Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Buddhism: A very short introduction

Tôi khoái cuốn "Buddhism: A very short introduction" (dịch bừa là Phật giáo: Một bài vỡ lòng rất ngắn) của Damien Keown thứ nhất là vì nó rất dễ đọc. Đây là cuốn đầu tiên tôi đọc trong bộ "A very short introduction" của nhà xuất bản Oxford mặc dù đã ngắm nghía từ rất lâu. Damien Keown là giáo sư đạo đức học phật giáo ở đại học London. Trong thư viện trường tôi còn một cuốn bự của ổng hơn tên là "Nature of Buddhist Ethics" (Bản chất của đạo đức học Phật giáo). Văn phong của Keown trong cuốn Buddhism: A very short introduction rất dễ đọc, đúng tinh thần là một cuốn sách vỡ lòng.

Tôi khoái cuốn sách cũng bởi vì lí do thứ hai, điểm nhìn. Sách của Keown viết nhắm vào đối tượng là người đọc phương Tây. Cách ông đặt vấn đề và phân chia thứ tự các phần của sách rất trôi chảy và thú vị:

1. Phật giáo và con voi
2. Đức Phật
3. Nghiệp và tái sinh
4. Bốn sự thật cao quý (hay còn kêu là Tứ diệu đế)
5. Phật giáo Đại thừa
6. Phật giáo ở châu Á
7. Thiền
8. Đạo đức học
9. Phật giáo ở phương Tây

Chính vì hướng vào đối tượng là người đọc Tây phương, Keown thường đưa ra những so sánh và đối chiếu vài khái niệm trong Phật giáo với Kitô giáo trong suốt quyển sách. Ông bắt đầu cuốn sách bằng cách đặt vấn đề, phải chăng Phật giáo là một religion? Từ religion được dịch là tôn giáo nhưng có từ nguyên khá phức tạp, theo cách hiểu ở phương Tây thì nó mang nghĩa dính dáng tới God, nghĩa là 1 đấng sáng tạo tối cao. Ông đặt ra vấn đề, Phật giáo là một tôn giáo, một trường phái triết học, một lối sống hay một quy tắc luân lí? Xét về mặt thần học thì Phật giáo không có một đấng sáng tạo, xét kĩ cũng không phải một giáo phái vô thần (atheism - godless, phủ nhận sự tồn tại của 1 đấng sáng tạo). Có thể đưa ra một nhóm phân loại mới cho Phật giáo là một tôn giáo không dính dáng gì tới thần (non-theistic). Rồi Keown sau đó đưa ra lý thuyết của Ninian Smart về 7 phương diện của tôn giáo nhằm mục đích mở rộng cái định nghĩa chật hẹp của từ religion, nếu chỉ tập trung vào 1 phương diện của Phật giáo thì chẳng khác nào lặp lại sai lầm của những người mù khi sờ voi cả (Keown, 2000).

Một cách rất chậm rãi và có phần chi tiết, nhưng lại rất đơn giản, Keown trình bày cho độc giả phương Tây về vũ trụ quan Phật giáo. Tưởng là quen thuộc với mình nhưng thật sự mà nói, cái thế giới quan bắt nguồn từ văn hóa Ấn này có nhiều điểm khiến tôi cũng bất ngờ. Keown trình bày đơn giản mà đầy đủ về sáu đường luân hồi, về cách nhìn thế giới quay vòng khác với thế giới quan tuyến tính có một điểm mở đầu và một điểm kết thúc của phương Tây, với liên hệ và so sánh giữa kinh Khởi thế (Agganna Sutta) và sách Sáng Thế, và về nghiệp. Ông cũng có một phần viết từ điểm nhìn của phương Tây về thế giới quan Phật giáo, lý giải một vài thắc mắc về điểm lấn cấn nhất đối với người phương Tây - sự tái sinh, đồng thời đặt ra và nêu hướng giải quyết câu hỏi: có nhất thiết phải tin vào sáu đường, các thể loại thần ma, thiên đàng địa ngục để theo đạo Phật?

Điểm thú vị nhất của quyển sách là phần 5, khi Keown giới thiệu về Mahayana (Phật giáo Đại thừa), với hàng loạt những đối chiếu với Kitô giáo. Từ đầu sách, Keown đã phân rõ một điều, tuy trong thực tế chưa chắc đã rạch ròi như thế, rằng một người theo đạo Bụt chọn cho mình hoặc theo Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) hoặc theo Phật giáo Đại thừa, hệt như một người Kitô giáo phải chọn hoặc là Công giáo Roma hoặc là Kháng Cách. Ông cũng sớm khẳng định một vài tương đồng giữa Kitô giáo với Phật giáo Đại thừa, trường phái được xác định là cũng ra đời trước hoặc sau Công nguyên khoảng 100 năm, mặc dầu cũng sớm cảnh báo là không có một bằng chứng nào vững chắc về sự liên hệ giữa 2 tín ngưỡng này cả*. Sự tương đồng đó chính là việc cả 2 đều có khái niệm về đấng cứu thế, ở Kitô giáo rõ ràng là Đức Kitô, ở Mahayana là khái niệm về các bodhisattva (bồ tát). Bodhisattva là những đấng đã giác ngộ nhưng thề sẽ tái sinh tới vô hạn kiếp để cứu độ và đưa những người khác vào nirvana.

Keown đưa người đọc tiếp cận với những khái niệm mới được hình thành ở Phật giáo Đại thừa, những khái niệm biến Phật giáo thành một tôn giáo có một đấng nhân từ vô lượng tương tự Đức Chúa Cha dõi theo nhân quần dưới thế. Ông lý giải về khái niệm Tam thân, một khái niệm mới đem lại một cái nhìn mới về Phật học (Buddhology) và vũ trụ quan, rằng một vị Buddha (Bụt, Phật, Bậc thức tỉnh) có 3 thân: Pháp thân (thể tính vũ trụ của Phật, Keown bảo không khác mấy với cách mấy người Kitô giáo nói về Chúa trời như là Sự tuyệt đối hay Mục đich tối thượng), Báo thân (là thân của Phật trong các cõi tịnh độ, hiểu như là cõi Phật, cõi thanh tịnh, không phải là niết bàn nhưng là chốn có điều kiện tu tập tốt nhất để đạt nirvana; Bụt Amitabha thề là ngài sẽ cứu vớt tất cả những người nguyện tin vào ngài bằng cách nói câu Namo Amitabha Buddha (tôi nương tựa vào Phật A di đà) lên tịnh độ của ngài), và Ứng thân (thân Phật dưới hình người).

Cùng với sự phát triển về thế giới quan là sự nở rộ của nhiều trường pháo triết học Phật giáo. Keown ngụ ý rằng Phật giáo Đại thừa là một thể rất lớn, bao hàm nhiều trường phái khác nhau, đều phát triển Phật giáo theo những con đường khác nhau, ví như một dụ ngôn của Phật trong Liên hoa kinh (Lotus Sutra) về ngôi nhà cháy: người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi ngôi nhà cháy, ông phải đưa ra những món quà khác nhau để dụ chúng ra khỏi nhà, tùy theo từng người mà có những phương tiện khác nhau để được cứu độ. Đại thừa phát triển khái niệm về đức tin, người ta từ đó nghĩ rằng có thể được cứu độ phần nào nhờ đức tin, tin vào bụt A di đà, người sẽ vớt mình vào tịnh độ và từ đó sẽ có cơ hội được giải thoát cao hơn.

Mặc dầu sách của Damien Keown có chú các kinh điển tham khảo khá đầy đủ, nhưng tôi không thích chút nào khi phần nói về thiền, đặc biệt là các tầng nhập định, những miêu tả về trạng thái các tầng này không có một chú thích nguồn kinh điển hay sách vở nào cả, khiến tôi rất hoang mang không biết được đây là ghi chép trong kinh hay là trải nghiệm của ai đó hay của chính ông Keown, hay là thế nào. Nói chung đây là điểm duy nhất tôi không thích trong sách.

Tôi còn thích sách của Keown ở điểm thứ ba, đó là cách tiếp cận của ông rất khoa học và duy lý, đặc biệt là ở hai phần cuối, Đạo đức học (Ethics) và Phật giáo ở phương Tây. Ở phần Đạo đức học, ông đề cập đến các vấn đề từ truyền thống như Dharma (hay được dịch là pháp, hiểu theo nghĩa là luật của vũ trụ), đức hạnh (virtues), Ahimsa (Bất hại) cho tới những vấn đề bắt nguồn từ phương Tây như phá thai, quyền (trong thế đối lập với nghĩa vụ (duty) - khái niệm quen thuộc của văn hóa Ấn), quyền/phẩm hạnh con người - những khái niệm rộ lên từ thời Khai sáng, cả cái khái niệm Upaya (Skillful means - phương tiên thiện xảo). Ở phần Phật giáo ở phương Tây, sau khi nói về sự truyền bá và quan tâm tới Phật giáo đối với phương Tây theo 3 con đường, ông lý giải lí do vì sao nhà sử học Arnold Toynbee gọi sự gặp gỡ giữa Phật giáo và phương Tây là "một trong những va chạm lớn nhất thế kỉ 21" (hiểu theo nghĩa tích cực, gây tiếng vang, tạo hiệu ứng gì đấy). Một cách tỉnh táo, ông giải thích những thuận lợi của Phật giáo trong việc tương thích với tư duy phương Tây về một số mặt. Ông cũng nói về việc Phật giáo có thể biến đổi và phát triển như thế nào để phù hợp và tạo thành một tôn giáo hiện đại.



*Tôi chưa nghiên cứu và cũng không dám lộng ngôn nhưng sự liên hệ giữa văn minh Hy Lạp và văn minh Ấn Độ thời kì một hai thế kỉ trước và sau Công nguyên không phải là điều gì bí ẩn. Có sự tồn tại của vương quốc Ấn-Hy Lạp, khi mà nghệ thuật Phật giáo kết hợp với nghệ thuật Hy Lạp cổ. Có sự tồn tại của bộ kinh Milinda vấn đáp, chép lại cuộc vấn đáp giữa tì kheo Nagasega và vua Menandros I (hay còn gọi là vua Milinda). Nói chung là có một sự liên hệ giao lưu văn hóa, nhưng học giả nói như vậy thì cứ tin như vậy đã.






Các bạn quan tâm muốn tìm hiểu sơ lược về Phật giáo có thể tìm cuốn này đọc. Sách viết dễ hiểu và khá đầy đủ, theo hướng nhìn của phương Tây. Cách đây 6 tháng khi tôi còn ở Sài Gòn thì Thư quán Sinh viên của Phương Nam trên đường Lê Duẩn kế bên trường Dược đối diện trường Nhân văn là một kho "A very short introduction", giá khoảng vài chục ngàn 1 cuốn. Nếu bạn tới đó tìm hy vọng sẽ có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét