Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

"A Study in Scarlet" nên được dịch thế nào?

Tựa "A Study in Scarlet" của cuốn Sherlock Holmes đầu tiên nên được dịch như thế nào?

Có một bản dịch tiếng Việt đổi luôn tựa đề này thành "Chiếc nhẫn tình cờ", có lẽ do người dịch lúng túng về tựa đề, hoặc cảm thấy nếu dịch tựa đề thì người đọc không hiểu.

Học tiếng Anh qua mức trung cấp, chúng ta sẽ biết rằng "study" không chỉ có nghĩa là "học". Nó có nghĩa sâu hơn "learn", và mang nghĩa là suy ngẫm, nghĩ ngợi về một vấn đề nào đó. 

[Mở link trước khi đọc tiếp: link]




Bài viết ở link trích từ cuốn "East Wind Coming: A Sherlockian Study Book" của Yuichi Hirayama và John Hall, bàn về Sherlock Holmes ở Nhật, nơi có fanbase hùng hậu và lâu đời bậc nhất Á Đông (đơn giản do văn học Anh Victoria có ảnh hưởng rất sớm tới Nhật). Trong bài viết, tác giả cho biết cái tít đã được dịch trong bản tiếng Nhật năm 1931 là "Hiiro no kenkyuu", với hiiro là màu đỏ (hi = lửa, iro = màu), kenkyuu là Hán-Nhật cho "nghiên cứu". Tít này chuyển ra tiếng Việt có thể thành "Nghiên cứu (nghiền ngẫm) về màu đỏ" - cái tít khá vô nghĩa trong tiếng Việt.

Nếu mà tinh ý hơn, sẽ để ý thấy chữ "study" còn vài nghĩa khác. Trong âm nhạc, nó là các bản étude, tức là khúc luyện tập cho người chơi nhạc. Trong hội họa, nó là bản vẽ nháp trước khi họa sĩ cho lên tranh lớn. Theo bài, một vài người dịch tiếng Nhật cũng dùng nghĩa "tranh nháp" để dịch "A Study in Scarlet" thành "Hiiro no shuusaku", với "shuusaku" là "tập tác" = bản nháp. Mặc cho nhiều người tán thành, cộng với một tên nào đó trên wikipedia tiếng Anh cổ xúy cho việc hiểu "study" theo nghĩa "tranh nháp", mình vẫn thấy vụ "Bản nháp màu đỏ" hoàn toàn vô nghĩa nếu xét về nội dung của truyện: chả có bản nháp nào ở đây, cũng chả có màu đỏ gì luôn.

Có lẽ nên trở lại với nghĩa "nghiền ngẫm" của chữ study. Cái tựa thật ra bắt nguồn từ câu nói của Sherlock: "Có môt sợi chỉ đỏ giết người len lỏi trong cuốn len vô sắc của cuộc đời, và nhiệm vụ của chúng ta là gỡ mối nó, cô lập nó và vạch trần từng phân từng khúc cái sợi chỉ đỏ này" (QH dịch). Trong link cũng dẫn ra phân tích của Owen Edwards trong The Oxford Sherlock Holmes, chỉ ra rằng ở ngay đầu truyện, lúc bác sỹ John Watson được giới thiệu đến gặp Sherlock, người bạn giới thiệu đã nhận xét rằng "đây là một con người khác thường. Anh sẽ phải "study" anh ta thật kỹ". Theo mình, study nên được hiểu theo nghĩa "nghiền ngẫm/tìm tòi" như ở đây, John quan sát, tìm hiểu về con người Sherlock; Sherlock quan sát, lần mối cái sợi chỉ đỏ ẩn dụ. 

Trên mạng, một số người cũng đề xuất chữ "vụ án màu đỏ" để dịch tựa này sang tiếng Việt. Trong các bản tiếng Nhật cũng có dịch theo kiểu study thành jiken = "sự kiện" (Hán-Nhật jiken và Hán-Việt "sự kiện" có sắc thái hơi khác nhau, jiken mang nghĩa scandal hơn cái sắc thái trung tính của "sự kiện").

Bài viết trong link cuối cùng đưa ra kết luận rằng cái tựa tiếng Nhật "hiiro no kenkyuu" (nghiên cứu màu đỏ) vẫn là cái tựa hợp nhất (trong tiếng Nhật). Mình không nhận xét về việc người Nhật thích cái tựa này hay có hiểu cái tựa này không, nhưng nếu tiếng Việt dịch theo kiểu này thì lại rõ ràng vô nghĩa. Có lẽ cái tựa tiếng Việt thích hợp nhất mà mình nghĩ ra được phải nên là "Truy tìm sợi chỉ đỏ", một cái tựa rất siêu hình, nhưng (có thể) theo đúng ý của Doyle khi đề cho cuốn Sherlock Holmes đầu tay. 



Pê ét: để tham khảo, bản dịch tiếng Tàu tra trên wiki thấy ghi là "Huyết tự đích nghiên cứu" = "Nghiên cứu những con chữ máu". Hẳn cái tựa này nói về các chữ Rache viết bằng máu trong vụ này. Nhưng cái tựa này dịch sai bét, vì các chữ này không đóng vai trò gì lớn ngoài việc gây hoang mang cho Scotland Yard và Sherlock cũng không bỏ nhiều thời gian coi các chữ này. Suy ra nó không đủ ảnh hưởng để được đưa lên tít.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét