Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Ngày 6: cuốn sách hư cấu có bìa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html

Khi đưa ra tiêu chí này tôi không ngờ nó khó tới như vậy. Những bìa sách đẹp, người ta đã lôi ra nói hết, nhất là những cuốn tiểu thuyết ăn khách, nào là con mèo dạy hải âu bay bắt trẻ đồng xanh tốt tô chan ngồi bên cửa sổ tôi nói gì khi nói về chạy bộ em làm ơn im đi được không ai và ki. Tôi có cảm giác tôi nói nữa cũng bằng thừa.

Tôi đành vắt óc nghĩ và cuối cùng cũng nhớ tới bộ Buddha (ブッダ)của ông Tezuka tôi mượn từ thư viện trung tâm Soton về đọc. Thực ra bộ này kiếm down bản tiếng Anh của bác Google không hề khó, nhưng ngay thư viện trung tâm thành phố tôi ở đã có, tội gì không vác về đọc.

Bộ Bụt-đà của Tezuka có 8 cuốn rất bự, mỗi cuốn ngót nghét bốn năm trăm trang, vị chi tám cuốn gần bốn ngàn trang. Bản tiếng Anh của Vertical phát hành, ghép 8 cuốn lại với nhau, ta được một cái gáy sách quá xá đẹp.



Bộ Bụt-đà của Tezuka không phải là một kiểu tiểu sử Đức Phật như bình thường mà là một câu chuyện của riêng Tezuka muốn kể, lấy cuộc đời Đức Phật Shakya Muni làm nền. Nhiều nhân vật hư cấu xuất hiện trong truyện, cùng hành động với những nhân vật tạo hình đúng kiểu Tezuka nhưng mang những cái tên quen thuộc: tôn giả A-nan-đà, tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallana), tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputa), Đề-bà-đạt-đa (Devadatta)... trong các bối cảnh gần như hư cấu. Các yếu tố bi tráng cần thiết để tạo ra một không khí sử thi (epic) đi liền với nét trào phúng giỡn chơi quen thuộc của Tezuka. Và vì là một câu chuyện hư cấu của riêng Tezuka, ta có thể bắt gặp ở đây một Đức Bụt lịch sử đầy tính người, một bậc giác ngộ toàn trí, một người đầy lòng xót thương với thế giới ta bà nên đã dành suốt cuộc đời mình đi rao giảng cách thức diệt trừ khổ đau, trăn trở khi tội ác, ngu dốt, sân hận, lừa lọc vẫn còn tràn ngập. Có sự hiện diện của một Đấng Brahman nói chuyện, dẫn dắt đức Bụt; chi tiết này có lẽ gây tranh cãi, vì nó ít nhiều khác với giáo lý trong các bộ Kinh tạng.

Tôi không muốn đi sâu vào nội dung tôn giáo hay triết lý triết học nhân sinh quan gì trong tác phẩm của Tezuka. Tôi chưa biết nhiều để phát ngôn cũng như mỗi người sẽ có cách nhìn nhận riêng của mình, có người hẹp hòi, có người rộng lượng, có người không quan tâm... Với tôi, đây là một câu chuyện tuyệt vời, một ẩn dụ sâu sắc đến từ tấm lòng của Tezuka, được ông rút ruột mình ra để kể, với lòng nhiệt thành, lòng yêu thương, trăn trở của một người trí thức, một nghệ sĩ với thời cuộc hỗn loạn.



Bụt không phải thánh thần. Bụt cũng là người như tôi với bạn, và Bụt cũng khổ giống chúng ta.
(thầy Thích Nhất Hạnh - The heart of the buddha teaching (1999), Rider : Chatham.)

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Ngày 5: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bức tranh

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html


Bức tranh "Thằng bé trên tảng đá" (Boy on the Rocks) của Henri Rousseau là những gì tôi liên hệ tới khi nhớ về cuốn sách nhỏ của Lữ. 


Văn phong của Lữ viết nhẹ hẫng như những đám mây và hồn nhiên như tranh Rousseau. Tôi thích các tranh của Rousseau tới độ lấy một bức làm nền cho cái blog tiếng Anh của mình. Tranh ông hòa sắc vui mắt, rực rỡ, nhưng không phải theo kiểu Gauguin, mà toát lên vẻ ngây thơ. Tôi thấy tranh Rousseau ngây thơ như một giấc mơ. Giấc mơ biết hết mọi điều bí ẩn của một con người, nhưng nó ngây thơ quá đỗi, nó biến tất cả mớ hình ảnh rắm rối đó thành những thứ ngây thơ vô hại, thậm chí vô nghĩa.

Văn của Lữ ngây thơ như trẻ con, nhưng chất chứa trong cái ngây thơ đó là vẻ tự tại của một thiền sư thõng tay vào chợ. Tôi không có ý bảo Lữ là một thiền sư, tôi chỉ đang dùng biện pháp so sánh thôi.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Ngày 4: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bản nhạc

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Nói tới liên tưởng giữa sách và nhạc, đột nhiên tôi bỗng muốn viết rất nhiều. Những liên hệ này thường không thường xuyên lắm, và thật ra, cũng tùy trường hợp, nó tùy thuộc nhiều vào cảm hứng và cảm xúc của tôi hơn là lí trí. Vì muốn viết nhiều nên hẳn bài này tôi sẽ không chỉ nói về 1 quyển sách và 1 bài nhạc.

1. Cuốn "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" của ông Cây Mùa Xuân, Nhã Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2009.


Bạn nào đọc cuốn này rồi thì sẽ biết bài Danny Boy được nhắc tới ở đoạn cuối, là bài hát mà nhân vật ở Chốn tận cùng thế giới nhớ ra và dùng cây accordion để chơi (nhân vật ở Xứ sở diệu kỳ tàn bạo thì lại ngồi trong xe hơi và nghe nhạc Bob Dylan). Trong truyện, nhân vật nghe bản Danny Boy của Bing Crosby hát. Còn tôi thì lại thích bản của Celtic Woman (đọc là keo-tíc) hát ở lâu đài Slane, Ireland năm 2006.

Sau nhờ wiki tôi mới biết nội dung của bài Danny Boy là lời người cha từ biệt con trai của mình, đó là một bản nhạc buồn của dân Ireland, sắc dân có cái ngôn ngữ kỳ cục sống trên quần đảo Anh và lưu lạc khắp Bắc Mỹ. Người con trai trong bài nhạc hoặc có lẽ lên đường ra trận, hoặc có lẽ lên thuyền dong buồm đi lưu lạc chưa biết ngày về.

Ôi Danny con trai, tiếng kèn túi, tiếng kèn túi đang vẫy gọi
Từ thung lũng qua thung lũng, và tràn xuống sườn đồi
Mùa hè đi qua, hoa cũng đang tàn úa
Chính con phải lên đường, còn cha chỉ biết chờ đợi thôi.

Nhưng hãy về khi mùa hè ngập trên cánh đồng
Hay khi thung lũng lặng im ngập trong tuyết trắng
Cha sẽ đợi ở đây, dưới trời nắng hoặc dưới tán cây
Ôi Danny con trai, Danny con, cha yêu con vô ngần.

Và lỡ khi con về, hoa đã héo úa hết
Và lỡ cha đã nằm xuống, như điều tất yếu xảy ra
Hãy đến và tìm nơi cha yên nghỉ
Và quỳ xuống và nói một tiếng "Ave".

Và cha sẽ nghe, dù tiếng con nói có nhẹ
Và nơi cha nằm sẽ ấm và êm dịu hơn
Và con sẽ quỳ xuống và nói con yêu cha biết mấy
Và cha sẽ yên nghỉ, chờ tới khi chúng ta lại gặp nhau.



Tôi nghe bài này suốt năm 11, năm 12 và cũng thỉnh thoảng nghe lại khi xa nhà. Bài "Danny Boy" và bài "Bring him home" trong nhạc kịch "Những người khốn khổ" của Schönberg và Boublil là 2 bài khiến tôi nhớ bố tôi.

2. "Gối cỏ" hay "Gối đầu lên cỏ" của Soseki, Phương Nam Corp., NXB Hội Nhà Văn,  2012.

Cuốn này tôi vẫn đang đọc. Thực ra có một đoạn ở phần đầu Sōseki viết về tiếng chim chiền chiện trong núi khiến tôi nhớ tới bản "Chiền chiện bay lên" của Vaughan Williams.

Khi nghe từ "chiền chiện", tôi nhớ ngay tới một đoạn văn nhỏ được học hồi tiểu học.

Theo với tiếng chim bay lên, từ không trung vọng xuống một tiếng hót trong sáng diệu kì, giọng ríu ran đổ hồi, âm điệu hài hòa đến tinh tế.Gịng hót vừa đượm vẻ hồn nhiên, vừa thơ thới thanh thản (…) Chim gieo niềm yêu đời vô tư cho những người lam lũ trên mặt đất. Lúc ấy trên cánh đồng,vẫn người nào việc ấy. Người làm cỏ vẫn làm cỏ, người xới xáo vẫn xới xáo, người cày cuốc vẫn cày cuốc (…) Nhưng tiếng chim hồn hậu đang nhập lặng lẽ vào tâm hồn họ. 
(...)
Chiền chiện đã bay lên và cất tiếng hót.
(Ngô Văn Phú)

Vaughan Williams viết bản nhạc trong lúc nhìn đoàn thuyền quân Anh vượt biển Manche (hay English Channel) ra trận trong thế chiến thứ nhất. Đó thực sự là một nhãn ảnh buồn.


Tôi thích bản "Chiền chiện bay lên" của Janine Jansen kéo violin. Thực ra, tôi không biết nhiều bản phối của bài này.

3. Yotsuba&! 4, truyện "Yotsuba & Ve cuối mùa", TVM Comics, NXB Thông tấn, 2008.


Tập này là tập Yotsuba phát hiện ra con Tsukutsuku boshi là con ve chứ không phải nàng tiên mùa hè. Đó là một truyện dễ thương.


Tsukutsuku boshi (ツクツクボーシ ) là tên tiếng Nhật của loại ve kêu vào cuối mùa hè. Tôi nghĩ nó kêu giống như tên của nó, tsư-kư-tsư-kư-bô-shi. Khi nghĩ tới cuối hè, tôi lại nghĩ tới cuối tháng Tám, nhưng hôm nay tôi không nghĩ tới cái đó nữa mà sực nhớ tới bản nhạc của Yann Tiersen trong phim Amélie, bản Comptine d'un autre été: L'après midi (Giai điệu của một mùa hè khác: buổi chiều).




4. Tôi định viết thêm bài nữa, vì có hứng, đó là bài Back in time của Pitbull, nhưng tôi chưa kịp nghĩ cuốn sách nào làm tôi liên tưởng tới bài dubstep rất phong cách này.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Ngày 3: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 cuốn sách khác.

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)


Somehow it seemed as though the farm had grown richer without making the animals themselves any richer — except, of course, for the pigs and the dogs.
George Orwell - Animal farm

Ban đầu tôi định nói rằng 2 cuốn "Nguồn gốc: Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu" của ông Trịnh Xuân Thuận và cuốn "Nguồn gốc các loài" của ông Charles Darwin khiến tui liên tưởng lẫn nhau vì lý do 2 cuốn đó cùng bắt đầu bằng chữ "Nguồn gốc". Nghĩ đi nghĩ lại, cái lý do đó đột ngột nghe củ chuối quá, thế là tôi bỏ. Tôi nhìn vào tủ sách và thấy cuốn "Trại súc vật" của ông George Orwell, bất chợt sực nhớ, nhìn lên ngay phía trên, thấy luôn cuốn "Không có gì phải ganh tị" của bà Barbara Demick.

