Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Hanna

Dream, how i dream to feel...
(Hanna's theme - Vocal version)

Có vẻ như mùa xem phim của tôi đến sớm hơn dự kiến, bắt đầu từ lúc tôi vẫn còn đang chuẩn bị thi đại học. Khi không đi học thêm, tôi ở nhà hầu như chỉ làm một trong ba việc: đọc sách, xem phim và học bài.

Đọc sách là chuyện tôi làm thường nhật. Xem phim ở đây có nghĩa là ngôi dán mắt vào tivi hoặc laptop xem một bộ phim, không tính xem hoạt hình hay ba cái phim hài trên Disney.

Tôi đi xem Hanna tuần vừa rồi với 2 đứa bạn cũ, Đình Nguyên và Hà, gần một năm rồi không gặp.

_____________________


Hanna là một phim thú vị. Tôi đi xem Hanna là vì có Cate Blanchett và Eric Bana, cũng để xem cái bạn  Saoirse Ronan (nhân tiện, tôi không biết đọc tên bạn này thế nào cả, wiki phiên âm là [ˈsˠiːɾˠʃə] mà tôi thì không rành phiên âm IPA tiếng Irish, thấy nó còn bảo đọc là seer-shə) diễn ra sao, sau khi xem Atonement không mấy ấn tượng và The Lovely bones thì mới xem có 10 phút. Sau khi thấy fb anh Hoài ghi bạn này lạnh lùng như Natalie Portman hồi xưa thì tôi lại càng thôi thúc phải đi xem.

Hanna có âm nhạc hay, tôi ấn tượng nhất với phim này ở mảng âm nhạc. Chemical Brothers làm phần nhạc khiến tôi thực sự có cảm giác giải trí khi xem phim. Đoạn Hanna đào thoát khỏi căn cứ CIA, âm nhạc kết hợp với những góc quay nhanh, ánh sáng chớp tắt tạo nên một không khí nhanh, hồi hộp, nhưng cũng tạo cho tôi thấy một sự tự tin và một cảm giác chắc mẻm là thế nào em này cũng thoát được thành công. Đó là bản Escape Wavefold trong soundtrack.




Một bài khác cũng khiến tôi ấn tượng, đó là bản Container Park, với phần giai điệu đều đều, xuyên suốt cả bộ phim. Chắc chắn với tôi, bản nhạc làm nên ấn tượng cả một bộ phim Hanna sẽ là giai điệu của Container Park, mỗi lần nghe lại, tôi sẽ nhận ra, "Đây đích thị là nhạc Hanna!". Quên, nói đến nhạc ấn tượng, tôi cũng phải kể luôn bản nhạc theme music cuối phim nữa.

Còn bản nhạc tôi nhớ mãi, không thể nào quên được đó là The Devil is in The Details, giai điệu rất ư là catchy gắn liền với tên sát thủ Isaacs (Tom Hollander). Isaacs là vai diễn có thể nói gây thích thú nhất cho khán giả, tên sát thủ "lưỡng tính" này lúc thì mặc quần đùi bó sát tông xuyệc tông với áo thun trắng, lúc thì chơi nguyên bộ đồ thể thao trùm kín người vàng khè, miệng cứ cười cười, đi lại ngông nghênh, lúc nào cùng huýt sáo giai điệu The Devil is in The Details trong vũ trường nhảy thoát y của hắn. Tôi nghe đi nghe lại bài này với cùng một niềm vui, thuần khiết, huýt sáo nữa. Giai điệu vui tươi, đọc những comment trên youtube cũng thấy rất vui:


My mum is even singing it :)

Điều tôi khoái nhất hôm nay đó là cuối cùng sau gần một tiếng google tôi cũng tìm ra được tên bản nhạc cổ điển mà Knepfler bật cho Hanna nghe ở Ngôi nhà của Wilhelm Grimm, bản này không có trong đĩa Original Soundtrack. Giai điệu nghe rất quen thuộc, tôi nhận ra ngay lập tức là nhạc trong phim Mickey hay Donald gì đó của Disney, tưởng google một phát sẽ ra ngay nhưng bước vào thực hành mới thấy khó khăn. Tôi phải ngồi vắt óc ra nhớ xem đó chính xác là bộ phim gì, youtube để nghe thử, rồi tra cứu nhạc trong đó là bài gì, cuối cùng cũng tìm ra đó là bản ‪In the Hall of the Mountain King trong tổ khúc giao hưởng Peer Gynt của Grieg‬‏, bộ phim lồng nhạc bản này vào là Donald's Halloween Scare chiếu trong House of Villans. Coi như cũng là một chiến công google.

Đó là về phần nhạc. Về phần nội dung (chú ý, ai muốn xem phim thì đừng đọc phần này, spoiler bắt đầu), phải nói tôi xem phim này một phần nữa cũng để xem nó khác Léon, the Professional (bộ phim lần đầu tiên tạo nên tên tuổi Natalie Portman) ra sao (chắc chắn nhiều người khác đã từng xem Léon rồi cũng sẽ có suy nghĩ như tôi). Cả hai bộ phim đều kể hai câu chuyện về hai cô bé sát thủ, ở hoàn cảnh khác nhau, tính nết khác nhau, mục đích khác nhau. Léon của Luc Besson là một bộ phim về tình yêu, còn Hanna của Joe Wright, ngược lại, là một bộ phim về sự thiếu vắng tình yêu. Cô bé Mathilda trong Léon muốn trở thành sát thủ để trả thù cho đứa em trai (cả gia đình cô bé bị một băng xã hội đen giết, nhưng em chỉ thương mỗi đứa em trai thôi). Còn Hanna từ trước khi sinh ra đã được định sẵn số mệnh của mình sẽ là một chiến binh hạng nhất (thay đổi DNA, giảm xúc cảm, sự sợ hãi, tăng sức mạnh cơ bắp, ...). Nếu như Mathilda mới 13 tuổi mà hành sự y hệt người trưởng thành, lại còn có cả tình cảm với Léon thì Hanna 16 tuổi nhưng ngây ngô hoàn toàn không biết gì về cuộc đời ngoài những kiến thức cha dạy từ cuốn bách khoa, lại lạnh lùng như một cái máy, đến khi phát hiện ra Erik (Eric Bana) người nuôi nấng, bảo bọc, huấn luyện mình suốt 16 năm trời không phải cha ruột mình, lại che dấu mình một bí mật khủng khiếp, trong khi tôi chờ đợi một sự thông cảm, một cái ôm chẳng hạn, thì bộ phim lại cứ lạnh lùng trôi đi.

Nói chơi một chút, tôi cũng phát hiện ra một điều, trong khi Eric Bana huấn luyện Saoirse Ronan làm sát thủ, dạy đủ các ngón nghề, đồ chơi, nhưng thiếu một món sát thủ nào cũng xài, đó là bắn súng nhắm (sniper ấy), khác xa với khi Natalie Portman khi được Jean Reno đào tạo được dạy bắn súng nhắm kỹ càng. Trong phim, cũng chẳng bao giờ Hanna đụng tới cây súng nhắm, chủ yếu dùng tay không, ít khi đụng tới cả súng lục và dao. Có lẽ đây chỉ là một ý nhấn mạnh về bản năng sát thủ bẩm sinh trong DNA của Hanna mà thôi.

Tôi vẫn đang suy nghĩ về sự liên quan giữa truyện cổ của anh em Grimm đối với câu chuyện về Hanna. Anh em nhà Grimm làm gì trong bộ phim này? Hanna không phải hoàn toàn vô cảm, khi nghe kể chuyện về Laika, em cũng muốn cha mình thay đổi cái kết, đừng đọc cho em nghe cái kết là Laika bị mặc định là sẽ hy sinh trên quỹ đạo. Trách Hanna được chăng khi em cũng chỉ là một sát thủ ngây thơ, một chiến binh bẩm sinh, sinh ra đã bị mặc định là phải như thế. Ai từng đọc truyện cổ do hai anh em học giả Grimm sưu tầm chắc hẳn sẽ thấy phong vị khác hẳn với truyện cổ sáng tác của Andersen. Truyện cổ Grimm không hoàn toàn nhân văn như Cô bé bán diêm hay Chú lính chì dũng cảm của Andersen, nó u ám, bí hiểm, tuy đã được hai anh em Grimm "hiền hóa" để thích hợp hơn với trẻ em, nhưng nó vẫn toát lên cái vẻ gì đó tăm tối. Sao lại có chuyện cha mẹ mang con vào rừng bỏ mặc cho thú dữ ăn thịt như trong Hansel và Gretel, rồi cảnh Hansel và Gretel giết mụ phù thủy bằng cách nhốt mụ vào lò, chẳng phải độc ác quá sao. Hay là đọc Rumpelstilskin xong, truyện tên người lùn giúp cô gái quay được sợi rơm vàng để rồi trở thành hoàng hậu với điều kiện phải cho hắn đứa con đầu lòng, sau khi cô sinh đứa con đầu lòng, hắn tới đòi, cô lấy hết tài sản ra để đưa thay đứa con nhưng hắn không chịu, cuối cùng hai người thỏa thuận là trong 3 ngày, cô phải tìm ra tên của hắn thì hắn sẽ bỏ qua lời hứa năm xưa, thật vậy, đọc trong truyện đó, tôi không biết phải thương ai bây giờ, tên người lùn bị chơi xỏ hay là người mẹ thất hứa vì thương con...

Ôi, dám từ phim Hanna, tôi lại đâm ra khoái truyện cổ Grimm nữa rồi, thể nào cũng sẽ ngồi đọc lại.

Nói chung, Hanna được nhiều nhà phê bình, báo chí này nọ ở phương Tây ví như một món quà tặng cho anh em nhà Grimm, vì chưng Hanna thực sự là một câu chuyện cổ tích u ám thời hiện đại.

Tôi chợt nghĩ, tại sao đã làm chiến binh, làm sát thủ, sao không can thiệp sinh học để tạo ra một sát thủ con trai luôn, mắc mớ gì phải ra một cô gái, nam giới thì chắc chắn sức mạnh cơ bắp sẽ tốt hơn rồi. Rồi tôi tự trả lời mình, có thế mới làm được phim, chuyện một đứa con trai được nuôi dạy để rồi trở thành sát thủ, ai mà thèm xem. Cũng có khi nếu làm một bộ phim như vậy, phim đó sẽ không chỉ thiếu vắng tình yêu và cảm xúc mà phải nói là hoàn toàn vô cảm, tên sát thủ đó sẽ y như một cỗ máy giết người vậy. Achilles thể hiện trong Troy và cả Illad là một chiến thần, nhưng cũng là một con người, cũng chết, cũng yêu Brissey, một con robot dọn rác như WALL-E dù sao khi khoa học phát triển đến một mức nào đó cũng có thể yêu EVE; nhưng một cái máy giết người thì hoàn toàn khác.



Hanna là một phim không nhiều ý nghĩa, nhưng gợi nhiều suy nghĩ, và trên hết là một phim giải trí, với âm nhạc tuyệt vời. Tôi hy vọng sẽ được nghe lại nhạc của Hanna vào Oscar năm sau.


Đoạn kết:
Tôi chỉ bắn trượt tim bà thôi.
Bùm
HANNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét