Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Sách Hoàng Nhâm hay là anh đã nhìn nhầm ra sao


Dân học hóa ở Việt Nam, từ sinh viên đại học tới học sinh chuyên cấp 3, phàm dẫu khôn hay ngu cần cù hay lười biếng, hẳn đều biết tới bộ 3 cuốn sách huyền thoại Hóa vô cơ của ông thầy Hoàng Nhâm. Ngày anh học cấp ba, anh đã từng có lần chạy khắp thành phố truy tầm cuốn này hệt như Tôm đi bắt Gie-ri, dĩ nhiên là chả bao giờ bắt được. Bọn bạn anh có mấy cuốn chả biết lấy đâu ra, thế là chuyền tay nhau khắp nơi phôtô phôtiếc về cắm cúi đọc chỗ hiểu chỗ không.

Sở dĩ cuốn sách Hóa vô cơ của Hoàng Nhâm trở thành một thứ quỳ hoa bảo điển, kì trân dị bảo được đồn thổi trong giang hồ như vậy là bởi cách viết và diễn đạt có phần dễ hiểu. Bạn bè anh mấy đứa nuôi mộng đi thi Cuốc Gia (con cuốc cuốc và cái gia gia), 10 đứa hết 9 ôm cuốn nầy tu luyện. Ngày xưa anh suốt ngày ngồi thắc mắc vì sao nhà xuất bản giáo dục không thèm tái bản cái bộ sách quý này, in một phát sẽ có một đống đứa mua. Vì sao lại để cho bọn anh cực khổ chạy đôn chạy đáo chạy nháo nhào đi tìm mãi không ra bèn đứt ruột đi phôtô vi phạm bản quyền trắng trợn. Vì sao lại thế tại vì sao lại thế. Vì sao ta yêu nhau. Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh. Vì sao thân anh run. Vì sao chân không vững. Vì sao và vì sao?

Nói như vậy để thấy rằng quyển sách này ít ra đã đi vào một phần trong miền kí ức (không biết có đẹp không) của anh. Từ trong vô thức, anh luôn hướng tới, anh luôn có một khát khao một ước ao là được cầm trên tay cuốn sách Hoàng Nhâm mới toanh.

Bìa cuốn kì trân dị bảo tập 1 anh đang nói đến
___________________

Ngày hôm nay, sau bao tháng bao ngày lưu lạc gió bụi đường xa đất khách quê người, anh trở về chui vào nhà sách Hà Nội trên đường NTMK. Một hồi lục lọi, chợt anh nhìn thấy quyển sách Hóa học vô cơ tập 1 mới cứng in chữ Hoàng Nhâm cộng với nhà xuất bản giáo dục. Trông thấy còn có bìa cứng nữa. Lật ra bên trong thấy cái lời giới thiệu của ông tác giả bảo là mấy bản cũ ra cách đây 50 năm, kiến thức từ thời chiến tranh loạn lạc, mặc dầu được tái bản hàng năm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và nền giáo dục nước nhà nên tác giả ra bản mới có bổ sung chỉnh sửa, đưa kiến thức mới này nọ của nhân loại vào. Mặc dầu không hài lòng lắm với đoạn "tái bản hàng năm" nhưng anh tạm cho qua vì lòng anh lúc này đang háo hức như Nguyễn Tuân bước ra gặp sông Đà vui như thấy nắng dòn tan sau kì mưa dầm, phơi phới như Nguyễn Công Trứ trước ngọn đông phong. Giấc mơ bao năm trong tiềm thức đã thành sự thật.

Nhưng hỡi ôi...

Hỡi ôi em ạ. Cuộc đời nào có ai ngờ.

Anh lật cuốn sách lại, trông thấy giá tiền 580 ngàn Việt Nam đồng. Anh chết sững. Trong giây lát, anh thực chỉ ngỡ mình nhìn lầm, anh thực chỉ ngỡ mắt mình lên độ, anh thực chỉ ngỡ mình đeo nhầm kính của thằng em, anh thực chỉ ngỡ anh đang mơ giấc mộng dài, đừng lay anh nhé cuộc đời, anh còn trẻ dại. Anh lật qua lật lại cuốn sách, anh chỉ chực chờ có con ma nào đó chạy ra tụt quần anh hay có con khỉ bay từ trên trời xuống đập cửa sổ giật cuốn sách trong tay anh. Anh chỉ chực chờ Ưng Hoàng Phúc xuất hiện, cởi trần hát anh nghe bài "Chuyện đó đâu ai ngờ", để mà anh có thể kết luận đường hoàng rằng anh đang nằm mơ, để mà anh tỉnh giấc và thấy mình vừa ngủ dậy ở nhà. Thế nhưng, sau một hồi không có biến cố gì xảy ra, anh biết rằng đó là sự thực.

____________________

Rồi, trong cơn bĩ cực, anh lầm bầm chửi nhà xuất bản giáo dục. Với 580 ngàn, em ạ, anh có thể xoay sở tìm mà mua được một, có khi hai, cuốn Hóa vô cơ Atkins cũ, tình trạng sách: rất tốt của nhà xuất bản giáo dục Oóc-xphợt (Oxford - nghĩa là Suối Cạn Có Bò) ở nước Anh (không phải nước anh), giấy vừa láng vừa in màu, sờ vừa êm tay, đọc vừa vui mắt, thực là thích thú, thực là khuyến học biết bao nhiêu, lại còn trau dồi ngoại ngữ tiếp thu tinh hoa khoa học nhân loại. Anh tự hỏi sinh viên nào học sinh nào sẽ bỏ gần 600 ngàn đi mua một cuốn sách giáo khoa in trên giấy không đẹp (anh không muốn dùng từ xấu), trắng đen, chả có gì hấp dẫn thú vị? Anh tự hỏi nhà xuất bản giáo dục định bán cuốn này cho ai, chả lẽ chỉ để cho các thư viện thôi sao, rồi sinh viên tha hồ vô đó mà phôtô mà cóppi?

Chắc chắn sẽ có người bay vào đóng vai Captain Obvious bảo anh rằng tác giả cũng cần tiền bán sách để sống chứ. Dĩ nhiên anh biết chuyện đó, nhưng nghĩ mãi anh không tài nào hiểu được rằng cái cuốn sách mấy trăm trang in giấy không đẹp trắng đen đó làm sao có được cái giá trị 580 ngàn, thặng dư gì kinh hoàng thế? Kế bên đó là cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của bác Trịnh Xuân Thuận của nhà xuất bản Tri Thức còn dày hơn, bìa đẹp hơn, in ấn đàng hoàng hơn, giá bìa chỉ có 188 ngàn. Anh nghĩ sao không ra em ơi (em đừng ca lại cho anh nghe bài aria "Em nghĩ sao không ra anh ơi" trong vở Cô Sao của Đỗ Nhuận nữa, anh nghĩ không ra thật).

Nhà xuất bản giáo dục của Bộ đi dạy hàng năm phát hành độc quyền một đống sách giáo khoa, chẳng lẽ không đủ tiền lời trả cho tác giả những cuốn sách cần thiết nhưng phát hành ít bản này? Tiền bay đi đâu hết rồi? Nếu chỉ bán cuốn này bằng phần ba giá hiện giờ, nghĩa là độ 170 ngàn, tuy vẫn đắt nhưng anh nghĩ sẽ có nhiều sinh viên học sinh sẵn sàng chịu bỏ tiền ra mua, tri thức sẽ dễ dàng đến tay sinh viên hơn, vì đâu phải ai cũng có điều kiện mua được sách Atkins hay sách gì đó khác, cũng đâu phải ai cũng đọc được sách chuyên ngành tiếng Ăng-lê. Sao lại dùng tiền mà chặn đường tri thức như vậy? Nếu không muốn hạ giá, sao không in đàng hoàng hơn, in giấy đẹp hơn một tí (anh không đòi hỏi giấy láng như Suối Cạn Có Bò), nếu có hình ảnh màu mè thì tốt. Anh nghĩ sẽ có người sẵn sàng chấp nhận cái giá trên trời đó, nếu như họ mua được một ấn phẩm đàng hoàng chuyên nghiệp.

Chứ lem nhem như vầy, anh chán lắm, anh buồn lắm, chả ai muốn mua đâu.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Khi nằm nghiêng em thấy, đau khổ nhiều quá chừng


Thích Nhất Hạnh, bản tiếng Anh "The Heart of the Buddha's teaching" (Trái tim của lời Bụt dạy) (1999), Rider : Chatham.

Bụt không phải thánh thần. Bụt cũng là người như tôi với bạn, và Bụt cũng khổ giống chúng ta. [...]

Suốt bốn mươi năm, Bụt lặp đi lặp lại, "Tôi chỉ dạy về sự khổ và cách chuyển hóa nỗi khổ." [...] Khổ chính là phương tiện Bụt dùng để giải thoát chính mình, và đó cũng chính là phương tiện chúng ta có thể dùng để được tự do.

Bể khổ rộng mênh mông, nhưng nếu quay đầu nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy được bờ. Hạt giống của nỗi khổ trong bạn có thể mạnh, nhưng đừng chờ đến khi bạn không còn nỗi khổ nào nữa rồi mới vui. Khi một cái cây trong vườn bị bệnh, bạn phải chăm sóc nó. Nhưng bạn đừng quên chăm sóc cả những cây lành. Ngay cả khi bạn có một nỗi đau trong lòng, bạn vẫn có thể tận hưởng những điều diệu kì của cuộc sống - hoàng hôn, nụ cười trẻ thơ và hoa cỏ cây cối quanh mình. Khổ đau thôi không đủ. Đừng để mình bị cầm tù trong chính nỗi khổ của bạn.

Nếu bạn từng trải qua cơn đói, bạn sẽ biết được rằng có thức ăn là một việc mầu nhiệm. Nếu bạn từng bị lạnh, bạn sẽ biết được giá trị của cái ấm. Khi bạn khổ đau, bạn biết phải trân quý một phần thiên đường đang ở cạnh bạn như thế nào. Nếu bạn chui vào rúc trong nỗi khổ của bạn, bạn đánh mất thiên đường đó. Đừng phớt lờ nỗi khổ của bạn, nhưng cũng đừng quên tận hưởng những điều diệu kì của cuộc sống này, vì chính bạn và cũng vì bao nhiêu loài khác.

Khi tôi còn trẻ, tôi viết bài thơ này. Tôi thâm nhập vào trái tim của Bụt bằng một trái tim lúc đó đang tổn thương sâu sắc.

My youth
an unripe plum,
Your teeth have left their marks on it.
The tooth marks still vibrate.
I remember always
remember always.

Since I learn how to love you,
the door of my soul has been left wide open
to the winds of the four directions.
Reality calls for change.
The fruit of awareness is already ripe,
and the door can never be closed again.

Fire consumes this century,
and mountains and forest bear its mark.
The wid howls across my ears,
while the whole sky shakes violently in the snowstorm.

Winter's wounds lie still,
Missing the frozen blade,
Restless, tossing and turning
in agony all night.


tuổi trẻ tôi
trái mơ xanh
vết răng của em
gây thành thương tích nhỏ
những chân răng rúng động
và nhớ hoài
nhớ hoài.

nhưng tự thuở yêu em
cánh cửa tôi mở rộng trước gió
thực tại kêu gào cách mạng
trái ý thức chín rồi
cánh cửa
không thể nào còn khép lại

lửa
lửa cháy tràn thế kỷ
loang lổ núi rừng hoang
gió thét ngang tai
bão tuyết bên trời quằn quại

vết thương mùa đông
vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
bồn chồn, trăn trở
nhức nhối
thâu đêm.

Tôi lớn lên trong thời chiến tranh. Tan hoang, hủy hoại lúc đó ở khắp mọi nơi - trẻ con, người lớn, các giá trị và cả đất nước. Là một người trẻ, tôi đau khổ vô cùng. Khi cánh cửa của ý thức đã được mở ra rồi, bạn không thể đóng lại được. Vết thương chiến tranh trong tôi giờ vẫn chưa khỏi hẳn. Có nhiều đêm tôi nằm thức, ôm lấy dân tộc tôi, đất nước tôi, và cả hành tinh bằng hơi thở chánh niệm của mình.

Không có khổ đau, bạn không thể lớn. Không có khổ đau, bạn không thể có được yên bình và an lạc bạn đáng được hưởng. Xin bạn đừng chạy trốn khổ đau của mình. Hãy ôm lấy nó và yêu mến nó. Đến với Bụt, ngồi với ngài, và cho ngài xem nỗi đau của bạn. Ngài sẽ nhìn bạn với tình yêu thương, lòng từ bi và với chánh niệm, và sẽ chỉ cho bạn cách ôm lấy nỗi khổ và nhìn sâu (quán chiếu) vào trong nó. Bằng sự hiểu biết và tình thương, bạn sẽ có thể chữa lành vết thương trong tim của chính bạn và cả vết thương của thế giới này. Bụt gọi Khổ là một Sự thật Cao quý, vì nỗi khổ của chúng ta có khả năng soi rọi cho ta thấy con đường đi đến giải thoát. Ôm chặt lấy nỗi khổ của bạn, và xin hãy để nó vén cho bạn con đường đi tới hòa bình và an lạc.


____________________

Tôi dịch đoạn này từ cuốn "The Heart of the Buddha's teaching" của thầy Nhất Hạnh. Cuốn này có vài đoạn được thầy dịch từ bản tiếng Việt là cuốn "Trái tim của Bụt", tuy nhiên, phần nhiều là thầy viết lại.

Tôi để 2 bản thơ tiếng Anh và tiếng Việt, vì với tôi, mỗi bản có một sắc thái riêng.

Về một vài từ và thuật ngữ:
- từ Khổ, Khổ đau (từ Hán Việt "khổ" nghĩa là đắng, khổ qua = mướp đắng) được tiếng Anh dùng các chữ suffering (danh từ, động từ) và pain (danh từ) để dịch. Nguyên bản tiếng Pali là Dukkha. Bản thân từ "suffering" trong tiếng Anh được dịch từ rất lâu rồi, nó tạo cho người phương Tây ấn tượng ban đầu, cảm giác về đạo Bụt là một thứ chủ nghĩa bi quan (ông triết gia trùm bi quan Schopenhauer mê lắm), người ta đề xuất từ khác như là "unease" hay "discomfort". Khái niệm Khổ trong đạo Bụt không chỉ là nỗi đau về thể xác hay tâm hồn.
- từ Chánh Niệm: trong tiếng Việt, nghe từ này lần đầu, bạn sẽ phải hỏi "niệm là cái gì?". Đừng nghĩ tới từ "niệm phật" thường được đồng nghĩa với "tụng kinh", hãy nghĩ tới "khái niệm" hay cụm "suy niệm lời Chúa" mà người Công giáo hay dùng. Nghĩ như thế, đọc thêm, rồi sẽ cảm được sắc thái của chữ đó. Tôi trình độ nhỏ hẹp cũng bó tay không giải thích tường tận được với bạn. Niệm không hẳn là tập trung trí tuệ vào 1 điều (cái đó là Định, một khái niệm khác của đạo Bụt). Tiếng Anh dịch bằng chữ "mindfulness". Bạn nào học tiếng Anh sẽ nhận ra ngay chữ này mang nghĩa là gì. Đại khái hiểu theo kiểu "niệm" là dùng hết năng lượng của não/tâm trí cho công việc của mình đang làm, ý thức được rằng mình đang làm gì, đừng để cho mình bị lạc khỏi tâm trí của mình. Việc dùng não như vậy không chỉ có nghĩa rằng bạn đang tư duy. Khi bạn ăn cơm, uống nước, đi bộ, nếu bạn ý thức và tập trung vào từng ngụm nước, từng cọng rau, từ bước chân, không bị lạc lối trong suy nghĩ của mình, là bạn đang có niệm.

Thở cũng vậy. Hít vào, bạn ý thức được rằng bạn đang ở trên mạng. Thở ra, bạn biết mình đang thở ra. Cái đó gọi là hơi thở chánh niệm.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Cái thân

Hôm qua sinh nhật em 15 tuổi. Mấy hôm nay gọi về nhà, bố mẹ than em ngủ nghê chả có giờ giấc gì cả. Có bữa em ngủ từ trưa tới tối, có bữa thức tới 4 giờ sáng, có bữa chả biết thức tới đâu nhưng ngủ gục trên bàn học. Hôm sinh nhật em gọi về nhà, em đã ngủ mất đất. Anh ở xa, chẳng biết em ngủ có đủ giờ hay không.

Anh cũng hiểu cho em, em sắp thi. Kì thi này, chắc với em, là kì thi quan trọng nhất em từng phải trải qua.

__________________

Thì cũng chỉ biết khuyên em là đừng để mình bị áp lực quá. Thi với chả cử, tới khi qua rồi, vài năm sau, nhìn lại, em sẽ thấy nó chẳng là cái gì cả. Em hãy cứ bình thường, hãy cứ tin bố tin mẹ tin anh. Bố mẹ đã sống trên đời cả năm chục năm, bố mẹ biết những điều mình chưa biết. Anh đã sống nhiều hơn em được vài năm, anh đã biết những điều em chưa biết. 

Có những thứ, càng sống, mình sẽ càng nhận ra nó quan trọng hơn những thứ khác. Có những thứ bây giờ mình tưởng chừng như nó là quý giá, là hệ trọng, là chuyện buộc phải làm, nhưng sau một thời gian, mình nhận ra nó chẳng qua chỉ giống như một cơn gió nhẹ, có khi chẳng đáng bận tâm. Càng sống mình sẽ càng biết có những thứ nên được ưu tiên hơn những thứ khác, bất chợt quay đầu nhìn lại, mình thấy trước giờ mình bỏ mặc nó mà tôn sùng những thứ dở hơi kia. Có khi lúc đó mình chợt hối tiếc vì thời gian đã mất, vì chẳng ai nói cho mình biết phải làm thế nào lúc đó. Thế nhưng đó chỉ là tình huống xấu nhất thôi em ạ.

Chỉ muốn khuyên em là nên quý trọng sức khỏe của mình. Tuổi của em là đang cần phải ngủ. Cái thân mình là một trong những thứ quý nhất. Cái thân là cái chở nhiều thứ, nó là phương tiện của mình để làm nhiều việc, trong đó có việc giúp đỡ người khác. Nói thế không phải là cổ súy cho vị kỉ, chỉ mình biết mình, mà ý anh muốn nói là, phải biết chăm sóc chính cái thân mình. Đó không phải là thân của một mình mình, nó là của bố mẹ, nó là của gia đình, nó là của nước, của đất, chăm sóc nó chính là thể hiện tình yêu với tất cả mọi thứ xung quanh. 

Từ nhỏ, bố lúc nào cũng mắng khi thấy hai đứa thức khuya. Đối với riêng anh Hiển, chuyện thức khuya quá mức để học bài rất là vô nghĩa, thà lâu lâu thức khuya một bữa ngồi coi phim hay coi đá banh hay đọc truyện, nghe còn có thể chấp nhận, chứ chuyện đêm nào cũng như đêm nào, thức tới gần sáng để học bài, là một chuyện vô cùng nhảm nhí. Em hãy hiểu, chuyện "học" mình đang nói tới ở đây là ngồi tụng bài để thuộc, hoặc là ngồi chép bài rã tay, hoặc là ngồi làm những bài tính vô thưởng vô phạt không ích lợi gì, đó là chuyện rất không quan trọng. Nó chỉ quan trọng trong một nghĩa nào đó thôi, còn xét trên một mặt lớn, nó chẳng là cái gì cả. Vì thế, rất nhảm nhí khi mình đánh đổi một thứ quan trọng cho một thứ vô nghĩa.

Chỉ muốn bảo em thế này. Hãy hiểu kì thi em đang đối mặt đúng là một kì thi quan trọng với em thật, nhưng nó không có ý nghĩa gì nếu em đánh đổi những thứ quan trọng hơn cho nó. Em hãy cứ cố hết sức nhưng đừng áp lực. Em hãy sắp xếp thời gian cho hợp lý, bỏ những thứ gì thừa thãi không cần ôn tập đi. Những gì có thì đã có trong đầu rồi. Hãy giành thời gian cho những thứ quan trọng. 

Chỉ mong em hiểu được rằng, có những thứ quan trọng hơn những thứ khác. Càng sống, em sẽ càng tìm cho mình những thứ quan trọng thực sự.

Em đang bước vào cái tuổi có nhiều thay đổi, ai trong nhà cũng nhận ra, chắc em cũng phải nhận ra những điều thay đổi trong mình. Nhưng hãy cứ tin vào nhà mình, vì chẳng còn ai đáng tin hơn gia đình mình cả. 

__________________
Tặng em một tấm hình con Mèo - biểu tượng của sự ngủ.