Cả hai cuốn này, thật kỳ lạ, tôi đều mua được ở Sài Gòn năm khoảng giữa năm 2011, lúc tình hình chưa mấy căng thẳng. Giờ thì chắc bói không ra nữa. "Trại súc vật" - Animal farm - là một cuốn truyện quá nổi tiếng của ông Orwell mà các bạn học sinh nhiều nước phương Tây phải học trong chương trình phổ thông, nhưng chắc các bạn học sinh Việt Nam không nhiều bạn biết tới. Văn phong của Orwell trong cuốn này viết rất rõ ràng giản dị, hệt như đương kể chuyện ngụ ngôn. Mời các bạn tò mò tiếp tục qua wikipedia tiếng Việt để đọc. Cuốn của Demick thì tui đã từng dịch một đoạn đăng trên blog này, mời các bạn tò mò click link đọc luôn.

Mối liên hệ giữa hai cuốn này khá chân phương, không có gì phức tạp. Tui nghĩ ai cũng sẽ hiểu. Không hiểu thì google anh Chính Ân.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Ngày 2: cuốn sách tui không thích.

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)


Cuốn "Phía nam biên giới, phía tây mặt trời" là cuốn sách duy nhất tôi không thích trong bộ mấy cuốn của ông Thôn Thượng Xuân Thụ. Tôi không ghét câu chuyện, không ghét lối kể chuyện, không ghét cách xây dựng tình huống, tất cả đều là đúng phong cách Haruki cả. Chỉ có điều tôi không thích tính cách của Shimamoto và không thích những lựa chọn của Hajime.

Tôi đọc quyển này cũng đã lâu, trong hai buổi trưa mùa hè năm lớp 10 trong thư viện thành phố. Hay là ở cái tuổi già 15 non 16 còn chập chững đó, tôi chưa thể hiểu được cái cuộc đời này nó chông gai thế nào, cái thứ tình yêu kia mùi vị nó ra sao? Nghĩa là tôi chưa hiểu được ông Cây Mùa Xuân viết gì?

Tôi dự định trong 1 thời gian gần tui sẽ đọc lại cuốn này. Biết đâu tôi đã bao dung hơn mà tìm thấy nhiều điều thích thú trong đó? Có lẽ khi viết những dòng này ra, sự không thích trong tôi đã dần biến mất rồi.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Ngày 1: cuốn sách mà ngày nhỏ tui được người lớn đọc cho nghe

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Tôi muốn dành bài đầu tiên để nói về những cuốn sách đầu tiên của tôi: bộ "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Đổng Chi và vô vàn những cuốn sách cổ tích tác giả Vô Danh khác mà bố đã đọc cho tôi nghe trong suốt những năm tui chưa biết chữ. Những cuốn sách mà giờ đã lưu lạc biệt tăm không biết ở đâu, có khi được cho, có khi tự nhiên biến mất bất chấp định luật bảo toàn vật chất. Hình trên chỉ là 1 cuốn mới ở nhà tôi, được chụp để minh họa, không phải là cuốn sách thời thơ ấu.

Phải tới khi lớn lên, tôi mới nhận ra những cuốn sách bố tôi đọc cho tôi mỗi tối, tối nào cũng như tối nào, nó ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi trong suốt thời ấu thơ. Mỗi tối, tôi được bố đọc một đoạn trong 1 cuốn sách cổ tích. Điều này kéo dài suốt từ những năm tôi 3 tuổi cho tới năm tôi 5 tuổi. Nhìn lại thì chỉ có gần 3 năm nhưng khi còn nhỏ, tôi có cảm giác đó là một khoảng thời gian dài vô cùng tận. Tôi biết đọc chữ khá sớm, năm 5 tuổi, trước khi đi học lớp 1 vài tháng. Những năm tiểu học, trong ký ức của tôi, vốn từ vựng tiếng Việt của tôi khá tốt, tốt hơn so với những đứa cùng tuổi. Tôi đồ rằng những buổi tối đọc sách với bố đã mang tới điều đó.

Về các chuyện của ông Chi, không hiểu sao truyện ấn đậm trong đầu óc tôi nhất là truyện Đức thánh Láng - ông Từ Đạo Hạnh và ông Lý Quốc Sư - Nguyễn Minh Không. Có lẽ đó là truyện đầu tiên có cốt truyện phức tạp mà tôi từng đọc/nghe, nên hồi nhỏ tôi không hiểu mấy, khi biết đọc ngồi đọc lại hiểu sơ sơ. Nửa tháng trước, đi về Bái Đính vào đền ông Nguyễn Minh Không, tôi bồi hồi lắm, nhớ lại những câu thơ trong sách ông Chi thuở nhỏ:


Tập tầm vông
Có ông Nguyễn Minh Không
Chữa cho vua khỏi hóa
Tập tầm vá
Muốn chữa vua khỏi hóa
Phải đón Nguyễn Minh Không





30 cuốn sách

Trên mạng có trò Thử thách về sách trong 30 ngày (30 days book challenge) nghĩa là mỗi ngày trong vòng 30 ngày đăng hình và viết về một cuốn sách gắn với một tiêu chí gì đó. Tôi thấy mấy cái tiêu chí đó có nhiều cái sến vô cùng, tỉ như cuốn sách làm bạn khóc, hay cuốn sách mà bạn mong muốn được sống trong đó, hay  cuốn sách có nhân vật mà bạn muốn cưới... Mấy cái tiêu chí này tôi nghĩ hợp với mấy bạn gái tuổi teen hơn là tôi nên tôi không làm. Với lại, tôi cứ có cảm giác là cái khái niệm về sách của các bạn làm ra thử thách này hình như chỉ gói gọn trong các sách hư cấu/tiểu thuyết chứ không rộng lắm. Nhân hổm rày nghĩ sao mình không tự biên tự diễn, tự diễn biến hòa bình để viết về những cuốn sách theo 30 tiêu chí do mình đặt ra, thế là tôi mày mò nghĩ ngợi nguyên buổi sáng ra 30 cái tiêu chí cho mình, có tham khảo một vài tiêu chí trong nguyên gốc.

Còn khoảng gần 30 ngày nữa là tôi sẽ bay trở lại xứ Đu Cây để vô năm học. Thôi thì 30 ngày cuối này cũng là dịp để tôi viết về những cuốn sách yêu quý của tôi trước khi xa nó gần năm trời. Sẽ có những ngày tôi bận, không viết được, nên chắc chắn thử thách này không thể hoàn thành trước khi tôi qua Đu Cây. 

Dưới đây là 30 tiêu chí của tôi:
- Ngày 1: cuốn sách mà ngày nhỏ tôi được người lớn đọc cho nghe.
- Ngày 2: cuốn sách tôi không thích.
- Ngày 3: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 cuốn sách khác.
- Ngày 4: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bản nhạc.
- Ngày 5: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bức tranh.
- Ngày 6: cuốn sách hư cấu có bìa mà tôi thích.
- Ngày 7: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có bìa mà tôi thích.
- Ngày 8: cuốn sách hư cấu có tựa mà tôi thích.
- Ngày 9: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có tựa mà tôi thích.
- Ngày 10: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 người khác.
- Ngày 11: cuốn sách hình mà tôi thích nhất.
- Ngày 12: cuốn sách mà 1 người bạn khuyên tôi đọc.
- Ngày 13: cuốn sách mà 1 người lạ khuyên tôi đọc.
- Ngày 14: cuốn sách mà tôi đã đọc say sưa.
- Ngày 15: cuốn sách mà khi đọc tôi nghĩ về biển.
- Ngày 16: cuốn sách mà khi đọc tôi nghĩ về rừng.
- Ngày 17: cuốn sách mà khi đọc tôi nghĩ về núi.
- Ngày 18: cuốn sách khiến giọng văn tôi thay đổi sau khi đọc xong.
- Ngày 19: cuốn sách có nhiều mèo.
- Ngày 20: 1 cuốn sách tôi được tặng.
- Ngày 21: cuốn sách dày nhất tôi có.
- Ngày 22: cuốn sách khiến tôi thấy ớn.
- Ngày 23: cuốn sách mà khi đọc tôi muốn hát.
- Ngày 24: cuốn sách mà tôi đọc để chuẩn bị cho một chuyến đi dài.
- Ngày 25: cuốn sách thơm.
- Ngày 26: cuốn sách mộng mị.
- Ngày 27: cuốn sách có thơ đề tựa mà tôi thuộc.
- Ngày 28: cuốn sách khiến tôi nhớ tới một bài văn viết ở trường phổ thông.
- Ngày 29: cuốn sách kỳ lạ.
- Ngày 30: 1 cuốn sách tôi vừa mua chưa kịp đọc.

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Những người yêu nước mình

tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
(Trần Vàng Sao - "Bài thơ của một người yêu nước mình")

Tôi biết tới thơ ông Trần Vàng Sao đầu tiên qua bài "Bài thơ của một người yêu nước mình" sau khi đọc sách của anh Cầm Bùi Phan An Lá Cải. Thơ của ông đặc một nỗi buồn cố hữu, một nỗi buồn ngây ngất và bát ngát của dân tộc này sau cái cuộc chiến tương tàn. Thơ ông đặc nỗi buồn mà tôi thấy trong sách anh Phan An Cải*. Thơ ông đặc một nỗi buồn mà tôi nhiều đêm trong căn phòng ở cái xứ xa xôi kia đã từng trải qua.

Tôi mua cuốn thơ "Gọi tìm xác đồng đội" - đúng hơn là một trường ca - là cuốn thơ đầu tiên được xuất bản của ông Trần Vàng Sao. Tôi đọc xong trong một thời gian ngắn, chừng hai chục phút.

Tôi tên Nguyễn Văn Duy
không mẹ không cha
sinh vào năm cả làng không có gạo ăn
quê ở Thọ Xuân Thanh Hóa
tám tuổi nhày tàu ra Hà Nội sống
    lang thang ăn đường ngủ chợ
        nay bến xe mai bến tàu
năm 1965 tình nguyện đi bộ đội
tôi chết
lúc đánh vào thị xã Cao Lãnh năm 1967
xác phơi trên hàng rào kẽm gai
        ba ngày giữa mưa giữa nắng
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")

Hận thù thì dân tộc này đã đầy đã tràn. Nhưng lòng xót thương thì còn vơi lắm. Không xót thương lẫn nhau thì không hiểu nhau được. Không hiểu nhau được thì vẫn phân biệt. Phân biệt thì vẫn hận thù.

Ở bên kia, kẻ thua vẫn còn căm hờn. Ở bên này, người thắng vẫn bô bô dối trá. Người ta đương hỏi nhau tại sao giờ trẻ con không đứa nào thích học sử. Người ta quên mất rằng một nguyên nhân đến từ việc người lớn không chịu nói thật.

buổi chiều ở Vỹ Dạ không có một tiếng chim
mẹ bắc ghế ra ngoài sân chờ con đi đánh căn về kêu đói bụng đòi ăn cơm
mùi rơm thơm quá
thôi mẹ vào nhà thắp hương cho ba cầu cho con chết toàn thây.
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")

thầy nói
con chôn ở đây
con nằm sấp tay phải cầm súng
một thước đất
hai thước đất
đất chỉ là đất
sâu nữa là nước
nước
có có con đâu
mẹ chỉ mong con nằm nơi đất mát
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")

Với tôi, cuốn thơ của ông Trần Vàng Sao như một cánh cửa để ngỏ. Xót thương thì sẽ hết ghét bỏ. Xót thương thì sẽ thôi tự mãn.

chiến tranh đã qua
thằng hề rửa sạch mặt
đi bán kẹo kéo nuôi con 
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")



*Sách anh Cải là sách hài, vừa đọc vừa cười ha hả nhưng cười xong thì buồn da diết.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Cô đơn và tự do

Gs. Bùi Văn Nam Sơn
Xem bản dịch tiếng Anh và lời giới thiệu (cũng tiếng Anh) ở đây.


Là tư tưởng tự giải thoát, triết học thường xuất hiện trong hình thức của sự phủ định, thậm chí, của sự phá hủy. Nó phê phán, đả kích không thương tiếc những niềm tin ngây thơ và giáo điều, những tri thức trá ngụy, những hình thức tư tưởng sai lầm. Có thể nói, bản tính của triết học là không ngừng xét lại mọi chuyện: khi đi tìm một chỗ dựa và chỗ đứng vững chắc, nó đào bới và quật ngã ngay cả chỗ dựa và chỗ đứng của mình: nó luôn... khủng hoảng niềm tin! Nhưng, không chỉ phủ định, triết học còn làm công việc khẳng định. Do bị điều kiện lịch sử quy định, triết học thường phải chấp nhận những điểm xuất phát tương đối. Câu hỏi nào cũng bao hàm điều không thể hỏi. Sự phê phán nào cũng dựa trên những tiêu chuẩn không thể đồng thời bị phê phán. Trong chừng mực đó, triết học bao giờ cũng là niềm tin, thậm chí là sự xác tín đến mức giáo điều. Dù chỉ có tham vọng tìm hiểu thực tại, nhưng trong thực tế, triết học không chỉ tái tạo mà còn sáng tạo, không chỉ mô tả mà còn mang tính quy phạm. Nhiều triết gia không "xây" được gì nhiều vì họ "phá" chưa đủ, trong khi nhiều triết gia khác chỉ thích "phá" hơn là "xây"! Triết học cho ta một hình ảnh rất hàm hồ: nó luôn dao động giữa phá và xây, giữa giải huyền thoại và tái lập huyền thoại. Nhiều triết gia bảo thủ lại bị nghi ngờ là cách mạng, nhiều triết gia tưởng là cách mạng lại bảo thủ giáo điều! Đó cũng là cái giá của sự tự do: triết học là mảnh đất sỏi đá hơn là một xứ sở thần tiên đầy sữa và mật!

Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học (2012), "Tư duy và tự do: Quả trứng và con gà", NXB Tri Thức.

Mắt cá lệ đầy

Mùa xuân ra đi
Tiếng chim thổn thức
Mắt cá lệ đầy
(Matsuo Bashō - Lối lên miền Oku)

Nhìn trời cao tôi đếm
Tất cả là năm mặt trời
Xòe tay ra nhìn lại
Tôi đang đứng giữa trùng khơi.

Nhìn chung quanh tôi thấy
Mây mềm vung vãi khắp nơi
Cúi đầu trông xuống nước
Tôi thấy tôi quẫy đuôi bơi.

Tôi nghĩ tôi là cá
Mặt trời vụt bay trên đầu
Thời gian vút qua cửa sổ
Nhà sư khất thực qua đã lâu
Mèo con uống sữa trong ổ
Phương thảo thê thê anh vũ châu
Nằm giữa mặt trăng rằm lặn
Hồn nhiên trong đôi mắt nâu.

Cá lại nói với tôi những điều cá nghĩ
Rằng mưa thì bay trên đầu
Rằng cỏ rạp đi dưới đất
Rằng có gió thì cờ mới phất
Rằng viết xong phải có chấm câu
Cá nói những điều tôi cứ ngỡ
Rằng mình đã quên từ lâu.

Cá bảo tôi về lòng thương xót
Lệ lã chã trên sóng biếc xanh
Ôi những quả tim đã mối mọt
Làm sao hiểu đặng nỗi chúng sanh

Tôi ngồi vu vơ biết đâu
Sóng đánh vội qua chân cầu
Mèo con chết tuần trăng mới
Bình yên nằm dưới trời sâu

Cá bảo xòe tay ra nhận
Tình yêu đến chẳng từ đâu.

Vừa bước lên thuyền ở bến Senyu, tôi cảm thấy xúc động mạnh khi chợt nghĩ rằng mình sắp khởi đầu một cuộc hành trình ba ngàn dặm. Mắt tôi ướt đẫm lệ phân li của thế giới ta bà.
Basho, Lối lên miền Oku, Vĩnh Sính dịch - NXB Thế giới.