Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Chỉ có một điều mãi mãi xanh tươi

Bạn ạ, mọi lý thuyết đều màu xám,
Chỉ có cây đời là mãi xanh tươi.
(Faust - Goethe)

Mephistopheles đã nói với Faust như thế.



Nói thật, sau khi xem The tree of life (Cây đời) của Terrence Malick, được Cành Cọ Vàng ở Cannes 2011, tui không hiểu mấy. Còn mệt nữa. Nhưng từ đó mới nghiệm kĩ thêm được cái lẽ, khi xem phim, thưởng tranh hay đọc sách, đừng tự hỏi mình rằng mình có hiểu không, mình có thực sự hiểu hay không. Cái xu hướng hiện giờ của giới văn nghệ sĩ là viết (vẽ, quay,...) sao cho khán giả khó hiểu nhất có thế, với thủ pháp đa nghĩa hóa, mù mờ hóa, biểu tượng hóa, siêu thực hóa và nhiều thứ xyz hóa khác mà các bạn trẻ trên mạng (hiểu rộng biết nhiều) dùng một thuật ngữ rất chung chung hóa là "tỏ ra nguy hiểm".

Chính từ việc tồn tại nhiều tác phẩm nghệ thuật bây giờ khó hiểu như vậy, phải chăng nên đặt ra một cách tiếp cận nghệ thuật khác: tự hỏi rằng mình có học được gì không, có trải nghiệm được cảm giác hay tri thức nào không. Đối với tôi, khi xem Cây đời, thì câu trả lời là có. Mặc dầu cái việc nhận ra rằng mình đang xem hồi kí của ông đạo diễn khiến tui phần nào không khoái cho lắm, nhưng mà nhạc và phần hình ảnh thực sự làm tui mê tít.

Nghe những nốt nhạc mở đầu từ giao hưởng Má Vlast (Tổ quốc tôi) của Smetana khiến tui sửng sốt. Sáng nay vừa nói chuyện với Cường Quốc về Smetana và Dvorak, về Má Vlast thì chiều nay, thiệt là bất ngờ, lại được nghe trong Cây đời. Vậy thôi, bất ngờ làm nên sự mê tít đầu tiên.

Tiếp theo, bản làm tui mê nhứt chính là bản Lacrimosa trong Requiem for My friend (Bản cầu hồn cho bạn của tôi) của Zbigniew Preisner. Requiem là thể loại nhạc chơi trong thánh lễ cầu hồn trong Công giáo. Lacrimosa trong tiếng Latin bắt nguồn từ Lacrima là giọt nước mắt, Lacrimosa là việc khóc, danh từ giống cái, Lacrimosa là một chương trong thể loại Requiem, từ Mozart, Belioz, Verdi tới nhiều nhà soạn nhạc khác đều có Lacrimosa trong Requiem của mình. Lacrimosa của Preisner theo đúng truyền thống, hát những ca từ Latin theo đúng bài ca trong lễ cầu hồn, nhưng chữ Lacrimosa được lặp đi lặp lại, cho tới tận cao trào. Thực sự nếu đứng trong một lễ cầu hồn, nghe đi nghe lại câu "Khóc đí! Khóc đi!" dộng vào tai như vậy, hẳn tui sẽ khóc thật, nhưng ngồi trong rạp chiếu phim, lúc đó lại chẳng hiểu Lacrimosa là gì, thậm chí còn không biết cái từ mà cái bà đang hát đọc như thế nào, thì tui không thể khóc được, nhưng mà âm nhạc và cái từ lặp đi lặp lại đó, cùng với hình ảnh rộng làm tui rất choáng ngợp. Chỉ một điều tui hơi băn khoăn, tại sao Lacrimosa lại là nhạc nền cho đoạn phim nói về sự hình thành vũ trụ? Nhạc nền cho cảnh thiên thạch rơi xuống trái đất, tiêu diệt khủng long thì còn dễ hiểu, chứ nhạc nền trên hình ảnh các tinh vân, những lò luyện sao, nơi tạo ra các nguyên tố nặng cho vũ trụ thì quả là khó nhằn. Chúng ta nhìn vào, như lời sách Job trích ở đầu phim, nhìn vào thời khắc Người tạo ra Trái đất, "khi những ngôi sao mai hòa ca, và tất cả con của Chúa Trời cùng hét lên trong niềm vui sướng", chúng ta khóc gì ở đây? Khóc trong niềm vui sướng? Hay khóc trong nỗi luyến tiếc, tự nghiệm lại câu hỏi mà Chúa trời đã hỏi ông Job, "Ngươi đã ở đâu lúc ta tạo ra Trái đất?".


Bản Lacrimosa và hình ảnh trong The Tree of Life (tuy nhiên hình nền đằng sau không theo thứ tự trong phim, người up đoạn phim này lên youtube đã chỉnh lại một tí để tránh bị dính bản quyền này nọ). Xem tham khảo.

Chuyện tui thấy khó hiểu nhất trong những cảnh phim khó hiểu, đầy tính trừu tượng của Malick đó là cảnh 2 con khủng long bên bờ suối. Nói ra vậy nghe chừng có vẻ thơ mộng đối với bạn nào chưa xem phim, nhưng mà thiệt ra cảnh này hổng có gì hết, một con khủng long đang nằm, một con khác bỗng dưng đâu ra chạy lại, đạp lên đầu con này, ngó ngó, chừng 30 giây, rồi bỏ chạy đi. Tui thiết nghĩ hồi kí của ông đạo diễn nầy phải chăng dính dáng gì tới khủng long hay trong một phút nhất thời, quay qua nói với thằng Nguyên ngồi bên cạnh, chắc lát nữa người ta vô xin lỗi vì chiếu lộn phim Công viên kỷ Jura. Hay là phải chăng ông đạo diễn, cựu triết gia đang chơi trò siêu thực? Tui hổng biết được. Đoạn này vậy mà cũng tới một phút mấy.

Nội dung phim thì thôi, tui không nói lại, vì mấy bạn nào tò mò thì tốt nhất nên coi phim, mặc dù không hiểu, nhưng cũng sẽ ít nhất biết được phim này kể cái chuyện gì, đại loại là chuyện một gia đình, có thằng con, ở với ba với má, xung đột, này kia, sau này ông con già, nhớ lại hồi nhỏ. Tui kể vậy thôi, báo trước là tui đã tầm thường hóa nội dung bộ phim đi rồi đó, mấy bạn tò mò hơn nữa thì nên lên Tuổi Trẻ đọc bài review của Phan Xinê hay lên www.phanxineblog.com đọc.

Siêu thực trong phim lên tới đỉnh điểm ở đoạn cuối, khi ông kép chánh, sau khi nhớ lại no nê, được ông đạo diễn cho bước ra bãi biển trắng phau, gặp lại chính mình hồi nhỏ, gặp lại ba, lại má, lại hai đứa em, rồi nhiều thước phim tâm linh khác diễn ra. Tui chợt thoáng nghĩ đến cảnh kết thúc, ông này bước ra giữa thành phố đầy nhà chọc trời, gặp lại con khủng long đã (vô cớ?) xuất hiện ở đoạn đầu, rồi hết phim; nhưng thiệt may, hổng có cái cảnh nhảm nhí đó.

Phim kết thúc (theo như tui nhớ, vì lúc đó mệt rồi, siêu thực nhiều quá cũng mệt) bằng cảnh một cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, rồi nhè nhẹ chuyển qua cảnh một ngôi nhà gỗ, nằm trên cánh đồng hoa poppy như trong tranh Monet ấy. Rồi từ từ đen thui.

Trong phim, khi Jack, đứa con, được sinh ra, có một cảnh quay rất đẹp: người cha (Brad Pitt) đã cuối xuống chụm hai tay đỡ lấy bàn chân con mình, hệt như đang vun một cái cây. Rồi người cha đã trồng một cái cây trước sân nhà, người mẹ đã nói, "Con sẽ trưởng thành nhanh hơn cái cây này cao lớn".

Cuộc đời một chàng trai, sinh ra trong tình thương, lớn lên trong tình thương, nhưng rồi dần đánh mất sự ngây thơ vì sự khắc nghiệt của người cha, thương yêu con nhưng muốn con thành một người đàn ông mạnh mẽ: "hứa với cha là con đừng giống cha", chàng trai hỏi mẹ, "Làm sao con có lại được sự ngây thơ như hai đứa em", dồn nén mình trong phức cảm Oedipus, trong sự thù ghét người cha ở tuổi dậy thì, chứng kiến nỗi đau khổ của mẹ trước nỗi đau mất đi người em thứ hai, mắc kẹt trong những lời mặc cả với một đấng tối cao vô hình, Người đã ở đâu, chúng con là gì với Người, Người có đang nhìn con không, sao Người lại để một thằng bé chết, rồi từ từ nhận ra mình trở nên giống cha quá. 

Vì chưng mọi lý thuyết đều là màu xám, quỷ sứ đã nói vậy, hãy nhìn vào Cây đời bằng con mắt thuần khiết, cảm nhận bằng hình ảnh và âm nhạc, dõi theo câu chuyện, để thấy rằng, chỉ có một điều mãi mãi xanh tươi.

5 nhận xét: