Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Freshers' coming

Tôi đứng giặt tất trên tầng hai nhìn xuống từng đoàn xe hơi chạy vào Wessex Lane, thấy từng gia đình người Anh, cha, mẹ, tay xách, nách mang nào chăn gối, nào va li túi xách cho những đứa con vừa trưởng thành, đang bước vào cuộc sống mới của mình, cuộc sống gọi là "college". Rõ ràng ở nơi nào cũng thế, phương Tây hay phương Đông, cũng sẽ tới lúc những đấng sinh thành phải thả tay mình ra, để cho những đứa con lông cánh đã đủ vững có thể bay cao.

Rõ ràng ở nơi nào cũng thế, tôi cũng thấy những cái ôm chặt lúc chia tay. Rõ ràng ở nơi nào cũng thế, tôi cũng cảm nhận được những tình cảm khó nói nên lời, chỉ hiện rõ lên khuôn mặt của các bậc mẹ cha khi rời xa con mình.

Tuy thế, đối với những đứa con phương Tây này, những đứa mới lần đầu xa nhà này, tôi đều thấy chúng có vẻ gì đó khá trưởng thành. Chúng có vẻ tự hào lắm vì được bước vào cuộc sống tự lập.

______________________

Trong mấy ngày sinh viên bản xứ chưa đến, kí túc xá yên ắng và buồn tẻ. Đêm nay, đêm đầu tiên sinh viên đến đông đủ, Wessex Lane bỗng ồn ào lạ thường. Đã 10 giờ đêm rồi mà bọn nó vẫn bật nhạc nhảy múa.

Quán bar đã mở. Nhạc đã xập xình. Tôi không biết đó là của sinh viên cũ hay là những "người lớn nhỏ tuổi" vừa xa cha mẹ bước vào không gian đại học nữa.

______________________

May mà 10 giờ rưỡi nhạc đã tắt rồi.

Ở một kí túc xá đại học, nhất là phương Tây, chuyện đó cũng bình thường thôi. Vui mà. Ở Việt Nam cũng nhạc nhẽo ầm ĩ thế.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Một hành trình dài phía trước

Buổi tối trước ngày đi Olivine, Umbreon nói với tôi. Nó nói một cách hăng say và quyết liệt. Tôi chưa từng thấy Umbreon như thế bao giờ.

Nó nói về những điều nó tin tưởng, về những thứ nó cần phải làm, về những điều nó căm ghét.

Bóng tối bao phủ lấy nó như một vầng hào quang. Nó ở trong bóng tối mà còn sáng hơn những kẻ lò dò ngoài ánh mặt trời.

Tôi ở trong bóng tối nhưng tôi không làm trò bá đạo. Umbreon nói như thế.

Tôi sẽ đi trên con đường mà tôi cho là đúng. Sẽ có những thứ cố kéo tôi ra khỏi con đường ấy. Nhưng vì tôi ở trong bóng tối, chúng sẽ khó lòng mà kéo được tôi.

Những con hẻm ngập tràn bóng tối ùa đến, hết đợt này đến đợt khác, như những ân điển dào dạt, những luồng khí ào ạt cuốn đi những hạt bụi lửng lơ. Ánh trăng sẽ lu mờ vì chưng những vệt sáng trên người Umbreon đang rực rỡ trong bóng tối.

Thôi thì chúng ta sẽ đi, Umbreon ạ. Chúng ta sẽ đi cùng nhau.

Bởi vì phía trước sẽ là một hành trình dài.



Sáng hôm sau, Espeon nói: Chúng ta sẽ tới Olivine đầu tiên.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Chúng ta không có gì phải ganh tị với thế giới


[...]Mục tiêu của Kim Nhật Thành không đơn giản chỉ nhằm xây dựng một đất nước mới; ông muốn xây dựng nên một dân tộc tốt hơn, định hình lại bản chất nhân dân.Vì mục đích đó, ông dựng nên một học thuyết, juche, chủ thể. Học thuyết juche dựa trên quan điểm của Marx và Lenin về đấu tranh giữa chủ đất và nông dân nghèo, giữa người giàu và người nghèo. Học thuyết đơn giản tuyên bố rằng chính con người, không phải một vị Chúa nào, mới là người quyết định số phận của chính họ. Nhưng Kim Nhật Thành gạt bỏ mọi giáo điều của chủ nghĩa Cộng sản truyền thống về thế giới đại đồng. Ông là một người Triều Tiên dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Ông nói với nhân dân Triều Tiên rằng họ là một dân tộc đặc biệt - gần như là một dân tộc được lựa chọn - và rằng họ không cần phải dựa dẫm vào những người láng giềng hùng mạnh nào nữa, Trung Quốc, Nhật hay Nga. Nam Triều Tiên là một nỗi ô nhục vì họ đang dựa dẫm vào người Mỹ. "Thực hành chủ nghĩa juche, nói ngắn gọn, nghĩa là trở thành chủ thể của cuộc cách mạng và tái thiết đất nước của chính mình. Điều này nghĩa là gắn chặt với một tư thế độc lập, bác bỏ mọi sự phụ thuộc vào các nước khác, sử dụng chính khối óc của mình, tin vào chính sức mạnh của mình, thể hiện một tinh thần tự chủ cách mạng," ông đã trình bày chi tiết như thế trong nhiều luận thuyết của mình. Thật sự những phát ngôn trên đúng là rất có sức quyến rũ đối với một dân tộc đầy kiêu hãnh nhưng bị ngoại bang chà đạp lên phẩm giá của họ đã hàng trăm năm nay.

Ngay khi nắm quyền, Kim Nhật Thành đã dùng những tư tưởng từ thời còn là một người kháng chiến chống Nhật này để đưa lên thành một công cụ điều khiển xã hội. Ông nói với người Bắc Hàn rằng sức mạnh của họ, của loài người được tạo ra khi cộng gộp tất cả ý chí cá nhân thành chí ý của tập thể. Tập thể dù muốn hay không cũng không thể làm theo bất kì điều gì nhân dân muốn thông qua một quy trình dân chủ. Nhân dân phải tuân theo một lãnh tụ tuyệt đối và tối cao vô điều kiện. Lãnh tụ vĩ đại ấy, dĩ nhiên không ai khác ngoài Kim Nhật Thành.

Và như thế vẫn còn chưa đủ, Kim Nhật Thành muốn có cả tình yêu thương. Những bức tranh tường với màu sắc sống động vẽ ông vây quanh bởi các thiếu nhi má hồng nhìn lên ông với lòng kính ngưỡng còn ông thì nhìn xuống các em với nụ cười rộng và trắng tinh. Đồ chơi và xe đạp tràn ngập trong khung cảnh đằng sau các bức họa - Kim Nhật Thành không muốn làm Joseph Stalin; ông muốn làm ông già Noel. Đôi má lúm đồng tiền làm cho hình ảnh của ông hiện lên dễ thương hơn so với các nhà độc tài khác. Ông đã được xem như một người cha, trong một ngữ cảnh đầy tính chất Khổng giáo đòi hỏi sự kính trọng và tình yêu. Ông muốn được người người nhà nhà Triều Tiên yêu mến như máu thịt của họ. Thứ chủ nghĩa Cộng sản Nho giáo này có nhiều nét tương đồng với văn hóa đế quốc của Nhật Bản, nơi mà hoàng đế là mặt trời để cho mọi thứ đều phải cúi đầu, hơn là những điều được Karl Marx hình dung về một xã hội Cộng sản.

Những nhà độc tài đều giống nhau ở một mức độ nào đó. Từ Liên Xô của Stalin tới Trung Quốc của Mao, từ Ceauşescu của Romania tới Saddam Hussein của Iraq, các chế độ này đều có những thứ giống nhau: đều có những bức tượng lù lù ở mọi quảng trường thành phố, đều có các bức chân dung treo ở mọi phòng ban, đều có đồng hồ đeo tay in hình lãnh tụ trên mặt số. Nhưng Kim Nhật Thành đã đưa sự sùng bái cá nhân lên một tầm cao hơn. Điều khiến ông khác biệt so với những nhà độc tài khác nằm ở tài giữ vững sức mạnh của lòng tin. Kim Nhật Thành hiễu rõ quyền lực của tôn giáo. Cậu của ông từng là một giáo sĩ Kháng cách trong những năm trước khi chủ nghĩa Cộng sản lên nắm quyền, khi mà Bình Nhưỡng còn là một cộng đồng đạo Cơ Đốc lớn, từng được mệnh danh là "Jerusalem của phương Đông". Khi lên nắm quyền, Kim Nhật Thành đã đóng cửa nhà thờ, cấm Kinh Thánh, trục xuất các tín đồ về các miền quê và sử dụng các hình ảnh cũng như tín điều Cơ Đốc cho việc quảng bá bản thân.

Các phát thanh viên nói về Kim Nhật Thành hay Kim Chính Nhật không ngừng nghỉ, y như những nhà truyền đạo Ngũ Tuần (1 nhánh của đạo Tin Lành). Báo chí Bắc Triều Tiên viết về những câu chuyện rất mực siêu nhiên. Bão tố ầm ầm trên biển bỗng dưng yên ả khi thủy thủ đang bám víu lấy con tàu chìm hát lên bài ca ca ngợi chủ tịch Kim Nhật Thành. Khi chủ tịch Kim Nhật Thành đi vào vùng phi quân sự bán đảo Triều Tiên, một làn sương kì ảo đã bao quanh lấy ông nhằm bảo vệ ông khỏi những tay súng bắn tỉa đang ẩn nấp của Nam Hàn. Ông có thể làm cây nở hoa và làm tuyết tan chảy. Nếu Kim Nhật Thành là Chúa cha, thì Kim Chính Nhật là Chúa con. Như Chúa Giê-su, sự ra đời của Kim Chính Nhật đã được báo trước bằng những ngôi sao trên trời và có kèm sự xuất hiện của một cầu vồng đôi rực rỡ. Một con chim én đã xà xuống từ trời để hát vang trong ngày sinh nhật của "vị đại tướng sẽ thống lĩnh thế giới".

Chúng ta có thể cười cợt vì những trò tuyên truyền quá lố và sự cả tin của người dân Bắc Triều Tiên, nhưng hãy nghĩ rằng họ được truyền đạo như thế từ khi còn ẵm ngửa, suốt mười bốn tiếng đồng hồ một ngày trong nhà trẻ của các xí nghiệp; nghĩ rằng trong suốt năm mươi năm, mọi bài hát, phim, báo chí, panô quảng cáo đều được thiết kế để thánh hóa Kim Nhật Thành; nghĩ rằng đất nước đó đã bị đóng cửa kín mít khỏi mọi thứ gây nên bất cứ một nỗi nghi hoặc nào về tính thần thánh của chủ tịch Kim. Ai có thể chống lại điều đó?



Năm 1972, kỉ niệm 60 năm ngày thành lập, một cột mốc quan trọng của Triều Tiên, Đảng Lao Động phát hành huy hiệu Kim Nhật Thành. Trước đó rất lâu, toàn bộ nhân dân được yêu cầu phải đeo trên ngực trái, bên trên trái tim. Trong nhà bà Song, cũng như nhà nhiều người khác, một bức chân dung chủ tịch Kim Nhật Thành đóng khung được treo trên bức tường trống trơn. Người dân không được phép treo bất kì thứ gì khác lên bức tường đó, kể cả ảnh của người thân họ hàng. Chủ tịch Kim Nhật Thành là gia đình của bạn - ít nhất cho tới thập niên 80, khi chân dung Kim Chính Nhật, thư kí Đảng Lao Động, được treo cùng với người cha. Sau cùng thì thêm một bức chân dung thứ ba, gồm cả người cha lẫn người con. Báo chí Bắc Triều Tiên thích đăng những truyện kể nhân dân về các công dân anh hùng đã hy sinh thân mình đưa bức chân dung khỏi ngọn lửa hay khỏi dòng nước lũ. Đảng Lao Động phân phát chân dung miễn phí, kèm theo một mảnh vải trắng đặt trong một cái hộp bên dưới. Mảnh vải chỉ được dùng để lau chùi bức chân dung. Điều này đặc biệt quan trọng trong mùa mưa, khi nấm mốc có thể chui xuống bên dưới mặt kính. Khoảng một lần mỗi tháng, thanh tra của Bộ Chuẩn mực Công cộng sẽ ghé vào từng nhà để kiểm tra các bức chân dung.
[...]

(Nothing to envy - Barbara Demick - chương 3: Những người tin tưởng)

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Giản dị như bài ca.


“The Ants Dream!” by Rakesh Rock


Bài 16 - tập Người làm vườn (The Gardener) - Rabindranath Tagore

Tay chặt trong tay và mắt dõi tìm trong mắt: như thế, lần đầu tiên tim ta nhận thấy nhau. Trong một đêm tháng ba ánh trăng rực rỡ, ngọt ngào trong không gian thứ chất thơm của làn da và mái tóc, cây sáo của tôi bỏ quên nằm trên đất và vòng hoa em kết vẫn còn dang dở. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca. 


Mắt tôi đắm say trong tấm khăn của em màu vàng nghệ thắm. 
Vòng hoa nhài em kết làm tim tôi rộn rã như một lời ngợi ca. 
Đó là trò chơi cho đi rồi lại giữ lại, hé mở rồi lại đậy che; có cả nụ cười mỉm lẫn nỗi thẹn thùng, và cả cơn tranh giành dớ dẩn vui say. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca. 


Không một bí ẩn bên ngoài hiện tại, không một cố gắng đạt điều bất khả, không một bóng tối bao trùm nét quyến rũ, không phải dò dẫm đi trong sâu thẳm đêm đen. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca. 


Chúng ta không để du ngôn lạc lối nơi lặng im vĩnh hằng; không với tay tới hư không nơi vô vọng. 
Cho và nhận thế là đã đủ. 
Chúng ta không vắt kiệt niềm hoan lạc thành chất rượu khổ đau. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.

______________
Bài này tui dịch lần đầu là ngày 1/9 năm 2008, là đúng 3 năm trước. Tự nhiên thấy có người search google bài này rồi vào blog tui, làm tui chợt nhớ, xem lại thì đúng đã hơn 3 năm trôi qua từ hồi tui mày mò dịch thơ Tagore.

Bản dịch lần này đã có chỉnh sửa. "Tình yêu của chúng ta" đổi thành "Tình yêu giữa chúng ta", phải có lý do gì đó thì Tagore mới viết "The love between you and me" chứ không viết "The love of yours and mine" hay là "The love of ours", hay đại loại vậy. Cũng có chỉnh sửa thêm một số từ.
______________