Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Hãy gọi đúng tên tôi



[...]
Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân,
ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt,
ngập về bốn đại dương sâu.

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng
tôi khóc tôi cười
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa Xót Thương.

-Thích Nhất Hạnh-

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Chúng ta không ngồi vì an lạc. Ngồi LÀ an lạc.



Và mình đã đặt vé tàu lửa (giảm giá) đi Luân Đôn ngày 31/3.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Chúng ta đã làm điều đó với tất cả sự thận trọng của mình

Ảnh: Robin Utretch ở National Geographic

Tôi hỏi Espeon tôi nên làm gì trong trường hợp này. Nó bảo tôi nên đợi. Hãy đợi như tôi từng đợi. Hãy chờ như tôi từng chờ. Tôi đã chờ đã đợi như được như vậy thì tôi cũng sẽ đợi sẽ chờ được nữa thôi.

Tôi hỏi Espeon rằng lúc trước khi chúng ta - tôi, Espeon và Umbreon - làm điều đó, chúng ta đã làm như thế nào. Nó bảo chúng ta đã làm bằng tất cả sự thận trọng. Umbreon xen vào, nó nói, nỗi buồn không có ích gì trong trường hợp này.

Espeon nói đúng. Tôi đã làm điều đó với tất cả sự thận trọng của mình. Khi ở bên đường những con gà còn gáy và gió còn thổi những nụ hôn trên cỏ thì tôi vẫn ngồi và đợi. Ai đó gọi, tôi cũng ừ và vẫn đợi. Tôi đợi cho đến lúc thích hợp.

Umbreon cũng đúng. Tôi tự cười với mình. Trong bóng tối luôn ẩn những nụ cười rạng rỡ nhất mà chẳng ai, ngoại trừ Umbreon biết.

Trong cái không khí tươi đẹp này, phải chăng chúng tôi, trong lúc đợi, nên ngồi lại và bàn chuyện về vẻ đẹp của mùa xuân? Mặc cho những người bên kia đường làm gì, mặc cho họ có cẩn thận không. Vì chưng tôi không biết, nên tốt nhất là cứ đợi vậy.

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Kiến thức cho em trai (2): Trong trà có cái gì?

"If you are cold, tea will warm you. If you are too heated, it will cool you. If you are depressed, it will cheer you. If you are excited, it will calm you."
William Gladstone - thủ tướng Anh thế kỉ 19

Hôm nay anh Hiển viết cho em đọc về trà, viết về trong trà có những cái gì. Gọi thế chứ chắc chỉ viết sơ lược được thôi, vì khoa học về trà, về những hợp chất trong trà rất là phức tạp, nhiều cái anh Hiển cũng chưa biết.

Chữ "trà" lẫn chữ "chè" trong tiếng Việt bây giờ mình dùng là từ Hán Việt. Người Tàu viết chữ 茶 để chỉ cả cái loại cây lẫn cái loại thức uống, tiếng Phổ thông (Mandarin) đọc là chá, tiếng Quảng Đông (Cantonese) đọc cũng gần gần thế (cái này anh Hiển hỏi bạn anh Hiển thì hình như nó không đọc là chá mà là chà). Tiếng Nhật cũng xài chữ kanji 茶 và đọc là cha, trà xanh người ta kêu là o-cha và trà đen thì kêu là ko-cha. Người Triều Tiên cũng gọi là cha. Trong tiếng Việt mình, ở miền Bắc, cả từ chè và trà được dùng như nhau, nhưng ở miền Nam, theo thông lệ thì người ta hay kêu cái loại cây là cây chè còn cái loại nước là nước trà.

Nước Trung Quốc là 1 cái nước rất bự nên cách phát âm chữ 茶 cũng biến thiên vô kể. Ở vùng Nam Trung Hoa, có chỗ người ta đọc là tê. Người phương Tây sau khi nhặt được cái cây và cái loại nước uống đó về thì cũng dùng cái kiểu phát âm này mà gọi. Tiếng Latin gọi là thea (tê-a), tiếng Anh gọi là tea, tiếng Pháp gọi là thé (đọc là tê).

Một nguồn phát âm nữa là từ tiếng Ba Tư. Tiếng Ba Tư ngày xưa lấy từ tiếng Mandarin của người Tàu mang về và gọi trà là chay. Từ đây, chữ chay lan ra khắp các vùng Tiểu Á, Trung Á, Ả Rập, Nam Á và Địa Trung Hải. Tiếng Nga kêu là чай (chai). Tiếng Hy Lạp kêu là τσάι (cũng là chai luôn). Vài ví dụ thế thôi.

Trên mạng có mấy ông rảnh rỗi ngồi tìm tư liệu rồi kết luận hùng hồn gì đó rằng từ "trà" không có nguồn gốc từ phương Bắc như trước giờ vẫn lầm tưởng mà vốn có nguồn gốc phương Nam. Chả hiểu ba cái kết luận đó có ích lợi bổ dưỡng gì ngoài việc tự vui sướng với những cái danh tự mình gán cho mình và góp thêm phần vào phong trào bài Tàu cực đoan, nhưng mặc kệ gì thì gì, cả thế giới đều gọi cái loại thức uống đó bằng các âm từa tựa nhau và có chung 1 nguồn gốc.

Thế trong trà có cái gì? Trong trà có khá là nhiều hợp chất hữu cơ. Hợp chất hữu cơ là gì thì khi nào học em sẽ biết, đại khái tất cả hợp chất chứa nguyên tố carbon, trừ CO2, các muối carbonate, carbonic acid, và các carbide (ví dụ như Al4C3) đều là hợp chất hữu cơ. Các hợp chất hữu cơ trong trà đại loại nêu sơ lược gồm có caffeine, theanine và các hợp chất polyphenol.

Đầu tiên nói tới caffeine đi. Đọc tên cái chất này thì hẳn đầu tiên phải nghĩ tới cà phê. Caffeine được tách đầu tiên từ hạt cà phê. Nó là một chất kích thích thần kinh. Anh Hiển sẽ không ghi ra công thức hóa học hay các thể loại phản ứng của caffeine hay các chất khác ở đây, vì nó phức tạp, anh Hiển cũng không biết hết. Nhưng vì sao caffeine gây kích thích thần kinh thì có thể hiểu thế này. Khi cơ thể hoạt động sẽ sinh ra một chất kêu là adenosine. Khi em học tới sinh học lớp 11, đọc lại cái bài này thì em sẽ biết tới ATP (Adenosine triphosphate) là một chất mang năng lượng trong cơ thể sinh vật và adenosine đóng vai trò trong việc hình thành ATP. Khi đạt tới một nồng độ nào đó thì adenosine sẽ gắn vào các receptor (chắc dịch là thụ thể) trên hệ thần kinh làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh. Anh Hiển nghĩ giống như nó ngăn bớt những xung điện trong hệ thần kinh vậy. Kết quả của việc này làm cho cơ thể bớt tỉnh táo và buồn ngủ.

Tuy nhiên, caffeine lại có cấu trúc gần giống với adenosine (nếu em muốn coi nó giống thế nào thì google, thật ra giống có 1 miếng tí tẹo thôi). Khi uống caffeine vào, nó tranh chỗ của adenosine và bám vào các receptor. Ít adenosine bám vào hệ thần kinh hơn nên cơ thể tỉnh táo hơn. Ngoài ra, nó còn kích thích tuyến yên ở trên não làm tiết ra adrenaline (là hormone tuyến thượng thận, ad- là ở trên, renal là tính từ để chỉ thận). Adrenaline là hormone hay tiết ra khi cơ thể bị đặt vào tình huống nguy hiểm hay stress hay căng thẳng, nó làm tim đập nhanh hơn, thở dốc hơn, máu chảy đến các cơ bắp mạnh hơn, đồng tử giãn ra, lông dựng lên, ... đại khái là đặt cơ thể vào trạng thái sẵn sàng cho phản ứng fight-or-flight (anh Hiển dịch là đánh hay tránh), nghĩa là khiến cho cơ thể sẵn sàng giải quyết khó khăn, hoặc là chống lại, hoặc là bỏ chạy. Phản ứng này là phản ứng có lợi cho sinh tồn và chắc hẳn là đã được chọn lọc tự nhiên giữ gìn.

Trong trà còn có theanine, là một amino acid. Theanine là một chất làm dịu căng thẳng và giúp tỉnh táo. Theanine, nhìn tên em có thể thấy được gốc từ thea- trong tiếng Latin, chỉ trà. Theanin tìm thấy nhiều trong trà hơn là cà phê. Do trong trà có cả caffeine lẫn theanine nên uống trà thường có cảm giác dễ chịu. Nhiều người uống trà được nhưng uống cà phê vào thì hơi khó chịu chắc là do vậy.

Thứ ba là các hợp chất polyphenol. Poly- nghĩa là nhiều, phenol là từ chỉ những cái vòng sáu cạnh có cái vòng tròn ở giữa nhìn giống như tổ ong trong hóa hữu cơ, gắn thêm gốc -OH. Từ này mang nghĩa chỉ những hợp chất có nhiều cái vòng đó. Nếu mà em có đọc chút gì về trà thì em sẽ biết rằng trong trà có cái chất gì đó chát và rất có lợi kêu là ta-nin. Cái đó viết đúng tiếng Anh sẽ là tannin, cũng là tên khác của những hợp chất polyphenol. Khi người ta hái lá chè, lá chè sẽ bắt đầu tiết ra những enzyme làm oxy hóa những hợp chất polyphenol này. Để hạn chế điều này, chè sau khi hái sẽ được đưa ngay vào công đoạn sao chè, nghĩa là cho chè vào lò "rang" lên bằng nhiệt độ cao, mục đích là để làm biến tính (denature) các enzyme đó, khiến cho nó không oxy hóa các polyphenol được nữa.

Các polyphenol trong trà điểm danh có 4 tên sau đáng chú ý: EC (epicatechin), ECG (epicatechin gallate), EGC (epigallocatechin), EGCG (epigallocatechin gallate). EGCG nghe khá quen nếu em để ý quảng cáo trà xanh 0 độ hay trà xanh C2 gì đó, có câu "hàm lượng i gi xi gi cao". Vì sao bọn nó đáng chú ý thì anh Hiển cũng không biết. Nhưng mà mấy cái polyphenol này là chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là gì? Trong cơ thể có diễn ra những chuỗi phản ứng oxy hóa-khử dưới hình thức là các chuỗi truyền electron giữa các hợp chất. Một chất khi truyền electron cho chất khác thì nó là chất khử, hay nói cách khác là nó bị oxy hóa. Quá trình này có thể tạo ra các gốc tự do (free radicals), nghĩa là 1 phân tử hay ion chứa một electron độc thân (electron không có cặp, nghĩa là electron không có đôi, chứ không phải electron không có cặp đựng sách). Mấy cái này tạo ra chuỗi phản ứng bằng cách lấy electron từ phân tử khác, biến cái phân tử kia thành gốc tự do mới. Tuy nhiên những thằng phân tử mang danh chất chống oxy hóa (antioxidant) là mấy thằng dư điện tử, bọn nó sẽ cho mấy cái gốc tự do kia điện tử để hết đi oxy hóa người ta. Mấy nhà khoa học kêu sự oxy hóa này trong cơ thể có liên quan mật thiết tới sự lão hóa. Do đó, chắc là cứ tộng vào người nhiều chất chống oxy hóa thì cơ thể sẽ khỏe mạnh lâu dài.

Bài lần trước là về phô mai, bài lần này là về trà. Có vẻ như cái chuyên mục này toàn về chuyện ăn uống. Nước Anh là một nước người ta rất thích uống trà. Trà ở đây người ta nhập về chủ yếu từ Sri Lanka và người ta hay uống trà nóng với sữa. Người Anh uống trà truyền thống là trong tiệc trà buổi chiều. Họ uống trà và ăn bánh. Có một kiểu tiệc trà đặc trưng là trà kem (cream tea), uống trà ăn bánh scone phết kem bơ sữa và mứt dâu. Cái truyền thống này bắt nguồn từ vùng Devonshire và được coi là rất đặc trưng Anh Quốc.
Trà kem như thế này này, hình lấy trên mạng

Anh Hiển đã vào một cửa hàng trà ở Winchester. Ở đó người ta bán đủ các thể loại trà. Một cửa hàng nhỏ có một đống các lọ thủy tinh chứa các loại trà đủ các mùi. Người ta ướp trà rất hay, đủ các hương, từ mùi rất ngọt của đào, hay của berry, hay của táo, hay của vải cho tới trà hương chanh hương cam hương xả đến cả hương oải hương rất gắt và đủ các mùi khác, trông (và ngửi) rất thích mắt (và mũi).

Ở nhà mình có cuốn Trà Kinh của Lục Vũ, nếu em muốn tìm hiểu thêm xem người Tàu uống trà thế nào và cách chế biến trà truyền thống đại loại ra sao thì có thể coi tham khảo. Người Việt mình có cái trà sen là hay được coi là trà truyền thống của Việt Nam. Anh Hiển kể cho người Tây nghe về việc người Việt Nam cứ tôi tối chèo thuyền ra đầm sen nhét trà vào những búp sen non rồi buộc lại, sáng hôm sau lại chèo ra hái sen về, hứng luôn sương sớm đọng trên lá sen đúng kiểu Nguyễn Tuân rồi đem túm trà vào lá sen mà nướng, sau đó thì pha uống. Coi ra người mình cũng hay ho, có nhiều thú chơi và thời gian gớm. Người Việt mình còn uống trà xanh nữa, nghĩa là lấy lá chè già nhưng còn tươi chứ chưa sấy hay sao gì cả, hãm vào nước sôi rồi uống, giống cái kiểu mà bố hay mua lá trà ngoài chợ về xong đổ nước sôi vào ra nước màu vàng tươi ấy.

Hình này anh Hiển cũng lấy trên mạng nốt

"Đến như loài người, muốn đỡ khát thì uống lấy nước, muốn tiêu sầu thì uống lấy rượu, còn muốn tỉnh mộng mê thì uống lấy trà."
Lục Vũ

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Buddhism: A very short introduction

Tôi khoái cuốn "Buddhism: A very short introduction" (dịch bừa là Phật giáo: Một bài vỡ lòng rất ngắn) của Damien Keown thứ nhất là vì nó rất dễ đọc. Đây là cuốn đầu tiên tôi đọc trong bộ "A very short introduction" của nhà xuất bản Oxford mặc dù đã ngắm nghía từ rất lâu. Damien Keown là giáo sư đạo đức học phật giáo ở đại học London. Trong thư viện trường tôi còn một cuốn bự của ổng hơn tên là "Nature of Buddhist Ethics" (Bản chất của đạo đức học Phật giáo). Văn phong của Keown trong cuốn Buddhism: A very short introduction rất dễ đọc, đúng tinh thần là một cuốn sách vỡ lòng.

Tôi khoái cuốn sách cũng bởi vì lí do thứ hai, điểm nhìn. Sách của Keown viết nhắm vào đối tượng là người đọc phương Tây. Cách ông đặt vấn đề và phân chia thứ tự các phần của sách rất trôi chảy và thú vị:

1. Phật giáo và con voi
2. Đức Phật
3. Nghiệp và tái sinh
4. Bốn sự thật cao quý (hay còn kêu là Tứ diệu đế)
5. Phật giáo Đại thừa
6. Phật giáo ở châu Á
7. Thiền
8. Đạo đức học
9. Phật giáo ở phương Tây

Chính vì hướng vào đối tượng là người đọc Tây phương, Keown thường đưa ra những so sánh và đối chiếu vài khái niệm trong Phật giáo với Kitô giáo trong suốt quyển sách. Ông bắt đầu cuốn sách bằng cách đặt vấn đề, phải chăng Phật giáo là một religion? Từ religion được dịch là tôn giáo nhưng có từ nguyên khá phức tạp, theo cách hiểu ở phương Tây thì nó mang nghĩa dính dáng tới God, nghĩa là 1 đấng sáng tạo tối cao. Ông đặt ra vấn đề, Phật giáo là một tôn giáo, một trường phái triết học, một lối sống hay một quy tắc luân lí? Xét về mặt thần học thì Phật giáo không có một đấng sáng tạo, xét kĩ cũng không phải một giáo phái vô thần (atheism - godless, phủ nhận sự tồn tại của 1 đấng sáng tạo). Có thể đưa ra một nhóm phân loại mới cho Phật giáo là một tôn giáo không dính dáng gì tới thần (non-theistic). Rồi Keown sau đó đưa ra lý thuyết của Ninian Smart về 7 phương diện của tôn giáo nhằm mục đích mở rộng cái định nghĩa chật hẹp của từ religion, nếu chỉ tập trung vào 1 phương diện của Phật giáo thì chẳng khác nào lặp lại sai lầm của những người mù khi sờ voi cả (Keown, 2000).

Một cách rất chậm rãi và có phần chi tiết, nhưng lại rất đơn giản, Keown trình bày cho độc giả phương Tây về vũ trụ quan Phật giáo. Tưởng là quen thuộc với mình nhưng thật sự mà nói, cái thế giới quan bắt nguồn từ văn hóa Ấn này có nhiều điểm khiến tôi cũng bất ngờ. Keown trình bày đơn giản mà đầy đủ về sáu đường luân hồi, về cách nhìn thế giới quay vòng khác với thế giới quan tuyến tính có một điểm mở đầu và một điểm kết thúc của phương Tây, với liên hệ và so sánh giữa kinh Khởi thế (Agganna Sutta) và sách Sáng Thế, và về nghiệp. Ông cũng có một phần viết từ điểm nhìn của phương Tây về thế giới quan Phật giáo, lý giải một vài thắc mắc về điểm lấn cấn nhất đối với người phương Tây - sự tái sinh, đồng thời đặt ra và nêu hướng giải quyết câu hỏi: có nhất thiết phải tin vào sáu đường, các thể loại thần ma, thiên đàng địa ngục để theo đạo Phật?

Điểm thú vị nhất của quyển sách là phần 5, khi Keown giới thiệu về Mahayana (Phật giáo Đại thừa), với hàng loạt những đối chiếu với Kitô giáo. Từ đầu sách, Keown đã phân rõ một điều, tuy trong thực tế chưa chắc đã rạch ròi như thế, rằng một người theo đạo Bụt chọn cho mình hoặc theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) hoặc theo Phật giáo Đại thừa, hệt như một người Kitô giáo phải chọn hoặc là Công giáo Roma hoặc là Kháng Cách. Ông cũng sớm khẳng định một vài tương đồng giữa Kitô giáo với Phật giáo Đại thừa, trường phái được xác định là cũng ra đời trước hoặc sau Công nguyên khoảng 100 năm, mặc dầu cũng sớm cảnh báo là không có một bằng chứng nào vững chắc về sự liên hệ giữa 2 tín ngưỡng này cả*. Sự tương đồng đó chính là việc cả 2 đều có khái niệm về đấng cứu thế, ở Kitô giáo rõ ràng là Đức Kitô, ở Mahayana là khái niệm về các bodhisattva (bồ tát). Bodhisattva là những đấng đã giác ngộ nhưng thề sẽ tái sinh tới vô hạn kiếp để cứu độ và đưa những người khác vào nirvana.

Keown đưa người đọc tiếp cận với những khái niệm mới được hình thành ở Phật giáo Đại thừa, những khái niệm biến Phật giáo thành một tôn giáo có một đấng nhân từ vô lượng tương tự Đức Chúa Cha dõi theo nhân quần dưới thế. Ông lý giải về khái niệm Tam thân, một khái niệm mới đem lại một cái nhìn mới về Phật học (Buddhology) và vũ trụ quan, rằng một vị Buddha (Bụt, Phật, Bậc thức tỉnh) có 3 thân: Pháp thân (thể tính vũ trụ của Phật, Keown bảo không khác mấy với cách mấy người Kitô giáo nói về Chúa trời như là Sự tuyệt đối hay Mục đich tối thượng), Báo thân (là thân của Phật trong các cõi tịnh độ, hiểu như là cõi Phật, cõi thanh tịnh, không phải là niết bàn nhưng là chốn có điều kiện tu tập tốt nhất để đạt nirvana; Bụt Amitabha thề là ngài sẽ cứu vớt tất cả những người nguyện tin vào ngài bằng cách nói câu Namo Amitabha Buddha (tôi nương tựa vào Phật A di đà) lên tịnh độ của ngài), và Ứng thân (thân Phật dưới hình người).

Cùng với sự phát triển về thế giới quan là sự nở rộ của nhiều trường pháo triết học Phật giáo. Keown ngụ ý rằng Phật giáo Đại thừa là một thể rất lớn, bao hàm nhiều trường phái khác nhau, đều phát triển Phật giáo theo những con đường khác nhau, ví như một dụ ngôn của Phật trong Liên hoa kinh (Lotus Sutra) về ngôi nhà cháy: người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi ngôi nhà cháy, ông phải đưa ra những món quà khác nhau để dụ chúng ra khỏi nhà, tùy theo từng người mà có những phương tiện khác nhau để được cứu độ. Đại thừa phát triển khái niệm về đức tin, người ta từ đó nghĩ rằng có thể được cứu độ phần nào nhờ đức tin, tin vào bụt A di đà, người sẽ vớt mình vào tịnh độ và từ đó sẽ có cơ hội được giải thoát cao hơn.

Mặc dầu sách của Damien Keown có chú các kinh điển tham khảo khá đầy đủ, nhưng tôi không thích chút nào khi phần nói về thiền, đặc biệt là các tầng nhập định, những miêu tả về trạng thái các tầng này không có một chú thích nguồn kinh điển hay sách vở nào cả, khiến tôi rất hoang mang không biết được đây là ghi chép trong kinh hay là trải nghiệm của ai đó hay của chính ông Keown, hay là thế nào. Nói chung đây là điểm duy nhất tôi không thích trong sách.

Tôi còn thích sách của Keown ở điểm thứ ba, đó là cách tiếp cận của ông rất khoa học và duy lý, đặc biệt là ở hai phần cuối, Đạo đức học (Ethics) và Phật giáo ở phương Tây. Ở phần Đạo đức học, ông đề cập đến các vấn đề từ truyền thống như Dharma (hay được dịch là pháp, hiểu theo nghĩa là luật của vũ trụ), đức hạnh (virtues), Ahimsa (Bất hại) cho tới những vấn đề bắt nguồn từ phương Tây như phá thai, quyền (trong thế đối lập với nghĩa vụ (duty) - khái niệm quen thuộc của văn hóa Ấn), quyền/phẩm hạnh con người - những khái niệm rộ lên từ thời Khai sáng, cả cái khái niệm Upaya (Skillful means - phương tiên thiện xảo). Ở phần Phật giáo ở phương Tây, sau khi nói về sự truyền bá và quan tâm tới Phật giáo đối với phương Tây theo 3 con đường, ông lý giải lí do vì sao nhà sử học Arnold Toynbee gọi sự gặp gỡ giữa Phật giáo và phương Tây là "một trong những va chạm lớn nhất thế kỉ 21" (hiểu theo nghĩa tích cực, gây tiếng vang, tạo hiệu ứng gì đấy). Một cách tỉnh táo, ông giải thích những thuận lợi của Phật giáo trong việc tương thích với tư duy phương Tây về một số mặt. Ông cũng nói về việc Phật giáo có thể biến đổi và phát triển như thế nào để phù hợp và tạo thành một tôn giáo hiện đại.



*Tôi chưa nghiên cứu và cũng không dám lộng ngôn nhưng sự liên hệ giữa văn minh Hy Lạp và văn minh Ấn Độ thời kì một hai thế kỉ trước và sau Công nguyên không phải là điều gì bí ẩn. Có sự tồn tại của vương quốc Ấn-Hy Lạp, khi mà nghệ thuật Phật giáo kết hợp với nghệ thuật Hy Lạp cổ. Có sự tồn tại của bộ kinh Milinda vấn đáp, chép lại cuộc vấn đáp giữa tì kheo Nagasega và vua Menandros I (hay còn gọi là vua Milinda). Nói chung là có một sự liên hệ giao lưu văn hóa, nhưng học giả nói như vậy thì cứ tin như vậy đã.






Các bạn quan tâm muốn tìm hiểu sơ lược về Phật giáo có thể tìm cuốn này đọc. Sách viết dễ hiểu và khá đầy đủ, theo hướng nhìn của phương Tây. Cách đây 6 tháng khi tôi còn ở Sài Gòn thì Thư quán Sinh viên của Phương Nam trên đường Lê Duẩn kế bên trường Dược đối diện trường Nhân văn là một kho "A very short introduction", giá khoảng vài chục ngàn 1 cuốn. Nếu bạn tới đó tìm hy vọng sẽ có.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Không có điều gì mới lạ dưới ánh mặt trời

11 Bấy giờ nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu! 12 Rồi tôi đưa mắt nhìn và để tâm suy về cái khôn, cái điên và cái dại. Người nối ngôi vua sẽ làm gì? Ðiều mà thiên hạ đã làm trước. 13 Tôi đã thấy cái khôn lợi hơn cái dại, ánh sáng lợi hơn bóng tối.
14 Người khôn biết mở mắt nhìn,
kẻ dại bước đi trong tăm tối.
Còn tôi, tôi biết : cả hai sẽ cùng chung một số phận.
15 Và tôi tự nhủ: "Số phận của kẻ dại làm sao, thì số phận của tôi cũng như thế. Vậy tôi khôn cho lắm để làm gì?" Tôi lại tự nhủ : đó cũng chỉ là phù vân. 16 Ðời đời nhớ người dại, mãi mãi nhớ người khôn : làm gì có chuyện đó! Tại vì có việc gì xảy ra, việc đó cũng rơi vào quên lãng ngay trong những ngày kế tiếp. Tất cả đều chết, người khôn cũng như kẻ dại.
17 Tôi đâm ra chán ghét cuộc đời, vì đối với tôi, dưới ánh mặt trời, mọi việc làm ra đều xấu cả: quả thế, tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát.
18 Tôi đã chán ghét mọi gian lao vất vả tôi phải chịu dưới ánh mặt trời, những gì tôi để lại cho người đến sau tôi. 19 Nào ai biết được người ấy khôn hay dại? Nhưng người ấy lại là kẻ có thẩm quyền trên những gì tôi đã phải vất vả và khôn khéo mới làm ra dưới ánh mặt trời. Chuyện đó cũng chỉ là phù vân! 20 Bấy giờ tôi đâm ra thất vọng về bao gian lao vất vả tôi đã phải chịu dưới ánh mặt trời.
21 Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Ðiều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. 22 Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?
23 Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Ðiều ấy cũng chỉ là phù vân!
24 Ðối với con người, không có gì tốt hơn là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra! Nhưng chính tôi đã thấy là điều đó cũng do Thiên Chúa mà đến, 25 vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ Thiên Chúa ban cho? 26 Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui; ai có tội, thì Người bắt phải vất vả gom góp và tích trữ, để trao lại cho kẻ đẹp lòng Người. Ðiều ấy cũng chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát.


trích sách Ecclesiastes 2:11-26. Bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ Phụng vụ
___________________

Sách Ecclesiastes (tiếng Việt dịch là sách Giảng viên), là một sách trong bộ Cựu Ước. Sách được coi là lời của vua Solomon, vị vua vĩ đại của dân Do Thái.

Tựa đề là câu trích nổi tiếng từ sách này.

Bản dịch này dịch chữ hebel của tiếng Hebrew mà tiếng Anh hay dùng chữ meaningless thành chữ phù vân trong tiếng Việt, lấy ý từ cụm "a chasing after the wind" cũng có trong sách. Phần 1 và 2 của quyển sách, vua Solomon nói về sự vô nghĩa. Đầu tiên vua phán rằng Tất cả mọi thứ đều vô nghĩa ('Everything is meaningless'). Sau đó vua đi vào từng khía cạnh, Trí tuệ là vô nghĩa, Hoan lạc là vô nghĩa, Làm việc Vất vả Cống hiến cũng vô nghĩa, vì tất cả đều như là đuổi theo một cơn gió, đều không đạt được gì dưới ánh mặt trời. 


Đọc sách này khi tới ăn cơm ở nhà thờ Above Bar Church (ABC), nghe mọi người nói chuyện, hiểu được người phương Tây hiểu về ý nghĩa của cuộc sống theo phương diện nào.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Nắng ấm - Mùa xuân - Lugia và Kekulé

Khi ngủ, tôi mơ thấy Lugia bay trên đại dương. Tôi nằm trên lưng nó mà nhìn đôi cánh lớn đập một cách mạnh mẽ. Mỗi khi nhìn thấy Lugia tôi lại nghĩ đến tiếng ocarina thổi vang Bài ca Lugia.

Khi Lugia làm một cú lượn rộng, tôi thấy đuôi nó cong một đường đẹp đẽ. Đuôi nó vòng qua cánh bên phải mà gần như chạm vào mặt Lugia. Nhìn cảnh này, tôi nhớ tới giấc mơ con rắn của Kekulé.

Kekulé nằm mơ màng bên lò sưởi khi đang đọc sách. Ông mơ thấy một chuỗi carbon biến hình như con rắn, bò vòng quanh. Rồi đầu con rắn bất chợt cắn lấy đuôi nó và xoay vòng. Tôi cũng thấy Lugia đang ngoạm lấy đuôi nó mà xoay vòng, còn tôi đang lơ lửng trên mặt biển. Nó xoay vòng xoay vòng xoay vòng càng ngày càng nhanh càng mạnh càng xoắn xuýt. Trong mạng lưới những đường xoắn xuýt ấy tôi nhìn thấy những lai hóa orbital sp2 và những electron bất định xứ lơ lửng.

Những electron hòa thành một đám mây màu vàng. Có tia điện lẹt xẹt trong đó.

Tôi ngập ngừng lẩm bẩm, benzene, benzene. Rồi tôi tỉnh giấc.

by Zú Sánchez

Tôi vén màn cửa và nhìn ra cửa sổ. Trời đã trong và xanh lắm. Nắng đã vàng lắm. Biển cả ngoài kia. Tôi nhận ra Olivine đã không còn lạnh căm nữa. Có tiếng Lugia bảo tôi, nhìn ra hàng rào kia, có một con gà trống đang gáy. Tôi định hỏi gà nào cơ nhưng lời chưa kịp cất thì thanh âm đã vọng vào tai.

Bỗng đột ngột có tiếng súng nổ lớn trên đồi. Tiếng gà đột nhiên im bặt.

Trong tai tôi lại vang lên lời Kekulé tôi đọc trong một quyển sách, rằng, "Hãy để chính mình học lấy cách mơ, thưa các ngài, rồi từ đó, hy vọng chúng ta sẽ tìm ra chân lý. Nhưng cũng hãy để chính mình học lấy cách giữ kín những giấc mơ, khoan công bố nó vội, cho tới khi được kiểm chứng bởi trí tuệ đang thức tỉnh."


Tôi thét lên: Chuyện gì thế này? Rồi tôi nghe lời đáp, lần này là tiếng Espeon: Mùa xuân đã đến rồi đấy.

Tôi thấy những bông hoa dại ngoài sân cỏ đã nở thật. Lúc này thì tôi biết tôi vẫn còn đang trong giấc mơ.

Nhưng rõ ràng là hoa đã nở thật. Nắng ấm thế kia mà.