Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Nghệ thuật Vị lai - Leonard Shlain

Khỏa thân đi xuống cầu thang, số 2  (Nu descendant un escalier n° 2) - Marcel Duchamp

(trích trong "Nghệ thuật và Vật lý - những cái nhìn tương đồng về không gian và thời gian và ánh sáng, chương  15 "Trường phái Vị lai / Thời gian", tác giả Leonard Shlain; Phạm Văn Thiều, Trần Mạnh Hà dịch, NXB Tri thức, 2010)  

[...]
Sau khi tuyên bố kết thúc mối bận tâm của nhân loại với mọi thứ đã qua, những nghệ sĩ Vị lai đặt ra cho mình cái nhiệm vụ nghệ thuật làm nản lòng người khác là không những chỉ phá hủy lịch sử tập thể, mà còn đập nát kí ức cá nhân. Marinetti lớn tiếng đầy vẻ cà khịa: "Phải khinh bị mọi hình thức bắt chước. Tất cả chủ đề trước đây đã dùng rồi phải vứt bỏ hết đi. Những gì là chân lí đối với họa sĩ của ngày hôm qua sẽ là sự giả dối đối với họa sĩ của ngày hôm nay." Ông xỉ vả các tác phẩm mĩ thuật cổ, sự tôn trong di sản, việc sao chép mù quáng ý tưởng từ các truyền thống của quá khứ. Phong trào của Marinetti trở nên nổi tiếng ở Italia đến nỗi trong một thời gian, trẻ con thôi không chơi trò cao bồi và thổ dân da đỏ nữa mà chuyển sang đóng vai người theo trường phái Vị lai.

Bản tuyên ngôn Vị lai mang nợ rất nhiều từ nghệ thuật Ấn tượng của Monet. Giống như Marinetti, Monet không dùng gì đến quá khứ. Ông cảm thấy rằng nếu cố tái tạo lại trong xưởng vẽ những hình ảnh mà mình đã thầm ghi lại trong đầu lúc ở ngoài trời, thì trí nhớ của ông có thể đánh lừa ông để vẽ ra một cái gì đó khác. Chính vì thế, Monet chuyển các "ấn tượng" của mình trực tiếp ngay lên nền vải, không có sự can thiệp mang tính biên tập của nghĩ ngợi lại sau đó. Bằng cach này, Monet chỉ tập trung vào hiện tại. Ông đã cố bắt giữ khoảnh khắc chớp lòe của cái bây giờ; và bây giờ chính là cái được bảo lưu trong tác phẩm của người họa sĩ Ấn tượng vĩ đại này.

Được tiếp thêm can đảm bởi Monet, các nghệ sĩ Vị lai còn hăng hơn cả ông một bậc, họ lao vọt từ hiện tại lên tới tương lai. Họ yêu cầu nghệ sĩ phải miêu tả cái chưa xảy ra, bằng cách tích hợp khái niệm về chuyển động lên trên nền vải tĩnh. Đối với những họa sĩ làm việc trong những giới hạn của một thời khắc đã đóng băng lại, vốn là đặc trưng của nghệ thuật phương Tây kể từ thời Giotto trở đi, thì việc phá vỡ sự bất động không khoan nhượng của lớp màu đã đông cứng trên nền vải khô là một thách thức bất khả thi. Nhưng vài năm sau khi bản tuyên ngôn ra đời, các họa sĩ Vị lai phát hiện ra rằng họ có thể kéo tương lai về hiện tại bằng cách thể hiện một chuỗi các khoảnh khắc riêng rẽ đã đông cứng lại trên cùng một nền vải. Đặt chồng lên nhau một chuỗi những khoảnh khắc riêng biệt của thời gian và bóp chặt chúng lại trong một tác phẩm, các họa sĩ Vị lai đã thành công trong việc đẩy nhanh tốc độ diễn ra của cả chuỗi thời gian. Ý tưởng này không phải là đặc sản của trường phái Vị lai. Các họa sĩ Vị lai đã công nhiên ăn cắp quan niệm này từ phương pháp dựng ảnh chuỗi mang tính đột phá của Eaweard Muybridge [sic] và Jules-Étienne Marey. Sáng tạo của các họa sĩ Vị lai là ở chỗ họ đã chuyển ý tưởng chụp ảnh theo thời gian thành việc vẽ ra bằng màu sắc, và làm như vâỵ họ đã đưa ra một cách thức mới để nhìn thời gian, hệt như những họa sĩ Lập thể đã chồng chất đa tầng các phối cảnh khác nhau vào trong một tác phẩm và làm như vậy, họ đã phát minh ra một cách thức mới để hình dung không gian.


[sic]: bản tiếng Việt in sai, tên ông này chính xác là Eadweard Muybridge.
_________________________


Một cuốn sách tuyệt vời về nghệ thuật. Tui mới đọc tới đầu chương 15, Vị lai thôi, đọc đoạn này từ nhiên muốn chia sẻ.

[sic] là thuật ngữ tiếng Latin, nghĩa là [như vậy], dùng để đặt sau những trích dẫn nguyên văn, đánh dấu những lỗi sai về chánh tả, ngữ pháp, dùng từ.

Xem ra, cái mớ ảnh cinemagraph này (kenh14 cũng có này, nếu ghiền có thể coi thêm ở đây hay blog của Jamie Beck luôn) cũng là một cách nhìn nữa về Futurism.

cinemagraph của Jamie Beck

Sẽ có thể có review về quyển này, sau khi đọc xong. Có thể thôi, chưa biết được, tất cả đều vị lai mà. Dù sao, có review hay không, đây cũng là một quyển sách nghệ thuật tuyệt vời nhất mình từng đọc.

1 nhận xét: