Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bả cây.
(Ngôn chí số 10 - Nguyễn Trãi)
Tôi thấy hai câu này của Nguyễn Trãi, xét về tinh thần, nó rất gần với một bài thơ haiku 17 chữ. Cảm giác khi đọc lên là rất nhẹ và rất tĩnh. Đêm lặng, khẽ nghiêng chén, hớp cả ánh nguyệt. Ngày vắng, nhẹ nâng cành, xem được sắc hoa. Không thấy chủ thể đâu cả. Chủ thể biến mất trong cái vắng lặng.
Nguyễn Trãi có lẽ làm bài Ngôn chí số 10 này trong một cái chùa nào đó, nói trong câu đề đầu tiên "Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy". Người ta không uống rượu trong chùa, mà hơi rượu bén vào hai câu "bài cú" trên cũng làm mất đi cái tĩnh. Chén nghiêng để uống đó, có thể là chén trà, hoặc một chén nước.
Cái vắng lặng hiện ra rõ hơn bằng những âm thanh nhẹ và lọt thỏm giữa không gian. Đó là tiếng nghiêng nước hớp trăng giữa đêm, đó là tiếng rẽ lá thưởng hoa lúc ban ngày. Bài bài cú của Buson dưới đây cũng là những âm thanh vẫy vùng giữa không gian để làm nên cái tĩnh mịch:
雁 行きて 門田 も 遠く おもはるる
Kari yukite kadota mo tooku omowaruru
(与謝 蕪村 Yosa Buson)
Đàn ngỗng bay qua
Đồng lúa trước nhà
Trông dường như xa
(QH dịch)
Chữ Hán dùng cho kari ở trên là chữ 雁 nhạn. Chim Nhạn trong tiếng Hán là chỉ loài ngỗng thiên di, bay về từ phương Bắc hàng năm vào mùa thu. Vì vậy đây là quý ngữ chỉ mùa thu của haiku. Tiếng Việt lại gọi con chim én, con swallow là chim Nhạn. Nếu không tra quý ngữ và xem lại chữ 雁, đọc bản dịch của thầy Nhật Chiêu (đàn nhạn đi rồi, cánh đồng trước cửa, dường như xa xôi) tôi đã tưởng ở đây nói con chim én bay trú rét. Đàn ngỗng bay sẽ khác đàn én liệng. Đàn ngỗng ồn ào hơn, nhưng một khi những tiếng kêu chìm khuất trong thinh không, khi sóng âm bị hiệu ứng Doppler kéo dãn ra, thì cái ồn ào đó quay trở về tịch mịch. Cái còn sót lại là im lặng.
Tôi đang cần im lặng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét