Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Mẹ ơi những người sống trên mây cất lời gọi con

Trong những giấc mộng của mình, ông Jiro mơ thấy sushi máy bay. Ông Jiro mặt mũi thanh tú, sáng sủa, nói năng rõ ràng, đĩnh đạc, hành động dứt khoát, nam tính, nhưng ổng vẫn sống ở trên mây. Nhiệm vụ của ông bạn Honjo trong phim không chỉ là suốt ngày than thở mà cũng là người chuyên nhắc cho ông Jiro trở về mặt đất. Ông Honjo liên tục nhắc ông Jiro về tình hình chính trị xã hội hiện tại, trong những năm giữa hai cuộc đại chiến, cho tới khi nước Nhật bắt đầu đưa máy bay qua đại lục. Từ chuyện đi ăn cơm đừng suốt ngày ăn cá với đậu hũ, tới chuyện dân Nhật còn đói ăn mà chính phủ đòi đi làm máy bay đánh nhau, hay chuyện nước Nhật ngày càng bị cô lập, rằng "sắp sụp đổ hết rồi" (cũng là lời ông điệp viên nói với Jiro trên núi). Bên cạnh ông Honjo chuyên than về các việc đao to búa lớn là cô em gái của Jiro. Kayo liên tục la Jiro về việc vợ sắp chết tới nơi mà suốt ngày đi làm máy bay. Nhưng ông Jiro vẫn sống trên mây, và không phải ổng không thấy được, không tỉnh được, không yêu vợ ổng, hay không biết suy nghĩ, mà là ổng kệ. Ổng kệ, vì máy bay là một giấc mơ bị nguyền rủa.




Trong phim có hai bức thư pháp đều mang chữ "Thiên thượng đại phong" tenjoutaifuu, ghi bằng chữ Hán. Bức đầu tiên đặt trong phòng họp của Mitsubishi, chỗ mà bộ sậu Mitsubishi với Jiro ngồi bàn chuyện làm máy bay với bên quân đội. Bức thứ hai đặt ở cửa nhà ông Kurokawa, là chỗ Jiro và Naoko cưới nhau trong đêm. Thiên thượng đại phong, hay là gió lớn trên trời, rõ ràng không còn mang nghĩa Phật tính của trẻ thơ như gió lớn đưa lên trời như bản gốc của thiền sư Lương Khoan nữa, mà giờ ám chỉ cơn gió dữ sẽ đưa "sụp đổ" tới. Thứ nhất là với chiếc Zero, cũng là với nước Nhật. Thứ hai là với Naoko.

Phim có nhiều lần "đại phong" kéo tới, không phải lần nào cũng dữ. Gió đưa Jiro với Naoko gặp nhau hai lần. Gió cũng thổi lửa làm cháy Tokyo, cháy trường đại học, để ông Caproni hiện ra nói "Gió nổi lên rồi". Rồi gió cũng nổi lên trong lần đầu tiên thử mẫu thiết kế máy bay tiêm kích, bẻ nát từng khớp nối máy bay. Ai đã nhìn thấy gió? Không phải anh cũng không phải em. Ông Jiro đọc thơ của Christina Rossetti như vậy.

Ông Jiro có thể làm gì khi "gió" thổi tới? Ổng có thể chống lại gió, như Junker đã làm ở Đức. Ông điệp viên Castrop ở trên núi kể cho Jiro về Junker, rằng Junker chống lại chính quyền Hitler, nhất quyết không làm máy bay chiến tranh, và bị Hitler truy đuổi. Nhưng Jiro (và Miyazaki) không phải Junker, mà ổng mê Caproni, người làm chiếc Ghibli. Khi "gió" thổi tới, ông Jiro kệ. Không phải ổng nương theo gió, mà là ổng kệ. Ổng không chống lại việc làm máy bay chiến tranh, vì với ổng máy bay nào cũng đẹp, bay được là đẹp. Ổng không nghỉ ở nhà với Naoko, vì ổng đã đồng hóa Naoko với máy bay tình yêu của ổng. Ổng kệ gió và ổng lựa chọn như vậy. Vì ổng sống ở trên mây, theo làn hơi nước máy bay. Bài hát chính cuối phim là bài Làn hơi nước máy bay (Hikoukigumo), một bài hát cũ đâu từ thập niên 1970, được có người trong Ghibli đưa cho Miyazaki nghe, vì nó giống nội dung phim. Bài này buồn khủng khiếp, nói về một cô bé đang bay lên trời, trong khi không ai để ý, cô bé không còn sợ hãi, cô lượn giữa trời cao. Làn hơi nước máy bay chính là sinh mệnh của cô. "Cô bé" sắp chết trong bài hát này cũng là Naoko, mà cũng là Zero, mà cũng là giấc mơ sushi máy bay của ông Jiro.

.

Gom hết mấy bài này lại để vô tag Phim gió.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét