Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Những người khổng lồ

Hãy thương hại ta, một vị vua tủi nhục
Mang trên vai gánh nặng đầy khổ cực
Làm một điều chưa ai từng trả qua
Đó là hôn lên tay kẻ đã giết chính con ta."

(trích quyển 24 - Iliad - Homer, dịch theo bản dịch tiếng Anh của George Chapman)


(up phim lên rồi mà nó bị mất tiêu, mời các bạn click vào đây để xem đỡ)

Trích trong Troy (2004), đạo diễn Wolfgand Petersen.


Priam cầu xin Achilles trả lại xác Hector (tranh: Alexander Ivanov)


Sau khi chiến đấu và chiến thắng Hector - hoàng tử thành Troy, Achilles kéo xác Hector theo xe mình trở về doanh trại của quân Hy Lạp. Buổi tối hôm đó, Priam - vua thành Troy - bí mật đến trại của Achilles.
_____________________

Priam tiến vào, hôn tay Achilles.
Achilles: -Ông là ai?
Priam: -Ta vừa làm một điều mà chưa ai trên đời này từng làm. Ta hôn lên tay của kẻ đã giết con trai ta.
Achilles: -Ông là Priam?
Priam gật đầu.
Achilles: -Làm sao ông tới được đây?
Priam: -Ta cho là ta rành đất nước của chính ta hơn là người Hy Lạp.
Achilles (đỡ Priam dậy): -Ông thật dũng cảm. Ta có thể cắt đầu ông trong một cái chớp mắt.
Priam: -Ngươi nghĩ cái chết giờ đây còn làm ta sợ nữa sao? Ta đã chứng kiến đứa con trai cả của ta chết, chứng kiến cảnh ngươi kéo lê xác nó sau xe ngựa... Hãy trả nó lại cho ta. Ngươi biết nó xứng đáng có một tang lễ trang trọng theo đúng danh dự của nó mà. Trả nó lại cho ta.
Achilles: -Hắn giết em ta.
Priam: -Nó nghĩ hắn là ngươi. Bao nhiêu anh em ngươi đã giết rồi? Bao nhiêu người con, người cha, người anh và người chồng? Bao nhiêu hả, Achilles dũng mãnh?...
            Ta biết cha của ngươi. Ông chết trước khi thời của ông đến. Nhưng ông may mắn khi không phải sống đủ lâu để thấy con trai mình ngã xuống...
            Ngươi đã lấy mọi thứ của ta, đứa con trai cả, người kế thừa ngôi vua của ta, người bảo vệ vương quốc của ta. Ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra, đó là ý muốn của các thần. Nhưng hãy cho ta ân huệ nhỏ này. Ta yêu đứa con trai của mình từ lúc nó mở mắt cho tới tận khoảnh khắc ngươi làm mắt nó nhắm lại.
            Hãy để ta tắm rửa cho nó. Hãy để ta đọc lời cầu nguyện. Hãy để ta đặt hai đồng xu lên mắt nó để trả cho người đưa đò.
Achilles: -Nếu ta cho ông ra khỏi đây, nếu ta cho ông lấy lại thân xác của hắn, sẽ không có gì thay đổi đâu. Ông vẫn là kẻ thù của ta vào buổi sáng.
Priam: -Ngươi vẫn là kẻ thù của ta ngay tối nay. Nhưng ngay cả kẻ thù cũng có thể tỏ lòng kính trọng lẫn nhau.
Achilles (im lặng, đi ra một bên): Ta kính trọng lòng can đảm của ông. Hãy gặp ta ở ngoài. (đi ra)

Achilles (bọc xác Hector lại và khóc): Chúng ta sẽ gặp lại nhau sớm, người anh em.

____________________

Đoạn này là một đoạn hay trong phim Troy. Troy là một phim hay, vượt ngoài mong đợi của tôi.
Đoạn phim này khắc họa được những giọt nước mắt của Achilles đã rơi xuống trong quyển cuối cùng của Iliad. Không như mọi người thường nghĩ, Iliad của Homer dừng lại ở đoạn Priam đến xin xác Hector về và chôn cất. Con ngựa thành Troy nổi tiếng được kể lại trong các tác phẩm khác của các tác giả khác, rõ nét nhất trong đó là Aeneid của Virgil (đây cũng là một anh hùng ca nổi tiếng của nhà thơ La Mã Virgil, kể về Aeneas người thành Troy trốn thoát khỏi thành Troy sụp đổ và đến Ý, là tổ tiên của hai anh em sinh đôi Romulus và Remus, người sáng lập ra thành Roma).

Phim Troy kể về cuộc chiến thành Troy mà không có bóng dáng một vị thần nào, là một phim lịch sử chứ không phải một phim thần thoại. Ngay cả nữ thần biển Thetis, mẹ Achilles, trong phim cũng được khắc họa như một người phụ nữ bình thường, trong khi ở Iliad, bà được Homer miêu tả với rất nhiều sức mạnh đến từ biển, ban cho Achilles đủ thứ vũ khí, áo giáp.

Trong Homer, Troy là một cuộc chiến mà đủ các vị thần tham gia. Họ không trực tiếp đánh trận nhưng góp phần làm ảnh hưởng đến thế cục. Thần Apollo cho rằng Achilles lấy xác Hector về, không để cho Hector được chôn, kéo lê xác trên mặt của đất là tỏ ra không tôn trọng đất mẹ. Thế là Zeus phải cho Thetis đi truyền đạt ý nguyện cho Achilles cần phải trả xác Hector lại và phái thần Cầu vồng Iris truyền đạt cho Priam là phải đi xin lại xác Hector cùng với sự dẫn đường của Hermes. So với câu chuyện đầy thánh thần của Homer, bộ phim Troy rõ ràng mang tính nhân văn hơn nhiều.

Xem phim, tôi thấy thần thoại Hy Lạp dưới một góc độ khác, một góc độ nhân văn. Đó cũng từng là những con người, họ đã được thần thánh hóa vì những chiến công của họ, vì những điều họ đã làm. Những gì những con người của lịch sử ấy đã làm chính là điều khiến họ được cả ngàn năm sau nhớ đến, như lời bài hát chính thức của Troy "Remember" mà Josh Groban hát:

I'm with you, whenever you tell my story, 
for I am all I've been done.


Cuối cùng thì Achilles cũng chết, chết một cái chết đầy tính thần thoại trong một bộ phim không hề thần thoại, theo đúng kịch bản của bi kịch Aeschylus (tiếng Việt đọc theo tiếng Pháp là Étsin, còn đọc chánh xác tiếng Hy Lạp là Ét-xơ-khi-lús): Achilles bị Paris bắn thẳng vào gót chân, khi đang ôm lấy Briseis. Cái chết của Achilles, những giọt nước mắt của Achilles, cơn giận dữ của Achilles, ánh nhìn của Achilles, lời nói và cử chỉ của Achilles, sự dũng mãnh và hiếu chiến và cả tình yêu của Achilles đều làm nên hình ảnh của một người anh hùng. Tất cả những thứ đó, Brad Pitt đều thể hiện một cách tuyệt vời qua vai diễn của mình.

____________________

Tôi nhận ra Iliad thực sự là một quyển khó nuốt. Tôi đọc bản dịch của Chapman, một bản dịch từ thế kỉ 17, một bản dịch được đánh giá là hay và tuy có hơi chế biến lại về từ ngữ so với bản tiếng Hy Lạp cổ nhưng giữ trọn vẹn phong cách của Homer. Tuy thế, đối với tôi, đó là một bản dịch khó đọc, tôi phải đọc cùng với bản dịch thô của Butler.

Tôi vừa đọc được vài trang của quyển 1 thì phải ngừng lại, để giành sau khi thi đại học xong sẽ giành thời gian đọc tiếp. Tự nhiên hôm nay ngứa ngáy tay chân, ngồi xem lại đoạn Priam gặp Brad Pitt, à gặp Achilles.

___________________

Nếu sau này người ta có kể lại câu chuyện của tôi, hãy để cho họ nói rằng tôi đã bước đi cùng những người khổng lồ. Con người sinh ra và chết đi như lúa mạch mùa đông, nhưng tên tuổi của họ không bao giờ chết. Hãy để họ nói rằng tôi sống cùng thời với Hector, người thuần ngựa. Hãy để họ nói rằng tôi sống cùng thời với Achilles...
(Odysseus - lời nói cuối phim)

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Lá chưa ai quét cửa thông

Thuật hứng (số 6)
Nguyễn Trãi


Cảnh cũ non quê nhặt chốc mòng, 
Chiêm bao ngờ đã đến trong. 
Chè tiên nước ghín bầu in nguyệt, 
Mai rụng hoa đeo bóng cách song. 
Gió nhặt đưa qua trúc ổ, 
Mây tuôn phủ rợp thư phòng. 
Thức nằm nghĩ ngợi còn mường tượng, 
Lá chưa ai quét cửa thông.




_______________________

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Muốn xem tranh thì cần có gì?

[ He he, bài đầu tiên được đăng ở Soi. ]

http://soi.com.vn/?p=37039#comment-4088


Giấy - Tranh của Claudio Bravo
Thật ra, nếu tìm hiểu kỹ về lịch sử hội họa thì có thể dễ dàng biết được rằng lối vẽ realism này (photorealism và hyperrealism) vốn có gốc rễ sâu xa từ những khám phá của Giotto về phối cảnh. Lối vẽ này từng bị giới hội họa “mới”, bắt nguồn từ thời Manet, Monet kịch liệt phản đối, tạo thành một làn sóng đối nghịch với trào lưu Tân Cổ điển (Neo-classicism) đang thịnh hành lúc đó ở Pháp. Chính là vì lối vẽ này tôn thờ hoàn toàn quan niệm về nghệ thuật của Aristotle: Nghệ thuật là bắt chước tự nhiên. Hay theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và các nhà phê bình là chính việc quá lạm dụng phương pháp phối cảnh khiến cho thế giới quan của cả nền văn minh phương Tây bị bó hẹp trong một khuôn mẫu, hạn chế cách chúng ta nhìn thế giới chỉ bằng một cách nhìn theo phối cảnh 3 chiều của hệ trục Oxyz.
Vệ nữ - Tranh của Claudio Bravo
Tuy nhiên, sự ra đời của máy ảnh, cũng như việc áp dụng nghệ thuật nhiếp ảnh để tạo ra các trường phái tả chân mới như photorealism ở trên đã khiến cho cách nhìn phối cảnh phần nào được giải phóng. Tuy thế, việc nhìn theo phối cảnh vẫn khiến cho cách nhìn nhận của con người bị hạn chế nhiều.
Thiết nghĩ, một người xem tranh, thưởng thức hay hưởng thụ nghệ thuật có quyền được xem theo ý thích của mình. Tôi có thể cảm thấy những bức họa chân thực như thế này là tầm thường, tôi thích xem những cách nhìn mới lạ về thế giới này cơ, theo các chiều thời gian như tranh đụn cỏ hay nhà thờ của Monet, hay xem cách ánh sáng long lanh chuyển động trong các bức hoa súng của ông, hoặc xem tranh tĩnh vật được vẽ từ đủ các điểm nhìn của Cézanne. Nhưng cũng có thể tôi chả hiểu những cách nhìn mới đó là cái quái gì, làm sao tôi thích được!
Tĩnh vật với bức màn - Tranh của Cézanne
Hoặc là trường hợp tôi cũng hiểu đấy, bức Những cô nàng Avignon của ông trùm Lập thể Picasso, vẽ hàng mớ những hình kỉ hà, cắt xẻ không gian quen thuộc ra làm nhiều mảnh, tôi nhìn vào, ừ thì hay đấy, nhưng tôi chả thấy gì đẹp cả, thế cũng làm sao tôi thích được.
Những cô nàng xứ Avignon - Tranh của Picasso
Mặc kệ những tư tưởng, những cách nhìn, những lý thuyết, triết lý, bla bla bla cao siêu kia, tôi xem tranh là vì đẹp, là vì nó kích thích những chiều kích trong tâm hồn tôi, tôi có thể nói như thế. Nếu như thế, tôi thích nhìn mấy cô gái khỏa thân trong tranh Tân Cổ điển của Ingres, Bouguereau hơn chứ, bức Khỏa thân đi xuống cầu thang của Duchamp, tên nghe hot vậy chứ có gì hay ho đâu mà xem.
La Grande Odalisque - Tranh của Auguste Dominique Ingres
Khỏa thân đi xuống cầu thang - Tranh của Duchamp
Nói thì cũng nói như vậy, chứ nếu người xem tranh chỉ bó hẹp tầm nhìn của mình trong mấy bức dễ nhìn, tả chân, hiện thực, xem mãi thế nào cũng nhàm. “Phú quý sanh lễ nghĩa”, đời sống càng cao, việc thưởng thức nghệ thuật càng nâng tầm và đòi hỏi người thưởng thức phải tự nâng trình của mình lên. Như là nghe nhạc cổ điển, người nghe được mấy bản nhỏ nhỏ, có thể đi khoe với mọi người là mình nghe được cái thứ nhạc quý tộc này rồi. Thế nhưng, nghe một thời gian những bài nhỏ nhỏ ấy, thế nào cũng phát nhàm, người ta sẽ có nhu cầu muốn thưởng thức những tác phẩm to, những concerto, symphony, như thế cũng phải bỏ công ra ngồi gõ Google tìm hiểu hay vào thư viện ngồi đọc, nếu không thì chẳng thể cảm được cái thứ âm thanh hòa trộn đùng đùng ầm ầm đang dội vào hai tai.
Xem tranh cũng thế, người xem cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức về các trào lưu, ý nghĩa của những tư tưởng mới trong hội họa, để mình có thể nhìn nhận cho toàn vẹn. Sau khi lý trí đã cất lời, sau đó, con tim mới có đủ quyền để từ từ lên tiếng, “Ôi, tôi hiểu hết những thứ hay ho này rồi. Nhưng tôi vẫn thích tranh kiểu XYZ này hơn”.
Vài điều em suy nghĩ là như vậy.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Quid est Veritas?

Christ of Saint John of the Cross - Salvador Dali

[...]Khi họ đóng đinh Người trên thập giá, tôi cũng có mặt ở đó.
Tôi nhìn thấy và nghe thấy mọi điều nhưng tôi không còn ở trong thân xác mình nữa.
Tên kẻ trộm bị đóng đanh câu rút phía hữu Người nói với Người: "Kìa Giêsu, người cũng chảy máu cùng ta à?"
Và Giêsu đáp lại, người nói: "Nếu không vì vướng chiếc đinh đóng vào bàn tay ta, ta sẽ chìa tay ra nắm tay con.
Chúng ta đều bị đóng đanh câu rút. Giá như họ dựng thập giá cho con gần với của ta hơn nữa."
Rồi Người cúi nhìn mẹ mình và một chàng trai trẻ đứng cạnh bà.
Người nói: "Mẹ, hãy nhìn người con trai đứng cạnh mẹ.
Hỡi người nữ, hãy nhìn con người rồi sẽ mang những giọt máu của ta về Xứ Bắc".
Và khi nghe thấy tiếng than van của đàn bà xứ Galilê, Người nói: "Xem kìa, họ rơi nước mắt, mà ta thì khát.
Ta bị giữ quá cao không thể tới được nước mắt họ.
Ta sẽ không uống giấm cũng như mật đắng để làm dịu cơn khát này đâu."
Rồi mắt người mở to, ngẩng nhìn lên trời cao và nói: 
"Cha, cớ sao người bỏ rơi chúng con?"

(trích chương 72 "Lời kể của Baraba" - "Giêsu con trai Người" của Khalil Gibran - bản dịch của Châu Diên)

Crucifixion (Corpus Hypercubus) - Salvador Dali



_____________________


Ông Philatô nói với Người: "Sự thật là gì?" Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do Thái và bảo họ: "Phần ta, ta không tìm thấy lí do nào để kết tội ông ấy. Theo tục lệ các người, vào dịp Lễ Vượt Qua, ta thường ta một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do Thái cho các người không?" Họ lại la lên rằng: "Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!" Mà Baraba là một tên cướp.

(Ga 18,38-39)


Ecce Homo! - Atonio Ciseri

Quid est veritas? - "Sự thật là gì?" - là một câu tiếng Latin nổi tiếng, trích từ sách Giôan.

Ecce Homo! - "Hãy nhìn người này" - cũng là một câu trong sách Giôan.

Hypercubus - Hypercube - Một miêu tả đơn giản về một vật thể trong không gian 4 chiều (không gian 4 chiều (four-dimensional space)  không phải là không-thời gian 4 chiều (space-time continuum)). Một đoạn thẳng 1 chiều có thể nhìn được từ 2 đầu mút là 2 điểm, một hình vuông 2 chiều có thể nhìn từ 4 cạnh là 4 đoạn thẳng 1 chiều, một khối lập phương 3 chiều có thể nhìn từ 6 mặt là 6 hình vuông 2 chiều. Do đó, một cách hiểu nôm na, một vật thể nâng cấp từ khối lập phương ở chiều thứ 4 có thể nhìn từ 8 mặt là 8 khối lập phương 3 chiều.

Tranh của Dali, Chúa Giêsu đã ở một chiều kích khác của không gian.

Ban đầu, tôi thích bức Hypercube hơn, nhưng càng nhìn, tôi càng cảm thấy rợn ngợp đối với bức đầu tiên "Christ of Saint John of the Cross". Có điều gì đó gọi là tuyệt vời, choáng váng và khiến tôi phải nín thở.

______________________

Nhân một ngày xem tranh và đọc về Trường phái Siêu thực trong sách của Leonard Shlain. 


Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra.
(Ga 19,34)

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Nghệ thuật Vị lai - Leonard Shlain

Khỏa thân đi xuống cầu thang, số 2  (Nu descendant un escalier n° 2) - Marcel Duchamp

(trích trong "Nghệ thuật và Vật lý - những cái nhìn tương đồng về không gian và thời gian và ánh sáng, chương  15 "Trường phái Vị lai / Thời gian", tác giả Leonard Shlain; Phạm Văn Thiều, Trần Mạnh Hà dịch, NXB Tri thức, 2010)  

[...]
Sau khi tuyên bố kết thúc mối bận tâm của nhân loại với mọi thứ đã qua, những nghệ sĩ Vị lai đặt ra cho mình cái nhiệm vụ nghệ thuật làm nản lòng người khác là không những chỉ phá hủy lịch sử tập thể, mà còn đập nát kí ức cá nhân. Marinetti lớn tiếng đầy vẻ cà khịa: "Phải khinh bị mọi hình thức bắt chước. Tất cả chủ đề trước đây đã dùng rồi phải vứt bỏ hết đi. Những gì là chân lí đối với họa sĩ của ngày hôm qua sẽ là sự giả dối đối với họa sĩ của ngày hôm nay." Ông xỉ vả các tác phẩm mĩ thuật cổ, sự tôn trong di sản, việc sao chép mù quáng ý tưởng từ các truyền thống của quá khứ. Phong trào của Marinetti trở nên nổi tiếng ở Italia đến nỗi trong một thời gian, trẻ con thôi không chơi trò cao bồi và thổ dân da đỏ nữa mà chuyển sang đóng vai người theo trường phái Vị lai.

Bản tuyên ngôn Vị lai mang nợ rất nhiều từ nghệ thuật Ấn tượng của Monet. Giống như Marinetti, Monet không dùng gì đến quá khứ. Ông cảm thấy rằng nếu cố tái tạo lại trong xưởng vẽ những hình ảnh mà mình đã thầm ghi lại trong đầu lúc ở ngoài trời, thì trí nhớ của ông có thể đánh lừa ông để vẽ ra một cái gì đó khác. Chính vì thế, Monet chuyển các "ấn tượng" của mình trực tiếp ngay lên nền vải, không có sự can thiệp mang tính biên tập của nghĩ ngợi lại sau đó. Bằng cach này, Monet chỉ tập trung vào hiện tại. Ông đã cố bắt giữ khoảnh khắc chớp lòe của cái bây giờ; và bây giờ chính là cái được bảo lưu trong tác phẩm của người họa sĩ Ấn tượng vĩ đại này.

Được tiếp thêm can đảm bởi Monet, các nghệ sĩ Vị lai còn hăng hơn cả ông một bậc, họ lao vọt từ hiện tại lên tới tương lai. Họ yêu cầu nghệ sĩ phải miêu tả cái chưa xảy ra, bằng cách tích hợp khái niệm về chuyển động lên trên nền vải tĩnh. Đối với những họa sĩ làm việc trong những giới hạn của một thời khắc đã đóng băng lại, vốn là đặc trưng của nghệ thuật phương Tây kể từ thời Giotto trở đi, thì việc phá vỡ sự bất động không khoan nhượng của lớp màu đã đông cứng trên nền vải khô là một thách thức bất khả thi. Nhưng vài năm sau khi bản tuyên ngôn ra đời, các họa sĩ Vị lai phát hiện ra rằng họ có thể kéo tương lai về hiện tại bằng cách thể hiện một chuỗi các khoảnh khắc riêng rẽ đã đông cứng lại trên cùng một nền vải. Đặt chồng lên nhau một chuỗi những khoảnh khắc riêng biệt của thời gian và bóp chặt chúng lại trong một tác phẩm, các họa sĩ Vị lai đã thành công trong việc đẩy nhanh tốc độ diễn ra của cả chuỗi thời gian. Ý tưởng này không phải là đặc sản của trường phái Vị lai. Các họa sĩ Vị lai đã công nhiên ăn cắp quan niệm này từ phương pháp dựng ảnh chuỗi mang tính đột phá của Eaweard Muybridge [sic] và Jules-Étienne Marey. Sáng tạo của các họa sĩ Vị lai là ở chỗ họ đã chuyển ý tưởng chụp ảnh theo thời gian thành việc vẽ ra bằng màu sắc, và làm như vâỵ họ đã đưa ra một cách thức mới để nhìn thời gian, hệt như những họa sĩ Lập thể đã chồng chất đa tầng các phối cảnh khác nhau vào trong một tác phẩm và làm như vậy, họ đã phát minh ra một cách thức mới để hình dung không gian.


[sic]: bản tiếng Việt in sai, tên ông này chính xác là Eadweard Muybridge.
_________________________


Một cuốn sách tuyệt vời về nghệ thuật. Tui mới đọc tới đầu chương 15, Vị lai thôi, đọc đoạn này từ nhiên muốn chia sẻ.

[sic] là thuật ngữ tiếng Latin, nghĩa là [như vậy], dùng để đặt sau những trích dẫn nguyên văn, đánh dấu những lỗi sai về chánh tả, ngữ pháp, dùng từ.

Xem ra, cái mớ ảnh cinemagraph này (kenh14 cũng có này, nếu ghiền có thể coi thêm ở đây hay blog của Jamie Beck luôn) cũng là một cách nhìn nữa về Futurism.

cinemagraph của Jamie Beck

Sẽ có thể có review về quyển này, sau khi đọc xong. Có thể thôi, chưa biết được, tất cả đều vị lai mà. Dù sao, có review hay không, đây cũng là một quyển sách nghệ thuật tuyệt vời nhất mình từng đọc.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Hanna

Dream, how i dream to feel...
(Hanna's theme - Vocal version)

Có vẻ như mùa xem phim của tôi đến sớm hơn dự kiến, bắt đầu từ lúc tôi vẫn còn đang chuẩn bị thi đại học. Khi không đi học thêm, tôi ở nhà hầu như chỉ làm một trong ba việc: đọc sách, xem phim và học bài.

Đọc sách là chuyện tôi làm thường nhật. Xem phim ở đây có nghĩa là ngôi dán mắt vào tivi hoặc laptop xem một bộ phim, không tính xem hoạt hình hay ba cái phim hài trên Disney.

Tôi đi xem Hanna tuần vừa rồi với 2 đứa bạn cũ, Đình Nguyên và Hà, gần một năm rồi không gặp.

_____________________


Hanna là một phim thú vị. Tôi đi xem Hanna là vì có Cate Blanchett và Eric Bana, cũng để xem cái bạn  Saoirse Ronan (nhân tiện, tôi không biết đọc tên bạn này thế nào cả, wiki phiên âm là [ˈsˠiːɾˠʃə] mà tôi thì không rành phiên âm IPA tiếng Irish, thấy nó còn bảo đọc là seer-shə) diễn ra sao, sau khi xem Atonement không mấy ấn tượng và The Lovely bones thì mới xem có 10 phút. Sau khi thấy fb anh Hoài ghi bạn này lạnh lùng như Natalie Portman hồi xưa thì tôi lại càng thôi thúc phải đi xem.

Hanna có âm nhạc hay, tôi ấn tượng nhất với phim này ở mảng âm nhạc. Chemical Brothers làm phần nhạc khiến tôi thực sự có cảm giác giải trí khi xem phim. Đoạn Hanna đào thoát khỏi căn cứ CIA, âm nhạc kết hợp với những góc quay nhanh, ánh sáng chớp tắt tạo nên một không khí nhanh, hồi hộp, nhưng cũng tạo cho tôi thấy một sự tự tin và một cảm giác chắc mẻm là thế nào em này cũng thoát được thành công. Đó là bản Escape Wavefold trong soundtrack.




Một bài khác cũng khiến tôi ấn tượng, đó là bản Container Park, với phần giai điệu đều đều, xuyên suốt cả bộ phim. Chắc chắn với tôi, bản nhạc làm nên ấn tượng cả một bộ phim Hanna sẽ là giai điệu của Container Park, mỗi lần nghe lại, tôi sẽ nhận ra, "Đây đích thị là nhạc Hanna!". Quên, nói đến nhạc ấn tượng, tôi cũng phải kể luôn bản nhạc theme music cuối phim nữa.

Còn bản nhạc tôi nhớ mãi, không thể nào quên được đó là The Devil is in The Details, giai điệu rất ư là catchy gắn liền với tên sát thủ Isaacs (Tom Hollander). Isaacs là vai diễn có thể nói gây thích thú nhất cho khán giả, tên sát thủ "lưỡng tính" này lúc thì mặc quần đùi bó sát tông xuyệc tông với áo thun trắng, lúc thì chơi nguyên bộ đồ thể thao trùm kín người vàng khè, miệng cứ cười cười, đi lại ngông nghênh, lúc nào cùng huýt sáo giai điệu The Devil is in The Details trong vũ trường nhảy thoát y của hắn. Tôi nghe đi nghe lại bài này với cùng một niềm vui, thuần khiết, huýt sáo nữa. Giai điệu vui tươi, đọc những comment trên youtube cũng thấy rất vui:


My mum is even singing it :)

Điều tôi khoái nhất hôm nay đó là cuối cùng sau gần một tiếng google tôi cũng tìm ra được tên bản nhạc cổ điển mà Knepfler bật cho Hanna nghe ở Ngôi nhà của Wilhelm Grimm, bản này không có trong đĩa Original Soundtrack. Giai điệu nghe rất quen thuộc, tôi nhận ra ngay lập tức là nhạc trong phim Mickey hay Donald gì đó của Disney, tưởng google một phát sẽ ra ngay nhưng bước vào thực hành mới thấy khó khăn. Tôi phải ngồi vắt óc ra nhớ xem đó chính xác là bộ phim gì, youtube để nghe thử, rồi tra cứu nhạc trong đó là bài gì, cuối cùng cũng tìm ra đó là bản ‪In the Hall of the Mountain King trong tổ khúc giao hưởng Peer Gynt của Grieg‬‏, bộ phim lồng nhạc bản này vào là Donald's Halloween Scare chiếu trong House of Villans. Coi như cũng là một chiến công google.

Đó là về phần nhạc. Về phần nội dung (chú ý, ai muốn xem phim thì đừng đọc phần này, spoiler bắt đầu), phải nói tôi xem phim này một phần nữa cũng để xem nó khác Léon, the Professional (bộ phim lần đầu tiên tạo nên tên tuổi Natalie Portman) ra sao (chắc chắn nhiều người khác đã từng xem Léon rồi cũng sẽ có suy nghĩ như tôi). Cả hai bộ phim đều kể hai câu chuyện về hai cô bé sát thủ, ở hoàn cảnh khác nhau, tính nết khác nhau, mục đích khác nhau. Léon của Luc Besson là một bộ phim về tình yêu, còn Hanna của Joe Wright, ngược lại, là một bộ phim về sự thiếu vắng tình yêu. Cô bé Mathilda trong Léon muốn trở thành sát thủ để trả thù cho đứa em trai (cả gia đình cô bé bị một băng xã hội đen giết, nhưng em chỉ thương mỗi đứa em trai thôi). Còn Hanna từ trước khi sinh ra đã được định sẵn số mệnh của mình sẽ là một chiến binh hạng nhất (thay đổi DNA, giảm xúc cảm, sự sợ hãi, tăng sức mạnh cơ bắp, ...). Nếu như Mathilda mới 13 tuổi mà hành sự y hệt người trưởng thành, lại còn có cả tình cảm với Léon thì Hanna 16 tuổi nhưng ngây ngô hoàn toàn không biết gì về cuộc đời ngoài những kiến thức cha dạy từ cuốn bách khoa, lại lạnh lùng như một cái máy, đến khi phát hiện ra Erik (Eric Bana) người nuôi nấng, bảo bọc, huấn luyện mình suốt 16 năm trời không phải cha ruột mình, lại che dấu mình một bí mật khủng khiếp, trong khi tôi chờ đợi một sự thông cảm, một cái ôm chẳng hạn, thì bộ phim lại cứ lạnh lùng trôi đi.

Nói chơi một chút, tôi cũng phát hiện ra một điều, trong khi Eric Bana huấn luyện Saoirse Ronan làm sát thủ, dạy đủ các ngón nghề, đồ chơi, nhưng thiếu một món sát thủ nào cũng xài, đó là bắn súng nhắm (sniper ấy), khác xa với khi Natalie Portman khi được Jean Reno đào tạo được dạy bắn súng nhắm kỹ càng. Trong phim, cũng chẳng bao giờ Hanna đụng tới cây súng nhắm, chủ yếu dùng tay không, ít khi đụng tới cả súng lục và dao. Có lẽ đây chỉ là một ý nhấn mạnh về bản năng sát thủ bẩm sinh trong DNA của Hanna mà thôi.

Tôi vẫn đang suy nghĩ về sự liên quan giữa truyện cổ của anh em Grimm đối với câu chuyện về Hanna. Anh em nhà Grimm làm gì trong bộ phim này? Hanna không phải hoàn toàn vô cảm, khi nghe kể chuyện về Laika, em cũng muốn cha mình thay đổi cái kết, đừng đọc cho em nghe cái kết là Laika bị mặc định là sẽ hy sinh trên quỹ đạo. Trách Hanna được chăng khi em cũng chỉ là một sát thủ ngây thơ, một chiến binh bẩm sinh, sinh ra đã bị mặc định là phải như thế. Ai từng đọc truyện cổ do hai anh em học giả Grimm sưu tầm chắc hẳn sẽ thấy phong vị khác hẳn với truyện cổ sáng tác của Andersen. Truyện cổ Grimm không hoàn toàn nhân văn như Cô bé bán diêm hay Chú lính chì dũng cảm của Andersen, nó u ám, bí hiểm, tuy đã được hai anh em Grimm "hiền hóa" để thích hợp hơn với trẻ em, nhưng nó vẫn toát lên cái vẻ gì đó tăm tối. Sao lại có chuyện cha mẹ mang con vào rừng bỏ mặc cho thú dữ ăn thịt như trong Hansel và Gretel, rồi cảnh Hansel và Gretel giết mụ phù thủy bằng cách nhốt mụ vào lò, chẳng phải độc ác quá sao. Hay là đọc Rumpelstilskin xong, truyện tên người lùn giúp cô gái quay được sợi rơm vàng để rồi trở thành hoàng hậu với điều kiện phải cho hắn đứa con đầu lòng, sau khi cô sinh đứa con đầu lòng, hắn tới đòi, cô lấy hết tài sản ra để đưa thay đứa con nhưng hắn không chịu, cuối cùng hai người thỏa thuận là trong 3 ngày, cô phải tìm ra tên của hắn thì hắn sẽ bỏ qua lời hứa năm xưa, thật vậy, đọc trong truyện đó, tôi không biết phải thương ai bây giờ, tên người lùn bị chơi xỏ hay là người mẹ thất hứa vì thương con...

Ôi, dám từ phim Hanna, tôi lại đâm ra khoái truyện cổ Grimm nữa rồi, thể nào cũng sẽ ngồi đọc lại.

Nói chung, Hanna được nhiều nhà phê bình, báo chí này nọ ở phương Tây ví như một món quà tặng cho anh em nhà Grimm, vì chưng Hanna thực sự là một câu chuyện cổ tích u ám thời hiện đại.

Tôi chợt nghĩ, tại sao đã làm chiến binh, làm sát thủ, sao không can thiệp sinh học để tạo ra một sát thủ con trai luôn, mắc mớ gì phải ra một cô gái, nam giới thì chắc chắn sức mạnh cơ bắp sẽ tốt hơn rồi. Rồi tôi tự trả lời mình, có thế mới làm được phim, chuyện một đứa con trai được nuôi dạy để rồi trở thành sát thủ, ai mà thèm xem. Cũng có khi nếu làm một bộ phim như vậy, phim đó sẽ không chỉ thiếu vắng tình yêu và cảm xúc mà phải nói là hoàn toàn vô cảm, tên sát thủ đó sẽ y như một cỗ máy giết người vậy. Achilles thể hiện trong Troy và cả Illad là một chiến thần, nhưng cũng là một con người, cũng chết, cũng yêu Brissey, một con robot dọn rác như WALL-E dù sao khi khoa học phát triển đến một mức nào đó cũng có thể yêu EVE; nhưng một cái máy giết người thì hoàn toàn khác.



Hanna là một phim không nhiều ý nghĩa, nhưng gợi nhiều suy nghĩ, và trên hết là một phim giải trí, với âm nhạc tuyệt vời. Tôi hy vọng sẽ được nghe lại nhạc của Hanna vào Oscar năm sau.


Đoạn kết:
Tôi chỉ bắn trượt tim bà thôi.
Bùm
HANNA

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Trì cỏ tươi, nhưng lòng tiểu nhân


Đụn lúa mạch (Cuối hè) - Claude Monet


Đọc thơ Nguyễn Trãi, Quốc Âm Thi Tập, tôi thích nhiều bài. Đọc Quốc Âm Thi Tập, đọc cái thứ tiếng Việt của 500 năm trước, tôi vỡ ra nhiều điều và thấy rất thú vị.

Tỉ như bài "Cuối xuân" này, tôi đã treo trên blog cả tuần nay:

Tính từ gặp tiết lương thần, 
Thiếu một hai mà no chín tuần. 
Kiếp thiếu niên đi thương đến tuổi, 
Ốc dương hoà lại ngõ dừng chân. 
Vườn hoa khóc, tiếc mặt Phi tử, 
Trì cỏ tươi, nhưng lòng tiểu nhân. 
Cầm đuốc chơi đêm này khách nói, 
Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân.


Đọc sơ qua, đúng là dưới góc độ một người Việt Nam thế kỷ 21, chữ Hán chưa học, chữ Nôm không và cũng có lẽ sẽ không biết, những từ, những cụm "Ốc dương hòa" hay "đi thương",... khó mà hiểu được, nhưng là một người Việt có một gốc rễ văn hóa vững chắc, hẳn cũng phải cảm được chút gì đó từ bài thơ.

Lăn lóc trên mạng một hồi, tôi cũng tìm được vài cái chú giải.

-"tiết lương thần": lúc bắt đầu của mùa xuân.
-"tuần": tuần là mười ngày.
-"kiếp thiếu niên": có thể hiểu là thời tuổi trẻ, thế nhưng nếu để ý về mặt hài thanh của chữ Nôm, phiên từ tiếng Hán ra tiếng Việt là "cướp", hiểu như thế hợp lý hơn, nên cụm "đi thương" biên như trên kia là vô nghĩa, phải tách ra thành "Cướp (kiếp) thiếu niên đi, thương đến tuổi".
-"ốc": nhiều chỗ đều ghi "ốc" không có nghĩa, nhưng Trần Lê Văn biên trên Tạp chí Hán Nôm số 2/1989 thì "ốc" là từ Việt cổ, nghĩa là "gọi", như "Có gã thư sinh / Danh ốc Lưu Bình" nghĩa là "Tên gọi Lưu Bình".
-"ngõ" : ngõ hầu, nghĩa là "nhằm để".
Tóm lại, hai câu thực này mang nghĩa là: Ngày tháng cướp mất tuổi thiếu niên của ta đi, giờ đây tiếc thương tuổi tác của mình, bèn gọi cái khí xuân dương hòa ấm áp lại để (ngõ hầu) dừng chân mà hưởng thụ.
-"Phi tử": Dương Quý Phi, người có vẻ đẹp "tu hoa" (khiến cho hoa phải thẹn). Câu đầu tiên "Thanh bình điệu" của Lý Bạch là "Vân tưởng y thường hoa tưởng dung" - "Nhìn mây tưởng y phục, nhìn hoa nhớ khuôn mặt", ca ngợi vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn.
-"trì cỏ": cỏ ao, tra ra thì thấy sách Luận ngữ thiên 12 "Nhan Uyên" biên "Cái đức của người quân-tử cũng như gió, cái đức của kẻ tiểu-nhân cũng như cỏ. Gió thổi trên cỏ thì cỏ phải lướt xuống mà theo."

Hai câu cuối là hai câu dễ hiểu, đọc cũng thấy gần gũi và hiện đại. Tôi thích nhất hai câu thực và hai câu kết này, cùng với câu luận thứ hai "Trì cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân".

Đụn cỏ khô ở Giverny - Claude Monet



Hay là những câu từ bài "Mạn thuật kỳ 13 (Nhà ta)"
 
Quê cũ nhà ta thiếu của nào, 
Rau trong nội, cá trong ao. 
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch, 
Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao. 
Khách đến vườn còn hoa lạc, 
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào. 
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ, 
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào.


-"cách song" : ngoài song cửa.
-"Cô Dịch": chỉ thần nhân trên núi Cô Dịch, trong Nam Hoa Kinh - Trang Tử - Nội thiên : Tiêu dao du
Kiên Ngô hỏi Liên Thúc:
-Tôi nghe lời nói của Tiếp Dư, lớn mà không đúng, đi mà không về... Tôi kinh khiếp lời nói của ông ta: cũng như sông Hà, sông Hán mông mênh vô cùng! Rất là diệu vợi! Không gần với thường tình người ta.
Liên Thúc hỏi:
-Ông ta nói về cái gì?
-Ông ta nói: "Trên núi Rưởu Cô Dịch, có thần nhân ở đó, Da thịt như băng tuyết, thơ ngây như gái chưa chồng. Không ăn năm loài thóc, hút gió uống sương, cưỡi khí mây, ngự rồng bay, mà chơi ở ngoài bốn bể. Ðịnh thần lại, khiến cho mọi vật không đau ốm mà lúa lại được mùa..."


-"Cửu Cao" : Chín đầm nước sâu. Thi kinh 詩經 Tiểu nhã 小雅 thiên Hạc minh 鶴鳴: "Hạc minh vu cửu cao, Thanh văn vu thiên" 鶴鳴于九皋,聲聞于天 (Chim hạc kêu ở xa ngoài chín đầm, tiếng nghe khắp đồng nội). Cả câu này ý nói suối chảy như tiếng đàn, tiếng hạc. (chú thích của thivien.net)
-"áng mận đào" : hiểu đại khái là chốn quan trường, theo tích Địch Nhân Kiệt (tích này cũng bình thường thôi, hiểu vậy được rồi).

Đọc bài thơ này, dễ hiểu hơn "Cuối xuân" nhiều, lại mang một cái không khí yên bình, nhẹ nhàng, tôi như được xả stress lắm lắm. Những bài thơ của Nguyễn Trãi làm bằng quốc âm 500 năm về trước, bài nào cũng tràn ngập trí tuệ, so ra đáng đọc hơn nhiều thứ khác vô bổ hiện nay gấp bội.


__________________________

Nhân tiện, ngoài lề, tôi cứ luôn thắc mắc về sự giống nhau khá kì lạ của từ "câu lạc bộ" so với club về mặt chữ cái. Xét từng từ "câu", "lạc", "bộ" thì thấy nó chả mang nghĩa gì của một cái "tổ chức được lập ra nhằm tập hợp những người cùng sở thích sinh hoạt văn hóa, giải trí" gì cả. Tôi thắc mắc về mặt từ nguyên của từ này lắm, nhưng cứ quên tra mãi.
Hôm nay mới nhớ ra để tra. Từ club ban đầu được phiên qua tiếng Nhật, là kurabu, sau đó qua tiếng Hán, rồi sang tiếng Việt là "câu lạc bộ", một hành trình vui tươi đấy chứ nhỉ.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Afterdark

[Afterdark - chương 1 : 11.56 p.m]
Haruki Murakami

Rồi anh nói, "Tôi từng đọc một câu chuyện về ba anh em dạt lên một hòn đảo ở Hawaii. Một truyền thuyết ấy mà. Chuyện xưa rồi. Tôi đọc khi còn bé, nên có khi kể chả chính xác lắm đâu, nhưng nó kiểu kiểu thế này này. Ba anh em đi câu cá và gặp bão. Họ trôi lênh đênh trên biển một thời gian rồi dạt vào một bờ cát của một hòn đảo không người. Đó là một hòn đảo đẹp với hàng đống cây dừa mọc trên bãi biển cùng với hàng đống trái dừa mọc trên cây, còn có cả một ngọn núi rất cao ở giữa đảo. Cái đêm họ dạt lên, một vị thần xuất hiện trong giấc mơ và bảo, "Hãy men dọc theo bờ biển xa thêm một tí nữa, các ngươi sẽ gặp ba tảng đá to và tròn. Ta muốn từng người đẩy hòn đá của mình xa bao nhiêu tùy thích. Ngươi đẩy hòn đá tới đâu thì chính tại nơi đó ngươi sẽ sống. Ngươi càng đi xa thì thế giới ngươi nhìn thấy từ nhà mình sẽ càng rộng lớn. Việc các ngươi đẩy hòn đá của mình đi bao xa hoàn toàn phụ thuộc vào ngươi."

Chàng trai trẻ uống một cốc nước và ngưng nói một lát. Mari trông không hứng thú thật nhưng rõ ràng cô vẫn đang nghe.

"Tới đây thì hiểu chứ?" anh hỏi.

Mari gật đầu.

"Muốn nghe đoạn còn lại không? Nếu em không hứng thú thì tôi ngừng lại cũng được."

"Nếu truyện không dài quá."

"Không, không dài. Truyện đơn giản mà."

Anh uống một ngụm nước nữa rồi kể tiếp.

"Vậy là ba anh em tìm thấy ba hòn đá trên bãi biển như lời vị thần nói. Và họ cũng bắt đầu đẩy như vị thần bảo họ làm. Ba hòn đá đó đúng là rất to, nặng nữa, nên đẩy lên dốc tốn sức vô cùng. Người em út bỏ cuộc đầu tiên. Anh nói, "Hai anh ạ, nơi này đủ tốt cho em rồi, gần bãi biển, em bắt cá được. Có đủ mọi thứ để em sống. Em không quan tâm tới chuyện em nhìn thấy được bao nhiêu phần của thế giới từ chỗ này". Hai người anh đẩy tiếp, nhưng đến lưng chừng núi, người anh hai bỏ cuộc. Anh bảo, "Anh ạ, nơi này đủ tốt cho em rồi. Có nhiều hoa trái ở đây, đủ mọi thứ để em sống. Em không quan tâm tới chuyện em nhìn thấy được bao nhiêu phần của thế giới từ chỗ này". Còn lại người anh cả tiếp tục đi lên núi. Đường mòn bắt đầu hẹp và dốc dần, nhưng anh không bỏ cuộc. Anh này bền chí lắm, lại muốn được nhìn thấy thế giới nhiều nhất có thể nên dốc sức đẩy hòn đá lên đỉnh. Anh đẩy cả hàng tháng ròng, ăn uống rất ít, cho tới khi đẩy được hòn đá lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Tới đó, anh ngừng lại nhìn ngắm thế giới. Giờ đây anh có thể thấy được xa hơn bất kỳ người nào. Đây là nơi anh sẽ sống, nơi không chim bay không cỏ mọc. Nước, anh chỉ có thể liếm sương giá. Thức ăn, anh chỉ có thể ăn rêu. Nhưng vì anh đã có thể nhìn thấy cả thế giới nên anh không hối tiếc. Và thế nên, cho tới tận ngày nay, hòn đá to tròn của anh vẫn y vị trên đỉnh một ngọn núi ở một hòn đảo Hawaii. Chuyện như thế đó."

Yên lặng.

Mari hỏi, "Vậy rốt lại chuyện có ý nghĩa, bài học gì rút ra không?"

"Có lẽ có, hai điều. Một là, " anh nói, giơ ngón tay lên, "tất cả mọi người đều khác biệt. Ngay cả anh em ruột thịt. Một điều nữa là," anh nói, giơ thêm một ngón tay nữa, "là nếu người ta thực sự muốn hiểu biết thêm một điều gì đó, họ phải chấp nhận trả giá."

Mari nói lên ý kiến của cô, "Theo em, cuộc sống mà hai người em chọn có ý nghĩa nhiều nhất."

"Thế chứ gì nữa", anh thừa nhận, "chả ai muốn đi cả một chặng đường dài tới Hawaii để liếm sương và gặm rêu. Nhưng người anh cả tò mò muốn nhìn thấy thế giới, và anh ta cũng chẳng thể kìm nén được nỗi tò mò, mặc kệ cái giá phải trả như thế nào."

(Q.H dịch)

___________________

Truyện này làm tôi liên tưởng tới "Shutter Island" tôi xem hôm qua. Rõ ràng cuộc sống là do chúng ta lựa chọn, cơ hội là trước mặt để nắm bắt, chúng ta sẽ là người lựa chọn cho mình cách sống như thế nào. Những điều tôi nghĩ trong đầu là những suy nghĩ cao và xa hơn những thứ ngớ ngẩn tôi viết trong bài thi tốt nghiệp môn văn. Nếu tôi viết những thứ này vào phần bài làm ngớ ngẩn của cái đề bài ngớ ngẩn đó, tôi sẽ chả có điểm nào. Không hiểu vì cái lẽ ngớ ngẩn nào mà cái đề bài ngớ ngẩn đó lại được báo chí tụng ca như thế.

Tôi bắt đầu đọc Afterdark hôm nay.
Afterdark (Afuta Daku) - bản tiếng Anh do Jay Rubin chuyển ngữ - Vintage Book. Mình thích cái bìa này hơn cái bìa của mình.