Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Đường Baker

Hai năm nay tôi đi London khá nhiều lần, vì đủ thứ lý do, và hầu như lần nào tôi cũng ra đường Baker. Tự nhiên tôi thích ra cái đường đó thôi, từ trước khi tôi thành fan Sherlock. Đường Baker khá dài, nhưng tôi chả bao giờ đi từ phía đầu đường từ hướng đại sứ quán Mẽo ở công viên Grosvenor (thật ra nó gọi là quảng trường) lên cả. Tôi chỉ đi tàu điện tuyến Bakerloo, xong chui lên ngay chỗ ga Baker. Đó là đoạn cuối đường, chỗ ngã tư có cái ngân hàng Lloyds, cắt cái đường có cái tên mà ngay cả dân Anh ở London cũng không biết đọc tên như thế nào là Marylebone, chỗ có tuyến xe bít X gì không nhớ chạy lên Oxford chỗ Cao Huân, và cũng là chỗ số nhà bắt đầu đánh từ 190 trở đi cho chí hai trăm mấy đi qua nhà 221B huyền (cmn) thoại.

Lần đầu tới đó là buổi trưa lúc đi thi GRE về từ chỗ Harrow nào đó ở gần Wembley, đói nhăn răng nhưng vẫn cố đi chơi trước khi ra xe lửa về nhà. Nhờ vậy tôi phát hiện khu xung quanh nhà Sherlock toàn là tiệm đồ ăn Nhật Bản. Có một tiệm sushi khá nổi (và mắc, nên chưa vô bao giờ) tên là Nambu-tei ở trong cái xó chung với tiệm thuốc bắc châm cứu giác hơi của người Tàu. Lại còn một tiệm cơm Nhật tên là Soho Japan trông rất đàng hoàng sạch sẽ, tôi đã ăn hai lần, một lần ăn tuna xốt miso, một lần ăn với Hoàng Như, nhớ là gọi hai món nhưng chỉ nhớ một là cá hồi. Chả nhớ có lần nào ăn lươn không nhưng cứ nhớ mang máng là có. Tiệm này có menu omakase (chef-selection, miễn nói nhiều) cho buổi trưa. Cho một chén cơm đầy, một chén canh miso, một đĩa rau sống hay dưa gì đó tùy bữa và món chính. Giá bán thì đúng kiểu trung tâm London, không mắc hơn, không rẻ hơn. Phục vụ là mấy chị người Nhật rất lịch sự. Viết ra mấy cái này không nhằm mục đích giới thiệu cho tiệm theo kiểu mỗi tuần một quán trên Soi vì tiệm này đã dẹp rồi, mới tuần rồi đi qua không thấy nữa, google thì ghi đã đóng cửa luôn, vì vậy ghi lại ở đây cho nhớ thôi.

Nhà 221B cách tiệm Soho Japan chừng trăm mét, là cái bảo tàng, lúc nào cũng có một hàng khách du lịch, kế bên tiệm The Beatles và đối diện cái tiệm nail (rõ ràng là) của người Việt tên là Vy's nails. Dĩ nhiên làm quái gì có cái nhà nào số 221B. Nguyên dãy từ 219-229 hồi đó bị ngân hàng Abbey chiếm cứ, kiêm luôn việc nhận thư fan gửi về số 221B. Có một cái nhà làm bảo tàng Sherlock Holmes nằm giữa số 237 và 241 (nếu biết làm toán sẽ suy ra nhà này số 239), nhưng tự gắn biển 221B Baker Str. Về sau, khi Abbey đóng cửa (hiện giờ chỗ này là cái nhà công sở gì đó, chả nhớ là gì), thì quận Westminster cho cái nhà số 239 kia số 221B luôn.

Đường Baker xe cộ nhộn nhịp rầm rầm, hẳn BBC không thể nào quay Sherlock trên cái đường này, nên bèn vác đồ nghề đi chừng hơn cây số về phía trường UCL trên đường Gower, xong ngược lên phía trên đầu đường gọi là đường North Gower rất heo hút xe bít đi vào không lọt, chọn cái nhà kế bên tiệm Speedy's cafe để quay phim. Sau khi chiếu xong thì đột nhiên cái tiệm Speedy's trở nên nổi tiếng, và mấy đứa sinh viên UCL trọ trong cái nhà kế bên đột ngột trở thành celeb khi khách nườm nượp tới chụp hình. Thật ra, BBC chỉ quay cái cửa bên ngoài ở chỗ này thôi, chứ khung cảnh bên trong là quay ở phim trường chỗ khác.

Hết. Bài này không nhằm mục đích gì cả ngoài việc chỉ là viết lại để sau này khỏi quên.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

"A Study in Scarlet" nên được dịch thế nào?

Tựa "A Study in Scarlet" của cuốn Sherlock Holmes đầu tiên nên được dịch như thế nào?

Có một bản dịch tiếng Việt đổi luôn tựa đề này thành "Chiếc nhẫn tình cờ", có lẽ do người dịch lúng túng về tựa đề, hoặc cảm thấy nếu dịch tựa đề thì người đọc không hiểu.

Học tiếng Anh qua mức trung cấp, chúng ta sẽ biết rằng "study" không chỉ có nghĩa là "học". Nó có nghĩa sâu hơn "learn", và mang nghĩa là suy ngẫm, nghĩ ngợi về một vấn đề nào đó. 

[Mở link trước khi đọc tiếp: link]




Bài viết ở link trích từ cuốn "East Wind Coming: A Sherlockian Study Book" của Yuichi Hirayama và John Hall, bàn về Sherlock Holmes ở Nhật, nơi có fanbase hùng hậu và lâu đời bậc nhất Á Đông (đơn giản do văn học Anh Victoria có ảnh hưởng rất sớm tới Nhật). Trong bài viết, tác giả cho biết cái tít đã được dịch trong bản tiếng Nhật năm 1931 là "Hiiro no kenkyuu", với hiiro là màu đỏ (hi = lửa, iro = màu), kenkyuu là Hán-Nhật cho "nghiên cứu". Tít này chuyển ra tiếng Việt có thể thành "Nghiên cứu (nghiền ngẫm) về màu đỏ" - cái tít khá vô nghĩa trong tiếng Việt.

Nếu mà tinh ý hơn, sẽ để ý thấy chữ "study" còn vài nghĩa khác. Trong âm nhạc, nó là các bản étude, tức là khúc luyện tập cho người chơi nhạc. Trong hội họa, nó là bản vẽ nháp trước khi họa sĩ cho lên tranh lớn. Theo bài, một vài người dịch tiếng Nhật cũng dùng nghĩa "tranh nháp" để dịch "A Study in Scarlet" thành "Hiiro no shuusaku", với "shuusaku" là "tập tác" = bản nháp. Mặc cho nhiều người tán thành, cộng với một tên nào đó trên wikipedia tiếng Anh cổ xúy cho việc hiểu "study" theo nghĩa "tranh nháp", mình vẫn thấy vụ "Bản nháp màu đỏ" hoàn toàn vô nghĩa nếu xét về nội dung của truyện: chả có bản nháp nào ở đây, cũng chả có màu đỏ gì luôn.

Có lẽ nên trở lại với nghĩa "nghiền ngẫm" của chữ study. Cái tựa thật ra bắt nguồn từ câu nói của Sherlock: "Có môt sợi chỉ đỏ giết người len lỏi trong cuốn len vô sắc của cuộc đời, và nhiệm vụ của chúng ta là gỡ mối nó, cô lập nó và vạch trần từng phân từng khúc cái sợi chỉ đỏ này" (QH dịch). Trong link cũng dẫn ra phân tích của Owen Edwards trong The Oxford Sherlock Holmes, chỉ ra rằng ở ngay đầu truyện, lúc bác sỹ John Watson được giới thiệu đến gặp Sherlock, người bạn giới thiệu đã nhận xét rằng "đây là một con người khác thường. Anh sẽ phải "study" anh ta thật kỹ". Theo mình, study nên được hiểu theo nghĩa "nghiền ngẫm/tìm tòi" như ở đây, John quan sát, tìm hiểu về con người Sherlock; Sherlock quan sát, lần mối cái sợi chỉ đỏ ẩn dụ. 

Trên mạng, một số người cũng đề xuất chữ "vụ án màu đỏ" để dịch tựa này sang tiếng Việt. Trong các bản tiếng Nhật cũng có dịch theo kiểu study thành jiken = "sự kiện" (Hán-Nhật jiken và Hán-Việt "sự kiện" có sắc thái hơi khác nhau, jiken mang nghĩa scandal hơn cái sắc thái trung tính của "sự kiện").

Bài viết trong link cuối cùng đưa ra kết luận rằng cái tựa tiếng Nhật "hiiro no kenkyuu" (nghiên cứu màu đỏ) vẫn là cái tựa hợp nhất (trong tiếng Nhật). Mình không nhận xét về việc người Nhật thích cái tựa này hay có hiểu cái tựa này không, nhưng nếu tiếng Việt dịch theo kiểu này thì lại rõ ràng vô nghĩa. Có lẽ cái tựa tiếng Việt thích hợp nhất mà mình nghĩ ra được phải nên là "Truy tìm sợi chỉ đỏ", một cái tựa rất siêu hình, nhưng (có thể) theo đúng ý của Doyle khi đề cho cuốn Sherlock Holmes đầu tay. 



Pê ét: để tham khảo, bản dịch tiếng Tàu tra trên wiki thấy ghi là "Huyết tự đích nghiên cứu" = "Nghiên cứu những con chữ máu". Hẳn cái tựa này nói về các chữ Rache viết bằng máu trong vụ này. Nhưng cái tựa này dịch sai bét, vì các chữ này không đóng vai trò gì lớn ngoài việc gây hoang mang cho Scotland Yard và Sherlock cũng không bỏ nhiều thời gian coi các chữ này. Suy ra nó không đủ ảnh hưởng để được đưa lên tít.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Về bản chất của nắng ngày

   冬   の 日 や  馬上  に  氷る    影   法師
Fuyu no hi ya  bajō   ni  kōru kage bōshi

Nắng mùa đông
Thầy tu trên lưng ngựa
Cái bóng đóng thành băng
-Bashō (Ghi chép trong tráp)

Ở đây fuyu no hi (đông nhật – ngày đông, mặt trời mùa đông) là quý ngữ. Ở đây dịch là "nắng mùa đông". Cái ánh nắng nhẹ mùa đông hiếm hoi ló ra càng làm rõ thêm nỗi lạnh mà người ngồi trên ngựa đang trải qua. Kage là ảnh, tức cái bóng. Bōshi là từ Hán Nhật "pháp sư", tức ông thầy chùa, ở đây chỉ Bashō.