Nói tới liên tưởng giữa sách và nhạc, đột nhiên tôi bỗng muốn viết rất nhiều. Những liên hệ này thường không thường xuyên lắm, và thật ra, cũng tùy trường hợp, nó tùy thuộc nhiều vào cảm hứng và cảm xúc của tôi hơn là lí trí. Vì muốn viết nhiều nên hẳn bài này tôi sẽ không chỉ nói về 1 quyển sách và 1 bài nhạc.
1. Cuốn "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" của ông Cây Mùa Xuân, Nhã Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2009.
Bạn nào đọc cuốn này rồi thì sẽ biết bài Danny Boy được nhắc tới ở đoạn cuối, là bài hát mà nhân vật ở Chốn tận cùng thế giới nhớ ra và dùng cây accordion để chơi (nhân vật ở Xứ sở diệu kỳ tàn bạo thì lại ngồi trong xe hơi và nghe nhạc Bob Dylan). Trong truyện, nhân vật nghe bản Danny Boy của Bing Crosby hát. Còn tôi thì lại thích bản của Celtic Woman (đọc là keo-tíc) hát ở lâu đài Slane, Ireland năm 2006.
Sau nhờ wiki tôi mới biết nội dung của bài Danny Boy là lời người cha từ biệt con trai của mình, đó là một bản nhạc buồn của dân Ireland, sắc dân có cái ngôn ngữ kỳ cục sống trên quần đảo Anh và lưu lạc khắp Bắc Mỹ. Người con trai trong bài nhạc hoặc có lẽ lên đường ra trận, hoặc có lẽ lên thuyền dong buồm đi lưu lạc chưa biết ngày về.
Ôi Danny con trai, tiếng kèn túi, tiếng kèn túi đang vẫy gọi
Từ thung lũng qua thung lũng, và tràn xuống sườn đồi
Mùa hè đi qua, hoa cũng đang tàn úa
Chính con phải lên đường, còn cha chỉ biết chờ đợi thôi.
Nhưng hãy về khi mùa hè ngập trên cánh đồng
Hay khi thung lũng lặng im ngập trong tuyết trắng
Cha sẽ đợi ở đây, dưới trời nắng hoặc dưới tán cây
Ôi Danny con trai, Danny con, cha yêu con vô ngần.
Và lỡ khi con về, hoa đã héo úa hết
Và lỡ cha đã nằm xuống, như điều tất yếu xảy ra
Hãy đến và tìm nơi cha yên nghỉ
Và quỳ xuống và nói một tiếng "Ave".
Và cha sẽ nghe, dù tiếng con nói có nhẹ
Và nơi cha nằm sẽ ấm và êm dịu hơn
Và con sẽ quỳ xuống và nói con yêu cha biết mấy
Và cha sẽ yên nghỉ, chờ tới khi chúng ta lại gặp nhau.
Tôi nghe bài này suốt năm 11, năm 12 và cũng thỉnh thoảng nghe lại khi xa nhà. Bài "Danny Boy" và bài "Bring him home" trong nhạc kịch "Những người khốn khổ" của Schönberg và Boublil là 2 bài khiến tôi nhớ bố tôi.
2. "Gối cỏ" hay "Gối đầu lên cỏ" của Soseki, Phương Nam Corp., NXB Hội Nhà Văn, 2012.
Cuốn này tôi vẫn đang đọc. Thực ra có một đoạn ở phần đầu Sōseki viết về tiếng chim chiền chiện trong núi khiến tôi nhớ tới bản "Chiền chiện bay lên" của Vaughan Williams.
Khi nghe từ "chiền chiện", tôi nhớ ngay tới một đoạn văn nhỏ được học hồi tiểu học.
Theo với tiếng chim bay lên, từ không trung vọng xuống một tiếng hót trong sáng diệu kì, giọng ríu ran đổ hồi, âm điệu hài hòa đến tinh tế.Gịng hót vừa đượm vẻ hồn nhiên, vừa thơ thới thanh thản (…) Chim gieo niềm yêu đời vô tư cho những người lam lũ trên mặt đất. Lúc ấy trên cánh đồng,vẫn người nào việc ấy. Người làm cỏ vẫn làm cỏ, người xới xáo vẫn xới xáo, người cày cuốc vẫn cày cuốc (…) Nhưng tiếng chim hồn hậu đang nhập lặng lẽ vào tâm hồn họ.
(...)
Chiền chiện đã bay lên và cất tiếng hót.
(Ngô Văn Phú)
Vaughan Williams viết bản nhạc trong lúc nhìn đoàn thuyền quân Anh vượt biển Manche (hay English Channel) ra trận trong thế chiến thứ nhất. Đó thực sự là một nhãn ảnh buồn.
Tôi thích bản "Chiền chiện bay lên" của Janine Jansen kéo violin. Thực ra, tôi không biết nhiều bản phối của bài này.
3. Yotsuba&! 4, truyện "Yotsuba & Ve cuối mùa", TVM Comics, NXB Thông tấn, 2008.
Tập này là tập Yotsuba phát hiện ra con Tsukutsuku boshi là con ve chứ không phải nàng tiên mùa hè. Đó là một truyện dễ thương.
4. Tôi định viết thêm bài nữa, vì có hứng, đó là bài Back in time của Pitbull, nhưng tôi chưa kịp nghĩ cuốn sách nào làm tôi liên tưởng tới bài dubstep rất phong cách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét