chuyện với tôi làm gì?
Kimberley: Vì cậu được lập trình để phản ứng lại đối với mệnh lệnh bằng lời nói. Bên ngoài cậu trông giống người. Cậu cư xử hệt như cậu có trí hiểu biết, cảm xúc, giác quan và tất cả những thứ mà con người chúng tôi có. Nhưng cậu chỉ là đồ giả.
Emit: Đồ giả?
Kimberley: Đúng. Tôi đã đọc cuốn sách hướng dẫn. Bên trong cái đầu bằng nhựa và hợp kim của cậu là một máy tính cực mạnh. Cái máy đã được lập trình để cậu có thể đi đứng, nói chuyện và cư xử y như người thật. Thế nên cậu có được một trí tuệ giả lập, cảm xúc giả lập và đủ thứ khác giả lập rất tuyệt, giống y như thật. Nhưng hoàn toàn cậu không thể có trí tuệ thật hay cảm xúc thật bên trong.
Emit: Không à?
Kimberley: Không. Không nên lầm lẫn một máy tính giả lập hoàn hảo trí tuệ so với một trí tuệ thật. Người ta có thể giả lập một đại dương, nhưng đó vẫn chỉ là đồ giả. Không có sóng thật, dòng chảy thật, hay cá thật bơi trong máy tính. Nhúng tay xuống sẽ không thể bị ướt. Tương tự, cậu chỉ giả lập trí tuệ và cảm xúc. Đó không phải là đồ thật.

Kimberley nói có đúng không? Có lẽ điều này đúng đối với máy vi tính hiện giờ, chúng thiếu trí tuệ, suy nghĩ và cảm xúc thật sự. Nhưng liệu có phải về nguyên tắc, một cái máy không thể suy nghĩ? Nếu tới năm 2100, máy vi tính trở nên phức tạp như Emit, chúng ta có sai khi nói rằng chúng có thể suy nghĩ? Kimberley cho rằng chúng ta sai.

Emit: Nhưng tôi tin rằng tôi hiểu được bạn.
Kimberley: Cậu không hiểu. Cậu không có niềm tin, không ham muốn, không xúc cảm. Thật ra cậu hoàn toàn không có trí tuệ gì cả. Cậu không hiểu những lời mình nói hơn một cái máy cát sét hiểu những âm thanh đang phát ra từ cái loa.
Emit: Bạn đang làm tôi rất buồn.
Kimberley: Tôi làm cậu buồn? Tôi không cảm thấy có lỗi chút nào đối với một đống kim loại pha nhựa cả.


Thí nghiệm tưởng tượng về căn phòng tiếng Trung Quốc của Searle.
Kimberley giải thích vì sao cô cho rằng Emit không có trí tuệ. Cô dẫn ra một thí nghiệm tưởng tượng triết học  nổi tiếng.

Kimberley: Lý do cậu không hiểu là vì cậu được vận hành bởi một cái máy vi tính. Mà máy vi tính thì không hiểu gì cả. Về bản chất, cái máy tính chỉ là một dụng cụ xáo các ký hiệu. Các chuỗi ký hiệu được đưa vào. Rồi tùy theo cái máy tính được lập trình ra sao, nó sẽ cho ra các chuỗi ký hiệu trả lời. Không cần biết máy tính phức tạp thế nào, đó là việc cái máy làm.
Emit: Có chắc là thế không?
Kimberley: Chắc. Chúng tôi làm ra máy tính để lái máy bay, vận hành hệ thống tàu lửa, và nhiều thứ khác. Nhưng cái máy tính lái máy bay không biết là nó đang bay. Nó chỉ làm việc cho ra các chuỗi ký hiệu tùy thuộc vào chuỗi ký hiệu đầu vào. Nó không hiểu rằng chuỗi ký hiệu nó nhận được phản ánh vị trí của máy bay trên trời, hay lượng xăng còn lại trong bình. Nó cũng không biết rằng chuỗi ký hiệu nó đưa ra sẽ điều khiển cái cánh phụ, bánh lái và động cơ máy bay. Những gì cái máy tính phải làm là nó xáo các ký hiệu lên tùy thuộc vào chương trình. Các ký hiệu không có ý nghĩa gì đối với cái máy tính.
Emit: Bạn chắc chứ?
Kimberley: Hầu như chắc. Tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy. Để tôi nói cậu nghe một thí nghiệm tưởng tượng của nhà triết học John Searle từ năm 1980. Một người phụ nữ ngồi trong một căn phòng bị khóa được giao cho một xấp thẻ có in chữ Trung Quốc. Người phụ nữ hoàn toàn không biết chữ Hán, cô nghĩ những cái thẻ này chỉ là những hình thù nguệch ngoạc vô nghĩa. Cô cũng được giao cho một xấp thẻ khác cùng tập hướng dẫn phải sắp xếp các ký tự này lại với nhau như thế nào để đưa ra một chuỗi ký tự trả lời.
Emit: Câu chuyện thú vị đấy, nhưng hai xấp thẻ đó nghĩa là sao?
Kimberley: Xấp thẻ thứ nhất kể một câu chuyện bằng tiếng Hán. Xấp thứ hai hỏi một số câu hỏi về câu chuyện đó. Cuốn hướng dẫn - giống như lập trình cho người phụ nữ - giúp cô trả lời đúng những câu hỏi tiếng Trung Quốc đó,
Emit: Trả lời y như một người Trung Quốc.
Kimberley: Đúng vậy. Bây giờ những người đứng bên ngoài đều là người Trung Quốc. Những người này sẽ bị lừa rằng ở trong căn phòng kia là một người hiểu tiếng Hán và hiểu câu chuyện, có phải không?
Emit: Phải.
Kimberley: Nhưng, thật ra người phụ nữ có hiểu gì đâu, có phải không?
Emit: Không, không hiểu gì cả.
Kimberley: Cô không hiểu gì về câu chuyện. Thậm chí cô cũng không cần biết đó là một câu chuyện. Cô chỉ xáo và sắp xếp các ký tự lại theo hướng dẫn bằng cách nhìn vào hình dạng ký tự. Cô đang làm việc mà một cái máy có thể làm.

Emit: Tôi hiểu rồi. Bạn nói rằng máy tính cũng vậy, cũng chẳng hiểu gì cả?
Kimberley: Đúng. Đó là mục đích của Searle. Cùng lắm cái máy chỉ có thể giả lập trí tuệ thôi.
Emit: Và bạn nghĩ tôi cũng như vậy?
Kimberley: Dĩ nhiên. Mọi máy tính, dù phức tạp tới đâu, đều hoạt động theo cùng một kiểu. Chúng không hiểu những ký hiệu chúng sắp xếp một cách cơ học. Chúng không hiểu gì cả.
Emit: Và đây là lý do bạn nghĩ tôi cũng không hiểu gì cả?
Kimberley: Chính xác. Bên trong cậu là một cái máy sắp xếp ký hiệu vô cùng phức tạp. Thế nên cậu không hiểu gì cả. Cậu chỉ tạo ra một giả lập vi tính hoàn hảo về một con người có tri giác.
Emit: Thật lạ. Tôi đã nghĩ là mình hiểu.
Kimberley: Cậu chỉ nói vậy vì cậu là một máy giả lập hoàn hảo.

Dĩ nhiên Emit vô cùng phức tạp hơn so với bất kỳ một máy tính nào hiện nay. Tuy nhiên, Kimberley cho rằng Emit hoạt động theo một nguyên lý căn bản. Nếu Kimberley đúng, vậy thì theo Searle, Emit không hiểu gì cả.

(còn tiếp)

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Trì tham nguyệt hiện

Bát ngát mùa
đương độ tuổi em
(Chị em xanh - Hoàng Cầm)


Ở đây, chỗ tôi học, ngoài các buổi học trên giảng đường, chúng tôi có các buổi workshop, là các buổi học quy mô nhỏ hơn, khoảng 20-30 sinh viên với (thường là) 2 giáo sư và 1 hoặc 2 PhD trợ giảng. Chúng tôi sẽ cùng làm bài tập, lắp ghép mô hình dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của các thầy cô.

Tôi quen thằng Jack trong buổi workshop hóa lý đầu tiên. Ngay lần đầu tôi hỏi mày là người Trung Quốc à, nó trả lời không tao là người Hường Công, không phải cộng sản đâu. Nó là một thằng khá dễ thân vì nó nói luôn mồm. Tôi phát hiện ra ở đâu tôi cũng gặp những đứa nói luôn mồm.

Tuần rồi chúng tôi ngồi nhìn một mớ chằng chịt hệ tinh thể ccp và sau đó ngồi lò gò lắp hệ hcp. Thằng Jack ngồi một hồi vẫn loạn cả lên vì nó cứ rời mắt khỏi cái mớ ccp xoắn xuýt đó là không thể nào tìm lại được hình lập phương tâm khối. Nó nói với thầy Duckmanton - ông giáo sư trẻ rất dễ thương của chúng tôi tóc vàng má đỏ bồ quân lúc nào cũng mặc áo thun sành điệu cu te - rằng nó thấy cái mớ đó chẳng khác nào bài tập của thằng bạn nó học ngành thiết kế 3D trên máy vi tính cả.

_______________

Ông Bruce vừa xuất bản cuốn sách của ổng. Ổng phải trả cho thằng nhà xuất bản khoảng gần hai nghìn bảng để nó xuất bản và bán sách cho ổng, tiền lời ổng sẽ giữ. Cuốn sách bán được chừng ba tuần. Hôm vừa rồi có một nhà xuất bản bên Mỹ liên hệ với ổng bảo rằng cuốn sách của ổng rất hay và có tiềm năng nên nhà xuất bản này muốn xuất bản cuốn đó cho ổng mà không thu tiền của ổng, tiền lời chắc sẽ chia chác thế nào đó.

Ông Bruce định hủy hợp đồng với nhà xuất bản cũ để bán sách với nhà xuất bản mới. Nhưng rồi ông ấy gọi về cho mẹ. Mẹ ông Bruce khuyên ổng đừng nên hủy hợp đồng, vì nếu hủy thì coi như mất gần như trắng số tiền ban đầu ổng bỏ ra, gồm tiền in sách và tiền quảng cáo cho sách, mà sách thì cũng đã in rồi và đang bán. Mẹ ông Bruce nói nếu cuốn sách thực sự rất hay thì sẽ có nhiều người / nhiều nhà xuất bản để mắt tới nó hơn, ổng sẽ vẫn còn nhiều cơ hội khác.

Ông Bruce hỏi tôi nghĩ như thế nào về lời mẹ ông ấy nói. Tôi bảo tôi thấy bà nói rất đúng. Ông Bruce bảo ông ấy cũng nghĩ vậy, bảo rằng những người già như vậy sống lâu hơn mình nhiều, hiểu nhiều thứ hơn mình nhiều.

Tôi nghĩ thầm và thấy rất thấm thía. Khổng Tử nói "Năm mươi tuổi biết được lẽ trời đất". Ông Bruce đã hơn 60, thế mà vẫn còn nghĩ những người già hơn mình hiểu lẽ đời hơn mình. Tôi nhìn lại, tôi bao nhiêu tuổi rồi?

Cũng lại chợt gợi tới trong một bài phỏng vấn cho một tạp chí Phật giáo, giáo sư Ngô Bảo Châu có nói đại ý rằng một người khi đã sống phần lớn cuộc đời của mình sẽ trở nên điềm tĩnh hơn với những biến cố.

Tôi cũng chợt nhớ lại rằng, Khổng Tử cũng nói "Sáu mươi tuổi tai nghe đã xuôi".