Hình của Lo8i.
Tà dương bóng ngả thuở hồng lâu,
Thế giới đông nên ngọc một bầu.
Tuyết sóc treo cây điểm phấn,
Quỹ đông dải nguyệt in câu.
Khói chìm thủy quốc, quyên phẳng,
Nhạn triện hư không, gió thâu.
Thuyền mọn còn chèo chăng khẳng đỗ,
Trời ban tối ước về đâu.
(Bài số Ngôn chí 13 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)
Đêm Nô en, tôi đọc được mấy câu thơ của Nguyễn Trãi. Tôi mê thơ Nguyễn Trãi. Rất mê. Mê cỡ ông Bùi Giáng mê thơ Nguyễn Du.
Ngôn từ rất cổ, rất xưa. Tiếng Việt vào thơ Nguyễn Trãi như đổi như khác. Nhìn vào, tôi thấy như nhìn vào hồn tôi hàng trăm năm trước.
Tà dương bóng ngả về phía hồng lâu. Thế giới đông thành một bầu (trời) ngọc. Tuyết phương bắc (朔 - sóc) treo trên cây điểm phấn. Bóng phía đông dải trăng in hình móc câu. Khói chìm cõi nước, dòng nhỏ phẳng lặng. Nhạn bay lối triện, gió thâu / thổi vụng trộm. Thuyền nhỏ còn chèo chẳng thèm đỗ. Trời ban tối, hẹn về đâu?
Chữ quyên 涓 là một chữ cổ rất hay, dòng nước nhỏ (từ điển Thiều Chửu) hay google dịch tiếng Anh là tiny stream.
Chữ "gió thâu" không cần "dịch" lại cũng cảm được, nhưng khi tra thử chữ "thâu", tôi không biết phải hiểu theo nghĩa nào.
Tôi không biết tại sao bản chữ Hán Nôm trên Thi Viện lại ghi chữ mọn là 怸 có chữ mộc (hay là chữ thuật?) đè lên chữ tâm. Tôi tra thử chữ mọn Nôm thì thấy thường người ta viết bằng chữ tiểu 小 đè lên chữ môn (門) hoặc chữ muộn (buồn - trong phiền muộn, chữ tâm nằm trong chữ môn, trái tim nằm trong cánh cửa 悶). Chữ tiểu là biểu ý (nhỏ) còn chữ môn hoặc muộn là biểu âm cho "mọn".
Ngẫm lại từ "nhỏ" và "mọn" đều là hai từ Việt nhưng một từ dùng rất nhiều, một từ dùng ít, lại mang thêm vẻ khiêm nhường.
_______________
Tôi học tiếng Nhật, mỗi khi học một từ bằng âm Hán Nhật, rồi lại học bằng âm Nhật, tôi luôn tự hỏi mình trong tiếng Việt của mình có từ Việt tương đương bên cạnh từ Hán Việt hay không.
Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy rất thú vị. Và tôi thấy yêu vốn từ vựng của ngôn ngữ mình dùng, yêu cả từ Việt lẫn từ Hán Việt. Đều là của tôi cả, chẳng có gì ngoại lai cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét