Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Iliad (2)

Iliad (1): Athena bay ra can Achilles cãi nhau với Agamemnon (quyển 1)
Iliad (3): Hector dòm thấy thằng em quá hèn nhát nên đã chửi ra sao (quyển 3)
Những người khổng lồ: về phim Troy, tôi có dịch 1 đoạn (rất ngắn) Iliad quyển chót


[Các tranh minh họa  trong bài được vẽ bởi Flaxman, trong sách The Iliad of Homer, Houghton, Mifflin & Co., Riverside Press. 1905 (nguồn: http://www.mccunecollection.org/Iliad%20of%20Homer.html)]


Quyển 1 của Iliad tôi đã dịch đoạn Athena tới can Achilles lúc cãi nhau với Agamemnon, xin xem lại bằng cách ấn vô link ở trên. Sau khi Achilles được khuyên là nhịn Agamemnon đi, chàng bèn đi về thuyền. Một lúc sau thì sứ giả của Agamemnon tới hốt Bryseis đi, Achilles tôn trọng sứ giả (vì đó là người đưa tin theo luật của thần linh) và cho đem Bryseis đi. Sau đó Achilles ra biển ngồi khóc với mẹ (thần biển Thetis), đòi mẹ phải lên gặp Zeus bảo là phải trừng phạt quân Hy Lạp cho Agamemnon một trận biết tay. Thetis lên làm nũng với Zeus, nhưng Zeus sợ vợ là Hera vì bà này ủng hộ quân Hy Lạp (Hera vẫn căm Paris thành Troy vụ trái táo vàng*, coi ở dưới nhe), nên Zeus không biết phải làm thế nào.

tui khoái mặt Achilles trong tấm hình này

Qua quyển 2, Zeus nghĩ ra cách, bèn phái một thần giấc mơ tới báo mộng cho Agamemnon rằng quân Hy Lạp sẽ thắng thôi, đừng lo, cứ tiến vào Troy đi. Đây là âm mưu của Zeus, vì quân Hy Lạp nếu thiếu Achilles thế nào cũng bị te tua, đúng ý Thetis. Nhưng nếu Achilles chịu trở lại thì Hy Lạp sẽ thắng, đúng ý Hera. Sáng hôm sau, Agamemnon thức dậy, kể lại giấc mơ cho các vương tướng nghe, rồi đồng ý với nhau rằng đó là một điềm mộng tốt.

Agamemnon sau đó không biết nghĩ sao lại đi ra tuyên bố thử lòng binh sỹ, bảo là thần linh báo mộng nói rằng không có cửa thắng Troy tường cao rào kín đâu. Chúng ta đi xa ròng rã chín năm tới đây mệt nhọc, thuyền gỗ cũng đã mục, vợ con ở nhà cũng đã nhớ, thôi thì về thôi. Ai dè binh sỹ ra thuyền ào ào về thật. May nhờ Athena xuống bảo Odysseus ra thuyết phục mọi người, binh sỹ mới tập hợp đầy đủ lại.

Sau đó Agamemnon ra nói với binh sỹ:

Hỡi binh sỹ ba quân, hãy cùng đánh chén và chuẩn bị ra chiến trường. Mài sắc giáo thương, chỉnh tề khiên giáp, lo cho chiến mã no cỏ, xem lại chiến xa kỹ càng, rồi ra trận đầy quyết tâm. Sẽ không ai có thì giờ ngơi nghỉ, cho tận tới khi đêm về. Dây khiên của các người phải thấm đẫm mồ hôi tuôn từ lồng ngực, bàn tay các người phải rã rời cùng giáo thương, ngựa xe các người phải nóng rẫy đến như nung chảy. Và như có kẻ nào lẩn quẩn nơi những con tàu xa rời chiến cuộc, nếu lọt vào mắt ta, thì không gì có thể cứu vãn kẻ đó được nữa, hắn sẽ phải làm mồi cho loài khuyển điểu.

(Iliad - quyển 2 - dịch từ 2 bản dịch tiếng Anh của George Chapman (1598) và E.V. Rieu (1950, revised 2003).
_______________________

Đoạn này (và cả đoạn dưới nữa) tôi không tài nào dịch ra thơ như đoạn trong quyển 1 mà không làm mất cái hay của từ ngữ được. Cuối cùng tôi quyết định dịch ra văn xuôi, nhưng mà đọc kỹ thì sẽ thấy vẫn còn sót lại vần vèo trong văn xuôi. Dịch đoạn này, tự nhiên tôi nghĩ tới hai thứ, thứ nhất là cái hịch của Trần Hưng Đạo, thứ hai là bản dịch Chúa Nhẫn Nhã Nam mới làm. Không biết chuyện tôi cố gắng nhét vài câu biền ngẫu với từ Hán Việt vô đoạn dịch văn học Hy Lạp cổ như vầy có dễ bị ném đá không. Các bạn trên mạng đã từng gào thét rằng Chúa Nhẫn dịch như truyện chưởng Tàu, lỡ mà đọc được, liệu có lại gào thét tôi biến Homer thành truyện chưởng nữa hay không.

Dĩ nhiên là nghĩ nhảm thôi, chắc gì các bạn vào đây đọc được. Hehe.

_____________________



Sau đó tới phần sau của quyển 2 là phần nhà thơ liệt kê (dĩ nhiên bằng thơ, đọc bản tiếng Anh cổ thế kỷ 17 của Chapman lên nghe vô cùng du dương kèm với những cái tên Hy Lạp đảm bảo trẹo mồm) quân lực Hy Lạp. Dĩ nhiên tôi không rảnh đi dịch phần đó làm gì, chỉ có phần mở đầu sau đây, tôi thấy rất hay nên ngồi dịch ra, lại bằng văn xuôi.

Này hỡi các Muse ngự trên Olympus, xin hãy cất lời. Các nàng là giống thần tiên, tri kiến muôn nơi muôn việc, biết vạn sự trên đời. Còn chúng tôi giống người phàm dại, chẳng biết chi ngoài việc giỏng tai nghe các nàng kể lại. Về phần tôi, giá như tôi có đủ mười lưỡi, mười mồm, một giọng đọc không hề biết mệt và lồng ngực đồng thau, bằng không tôi không tài nào kể vanh vách ra hết danh phận và chức tước tráng sỹ trong hàng ngũ Hy Lạp. Trừ khi chính các nàng, những người con gái bất tử của Zeus cưỡi đám mây dữ, đến đây mà gợi nhắc, mà đồng thanh đọc cùng, khi đó tôi sẽ hát về các chiến thuyền Hy Lạp, từ chiếc đầu tiên tới chiếc cuối cùng.

(Iliad - quyển 2 - dịch từ 2 bản dịch tiếng Anh của George Chapman (1598) và E.V. Rieu (1950, revised 2003).

Các bạn nào rảnh và đam mê có thể lên wiki để xem về cái danh sách nên thơ đó: http://en.wikipedia.org/wiki/Catalogue_of_Ships

Ở phần "lồng ngực đồng thau" trong 2 bản dịch có sự khác biệt. Bản dịch tiếng Anh trung cổ của Chapman chép là a breast of brass, còn bản của Rieu dịch là a heart of bronze. Tôi chọn dịch theo Chapman vì nó cùng trường từ vựng với ba cái lưỡi, mồm, giọng,... đã nói. Nhân tiện, brass là đồng thau, hợp kim Cu-Zn, còn bronze là hợp kim Cu-Sn (đồng-thiếc).



*Trái táo vàng (tích này nhiều người cũng biết) là tích xảy ra từ trước cuộc chiến thành Troy. Paris hoàng tử thành Troy (lúc đó đương bị đày đi chăn cừu) được mời (được dụ?) làm giám khảo chấm coi trong Athena, Hera và Aphrodite ai là người đẹp nhất. Hera dụ là chấm cho thần, thần sẽ cho làm vua của vua. Athena bảo chấm cho thần, thần sẽ cho trí tuệ bậc nhất. Còn Aphrodite bảo chấm cho thần, thần sẽ cho mày chiếm được trái tim của cô gái đẹp nhất trần gian. Giai nào chả khoái gái, ở đây Paris còn khoái gái hơn quyền lực và trí tuệ nên chấm cho Aphrodite (bằng cách đưa trái táo vàng) làm người đẹp nhất.
Sau này, Paris cua được Helen vợ vua thành Sparta, rồi đem về Troy. Menelaus vua thành Troy, là em ruột của Agamemnon, vua thành Argos, hùng mạnh nhất xứ Hy Lạp, tức quá bèn đòi anh tập hợp tất cả thành bang đi đánh Troy.



Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Cái đầu kia nó gắn vô thứ gì?

- Cái máy dấm dớ này gắn vào cái đồ quỷ gì mà bay lên trời được vậy? - bà nội Josephine lầm bầm.
- Dạ thưa bà - ông Wonka nói - cái này không còn là cái thang máy bình thường nữa. Thang máy thường thì chỉ chạy lên chạy xuống ở trong nhà thôi. Nhưng mà giờ thì cái này đang bay lên trời, nó trở thành CÁI THANG MÁY BỰ BẰNG KÍNH.
- Vậy cái gì kéo nó lên? - bà nội Josephine hỏi.
- Cái móc ở trên trời. - ông Woka đáp.
- Thật à? Tôi rất ngạc nhiên đấy! - bà nội Josephine nói.
- Thưa bà - ông Wonka nói - bà mới lên sàn thôi. Nếu bà đi với tụi tôi một lúc nữa, chẳng còn gì sẽ làm bà ngạc nhiên nữa.
- Mấy cái đồ móc trên trời đó - bà nội Josephine nói - Một đầu nó gắn vô cái đồ dấm dớ này, phải vậy hông?
- Đúng rồi - ông Wonka đáp.
- Vậy cái đầu kia nó gắn vô cái thứ gì? - bà nội Josephine nói.
- Càng ngày - ông Wonka liền nói - tôi thấy tai tôi càng điếc. Lát mình về nhớ nhắc tôi gọi điện cho bác sĩ khám tai nha.

(Roald Dahl - Charlie and the Great Glass Elevator - QH dịch)

__________________

Có một đoạn nhỏ này mà tôi với ông Bruce cười nguyên buổi tối. Cái từ skyhooks phát ra đột ngột từ miệng ông Wonka, đọc bằng tiếng Anh, có sức gây cười rất lớn. Rồi đoạn ông Wonka bó tay không biết trả lời câu hỏi kia như thế nào bèn giả điếc nữa. Tôi đọc trong đầu câu "You amaze me" của bà Josephine bằng cái giọng lè nhè của mấy bà già người Anh thân thiện hay gặp lúc đứng chờ xe bus, thấy mới thực tức cười. Mấy bà già người Anh ở trạm xe bus rất hay hỏi han cháu ơi biết chừng nào xe bus tới hông, bữa ni trời đẹp quá ha, hôm qua mưa suốt thiệt là chán, cháu học ở đại học phải hông, ngành gì vậy, con bà hồi đó cũng học ở đó đó, giờ nó làm trên Luân Đôn, cháu ơi dòm giùm bà cái xe nào đang tới vậy, cháu ơi vân va vân vân...

Ông Bruce bảo ổng sẽ học trò giả điếc của ông Wonka. Ổng kể hôm bữa vô nghe hòa nhạc ở trong trường có ông kia ngồi kế bên hỏi ổng là ổng có học nhạc không. Ông Bruce liền bảo có, thế là ông kia bảo là ổng hỏi một câu được hông. Ông Bruce cứ tưởng là ổng hỏi câu gì hoành tráng lắm. Ai dè ông kia hỏi tại sao trên đàn piano, giữa nốt Mi với nốt Fa và giữa nốt Si với nốt Đô lại không có phím màu đen. Ông Bruce bảo tại vì trong âm giai, từ nốt Mi lên nốt Fa và nốt Si lên nốt Đô chỉ có nửa cung thôi. Ông kia lại hỏi nhưng mà tại sao. Ông Bruce: nửa cung thì làm gì có phím đen xen vào được. Ông kia lại vẫn hỏi, nhưng mà tại sao lại vậy. Ông Bruce bảo lúc đó ổng mà có trò giả điếc như Willy Wonka ổng sẽ bảo tai tui càng ngày càng điếc, lát nhớ nhắc tui đi bác sĩ khám tai nha.

Đúng là những cuốn sách như thế này, phải đọc đi đọc lại ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời của chính mình. Ông Bruce bảo, mỗi lần đọc lại mấy cuốn như thế này, nó như là một cuốn sách mới vậy, mới nhưng mà vẫn quen thuộc lắm.