Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Freedom is not free at all

Trưa nay tôi xem lại 300.



Đúng là sau khi ngồi đọc lịch sử, có một nền tảng nào đó, ít nhất là về các cuộc chiến giữa Ba Tư và Hy Lạp, thì xem phim 300 quả là thích thú hơn nhiều. Lần xem thứ nhất là năm lớp 9 và cả một lần xem lại một đoạn ngắn trong giờ lịch sử năm lớp 10 khi học về Hy Lạp cổ đại, tôi không có nhiều kiến thức lắm về thời kì thịnh vượng này của người Ba Tư khi họ kéo đi đánh Hy Lạp.

Việc đầu tiên tôi cần làm trước khi xem lại phim 300 là xác định rõ ràng rằng tôi sẽ xem phim giải trí chứ không phải xem Discovery. 300 làm theo truyện tranh của Frank Miller chứ không phải theo sách của Herodotus, do đó, nếu xét về tính chính xác theo sử liệu thì 300 chả có bao nhiêu. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Frank Miller bịa ra một cái chuyện trên trời nào đó để vẽ truyện tranh cũng như để cho Zack Snyder làm phim, kịch bản của 300 dựa trên các sự kiện đã làm nên lịch sử. Các chi tiết đều rút trích từ sách vở, từ binh đoàn lính bất tử của Xerxes, cơn bão ở Hellespont làm chậm bước tiến của quân Ba Tư, chuyện binh đoàn quân Ba Tư khi bắn tên có thể che kín mặt trời, vân vân, cho tới các sự kiện lớn như trận chiến ở Thermopylae (trong phim dịch ra tiếng Anh luôn là Hot gates - Cổng Nóng - sính tiếng Hán có thể kêu là Nhiệt Môn), lễ hội Carneia ở Spartan khiến Leonidas không thể dẫn quân đội của mình ra trận, lẫn lần xâm lược Hy Lạp trước đó của cha Xerxes là Darius đại đế - người đã mở rộng biên giới Ba Tư ra rộng đến sông Danube lẫn Ấn Độ nhưng không thể chiếm được các thành bang Hy Lạp, cuộc xâm lược của Darius tuy không được thể hiện trên phim nhưng được hoàng hậu Gorgo nhắc lại trước hội đồng Sparta.

Xét về tính giải trí, nghĩa là hoành tráng, kỹ xảo đã mắt, đồ họa đẹp, cốt truyện hay, câu nào câu nấy các nhân vật nói ra cứ như danh ngôn (về khoản này hơi thua Troy một tí), thì phim này không có gì để chê. Tuy nhiên, xét về nội dung thì rõ ràng 300 là một cái phim bêu riếu nền văn hóa Ba Tư, hèn gì phim này bị Iran lẫn đủ nhà phê bình văn hóa cho lên thớt ngay từ khi ra mắt. Frank Miller khắc họa một vị vua vĩ đại của đế quốc Ba Tư hùng mạnh như một tên đồng tính, khuyên móc đầy mặt, quân đội Ba Tư thì toàn quái vật với quái nhân, bầy đoàn trong cung cấm của Xerxes cũng chả lành mạnh cho lắm. Trận chiến Hy Lạp - Ba Tư thời đó được coi như là trận chiến long trời lở đất giữa hai thế lực phương Đông và phương Tây (thời đó bản đồ thế giới của các nước Địa Trung Hải trong tay các sử gia phương Tây chưa mở rộng đến bên kia Hy Mã Lạp Sơn). Khắc họa Ba Tư - phương Đông - như một con quái vật - phe ác, còn Hy Lạp - phương Tây - như những anh hùng - phe thiện, đúng là một thứ địa phương chủ nghĩa, nhằm ca ngợi lòng ái quốc, yêu tự do, ắt sẽ bị các nhà bảo thủ lên án kịch liệt, như thế mới công bằng với các thể loại văn hóa tuyên truyền mà phương Tây gán cho Liên Xô hay TQ trước đây.

Nhưng thôi, nói là nói vậy, một khi bạn đã xác định rằng bạn cần xem một thứ phim để giải trí và ôn lại lịch sử một tí (một tí thôi, vì chả có gì nhiều nhặn về lịch sử ở đây cả) chứ không phải xem phim Discovery để biết diễn biến trận đánh Thermopylae thực sự nó ra sao, quân Sparta bận đồ màu gì, hay chỉ mặc mỗi cái sịp đen và quấn áo choàng đỏ như trong phim, hay quân Ba Tư thiệt ra có mấy con tê giác, quái nhân này kia không, Xerxes có cạo đầu, cũng mặc mỗi cái sịp vàng hay là một ông vua đạo mạo có râu dài ngồi trên ngai bệ vệ (theo tài liệu thì Xerxes lúc này còn trẻ lắm, khoảng ba mấy tuổi), nếu mục đích của bạn chỉ là như vậy, cộng thêm bạn chả phải là người Iran hay Iraq, thì thiết nghĩ, xem phim này vui là chính, chứ ba cái chiện cao siêu, thiện ác này nọ, quan tâm làm gì.

___________________

Sau khi đến Abydus, Xerxes muốn tổng duyệt binh. Người ta chuẩn bị riêng cho ngài một chỗ ngồi bằng đá cẩm thạch trắng trên sườn đồi... Ngài ngồi đó và nhìn xuống bờ biển, ngắm đạo quân cùng chiến hạm, rồi trước cảnh tượng ấy, ngài muốn xem cuộc đua chiến thuyền. Khi cuộc đua kết thúc, đức vua hân hoan hài lòng về chiến hạm cũng như về cuộc đua. 


Nhưng khi nhìn thấy cả Hellespont được các chuyến thuyền phủ kín, cả bờ biển và bình nguyên Abydus đầy ngập quân lính, Xerxes tự gọi mình là một người hạnh phúc, rồi sau đó bật khóc.
Thế là Artabanus, người bác của đức vua (người đã từng khuyên nhà vua không nên dẫn quân tấn công Hy Lạp*),  khi nghe nhà vua bật khóc, đã đến bên và nói: "Thua đức vua, ngài vừa nói rằng ngài hạnh phúc, mà bây giờ ngài lại khóc. Ngài thay đổi tâm trạng thật đột ngột. Đức vua đáp: "Phải, nỗi buồn xâm chiếm ta khi ta nghĩ rằng toàn bộ cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao, vì trong số người đông đúc kia sau một trăm năm sẽ không ai còn lại trên đời!".


quyển 7, tựa Polymnia, Sử kí, Herodotus
dựa theo bản dịch của Nguyễn Thái Linh trong Du hành cùng Herodotus của Ryszard Kapuscinski và bản tiếng Anh History of Herodotus của George Rawlinson.
_____________________

Tựa đề là câu nói của hoàng hậu Gorgo. Tự do hoàn toàn không miễn phí. Tự do phải trả bằng máu.

Khi xem lại, tôi nhận ra ở cuối phim, chiến binh Sparta duy nhất còn sống trở về là Dilios (David Wenham đóng - anh này đóng Faramir trong Chúa nhẫn nè) nhằm tiếp tục dẫn dắt quân đội Sparta đánh trận Plantaea với Ba Tư, đã nói một câu chính là 2 câu thơ nổi tiếng khắc trên mộ chí của các chiến binh Sparta:

Go tell the Spartans, passerby:
That here, by Spartan law, we lie.

*: Ban đầu, Artabanus khuyên Xerxes không nên đánh Hy Lạp, Xerxes cũng nghe theo, nhưng sau đó, mỗi khi đi ngủ, nhà vua lại nằm mơ thấy một con ma đe dọa và bắt ngài phải đánh Hy Lạp. Khi Xerxes yêu cầu Artabanus thử thế chỗ của ngài, ông này cũng nằm mơ thấy con ma đó. Thế là cuối cùng, định mệnh bắt buộc Xerxes phải đánh Hy Lạp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét