Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Ngày 6: cuốn sách hư cấu có bìa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html

Khi đưa ra tiêu chí này tôi không ngờ nó khó tới như vậy. Những bìa sách đẹp, người ta đã lôi ra nói hết, nhất là những cuốn tiểu thuyết ăn khách, nào là con mèo dạy hải âu bay bắt trẻ đồng xanh tốt tô chan ngồi bên cửa sổ tôi nói gì khi nói về chạy bộ em làm ơn im đi được không ai và ki. Tôi có cảm giác tôi nói nữa cũng bằng thừa.

Tôi đành vắt óc nghĩ và cuối cùng cũng nhớ tới bộ Buddha (ブッダ)của ông Tezuka tôi mượn từ thư viện trung tâm Soton về đọc. Thực ra bộ này kiếm down bản tiếng Anh của bác Google không hề khó, nhưng ngay thư viện trung tâm thành phố tôi ở đã có, tội gì không vác về đọc.

Bộ Bụt-đà của Tezuka có 8 cuốn rất bự, mỗi cuốn ngót nghét bốn năm trăm trang, vị chi tám cuốn gần bốn ngàn trang. Bản tiếng Anh của Vertical phát hành, ghép 8 cuốn lại với nhau, ta được một cái gáy sách quá xá đẹp.



Bộ Bụt-đà của Tezuka không phải là một kiểu tiểu sử Đức Phật như bình thường mà là một câu chuyện của riêng Tezuka muốn kể, lấy cuộc đời Đức Phật Shakya Muni làm nền. Nhiều nhân vật hư cấu xuất hiện trong truyện, cùng hành động với những nhân vật tạo hình đúng kiểu Tezuka nhưng mang những cái tên quen thuộc: tôn giả A-nan-đà, tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallana), tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputa), Đề-bà-đạt-đa (Devadatta)... trong các bối cảnh gần như hư cấu. Các yếu tố bi tráng cần thiết để tạo ra một không khí sử thi (epic) đi liền với nét trào phúng giỡn chơi quen thuộc của Tezuka. Và vì là một câu chuyện hư cấu của riêng Tezuka, ta có thể bắt gặp ở đây một Đức Bụt lịch sử đầy tính người, một bậc giác ngộ toàn trí, một người đầy lòng xót thương với thế giới ta bà nên đã dành suốt cuộc đời mình đi rao giảng cách thức diệt trừ khổ đau, trăn trở khi tội ác, ngu dốt, sân hận, lừa lọc vẫn còn tràn ngập. Có sự hiện diện của một Đấng Brahman nói chuyện, dẫn dắt đức Bụt; chi tiết này có lẽ gây tranh cãi, vì nó ít nhiều khác với giáo lý trong các bộ Kinh tạng.

Tôi không muốn đi sâu vào nội dung tôn giáo hay triết lý triết học nhân sinh quan gì trong tác phẩm của Tezuka. Tôi chưa biết nhiều để phát ngôn cũng như mỗi người sẽ có cách nhìn nhận riêng của mình, có người hẹp hòi, có người rộng lượng, có người không quan tâm... Với tôi, đây là một câu chuyện tuyệt vời, một ẩn dụ sâu sắc đến từ tấm lòng của Tezuka, được ông rút ruột mình ra để kể, với lòng nhiệt thành, lòng yêu thương, trăn trở của một người trí thức, một nghệ sĩ với thời cuộc hỗn loạn.



Bụt không phải thánh thần. Bụt cũng là người như tôi với bạn, và Bụt cũng khổ giống chúng ta.
(thầy Thích Nhất Hạnh - The heart of the buddha teaching (1999), Rider : Chatham.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét