Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Ghi chép về những thứ chán òm




Tối nay là lượt trận cuối cùng của mùa giải 2010-2011 của English Premier League. Một mùa giải trôi qua như mọi mùa, nhưng đối với tôi, nó vô cùng đáng nhớ và đặc biệt, một phần cũng bởi đây là năm học cuối cùng.

Không biết từ lúc nào tôi có một cái cảm giác về sự tương đồng về mùa bóng này của Arsenal đối với năm học của tôi, một kiểu giác quan thứ sáu thôi, không có bất kỳ một lý do rõ ràng nào, thuần túy cảm giác. Có lẽ cảm giác đó đến với tôi từ đầu năm học.

Khi mà tôi hy vọng vào một mùa bóng thành công của Arsenal, cũng là tôi đang tin tưởng vào một năm học tốt đẹp. Một năm học 12 tốt đẹp đối với tôi có nhiều nghĩa, và tôi cũng có đủ cơ sở để tin như vậy. Tôi cũng có đủ cơ sở để tin vào một năm thành công của Arsenal, khi mà cho tới tận tháng 2, người ta vẫn nghĩ Arsenal có thể giành tới 4 chiếc cúp.

Thế mà bây giờ, Arsenal đang lết bết giành nhau cái hạng 3 EPL với ManCity và phòng truyền thống cũng không có thêm một chiếc cúp nào. Còn tôi bây giờ thì đang ngồi ở nhà, chống cằm, ngáp ngắn ngáp dài nhìn về 2 kì thi phía trước.

Tôi đã tính đủ đường, trong những con đường của tôi, kỳ thi đại học siêu siêu chán và nhảm luôn nằm ở phương án cuối cùng, khi tất cả những kế hoạch trước đó đều đổ bể. Tôi hoàn toàn không mong đợi việc mình sẽ thi đại học lắm, ít nhất là mãi đến tận gần cuối tháng 3. Không phải tôi sợ, tôi chả sợ gì cả, tôi chỉ không thích. Tôi làm không tệ bài thi NTU của mình và đã luôn nghĩ mình sẽ có một vé sang Sing học Vật liệu. Thế nhưng tôi vẫn không đậu vì cái điều quái quỷ gì đó mà tôi cũng chẳng hề biết, chẳng ai nói tôi biết, y hệt như chẳng ai hiểu vì sao van Persie bị đuổi ở Nou Camp và tại sao lại có cái chuyện không tưởng mà Sczcesny và Koscielny làm ở Wembley vào những ngày tháng 2.

Nhưng tôi hiểu, mùa bóng đã khép lại, còn cuộc phiêu lưu của tôi thì vẫn còn tiếp diễn. Hai thứ đó không có gì giống nhau hết, tôi không thể đánh đồng làm một. Tôi vẫn còn những hy vọng của riêng mình và vẫn còn những con đường mới cứ mở ra liên tục.

Cuộc chơi vẫn chưa hết.

_______________________



Hôm qua tôi xem "500 days of Summer", một cái phim mà từ khi Star Movies giới thiệu là sắp chiếu, tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm muốn xem.

Rõ ràng rành rành đó là một phim hài, dễ thương, với Joseph Gordon-Levitt (Tom) và Zooey Deschanel (Summer) (thiệt tình tôi muốn xem cũng vì khoái Joseph Gordon-Levitt trong Inception). Phim làm tôi cười được, cười nhẹ nhàng, vui vẻ, sảng khoái. Ít nhất là cho tới khi gần hết phim.

Thế nhưng, khi xem tới gần hết phim, khi Summer làm đám cưới, trong khi còn lại gần ba mươi ngày nữa mới đến cái mốc "500 days", tôi tự hỏi, người ta còn có thể kể cái gì nữa cho tôi trong câu chuyện này. Cái kết khiến tôi khá bất ngờ.

Tôi phải công nhận đây là một phim hay, không nhảm nhí, không cường điệu, không ba xạo, tuy thế, tôi không thích. Tôi không thích cái kết cục, không thích cái tình thế của Tom. Những thứ không thích đó không tránh được, vì nó thực quá.

Khi xem phim này, tôi thực sự không nghĩ tới ai cả, nó không gợi cho tôi về bất kỳ ai cả. Chỉ có con số đếm "500" làm tôi nhớ lại ngày trước tôi với bạn đếm số ngày của chúng ta. Tới một ngày, bạn phát chán, không thèm đếm nữa, nhưng tôi thì vẫn cứ đếm. Rồi cũng tới một ngày tôi cũng phát chán. Rồi cái ngày tôi quyết định bỏ hình ảnh của bạn ra khỏi đầu tôi, tôi cũng chả cần biết (và tới giờ cũng chả cần nhớ) hôm đó là ngày thứ hai trăm mấy. Chỉ có gợi thế thôi, chứ phim này thật sự không gợi cho tôi về ai cụ thể hết.

Tôi nhận ra trong cuộc đời có rất nhiều thứ chúng ta không thích. Đúng thế, không ai thích được hết tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời. Không thích nhưng không tránh được, vì nó là bản chất rồi.

Tôi cũng nhận ra rằng, bị đặt một cách thụ động vào những điều không thích dù sao cũng dễ chịu hơn là phải chủ động làm điều mình không thích. Chủ động là đã có quyền được lựa chọn, hoặc làm hoặc không, nếu làm thì hoặc qua loa, hoặc cẩn thận, và phải chịu trách nhiệm về việc mình làm. Cái việc phải chịu trách nhiệm về việc mình làm mà mình không hề thích nó khiến tôi thấy phát ốm.

Nhưng tôi cũng thấy được nếu ai cũng làm toàn điều mình thích thì sẽ tới lượt cái xã hội này phát ốm. Phải có sự cân bằng trong việc làm những điều mình thích và (tự nguyện cũng như bắt buộc) làm những điều mình không thích chút nào. Nói ra thì cao cả nhưng nó thật sự là như vậy, chỉ có như vậy mới không làm tổn thương những người khác, tổn thương cái xã hội, cái nền văn mình và cái hành tinh này.


(ghi chép thế này không vụn lắm nhưng cứ thích để vào "Ghi chép vụn" - chả tổn thương ai cả)

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Bài hát của các tiên hay là những điều cô gái ấy đã nói

Ôi, các người đi đâu đó,
Mà trở về trễ thế này?
Dòng sông đang chảy,
Tất cả các vì sao đang rực sáng!
(Bài hát của các Tiên trên cây - Tolkien)


Tôi đọc hết The Hobbit (bản tiếng Việt "Anh chàng Hobbit" của Nhã Nam - Nguyên Tâm dịch) và xem lại The Fellowship of the Ring lần thứ hai. Lần đầu tiên tôi luyện cả bộ phim 3 phần của Chúa Nhẫn là vào hè năm lớp 10 lên 11, có nghĩa là cách đây gần hai năm rồi, theo lời gợi ý của chị Bảo Quyên, đĩa cũng do Bảo Quyên cho mượn. Lần đó tôi xem như thưởng lãm, như gió nhẹ thổi qua mặt, chỉ thấy hay thôi chả thấy gì.

Lần xem lại này, đối với tôi, mới là một trải nghiệm tuyệt vời. Không phải tới bây giờ, tôi mới phát hiện ra rằng thằng Thanh Long ngồi kế bên tôi hai năm nay có cùng với tôi nhiều sở thích như vậy: nó sinh sau tôi hai ngày, chơi cùng một loại game, xem cùng một loại phim, cùng mê một đội bóng và hơn nữa, nó lại là một thằng fan của Chúa Nhẫn. Tôi không thể tự gọi mình là fan của Chúa Nhẫn (ít nhất là cách đây một tháng), vì lần xem Chúa Nhẫn đầu tiên tôi hoàn toàn không thể nắm được nội dung truyện, cũng chả buồn tìm tòi, tôi chỉ thấy nó hay, một cái hay vô cùng lớt phớt, điều duy nhất đọng lại trong tâm trí tôi là phong cảnh đẹp tuyệt vời quay tại New Zealand và cái nhạc phim có vẻ hay hay.

Cơn sốt Chúa Nhẫn trở lại gần đây, khi tôi nhận ra nhạc phim Chúa Nhẫn không chỉ "có vẻ hay hay" mà là siêu hay, cực kỳ hay. Nhạc phim do Howard Shore cùng với Enya cộng tác, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật để đời. Ý muốn đọc nguyên tác truyện của Tolkien thì đã manh nha từ lâu rồi, từ khi tôi còn nghe chị Bảo Quyên suốt ngày bảo phải đọc Lord of the Rings vì đó là một trong các tác phẩm Anh ngữ hay nhất mọi thời đại với thứ ngôn từ đẹp nhất của tiếng Anh được viết trong đó và vì  (như tôi tìm hiểu được) Tolkien là một nhà ngôn ngữ học đại tài, giáo sư Rawlinson and Bosworth về ngôn ngữ Anglo-Saxon của đại học Oxford, người sáng chế ra một họ ngôn ngữ Tiên (Elvish) cho các trước tác của mình.

Khi mà phải nhốt mình trong ngục tù của những điều tầm thường và nhàm chán, điều duy nhất tôi muốn làm là được thoát ra và bay đi chơi. Thế là ý định chờ lúc rảnh rỗi để đọc The Hobbit của tôi bị phá sản hoàn toàn, tôi quyết định phải đọc cuốn đó trong những ngày như thế này. The Hobbit không phải như Harry Potter 7, quyển sách cuốn hút tôi đọc từ sáng tới chiều trong những ngày thi học kỳ 2, mặc dù cũng là đọc lại lần hai. The Hobbit là một quyển sách hay kiểu khác, trong đó có những điều nhẹ nhàng, có những giấc mơ và cả những điều mạnh mẽ. Câu chuyện của Bilbo Baggins sống ở Đáy Túi - Gầm Đồi (tôi thích bản dịch này của Nguyên Tâm - một bản dịch hay, gọn và giọng văn phù hợp) như một khúc mở đầu (prelude) cho 3 tập Chúa Nhẫn tiếp theo (chưa đọc). Một quyển sách nhỏ, kể về một chuyến phiêu lưu gồm 14 người - 1 Hobbit và 13 người lùn (kéo dài hơn 1 năm trời, qua một đoạn đường dài) là một lời giới thiệu về những người Hobbit ở Shire, về những phẩm chất đáng quý của các Hobbit dòng họ Baggins, trước khi đến cuộc phiêu lưu lớn hơn (một chút) của Frodo Baggins trong 3 quyển sách sau. 

Xem The Hobbit xong, khi xem lại The Fellowship of the Ring, tôi nhận thấy mình hiểu thêm rất nhiều thứ, mà nếu không đọc The Hobbit trước, chắc chắn tôi sẽ không để ý và không hiểu được. Đó là cảnh đầu tiên Gandalf xuất hiện, lão đã hát bài The Road Goes Ever On của Bilbo sáng tác lúc anh chàng còn trẻ, khi sắp về tới nhà sau chuyến đi của mình. Rồi cảnh Gandalf và Bilbo ngồi hút thuốc và nhả khói thành vòng tròn, đó chính là lặp lại y chang cảnh đầu tiên hai người gặp nhau khi Gandalf đến Hobbitton tìm Bilbo trong The Hobbit. Rồi cảnh cái bản đồ nằm trên bàn của Bilbo ở ngôi nhà Đáy Túi (Bag End), đó chính là bản đồ các chú lùn mang tới khi thuê Bilbo đi phiêu lưu cùng họ, hay là quyển sách There And Back Again do Bilbo viết về cuộc phiêu lưu của mình mà Frodo đọc được khi ở Rivendell của Elrond, chính là quyển The Hobbit của Tolkien được viết lại ở ngôi thứ nhất.

Tôi rất thích những bài hát của các Tiên (tiếng Anh là Elf ấy), những người được Tolkien miêu tả là "cứ cười và hát ở trên cây những điều mà các bạn cho là vô nghĩa. Điều đó thì họ chẳng quan tâm; họ sẽ chỉ càng cười nhiều thêm nếu các bạn bảo họ như thế. Tất nhiên họ là các tiên rồi.". Xem The Fellowship of the Ring tôi mới được tận tai nghe tiếng hát của các Tiên là như thế nào, dĩ nhiên đó cũng chỉ là sáng tạo của Howard Shore, Enya và Peter Jackson thôi. "Tiếng hát của các Tiên đâu phải là một cái gì đó có thể bỏ qua vào tháng Sáu dưới các vì sao, nhất là khi các bạn thích những thứ như vậy". Giọng của Enya quả là một cái giọng đầy chất Elvish, nhiều khi nghe Enya hát May it be, tôi cứ nghĩ Enya hẳn phải là elf, chứ không phải là người. Nếu các bạn có xem The Fellowship of the Ring, hãy chú ý cảnh Aragorn và Arwen vừa nói tiếng Tiên (không biết là Quenya hay Sindarin) vừa hôn nhau ở Rivendell trên nền nhạc Aníron Enya hát hay chú ý bài hát tiếc thương Gandalf của các Tiên ở Lothlórien (không thấy mặt các tiên đâu, có lẽ họ đứng trên cây mà hát), đó chính là những gì tôi cảm nhận được về tiếng hát của các tiên.

Tôi sẽ xem tiếp The Two Towers và dĩ nhiên là The Return of The King, nhưng không phải bây giờ, những ngày nghỉ đang sắp hết, tiếp tục phải trở lại với những điều nhàm chán. Tôi sẽ có những điều khác để giết cơn nhàm chán của mình, nhưng đó không phải là Chúa Nhẫn, tôi sẽ để dành lại cho những dịp khác.

Cảm ơn Tolkien, ông đã chia sẻ thế giới của mình cho tất cả mọi người. 

You walk a lonely road
Oh, how far you are from home
Mornié utúlié
Believe and you will find your way
Mornié alantié 
A promise lives within you now


Chàng đi một mình trên con đường
Ôi, chàng đang xa nhà biết mấy.
Bóng tối đã đổ xuống
Vững tin và chàng sẽ tìm ra phương hướng
Bóng tối đã tiêu tan
Một lời hứa sống mãi trong trái tim chàng

(May it be - Enya)

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Đây là hương và đây là hoa

Đến đây, ta sẽ cho ngươi biết
Thế nào là hương và thế nào là hoa.

Ập vào trong thành phố
Tràn vào những ngôi nhà
Bừng lên như là lửa
Vang lên như khúc ca
Của những con thiên nga
Sắp chết.

Những gì mềm mại
Ta để lại cho ngươi
Những gì mát mẻ
Những gì đẹp đẽ
Ta cũng để lại cho ngươi
Với ta, chỉ cần mang đi hai thứ
Một thứ là hương và hai thứ là hoa.

Ta chi cho ngươi
Nhưng ngươi nào hiểu được
Dẫu cho ngươi là cá
Dẫu cho ngươi là chim
Ngươi cũng chẳng hiểu được
Ta để cho bàn tay
Hòa vào trong nước ấm
Ta để cho ngón tay
Nhúng ngập trong chất mật
Những gì ấm áp
Những gì ngọt ngào
Chỉ có ta là biết.

Các ngươi mải miết
Làm những điều khờ dại bên kia đường
Chẳng hề biết bên này
Có một vầng dương
Đang tỏa rạng .

Đến đây rồi các ngươi cũng chẳng thể thấy
Thế nào là hương và thế nào là hoa
Ta chỉ còn biết lẩm nhẩm
Giá các ngươi là hương
và giá các ngươi là hoa
Vì  những điều đó
Chỉ có ta và hương và hoa
là biết.


_____________________

Mình bị nhiễm ba cái tranh Orientalism lung linh lộng lẫy của Ingres và Gérôme. Rồi còn coi cả 1 cái phim vô cùng yên sỹ phi lý thuần nữa.

La Grande Odalisque - Jean August Dominique Ingres

Kèm bức tranh vô cùng nổi tiếng của Ingres nhé.