Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Chỉ có một điều mãi mãi xanh tươi

Bạn ạ, mọi lý thuyết đều màu xám,
Chỉ có cây đời là mãi xanh tươi.
(Faust - Goethe)

Mephistopheles đã nói với Faust như thế.



Nói thật, sau khi xem The tree of life (Cây đời) của Terrence Malick, được Cành Cọ Vàng ở Cannes 2011, tui không hiểu mấy. Còn mệt nữa. Nhưng từ đó mới nghiệm kĩ thêm được cái lẽ, khi xem phim, thưởng tranh hay đọc sách, đừng tự hỏi mình rằng mình có hiểu không, mình có thực sự hiểu hay không. Cái xu hướng hiện giờ của giới văn nghệ sĩ là viết (vẽ, quay,...) sao cho khán giả khó hiểu nhất có thế, với thủ pháp đa nghĩa hóa, mù mờ hóa, biểu tượng hóa, siêu thực hóa và nhiều thứ xyz hóa khác mà các bạn trẻ trên mạng (hiểu rộng biết nhiều) dùng một thuật ngữ rất chung chung hóa là "tỏ ra nguy hiểm".

Chính từ việc tồn tại nhiều tác phẩm nghệ thuật bây giờ khó hiểu như vậy, phải chăng nên đặt ra một cách tiếp cận nghệ thuật khác: tự hỏi rằng mình có học được gì không, có trải nghiệm được cảm giác hay tri thức nào không. Đối với tôi, khi xem Cây đời, thì câu trả lời là có. Mặc dầu cái việc nhận ra rằng mình đang xem hồi kí của ông đạo diễn khiến tui phần nào không khoái cho lắm, nhưng mà nhạc và phần hình ảnh thực sự làm tui mê tít.

Nghe những nốt nhạc mở đầu từ giao hưởng Má Vlast (Tổ quốc tôi) của Smetana khiến tui sửng sốt. Sáng nay vừa nói chuyện với Cường Quốc về Smetana và Dvorak, về Má Vlast thì chiều nay, thiệt là bất ngờ, lại được nghe trong Cây đời. Vậy thôi, bất ngờ làm nên sự mê tít đầu tiên.

Tiếp theo, bản làm tui mê nhứt chính là bản Lacrimosa trong Requiem for My friend (Bản cầu hồn cho bạn của tôi) của Zbigniew Preisner. Requiem là thể loại nhạc chơi trong thánh lễ cầu hồn trong Công giáo. Lacrimosa trong tiếng Latin bắt nguồn từ Lacrima là giọt nước mắt, Lacrimosa là việc khóc, danh từ giống cái, Lacrimosa là một chương trong thể loại Requiem, từ Mozart, Belioz, Verdi tới nhiều nhà soạn nhạc khác đều có Lacrimosa trong Requiem của mình. Lacrimosa của Preisner theo đúng truyền thống, hát những ca từ Latin theo đúng bài ca trong lễ cầu hồn, nhưng chữ Lacrimosa được lặp đi lặp lại, cho tới tận cao trào. Thực sự nếu đứng trong một lễ cầu hồn, nghe đi nghe lại câu "Khóc đí! Khóc đi!" dộng vào tai như vậy, hẳn tui sẽ khóc thật, nhưng ngồi trong rạp chiếu phim, lúc đó lại chẳng hiểu Lacrimosa là gì, thậm chí còn không biết cái từ mà cái bà đang hát đọc như thế nào, thì tui không thể khóc được, nhưng mà âm nhạc và cái từ lặp đi lặp lại đó, cùng với hình ảnh rộng làm tui rất choáng ngợp. Chỉ một điều tui hơi băn khoăn, tại sao Lacrimosa lại là nhạc nền cho đoạn phim nói về sự hình thành vũ trụ? Nhạc nền cho cảnh thiên thạch rơi xuống trái đất, tiêu diệt khủng long thì còn dễ hiểu, chứ nhạc nền trên hình ảnh các tinh vân, những lò luyện sao, nơi tạo ra các nguyên tố nặng cho vũ trụ thì quả là khó nhằn. Chúng ta nhìn vào, như lời sách Job trích ở đầu phim, nhìn vào thời khắc Người tạo ra Trái đất, "khi những ngôi sao mai hòa ca, và tất cả con của Chúa Trời cùng hét lên trong niềm vui sướng", chúng ta khóc gì ở đây? Khóc trong niềm vui sướng? Hay khóc trong nỗi luyến tiếc, tự nghiệm lại câu hỏi mà Chúa trời đã hỏi ông Job, "Ngươi đã ở đâu lúc ta tạo ra Trái đất?".


Bản Lacrimosa và hình ảnh trong The Tree of Life (tuy nhiên hình nền đằng sau không theo thứ tự trong phim, người up đoạn phim này lên youtube đã chỉnh lại một tí để tránh bị dính bản quyền này nọ). Xem tham khảo.

Chuyện tui thấy khó hiểu nhất trong những cảnh phim khó hiểu, đầy tính trừu tượng của Malick đó là cảnh 2 con khủng long bên bờ suối. Nói ra vậy nghe chừng có vẻ thơ mộng đối với bạn nào chưa xem phim, nhưng mà thiệt ra cảnh này hổng có gì hết, một con khủng long đang nằm, một con khác bỗng dưng đâu ra chạy lại, đạp lên đầu con này, ngó ngó, chừng 30 giây, rồi bỏ chạy đi. Tui thiết nghĩ hồi kí của ông đạo diễn nầy phải chăng dính dáng gì tới khủng long hay trong một phút nhất thời, quay qua nói với thằng Nguyên ngồi bên cạnh, chắc lát nữa người ta vô xin lỗi vì chiếu lộn phim Công viên kỷ Jura. Hay là phải chăng ông đạo diễn, cựu triết gia đang chơi trò siêu thực? Tui hổng biết được. Đoạn này vậy mà cũng tới một phút mấy.

Nội dung phim thì thôi, tui không nói lại, vì mấy bạn nào tò mò thì tốt nhất nên coi phim, mặc dù không hiểu, nhưng cũng sẽ ít nhất biết được phim này kể cái chuyện gì, đại loại là chuyện một gia đình, có thằng con, ở với ba với má, xung đột, này kia, sau này ông con già, nhớ lại hồi nhỏ. Tui kể vậy thôi, báo trước là tui đã tầm thường hóa nội dung bộ phim đi rồi đó, mấy bạn tò mò hơn nữa thì nên lên Tuổi Trẻ đọc bài review của Phan Xinê hay lên www.phanxineblog.com đọc.

Siêu thực trong phim lên tới đỉnh điểm ở đoạn cuối, khi ông kép chánh, sau khi nhớ lại no nê, được ông đạo diễn cho bước ra bãi biển trắng phau, gặp lại chính mình hồi nhỏ, gặp lại ba, lại má, lại hai đứa em, rồi nhiều thước phim tâm linh khác diễn ra. Tui chợt thoáng nghĩ đến cảnh kết thúc, ông này bước ra giữa thành phố đầy nhà chọc trời, gặp lại con khủng long đã (vô cớ?) xuất hiện ở đoạn đầu, rồi hết phim; nhưng thiệt may, hổng có cái cảnh nhảm nhí đó.

Phim kết thúc (theo như tui nhớ, vì lúc đó mệt rồi, siêu thực nhiều quá cũng mệt) bằng cảnh một cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, rồi nhè nhẹ chuyển qua cảnh một ngôi nhà gỗ, nằm trên cánh đồng hoa poppy như trong tranh Monet ấy. Rồi từ từ đen thui.

Trong phim, khi Jack, đứa con, được sinh ra, có một cảnh quay rất đẹp: người cha (Brad Pitt) đã cuối xuống chụm hai tay đỡ lấy bàn chân con mình, hệt như đang vun một cái cây. Rồi người cha đã trồng một cái cây trước sân nhà, người mẹ đã nói, "Con sẽ trưởng thành nhanh hơn cái cây này cao lớn".

Cuộc đời một chàng trai, sinh ra trong tình thương, lớn lên trong tình thương, nhưng rồi dần đánh mất sự ngây thơ vì sự khắc nghiệt của người cha, thương yêu con nhưng muốn con thành một người đàn ông mạnh mẽ: "hứa với cha là con đừng giống cha", chàng trai hỏi mẹ, "Làm sao con có lại được sự ngây thơ như hai đứa em", dồn nén mình trong phức cảm Oedipus, trong sự thù ghét người cha ở tuổi dậy thì, chứng kiến nỗi đau khổ của mẹ trước nỗi đau mất đi người em thứ hai, mắc kẹt trong những lời mặc cả với một đấng tối cao vô hình, Người đã ở đâu, chúng con là gì với Người, Người có đang nhìn con không, sao Người lại để một thằng bé chết, rồi từ từ nhận ra mình trở nên giống cha quá. 

Vì chưng mọi lý thuyết đều là màu xám, quỷ sứ đã nói vậy, hãy nhìn vào Cây đời bằng con mắt thuần khiết, cảm nhận bằng hình ảnh và âm nhạc, dõi theo câu chuyện, để thấy rằng, chỉ có một điều mãi mãi xanh tươi.

À Démain.


"But I tried, didn't I? Goddamnit, at least I did that!"

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Lời tiên tri của giọt sương hay là sách mới này

CÁ DU

Hai con cá du bơi lội dưới sông Hào, nhìn thấy hai người đứng trên cầu.
- Hai người đứng trên ấy đang buồn.
- Đằng ấy không phải là người, sao biết được người buồn?
- Đằng ấy không phải tớ, sao biết tớ không biết? Tớ bơi giữa sông Hào mà biết thôi.
Nhanh như cắt, một con chim lao xuống nước đớp gọn hai con cá du.
Cuộc tranh luận đương nhiên là chấm dứt.

(Nhật Chiêu - Lời tiên tri của giọt sương - Truyện nhỏ (9))

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Freedom is not free at all

Trưa nay tôi xem lại 300.



Đúng là sau khi ngồi đọc lịch sử, có một nền tảng nào đó, ít nhất là về các cuộc chiến giữa Ba Tư và Hy Lạp, thì xem phim 300 quả là thích thú hơn nhiều. Lần xem thứ nhất là năm lớp 9 và cả một lần xem lại một đoạn ngắn trong giờ lịch sử năm lớp 10 khi học về Hy Lạp cổ đại, tôi không có nhiều kiến thức lắm về thời kì thịnh vượng này của người Ba Tư khi họ kéo đi đánh Hy Lạp.

Việc đầu tiên tôi cần làm trước khi xem lại phim 300 là xác định rõ ràng rằng tôi sẽ xem phim giải trí chứ không phải xem Discovery. 300 làm theo truyện tranh của Frank Miller chứ không phải theo sách của Herodotus, do đó, nếu xét về tính chính xác theo sử liệu thì 300 chả có bao nhiêu. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Frank Miller bịa ra một cái chuyện trên trời nào đó để vẽ truyện tranh cũng như để cho Zack Snyder làm phim, kịch bản của 300 dựa trên các sự kiện đã làm nên lịch sử. Các chi tiết đều rút trích từ sách vở, từ binh đoàn lính bất tử của Xerxes, cơn bão ở Hellespont làm chậm bước tiến của quân Ba Tư, chuyện binh đoàn quân Ba Tư khi bắn tên có thể che kín mặt trời, vân vân, cho tới các sự kiện lớn như trận chiến ở Thermopylae (trong phim dịch ra tiếng Anh luôn là Hot gates - Cổng Nóng - sính tiếng Hán có thể kêu là Nhiệt Môn), lễ hội Carneia ở Spartan khiến Leonidas không thể dẫn quân đội của mình ra trận, lẫn lần xâm lược Hy Lạp trước đó của cha Xerxes là Darius đại đế - người đã mở rộng biên giới Ba Tư ra rộng đến sông Danube lẫn Ấn Độ nhưng không thể chiếm được các thành bang Hy Lạp, cuộc xâm lược của Darius tuy không được thể hiện trên phim nhưng được hoàng hậu Gorgo nhắc lại trước hội đồng Sparta.

Xét về tính giải trí, nghĩa là hoành tráng, kỹ xảo đã mắt, đồ họa đẹp, cốt truyện hay, câu nào câu nấy các nhân vật nói ra cứ như danh ngôn (về khoản này hơi thua Troy một tí), thì phim này không có gì để chê. Tuy nhiên, xét về nội dung thì rõ ràng 300 là một cái phim bêu riếu nền văn hóa Ba Tư, hèn gì phim này bị Iran lẫn đủ nhà phê bình văn hóa cho lên thớt ngay từ khi ra mắt. Frank Miller khắc họa một vị vua vĩ đại của đế quốc Ba Tư hùng mạnh như một tên đồng tính, khuyên móc đầy mặt, quân đội Ba Tư thì toàn quái vật với quái nhân, bầy đoàn trong cung cấm của Xerxes cũng chả lành mạnh cho lắm. Trận chiến Hy Lạp - Ba Tư thời đó được coi như là trận chiến long trời lở đất giữa hai thế lực phương Đông và phương Tây (thời đó bản đồ thế giới của các nước Địa Trung Hải trong tay các sử gia phương Tây chưa mở rộng đến bên kia Hy Mã Lạp Sơn). Khắc họa Ba Tư - phương Đông - như một con quái vật - phe ác, còn Hy Lạp - phương Tây - như những anh hùng - phe thiện, đúng là một thứ địa phương chủ nghĩa, nhằm ca ngợi lòng ái quốc, yêu tự do, ắt sẽ bị các nhà bảo thủ lên án kịch liệt, như thế mới công bằng với các thể loại văn hóa tuyên truyền mà phương Tây gán cho Liên Xô hay TQ trước đây.

Nhưng thôi, nói là nói vậy, một khi bạn đã xác định rằng bạn cần xem một thứ phim để giải trí và ôn lại lịch sử một tí (một tí thôi, vì chả có gì nhiều nhặn về lịch sử ở đây cả) chứ không phải xem phim Discovery để biết diễn biến trận đánh Thermopylae thực sự nó ra sao, quân Sparta bận đồ màu gì, hay chỉ mặc mỗi cái sịp đen và quấn áo choàng đỏ như trong phim, hay quân Ba Tư thiệt ra có mấy con tê giác, quái nhân này kia không, Xerxes có cạo đầu, cũng mặc mỗi cái sịp vàng hay là một ông vua đạo mạo có râu dài ngồi trên ngai bệ vệ (theo tài liệu thì Xerxes lúc này còn trẻ lắm, khoảng ba mấy tuổi), nếu mục đích của bạn chỉ là như vậy, cộng thêm bạn chả phải là người Iran hay Iraq, thì thiết nghĩ, xem phim này vui là chính, chứ ba cái chiện cao siêu, thiện ác này nọ, quan tâm làm gì.

___________________

Sau khi đến Abydus, Xerxes muốn tổng duyệt binh. Người ta chuẩn bị riêng cho ngài một chỗ ngồi bằng đá cẩm thạch trắng trên sườn đồi... Ngài ngồi đó và nhìn xuống bờ biển, ngắm đạo quân cùng chiến hạm, rồi trước cảnh tượng ấy, ngài muốn xem cuộc đua chiến thuyền. Khi cuộc đua kết thúc, đức vua hân hoan hài lòng về chiến hạm cũng như về cuộc đua. 


Nhưng khi nhìn thấy cả Hellespont được các chuyến thuyền phủ kín, cả bờ biển và bình nguyên Abydus đầy ngập quân lính, Xerxes tự gọi mình là một người hạnh phúc, rồi sau đó bật khóc.
Thế là Artabanus, người bác của đức vua (người đã từng khuyên nhà vua không nên dẫn quân tấn công Hy Lạp*),  khi nghe nhà vua bật khóc, đã đến bên và nói: "Thua đức vua, ngài vừa nói rằng ngài hạnh phúc, mà bây giờ ngài lại khóc. Ngài thay đổi tâm trạng thật đột ngột. Đức vua đáp: "Phải, nỗi buồn xâm chiếm ta khi ta nghĩ rằng toàn bộ cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao, vì trong số người đông đúc kia sau một trăm năm sẽ không ai còn lại trên đời!".


quyển 7, tựa Polymnia, Sử kí, Herodotus
dựa theo bản dịch của Nguyễn Thái Linh trong Du hành cùng Herodotus của Ryszard Kapuscinski và bản tiếng Anh History of Herodotus của George Rawlinson.
_____________________

Tựa đề là câu nói của hoàng hậu Gorgo. Tự do hoàn toàn không miễn phí. Tự do phải trả bằng máu.

Khi xem lại, tôi nhận ra ở cuối phim, chiến binh Sparta duy nhất còn sống trở về là Dilios (David Wenham đóng - anh này đóng Faramir trong Chúa nhẫn nè) nhằm tiếp tục dẫn dắt quân đội Sparta đánh trận Plantaea với Ba Tư, đã nói một câu chính là 2 câu thơ nổi tiếng khắc trên mộ chí của các chiến binh Sparta:

Go tell the Spartans, passerby:
That here, by Spartan law, we lie.

*: Ban đầu, Artabanus khuyên Xerxes không nên đánh Hy Lạp, Xerxes cũng nghe theo, nhưng sau đó, mỗi khi đi ngủ, nhà vua lại nằm mơ thấy một con ma đe dọa và bắt ngài phải đánh Hy Lạp. Khi Xerxes yêu cầu Artabanus thử thế chỗ của ngài, ông này cũng nằm mơ thấy con ma đó. Thế là cuối cùng, định mệnh bắt buộc Xerxes phải đánh Hy Lạp.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Phải em sao

[Cao Huân]

Đúng, tiêu đề hoàn toàn vô nghĩa, nhưng ghép những chữ cái đầu lại sẽ thành 1 cụm từ đã quá đỗi quen thuộc : PES.

PES là một nghệ thuật, người chơi PES là một nghệ sĩ. Câu nói ấy hoàn toàn không chút sáo rỗng, nếu biết rằng bấm L2+analog R sang phải thì cầu thủ sẽ đi cua, đè L2 mà ấn analog R thì cầu thủ sẽ dít banh qua người đối phương, còn dại dột bấm 1 lúc analog L+R thì từ nghệ sĩ bạn sẽ biến thành kịch sĩ sân cỏ (Không tin thử đi rồi biết).

Chơi PES, nghĩa là ta đang tham gia vào một sân khấu hoành tráng (thường thì) kéo dài từ 10-15' với 22 nghệ sĩ trên sân, 20 trong số đó sẽ thể hiện đươc chính mình thông qua người chơi. Khi gamepad được cầm lên thì cũng là lúc giây phút phấn khích tột đỉnh sắp bắt đầu. Những tiếng la ó cứ thế vang lên như một khúc ca trầm bổng, những ly trà đá vơi dần sau những màn uống nước ăn mừng, mà thường là không kéo dài lâu vì trọng tài PES thổi việt vị rất lạ.

Vài dòng viết lách chỉ để nhớ về 1 thời oanh liệt mà không thể thiếu vai trò lãnh đạo của tiệm PES đối diện trường...

Phải, chính tiệm PES ấy, nơi mà những chàng trai Hôi cười Hóa 08-11 đã tìm thấy lý do hàng ngày đến trường của mình, nơi làm họ xao động những lúc 7h45 sáng thứ 5 vì không biết nên ở lại lớp sinh hoạt CN với thầy Tân Hoàng hay tranh thủ qua làm 1 ván (vì thường là thầy không hay sinh hoạt lắm), nơi mà những câu nói bất hủ được xướng lên như "Chuyền khó... cho mày lên trình" hay "Đỏ hả, vậy chuồi Robben trước cho tao" cũng như "Không sao, đội mình thẻ đỏ cho nó bước ngoặt, 1 hồi mình thắng chắc", nơi ẩn chứa một thế giới ảo mà thủ môn Wojciech Tomasz Szczęsny cao đến 220cm... Đối với mỗi người, quán PES có 1 ý nghĩa khác nhau, sẽ không bao giờ viết sao cho đủ.

Tự hỏi: Biết bao giờ mới được mặc lại bộ đồng phục, chạy ào từ lầu 2 xuống, băng qua đường, dừng lại trước xe bánh mì+xôi ( nay đã thêm bánh ướt và bánh Malaysia) dặn cho con nhiều thịt đừng lấy ruốc khô, lững thững bước vào chốn thiên đường trong con hẻm nhỏ yên lặng đây?

Đấy là lúc nên tiếc nuối chứ nhỉ?

Singapore, 20h35 - 22/7/11. Một ngày mưa và đêm nồng ẩm.

P.S.: Chị PES có fb nhớ add em. Thương nhớ nhiều.

(from Facebook của Cao Huân)