Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Đỗ thuyền bến Dương Tử (Tổ Vịnh)


泊扬子津
祖咏

才入維揚郡,
鄉關此路遥。
林藏初霽雨,
風退欲歸潮。
江火明沙岸,
雲帆碍浦橋。
客衣今正薄,
寒氣近來饒。

Bạc Dương Tử tân 

Tài nhập Duy Dương quận, 
Hương quan thử lộ diêu. 
Lâm tàng sơ tễ vũ, 
Phong thoái dục quy triều. 
Giang hoả minh sa ngạn, 
Vân phàm ngại phổ kiều. 
Khách y kim chính bạc, 
Hàn khí cận lai nhiêu.

Nghĩa:
Vừa tới quận Duy Dương, 
Đường về quê ấy còn xa. 
Rừng che cơn mưa vừa tạnh, 
Gió đẩy con nước sắp rút. 
Lửa trên sông chiếu sáng bờ cát, 
Buồm mây chắn chiếc cầu ở cửa sông. 
Áo khách nay đã mỏng, 
Khí lạnh bỗng về nhiều.


Đỗ thuyền bến Dương Tử
(Tổ Vịnh)

Thuyền vừa vào Duy Dương quận, 
Vẫn còn xa đường tới quê. 
Rừng che cơn mưa vừa tạnh, 
Gió đẩy con nước sắp về. 
Lửa sông rọi sáng bờ cát, 
Buồm mây chắn lối ra đê. 
Áo khách mặc nay đà mỏng, 
Khí lạnh bỗng đến tràn trề.


__________________

Tôi thích hai câu cuối, đọc được 2 câu này trong Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, dịch bằng 5 chữ hay hơn và sát hơn như thế này:

Áo khách nay đà mỏng
Khí lạnh bỗng về nhiều.

Bản tôi dịch phải bẻ vần cuối thành vần ê, vì không thể tìm được chữ nào có nghĩa là "xa" để dịch chữ diêu mà giữ vần iêu. 

Cặp đối "Rừng che/Gió đẩy" (Lâm tàng/Phong thoái) rất hay.


Khi đi trong trời lạnh, lúc nào cũng có cảm giác tê tái và cô đơn. Đây có thể là bài thơ làm trong một chuyến về quê lúc cuối năm, thời xưa hay thời nay đều có thể cảm được. Thuyền vào bến lúc ban chiều, đường về nhà vẫn còn dằng dặc. Mưa vừa mới tạnh, triều sắp sửa rút, lửa đã thắp sáng dọc bờ cát ở bến tàu, buồm căng chắn cả lối đi dưới chiếc cầu bắc qua cửa sông. Người thời nay không đi thuyền về quê nữa mà đi máy bay transit mấy chặng, vẫn có thể hiểu được cảm giác này. Bến thuyền cũng như cửa ra máy bay lúc nào cũng tấp nập, ồn ào, nhưng người về quê chỉ thấy được cảnh, thấy được "cơn mưa", "ánh lửa", "luồng gió". Người về quê kéo vội manh áo che người vì trời trở lạnh, hoặc ngược lại, nếu đi từ xứ lạnh về xứ nóng thì áo khách nay đà dày quá, bèn vội vã cởi nút ra mà thở.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Quằn quại cờ bay trong gió sương*

*Văn Cao

Rất nhiều lần tôi bắt đầu tự hỏi rằng tại sao tôi lại ở đây. Đằng trước là thác, đằng sau là thác, bốn bề là thác. Trên đầu là bão. Phía xa trên đỉnh núi là gió. Cờ quằn quại bay. Tôi nghĩ rằng chuyến đi này càng ngày càng khiến tôi bị mất đi cái tôi của mình. Mây mưa sấm chớp. Tôi cố gạt đi những hạt nước nhỏ đang bám lên kính. Tôi nghĩ về cái tôi đang dần dần tan biến của mình. Tan biến hay là đổi hình dạng? Đừng nhìn vào hố thẳm. Hố thẳm sẽ nhìn lại vào tôi. Đừng nhìn vào dòng thác. Dòng thác sẽ nhìn lại vào tôi. Một chị hai chị cũng như sen. Rơi nốt em trai dòng lệ sót. Không phải khuyên đâu, mà là rơi. Không có từ ngữ nào nữa để mà khuyên, để mà thốt lên. Chỉ còn lệ để mà rơi.

Tôi ngần ngừ nghĩ về chặng đường dài đã qua. Tôi nghĩ về chặng đường lên cao phía trước. Tôi gần đánh mất cái tôi của mình. Tôi nhìn vào hố thẳm quá lâu. Hố thẳm bắt đầu xem tôi như bạn. Bao nhiêu đêm thâu tôi vật vã. Biết mấy ngày dài tôi khóc than. Nơi đây lá giạt vương chân ngựa. Hươu chạy quay đầu theo ngó theo. Chặng đường dài tôi không giữ nổi mình. Thì ai giữ?

Thành Cai Hạ cháy rồi. Sở ca vang bốn bề rồi. Sao lại cho tôi quả địa tối chi? Bao giờ tôi gỡ cho xong?




Cái tôi của tôi rung lên từng đợt. Tôi quỳ xuống ôm choàng lấy nó. Tôi đang khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Khỏe mạnh nhất so với những ngày gần đây. Mây mưa sấm chớp. Mây mưa sấm chớp không làm gì được tôi. Nhưng cái tôi của tôi đã hy sinh cho tôi nhiều quá. Thác nước đã làm gì nó. Bão đã làm gì nó. Hố thẳm nhìn nó không nói lời nào.

Tôi biết nó thay đổi. Lúc nào nó cũng thay đổi. Bao nhiêu năm qua nó thay đổi. Hai mươi mấy năm ròng nó thay đổi. Tôi nhìn nó thay đổi đã quen như nhìn thu nguyệt xuân phong. Nhưng nó đang yếu dần. Thay đổi nhanh quá. Chóng mặt quá. Tôi cần vực nó dậy. Tôi cần nó đi cùng tôi.

Đi vào trong thác nước. Muốn đi tiếp cũng phải đi vào trong thác nước. Muốn quay trở về cũng phải đi vào trong thác nước. Hướng nào cũng là đường về nhà.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

...

Suddenly
I'm not half the man
I used
To be

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Điên đảo mộng tưởng

Tôi mới coi phim Little Buddha của Bertolucci xong. Thật ra tôi cứ nhớ lộn phim Kundun coi lúc hồi mới qua Thụy Sĩ là của Bertolucci nhưng thật ra phim này mới là của Bertolucci. Phim này có thể nói là xuống tay so với phim Vị hoàng đế cuối cùng, hai nhân vật ông bố bà mẹ xây dựng quá đơn giản, tự nhiên có mấy ông sư ở đâu ra qua nhà nói con ông bà là chuyển thân của thầy tụi tôi, vậy mà mặt vẫn trơ trơ ra, phản ứng kì cục. Tuyến truyện kia của Keanu Reeves đóng vai Tất Đạt Đa thì cũng chầm chậm, coi thấy giống kiểu cố tình làm cho giống mấy sách dạy giáo lý, nhưng quay đẹp hơn nhiều so với mấy phim cuộc đời Đức Phật này kia của Ấn Độ làm.

Thế nhưng xét các điểm trừ đó là xét ở khía cạnh điện ảnh, còn nếu xem từ khía cạnh một câu chuyện Phật giáo thì đúng là nó chầm chậm, bình tĩnh, không cần lên gân, nhẹ nhàng thoải mái. Rõ ràng là cố tình nhái kiểu kể chuyện của phim Phật. Và nói lại lần thứ hai: phim quay vẫn rất đẹp kiểu Bertolucci.

Tóm lại là dù xuống tay nhưng vẫn hay, và nhắc lại lần thứ ba là quay đẹp.

Có nhiều đoạn hay, nhất là đoạn thầy lạt ma Norbu ngồi thiền xong viên tịch, xong bóng thầy vẫn còn đâu đây, đọc Bát nhã tâm kinh bằng tiếng Anh và camera lia những thước phim rất đẹp. Các bạn có thể coi trên youtube có trích đoạn đó (thôi coi luôn ở đây đi, tôi cho vào đây để sau này tôi coi lại luôn cho tiện). Đoạn hay nhất là đoạn: vì không có gì để thành tựu, Bồ tát nương vào trí tuệ (bát nhã) tối thượng (ba la mật đa), tâm không còn sợ hãi, tâm không còn sợ hãi thì xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt tới Niết bàn.



Bài hát cuối phim vẫn là nhạc của Ryuichi Sakamoto. Lần này là Bát nhã tâm kinh bằng tiếng Phạn phối lại theo kiểu thanh nhạc phương Tây (rất là Baroque luôn).

Kính mời các cụ.



Để tôi đi cop lyrics về cho anh chị đọc
śāriputra: rūpaṃ śūnyatā śūnyataiva rūpaṃ 
(Xá lợi tử, sắc tức là không, không tức là sắc)
rūpān na pṛthak śūnyatā śunyatāyā na pṛthag rūpaṃ 
(Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc)
yad rūpaṃ sā śūnyatā; ya śūnyatā tad rūpaṃ 
(Cái gì sắc cũng đều là không, cái gì không cũng đều là sắc)
tadyathā: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā
(Vậy hãy đọc chú: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā)

Không biết sao nghe bài này tôi cứ nghĩ đến một bài khác, chắc nhạc Sakamoto có mấy chỗ giống. Nghĩ hoài vẫn không nhớ được bài khác kia tên là gì, chỉ nhớ giai điệu. Nghĩ thêm một lúc nữa, với sự trợ giúp của Soundhound thì Soundhound bảo là có thể bài này là bài Pavane chăng. A đúng rồi, Pavane, nhưng mà Soundhound bảo là Pavane của Fauré. Không phải, cũng từa tựa, tôi nghe chục nốt đầu là tôi đã biết rồi, pavane này cũng trong trí nhớ của tôi nhưng không phải pavane tôi đang cần tìm. Nhớ thêm một lúc nữa thì tôi nhớ ra đó là Pavane của Ravel. Tên đầy đủ là Điệu pavane cho một nàng công chúa đã qua đời, ôi giời ơi.

Mời quý anh quý chị nghe pavane do Seiji Ozawa chỉ huy, trên youtube có bản chuyển động nữa nhưng mà tiếng bé quá.





Tôi nói thật chứ vai Phật của Keanu Reeves trong phim này thì cũng tạm được thôi. Diễn viên hay nhất trong phim này là người đóng thầy lạt ma Norbu: ông Anh Nhược Thành (英若诚). Ông này từng đóng vai ông trưởng trại tù của Phổ Nghi trong phim Vị hoàng đế cuối cùng, sau bị cách mạng văn hóa đem ra đấu tố. Ông Anh là người Mãn Châu, bà nội lại còn thuộc tộc Ái Tân Giác La, vậy mà lên làm tới thứ trưởng bộ Văn hóa của TQ. Là cựu thứ trưởng mà không hiểu sao ông đóng được phim này, có nhắc tới sự kiện TQ xâm lược Tây Tạng.