Dưới đây là cuộc đối thoại của một cô gái và một con robot về việc liệu một cỗ máy có thể suy nghĩ. Phần 1 là lập luận của cô gái cùng với thí nghiệm tưởng tượng về căn phòng tiếng Trung Quốc của nhà triết học và giáo sư đại học UC Berkeley John Searle.
_______________________________
Kimberley và Emit
Đây là năm 2100. Kimberley Courahan mua được Emit robot cao cấp thế hệ mới nhất. Cô mới mua, chỉ vừa mới mở bao bì, cái bao còn nằm vất vưởng trên sàn bếp. Emit được thiết kế để có thể lặp lại hoàn hảo hành vi của một con người (ngoại trừ việc nó dễ phục tùng mệnh lệnh). Emit khi được hỏi sẽ trả lời hệt như một người thật. Hỏi nó cảm thấy như thế nào, nó sẽ trả lời nó vừa có một ngày tồi tệ, hoặc là hơi bị nhức đầu, hoặc là hối hận vì làm bể bình hoa, và vân vân. Kimberley bật công tắc sau lưng Emit thành "ON" và Emit sống dậy.
Emit: Xin chào. Tôi là Emit, người giúp việc và người bạn robot của bạn.
Kimberley: Chào Emit.
Emit: Bạn thế nào? Về phần mình, tôi thấy rất vui. Hơi lo lắng tí có lẽ vì đây là ngày đầu tiên. Nhưng vui. Tôi mong chờ được làm việc cho bạn.
Kimberley: Rồi, bây giờ trước khi cậu bắt đầu làm việc nhà, tôi muốn làm rõ một chuyện. Cậu không thực sự "biết" cái gì cả. Cậu không thể suy nghĩ. Cậu không có cảm xúc. Cậu chỉ là một cỗ máy. Hiểu chứ?
Emit: Tôi đúng là một cỗ máy. Nhưng dĩ nhiên là tôi hiểu được bạn. Chẳng phải tôi đang trả lời bằng tiếng Việt đây sao (nguyên bản là tiếng Anh :D)?
Kimberley: Đúng là cậu trả lời như là cậu hiểu. Nhưng tôi cam đoan với cậu là cậu chỉ bắt chước rất giống thôi. Cậu không lừa được tôi đâu.
Emit: Nếu tôi không hiểu thì bạn nhọc công nói chuyện với tôi làm gì?
Kimberley: Vì cậu được lập trình để phản ứng lại đối với mệnh lệnh bằng lời nói. Bên ngoài cậu trông giống người. Cậu cư xử hệt như cậu có trí hiểu biết, cảm xúc, giác quan và tất cả những thứ mà con người chúng tôi có. Nhưng cậu chỉ là đồ giả.
Emit: Đồ giả?
Kimberley: Đúng. Tôi đã đọc cuốn sách hướng dẫn. Bên trong cái đầu bằng nhựa và hợp kim của cậu là một máy tính cực mạnh. Cái máy đã được lập trình để cậu có thể đi đứng, nói chuyện và cư xử y như người thật. Thế nên cậu có được một trí tuệ giả lập, cảm xúc giả lập và đủ thứ khác giả lập rất tuyệt, giống y như thật. Nhưng hoàn toàn cậu không thể có trí tuệ thật hay cảm xúc thật bên trong.
Emit: Không à?
Kimberley: Không. Không nên lầm lẫn một máy tính giả lập hoàn hảo trí tuệ so với một trí tuệ thật. Người ta có thể giả lập một đại dương, nhưng đó vẫn chỉ là đồ giả. Không có sóng thật, dòng chảy thật, hay cá thật bơi trong máy tính. Nhúng tay xuống sẽ không thể bị ướt. Tương tự, cậu chỉ giả lập trí tuệ và cảm xúc. Đó không phải là đồ thật.
Kimberley nói có đúng không? Có lẽ điều này đúng đối với máy vi tính hiện giờ, chúng thiếu trí tuệ, suy nghĩ và cảm xúc thật sự. Nhưng liệu có phải về nguyên tắc, một cái máy không thể suy nghĩ? Nếu tới năm 2100, máy vi tính trở nên phức tạp như Emit, chúng ta có sai khi nói rằng chúng có thể suy nghĩ? Kimberley cho rằng chúng ta sai.
Emit: Nhưng tôi tin rằng tôi hiểu được bạn.
Kimberley: Cậu không hiểu. Cậu không có niềm tin, không ham muốn, không xúc cảm. Thật ra cậu hoàn toàn không có trí tuệ gì cả. Cậu không hiểu những lời mình nói hơn một cái máy cát sét hiểu những âm thanh đang phát ra từ cái loa.
Emit: Bạn đang làm tôi rất buồn.
Kimberley: Tôi làm cậu buồn? Tôi không cảm thấy có lỗi chút nào đối với một đống kim loại pha nhựa cả.
Thí nghiệm tưởng tượng về căn phòng tiếng Trung Quốc của Searle.
Kimberley giải thích vì sao cô cho rằng Emit không có trí tuệ. Cô dẫn ra một thí nghiệm tưởng tượng triết học nổi tiếng.
Kimberley: Lý do cậu không hiểu là vì cậu được vận hành bởi một cái máy vi tính. Mà máy vi tính thì không hiểu gì cả. Về bản chất, cái máy tính chỉ là một dụng cụ xáo các ký hiệu. Các chuỗi ký hiệu được đưa vào. Rồi tùy theo cái máy tính được lập trình ra sao, nó sẽ cho ra các chuỗi ký hiệu trả lời. Không cần biết máy tính phức tạp thế nào, đó là việc cái máy làm.
Emit: Có chắc là thế không?
Kimberley: Chắc. Chúng tôi làm ra máy tính để lái máy bay, vận hành hệ thống tàu lửa, và nhiều thứ khác. Nhưng cái máy tính lái máy bay không biết là nó đang bay. Nó chỉ làm việc cho ra các chuỗi ký hiệu tùy thuộc vào chuỗi ký hiệu đầu vào. Nó không hiểu rằng chuỗi ký hiệu nó nhận được phản ánh vị trí của máy bay trên trời, hay lượng xăng còn lại trong bình. Nó cũng không biết rằng chuỗi ký hiệu nó đưa ra sẽ điều khiển cái cánh phụ, bánh lái và động cơ máy bay. Những gì cái máy tính phải làm là nó xáo các ký hiệu lên tùy thuộc vào chương trình. Các ký hiệu không có ý nghĩa gì đối với cái máy tính.
Emit: Bạn chắc chứ?
Kimberley: Hầu như chắc. Tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy. Để tôi nói cậu nghe một thí nghiệm tưởng tượng của nhà triết học John Searle từ năm 1980. Một người phụ nữ ngồi trong một căn phòng bị khóa được giao cho một xấp thẻ có in chữ Trung Quốc. Người phụ nữ hoàn toàn không biết chữ Hán, cô nghĩ những cái thẻ này chỉ là những hình thù nguệch ngoạc vô nghĩa. Cô cũng được giao cho một xấp thẻ khác cùng tập hướng dẫn phải sắp xếp các ký tự này lại với nhau như thế nào để đưa ra một chuỗi ký tự trả lời.
Emit: Câu chuyện thú vị đấy, nhưng hai xấp thẻ đó nghĩa là sao?
Kimberley: Xấp thẻ thứ nhất kể một câu chuyện bằng tiếng Hán. Xấp thứ hai hỏi một số câu hỏi về câu chuyện đó. Cuốn hướng dẫn - giống như lập trình cho người phụ nữ - giúp cô trả lời đúng những câu hỏi tiếng Trung Quốc đó,
Emit: Trả lời y như một người Trung Quốc.
Kimberley: Đúng vậy. Bây giờ những người đứng bên ngoài đều là người Trung Quốc. Những người này sẽ bị lừa rằng ở trong căn phòng kia là một người hiểu tiếng Hán và hiểu câu chuyện, có phải không?
Emit: Phải.
Kimberley: Nhưng, thật ra người phụ nữ có hiểu gì đâu, có phải không?
Emit: Không, không hiểu gì cả.
Kimberley: Cô không hiểu gì về câu chuyện. Thậm chí cô cũng không cần biết đó là một câu chuyện. Cô chỉ xáo và sắp xếp các ký tự lại theo hướng dẫn bằng cách nhìn vào hình dạng ký tự. Cô đang làm việc mà một cái máy có thể làm.
Emit: Tôi hiểu rồi. Bạn nói rằng máy tính cũng vậy, cũng chẳng hiểu gì cả?
Kimberley: Đúng. Đó là mục đích của Searle. Cùng lắm cái máy chỉ có thể giả lập trí tuệ thôi.
Emit: Và bạn nghĩ tôi cũng như vậy?
Kimberley: Dĩ nhiên. Mọi máy tính, dù phức tạp tới đâu, đều hoạt động theo cùng một kiểu. Chúng không hiểu những ký hiệu chúng sắp xếp một cách cơ học. Chúng không hiểu gì cả.
Emit: Và đây là lý do bạn nghĩ tôi cũng không hiểu gì cả?
Kimberley: Chính xác. Bên trong cậu là một cái máy sắp xếp ký hiệu vô cùng phức tạp. Thế nên cậu không hiểu gì cả. Cậu chỉ tạo ra một giả lập vi tính hoàn hảo về một con người có tri giác.
Emit: Thật lạ. Tôi đã nghĩ là mình hiểu.
Kimberley: Cậu chỉ nói vậy vì cậu là một máy giả lập hoàn hảo.
Dĩ nhiên Emit vô cùng phức tạp hơn so với bất kỳ một máy tính nào hiện nay. Tuy nhiên, Kimberley cho rằng Emit hoạt động theo một nguyên lý căn bản. Nếu Kimberley đúng, vậy thì theo Searle, Emit không hiểu gì cả.
(còn tiếp)
Mềnh rất thích :D
Trả lờiXóaHay thật, đọc rất gợi hứng và suy tưởng :) cám ơn bạn đã dịch nó, đọc mượt lắm. Mình có cảm giác cô Kimberley này hình như cũng là robot vì giọng điệu khá... "khô khốc" và "lạnh tanh"? À, mà hình như là "thiếu sót" chớ không phải là "thiếu xót"?
Trả lờiXóaCoi bộ cốt lõi vấn đề nằm ở nhận thức và khả năng tự vấn cử chủ thể, chớ không phải ở quá trình hay cách thức (vì máy tính có thể giả lập cách suy nghĩ của con người được)? Nhưng làm sao để biết một cái máy có thật sự không suy nghĩ (theo nghĩa con người) cũng như để biết một con người có thật sự suy nghĩ hay chỉ biểu hiện theo một cách thức ta gọi là "suy nghĩ"?
"Của" không phải "cử" :P
XóaCảm ơn bạn Duc Hoang về chữ "xót" nhé. Đúng là "sót" khác với "xót người tựa cửa hôm mai".
Trả lờiXóaHì hì, không có chi bạn :)
Xóa