Còn lỗi lầm thì vẫn cứ phất phơ trong gió
QH
Tôi phát hiện việc Phương Nam ra cuốn Kokoro của Sōseki vào mùa hè năm nay (hôm nay là ngày chót của năm 2012 nên tôi vẫn gọi là năm nay) trên giá sách của cái nhà sách Phương Nam thanh nhã nằm kế đại học Dược gần Sở Thú kêu bằng cái tên mĩ miều Thư quán Sinh viên. Cái tựa đập vào mắt tối khiến tôi không thể ngớt trầm trồ, ai mà lại có thể dịch cái tựa tiếng Nhật của Sōseki ra hay tới như vậy. Chữ Tâm (心 kokoro) dịch thành cái tựa tiếng Việt "Nỗi lòng". Tôi lấy làm thích thú vô cùng.
(Cái tựa tiếng Nhật in ở phần thông tin phía trong cuốn sách ghi đầy đủ là Kokoro: Sensei no Isho - Nỗi lòng: Di thư của Tiên sinh. Mặc dầu có tựa đủ đầy như vậy, nhưng thường người quan tâm tới Sōseki biết cuốn này dưới tên Kokoro hơn. Bản tiếng Anh của Tuttle để nguyên là Kokoro, hình như tôi cũng đã thấy có bản dịch ra là The Heart.)
Đó là một bản dịch ở miền Nam từ trước năm 1975 của hai ông Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh. Ông Đỗ Khánh Hoan tôi đã từng biết qua tên nhờ bản dịch "Lời dâng" (Tagore) của ông. Hình như tôi cũng có từng đọc một bản dịch nữa của một trong hai ông này cuốn "Tiếng sóng" của Mishima cách đây vài năm. Không chỉ cái tựa mà cả bản dịch cũng làm tôi rất "đẹp lòng". Đó là bản dịch từ tiếng Nhật, ở miền Nam trước 1975 nên hàng lô hàng lốc những từ ngữ nay ít còn dùng, nhất là từ Hán Việt, được phô bày ra trước mắt tôi, như vừa được đào bới từ đâu lên vậy. Chữ "đẹp lòng" lần cuối cùng tôi thấy được dùng là trong cuốn Kinh Thánh (có ai đó bảo cuốn Kinh Thánh như là một kho tàng bảo lưu từ Hán Việt cổ rất nhiều trong đó), giờ lại thấy trong cuốn sách này.
Tôi đã đọc 3 cuốn của Sōseki, "Mộng thập dạ" (Mười đêm mộng), "Gối đầu lên cỏ" và cuốn "Nỗi lòng". Đây là cuốn tôi thích nhất, rồi tới "Mười đêm mộng". Có bài điểm sách trên mạng viết rằng cuốn sách này là cuốn sách về cái chết và nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn kéo dài trong cuốt hành trình chiêm nghiệm bản thân, rồi cái chết là điểm đến cuối cùng. Tôi thấy lời văn và cách phân tích trong bài điểm sách đó rất hay, nhưng đối với tôi, nó vô hình trung hạ thấp tầm vóc của cuốn sách này xuống, hạ thấp Sōseki xuống ngàng hàng với nhiều cuốn sách nhan nhản hiện giờ, cứ suốt ngày nỗi cô đơn của con người trong thế giới hiện đại, quẫn bách, lạc lõng, bế tắc, tìm đến cái chết như một sự giải thoát, ối giồi ôi yếm thế, ối giồi ôi nổi loạn, vân vẩn vân vân.
Đối với tôi, Sōseki che giấu những gì ông muốn nói xuyên suốt cả quyển sách. Tới tận những chương cuối cùng, người ta mới bỗng nhìn ra ông đang muốn nói về điều gì. Ông muốn kể về một, chỉ một thôi, thân phận của một con người. Tôi không nghĩ ông muốn lôi nhân vật Tiên sinh ra làm tiêu biểu cho cả một thế hệ của mình, thế hệ mà những giá trị của đất nước Nhật Bản bỗng trở nên đổi khác vào thời Minh Trị. Ông kể một câu chuyện đời của Tiên sinh, nổi bật trên đó là tội lỗi. Tôi suy nghĩ về việc liệu có nên gọi lầm lỗi của Tiên sinh là tội ác, cái ác thì càng không phải. Chỉ là tội lỗi thôi. Tội lỗi, không phải nỗi cô đơn, mới là thứ ám ảnh Tiên sinh suốt phần đời còn lại, làm ông đau khổ khi nhận ra rốt cục mình không khác gì những con người đã lường gạt mình, những con người mà mình căm ghét khinh khi. Cô đơn cũng chỉ là một phần của câu chuyện, Tiên sinh chọn lấy sự cô đơn vì tình yêu dành cho người vợ. Ông không bị đẩy vào chốn cô đơn với hai tay trói chặt.
Già nửa cuốn sách, tôi mới cảm thấy được lý do Sōseki đặt tựa cuốn sách này bằng chữ Tâm (mà như đã nói ở trên được dịch ra rất hay thành Nỗi lòng). Tôi đọc được những câu trong bức di thư mà Tiên sinh gửi cho nhân vật Tôi:
Nhưng bây giờ tư tay tôi, tôi sắp sửa moi móc, mổ phanh trái tim tôi ra và ấn đầu chú xuống vũng máu chan hòa. Và nếu khi tim tôi ngừng đập mà có được một cuộc đời mới nảy sinh trong lồng ngực chú, thực tôi mãn nguyện vô cùng.
___________________
Sōseki Natsume - cái băng màu đen là băng tang Thiên Hoàng Minh Trị.
Như đã được viết nhiều chỗ khác, trong lời tựa cuốn sách lẫn vài bài điểm sách trên mạng, cuốn sách của Sōseki có đề cập tới và bàng bạc một không khí của khoảng thời gian Minh Trị Thiên Hoàng băng hà. Có lần tôi đã ngồi trò chuyện với cô Miwa về thời Minh Trị. Tôi bảo đó là một thời kỳ của nước Nhật mà tôi rất thích, phải là một vị hoàng đế rất tuyệt mới có thể dũng cảm cải cách một đất nước theo kiểu như vậy, từ việc theo Tây lịch, việc ăn mặc, nhà cửa cho tới nhiều việc hệ trọng hơn, vĩ mô hơn như chính trị, giáo dục... Cô Miwa bảo thế nhưng đó là một thời kỳ khó khăn, đúng là không dễ cho người Nhật khi phải từ bỏ và thay đổi nhiều thói quen, tập tục của mình.
Đọc xong quyển sách, tôi thấy hiểu hơn phần nào về việc đổi thay những giá trị mà cô Miwa đã nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét