Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Luca Turin và giới khoa học Xô Viết

Đọc các sách vở về hóa hương, nước hoa, về khứu giác, nhất là các sách xuất bản khoảng năm 2000 trở đi, cuốn nào không nhắc tới Luca Turin hay cái lý thuyết rung động mùi hương của Turin, thì cuốn đó thiếu sót khá lớn.

Tôi biết tới Turin vào năm đầu tiên tôi đến cái đất nước này, trong những ngày lùng sục thư viện, và kể từ khi tôi bắt đầu dịch cuốn "The secret of scent" của Turin. Và tôi mê từ con người ông Turin cho tới ngôn ngữ của ổng, cái hài của ổng, cho tới cái lý thuyết về mùi hương độc đáo và tuyệt vời của ổng. Năm ngoái, tôi từng làm một bài thuyết trình PowerPoint khi đi phỏng vấn thực tập ở Syngenta về lý thuyết rung động mùi hương của Turin, nhưng tôi không được nhận.

Từ khi sinh học bắt đầu nhìn được phân tử, và người ta bắt đầu sử dụng hình dạng của phân tử để giải thích đủ thứ cơ chế sinh lý, từ enzyme tiêu hóa trong ruột cho tới kháng thể bạch cầu vân vân, các nhà sinh lý học bắt đầu mê mẩn với cái suy nghĩ theo thuyết khóa-chìa khóa, và tới khi đụng vào khứu giác, chúng ta lại vẫn tiếp tục nghĩ theo lối đó, phải có các thụ thể có hình dạng thích hợp để các phân tử mùi lắp vào y chang như lắp lego. Nhưng rồi chúng ta kẹt luôn ở đó, làm sao giải thích được cơ chế nào mà cơ thể con người có thể có hàng trăm ngàn cái ổ khóa để cho mũi chúng ta có thể phân biệt được cả trăm ngàn mùi hương một cách tức thì, trong khi cả trăm ngàn kháng thể do bạch cầu tạo ra ghép khớp vào từng loại kháng nguyên mầm bệnh cũng phải tốn thời gian vài ngày theo kiểu thử sai. Rồi nếu hình dạng một phân tử mùi quyết định mùi hương của nó, thì làm sao giải thích được có đủ thứ phân tử hình dạng na ná nhau lại có mùi hoàn toàn khác biệt, trong khi một đống phân tử khác hình dạng hoàn toàn khác biệt lại có mùi na ná nhau (ví dụ: các phân tử mùi xạ có thể chia được làm 4 nhóm có hình dạng rất khác nhau: xạ nitro, xạ vòng lớn, xạ đa vòng và xạ vòng no - xem hình).


Lý thuyết rung động mùi hương của Turin sử dụng các dao động của các liên kết phân tử, xem mũi con người như một cái máy phổ hồng ngoại IR, thứ mà các sinh viên hóa học được học cách đọc - nhìn vào phổ IR ngoằn ngoèo đoán được phân tử gồm các nhóm chức nào - ngay từ năm một. Cái mũi chúng ta đọc từng phân tử, từng mũi phổ. Vì thế, các phân tử có phổ tương tự nhau sẽ có mùi tương tự nhau. Lý thuyết này vốn dĩ không phải của Turin nghĩ ra, nó được đưa ra từ năm 1928, sau đó bị bỏ xó vì không ai tin, sau này có được vực dậy vài lần, nhưng dù có bằng chứng về mùi, nhưng nó vẫn gặp một số phản ví dụ, và quan trọng là vẫn chưa ai tìm ra được cơ chế làm sao mũi có thể là một cái máy phổ. Mãi cho tới khi người ta tìm ra thụ thể bắt cặp protein-G (Nobel 2004 cho Linda Buck và Richard Axel), rồi Turin dùng hiệu ứng đường hầm điện tử để giải thích thì lý thuyết này mới sống dậy thật sự.

(Tạm ngừng phần này ở đây, dĩ nhiên tôi sẽ còn viết nhiều về Turin)
______________________________

Bài này tôi vốn không muốn đi sâu vào cái lý thuyết hay ho của Turin mà muốn giới thiệu về một cuốn sách siêu hay của Chandler Burr viết về Luca Turin và mùi hương (theo tôi thấy còn hay hơn cuốn sách của Luca Turin tự viết về lý thuyết của mình). Cuốn sách siêu hay này có một đoạn hay kinh điển mà Luca Turin kể về giới khoa học thời kỳ Xô Viết, mà tôi đã dịch ở dưới:



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
ÔNG HOÀNG CỦA MÙI HƯƠNG
tác giả: Chandler Burr 

[...] Dưới con mắt của Turin, nước Nga đã luôn là đầu tàu nơi cư ngụ của hàng loạt những nhà phù thủy khoa học lập dị. Hồi xưa ông từng đọc tạp chí Biofizika bằng phiên bản tiếng Anh gọi là Soviet Biophysics (tạp chí Vật lý sinh học Xô Viết), vốn là tờ tạp chí đầy những thứ hay ho lạ lùng - những thứ "nếu mà đúng, thì rất hay ho", theo lời ông nói.

[...] Turin tới làm ở Matxcơva 5 lần ở 5 thời điểm khác nhau, nghiên cứu đủ thứ gì ông thích. Ngành sinh học của Nga bây giờ, ông nói một cách luyến tiếc, đã gần như bị xóa sổ. "Không tài trợ, không thiết bị, toàn là tuyệt vọng, toàn là xuất cảnh. Những người giỏi nhất trốn hết qua Mỹ với Israel." Ông nhún vai, thở dài cho một thời đã qua. Thứ mà ông đặc biệt thích là sách khoa học, mua chỉ vài xu Anh đúng theo nghĩa đen (*giá hiện giờ 1 xu Anh = 350 VND) ở mấy cửa hiệu Xô Viết teo tóp. Ông sẽ đi thẳng tới Dom Knigi (Nhà Sách) ở Prospekt Kalinina (Đại lộ Kalinina), tầng tám phía bên phải, ở đó sẽ có hàng chồng sách mỗi chồng gần 2 mét, sách về vật lý lượng tử, về sinh lý, về điện hóa, về luyện kim, đủ thứ. Mặt ông sáng lên. "Có một cuốn rất hay kêu là Cứng hơn cả kim cương, nói về mấy thứ ngọc có đốp thêm nitơ vào. Tôi thích cuốn đó." Ông cười sung sướng, rồi mím môi, nhìn trầm ngâm. "Những người viết ra mấy cuốn sách đó toàn là những người mang giầy sờn rách rẻ tiền, mặc áo vải polyester bẩn. Đống sách tôi gom được sau mỗi chuyến đó, nặng phải bằng một con bê con. Nhìn vào đống sách đó, tôi nghĩ "làm sao mình tha được đống này về nhà, thôi mai mình quay lại", thế nhưng hôm sau quay lại thì nguyên đám đó đã biến mất. Biến mất mãi mãi. Ở đó sẽ không còn gì luôn. Thế nên khi mình tìm được, thì phải cố mà tha ra tới quầy tính tiền, người ta sẽ gói sách lại bằng một cái giấy gói lạ lùng nhất, đẹp nhất với một cái dây cũng rất lạ - ở Liên bang Xô Viết thì cái gì cũng lạ hết - rồi mình vác nó ra taxi, rồi vác ra bưu điện, rồi gửi máy bay về nhà. Tôi đã mua nhiều sách tới mức mang không nổi, năm mươi kí lô sách, cả chồng cả tháp những cuốn sách vĩ đại, ác liệt, tuyệt vời đó.

"Rồi còn những nhà khoa học Xô Viết thì cũng hay ếu (fucking) chịu được. Tôi nhớ có một lão người Anh rất ngựa, có lần đứng thuyết trình ở Mátxcơva vào một ngày hè khá oi. Lão này mặc một bộ vét vải lanh màu thuốc lá, đội một cái nón vành panama, trông rất là thực dân. Thính giả của lão này là 25 nhà khoa học Liên Xô trông vô cùng nhếch nhác, mặc áo xống rách rưới, tồi tàn, tệ hại, nhìn thấy tưởng như mấy người này ăn xin trên đường phố. Lão kia thì vừa thuyết trình vừa tỏ vẻ kẻ cả, chiếu cố kiểu dân Anh, rồi tới phần hỏi-đáp, 25 nhà khoa học Liên Xô này đã quay chín lão người Anh luôn. 25 nhà khoa học đó, họ trông như dân vô gia cư thì sao, có vấn đề gì không? Vấn đề là họ hoàn toàn không tào lao. Khoa học đối với họ không phải là một cái "nghề", không phải là để diện áo choàng tiến sỹ đi qua đi lại, không phải màu mè hoa lá, nó là khoa học thuần túy, nó là cái câu hỏi Thế này là thế nào? Làm sao chúng ta giải quyết được cái này? Ôi trời ơi. Họ sống trong những khu ký túc tối tăm của Đại học Quốc gia Matxcơva, vốn là một cái trường đại học dành riêng cho khoa học, cái tòa nhà (lại fucking) vĩ đại ở trên đỉnh đồi. Hồi tôi đến đó lần cuối, họ fax hỏi tôi: "Ông muốn có học hàm gì?", tôi fax trả lời: "Đại Công tước (Grand Duke)". Họ fax ngược lại: "Đại Công tước hiện tại có người đang dùng, gợi ý nên dùng Giáo sư thỉnh giảng (visiting professor)".