Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Cô đơn và tự do

Gs. Bùi Văn Nam Sơn
Xem bản dịch tiếng Anh và lời giới thiệu (cũng tiếng Anh) ở đây.


Là tư tưởng tự giải thoát, triết học thường xuất hiện trong hình thức của sự phủ định, thậm chí, của sự phá hủy. Nó phê phán, đả kích không thương tiếc những niềm tin ngây thơ và giáo điều, những tri thức trá ngụy, những hình thức tư tưởng sai lầm. Có thể nói, bản tính của triết học là không ngừng xét lại mọi chuyện: khi đi tìm một chỗ dựa và chỗ đứng vững chắc, nó đào bới và quật ngã ngay cả chỗ dựa và chỗ đứng của mình: nó luôn... khủng hoảng niềm tin! Nhưng, không chỉ phủ định, triết học còn làm công việc khẳng định. Do bị điều kiện lịch sử quy định, triết học thường phải chấp nhận những điểm xuất phát tương đối. Câu hỏi nào cũng bao hàm điều không thể hỏi. Sự phê phán nào cũng dựa trên những tiêu chuẩn không thể đồng thời bị phê phán. Trong chừng mực đó, triết học bao giờ cũng là niềm tin, thậm chí là sự xác tín đến mức giáo điều. Dù chỉ có tham vọng tìm hiểu thực tại, nhưng trong thực tế, triết học không chỉ tái tạo mà còn sáng tạo, không chỉ mô tả mà còn mang tính quy phạm. Nhiều triết gia không "xây" được gì nhiều vì họ "phá" chưa đủ, trong khi nhiều triết gia khác chỉ thích "phá" hơn là "xây"! Triết học cho ta một hình ảnh rất hàm hồ: nó luôn dao động giữa phá và xây, giữa giải huyền thoại và tái lập huyền thoại. Nhiều triết gia bảo thủ lại bị nghi ngờ là cách mạng, nhiều triết gia tưởng là cách mạng lại bảo thủ giáo điều! Đó cũng là cái giá của sự tự do: triết học là mảnh đất sỏi đá hơn là một xứ sở thần tiên đầy sữa và mật!

Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học (2012), "Tư duy và tự do: Quả trứng và con gà", NXB Tri Thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét