Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Trì cỏ tươi, nhưng lòng tiểu nhân


Đụn lúa mạch (Cuối hè) - Claude Monet


Đọc thơ Nguyễn Trãi, Quốc Âm Thi Tập, tôi thích nhiều bài. Đọc Quốc Âm Thi Tập, đọc cái thứ tiếng Việt của 500 năm trước, tôi vỡ ra nhiều điều và thấy rất thú vị.

Tỉ như bài "Cuối xuân" này, tôi đã treo trên blog cả tuần nay:

Tính từ gặp tiết lương thần, 
Thiếu một hai mà no chín tuần. 
Kiếp thiếu niên đi thương đến tuổi, 
Ốc dương hoà lại ngõ dừng chân. 
Vườn hoa khóc, tiếc mặt Phi tử, 
Trì cỏ tươi, nhưng lòng tiểu nhân. 
Cầm đuốc chơi đêm này khách nói, 
Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân.


Đọc sơ qua, đúng là dưới góc độ một người Việt Nam thế kỷ 21, chữ Hán chưa học, chữ Nôm không và cũng có lẽ sẽ không biết, những từ, những cụm "Ốc dương hòa" hay "đi thương",... khó mà hiểu được, nhưng là một người Việt có một gốc rễ văn hóa vững chắc, hẳn cũng phải cảm được chút gì đó từ bài thơ.

Lăn lóc trên mạng một hồi, tôi cũng tìm được vài cái chú giải.

-"tiết lương thần": lúc bắt đầu của mùa xuân.
-"tuần": tuần là mười ngày.
-"kiếp thiếu niên": có thể hiểu là thời tuổi trẻ, thế nhưng nếu để ý về mặt hài thanh của chữ Nôm, phiên từ tiếng Hán ra tiếng Việt là "cướp", hiểu như thế hợp lý hơn, nên cụm "đi thương" biên như trên kia là vô nghĩa, phải tách ra thành "Cướp (kiếp) thiếu niên đi, thương đến tuổi".
-"ốc": nhiều chỗ đều ghi "ốc" không có nghĩa, nhưng Trần Lê Văn biên trên Tạp chí Hán Nôm số 2/1989 thì "ốc" là từ Việt cổ, nghĩa là "gọi", như "Có gã thư sinh / Danh ốc Lưu Bình" nghĩa là "Tên gọi Lưu Bình".
-"ngõ" : ngõ hầu, nghĩa là "nhằm để".
Tóm lại, hai câu thực này mang nghĩa là: Ngày tháng cướp mất tuổi thiếu niên của ta đi, giờ đây tiếc thương tuổi tác của mình, bèn gọi cái khí xuân dương hòa ấm áp lại để (ngõ hầu) dừng chân mà hưởng thụ.
-"Phi tử": Dương Quý Phi, người có vẻ đẹp "tu hoa" (khiến cho hoa phải thẹn). Câu đầu tiên "Thanh bình điệu" của Lý Bạch là "Vân tưởng y thường hoa tưởng dung" - "Nhìn mây tưởng y phục, nhìn hoa nhớ khuôn mặt", ca ngợi vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn.
-"trì cỏ": cỏ ao, tra ra thì thấy sách Luận ngữ thiên 12 "Nhan Uyên" biên "Cái đức của người quân-tử cũng như gió, cái đức của kẻ tiểu-nhân cũng như cỏ. Gió thổi trên cỏ thì cỏ phải lướt xuống mà theo."

Hai câu cuối là hai câu dễ hiểu, đọc cũng thấy gần gũi và hiện đại. Tôi thích nhất hai câu thực và hai câu kết này, cùng với câu luận thứ hai "Trì cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân".

Đụn cỏ khô ở Giverny - Claude Monet



Hay là những câu từ bài "Mạn thuật kỳ 13 (Nhà ta)"
 
Quê cũ nhà ta thiếu của nào, 
Rau trong nội, cá trong ao. 
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch, 
Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao. 
Khách đến vườn còn hoa lạc, 
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào. 
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ, 
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào.


-"cách song" : ngoài song cửa.
-"Cô Dịch": chỉ thần nhân trên núi Cô Dịch, trong Nam Hoa Kinh - Trang Tử - Nội thiên : Tiêu dao du
Kiên Ngô hỏi Liên Thúc:
-Tôi nghe lời nói của Tiếp Dư, lớn mà không đúng, đi mà không về... Tôi kinh khiếp lời nói của ông ta: cũng như sông Hà, sông Hán mông mênh vô cùng! Rất là diệu vợi! Không gần với thường tình người ta.
Liên Thúc hỏi:
-Ông ta nói về cái gì?
-Ông ta nói: "Trên núi Rưởu Cô Dịch, có thần nhân ở đó, Da thịt như băng tuyết, thơ ngây như gái chưa chồng. Không ăn năm loài thóc, hút gió uống sương, cưỡi khí mây, ngự rồng bay, mà chơi ở ngoài bốn bể. Ðịnh thần lại, khiến cho mọi vật không đau ốm mà lúa lại được mùa..."


-"Cửu Cao" : Chín đầm nước sâu. Thi kinh 詩經 Tiểu nhã 小雅 thiên Hạc minh 鶴鳴: "Hạc minh vu cửu cao, Thanh văn vu thiên" 鶴鳴于九皋,聲聞于天 (Chim hạc kêu ở xa ngoài chín đầm, tiếng nghe khắp đồng nội). Cả câu này ý nói suối chảy như tiếng đàn, tiếng hạc. (chú thích của thivien.net)
-"áng mận đào" : hiểu đại khái là chốn quan trường, theo tích Địch Nhân Kiệt (tích này cũng bình thường thôi, hiểu vậy được rồi).

Đọc bài thơ này, dễ hiểu hơn "Cuối xuân" nhiều, lại mang một cái không khí yên bình, nhẹ nhàng, tôi như được xả stress lắm lắm. Những bài thơ của Nguyễn Trãi làm bằng quốc âm 500 năm về trước, bài nào cũng tràn ngập trí tuệ, so ra đáng đọc hơn nhiều thứ khác vô bổ hiện nay gấp bội.


__________________________

Nhân tiện, ngoài lề, tôi cứ luôn thắc mắc về sự giống nhau khá kì lạ của từ "câu lạc bộ" so với club về mặt chữ cái. Xét từng từ "câu", "lạc", "bộ" thì thấy nó chả mang nghĩa gì của một cái "tổ chức được lập ra nhằm tập hợp những người cùng sở thích sinh hoạt văn hóa, giải trí" gì cả. Tôi thắc mắc về mặt từ nguyên của từ này lắm, nhưng cứ quên tra mãi.
Hôm nay mới nhớ ra để tra. Từ club ban đầu được phiên qua tiếng Nhật, là kurabu, sau đó qua tiếng Hán, rồi sang tiếng Việt là "câu lạc bộ", một hành trình vui tươi đấy chứ nhỉ.

2 nhận xét:

  1. tớ được hiểu thêm về thơ Nguyễn Trãi và được xem lại những bức tranh đụn rơm của Monet :)

    Trả lờiXóa
  2. Vui vì giúp người khác hiểu thêm được vài điều. :D

    Trả lờiXóa