Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Motomezuka (求塚)

Kịch Nô loại bốn, nguyên tác của Kan'ami viết theo cốt truyện trong Yamato Monogatari (Đại Hòa vật ngữ).
Tóm tắt kịch bản bằng tiếng Anh của David Surtasky
nguồn: http://theatrenohgaku.wordpress.com/2013/04/30/motomezuka-%E6%B1%82%E5%A1%9A/
Dịch: QH



___________________

Nói trước mấy lời:

Trước hết, tôi xin nói luôn là giống như nhiều người, tôi không cổ xúy (đánh trống thổi kèn/sáo gì đó) cho việc dịch một văn bản tiếng Á Đông (ở đây là tiếng Nhật) qua ngôn ngữ trung gian phương Tây, cho dù hồi xưa tôi có lỡ tay dịch truyện "Người băng" của ông Haruki.

Nhưng ở đây tình hình lại khác. Đây không phải là một văn bản tiếng Nhật mà là bản tóm tắt trên mạng của trang Theatre Nohgaku Blog bằng tiếng Anh. Vả lại tôi dịch cũng chẳng để đem bán cho ai. Nhưng dù vậy, tôi cũng cố gắng hết sức để đem lại cho văn bản này một chút không khí phương đông bên cạnh việc văn phạm của nó (không tránh khỏi) bị đặc sệt mùi Tây. Sở dĩ tôi dịch cái tóm tắt này là do bài dịch trước tui dịch có nhắc tới vở Motomezuka này và tôi thấy đây là một vở hay, nên tôi đem dịch.

Motomezuka viết bằng hai chữ kanji là chữ Cầu và chữ Trủng. Cầu nghĩa là tìm (mưu cầu, tìm cầu, độc cô cầu bại, vân vân) và Trủng nghĩa là cái mộ. Chữ Motomezuka là kunyomi (âm Nhật), không phải onyomi của hai chữ Cầu Trủng, và bản thân nó nghĩa là gì thì tui không biết. Tui đoán zuka là cái mộ, còn motome là cái quỷ gì thì tui tra jisho.org nó không ra.

Trong văn bản sẽ nhắc tới cái Sought-for-Grave các bạn tiếng Anh dịch chữ Motomezuka ra. Tui sẽ tạm dịch là Ngôi Cầu mộ, nghĩa là ngôi mộ [mọi người] tìm [đến]. Hoàn toàn không phải cái mộ trên cầu, cũng không phải cái cầu trên mộ(?!). Xin đừng nhầm lẫn.

________________

Như nhiều kịch bản Nô khác, mở đầu có một đoàn các nhà sư từ phương Tây đang trên đường về Kinh Đô (Kyōto). Người quấn bộ du y, các sư trèo đèo vượt biển. Băng qua núi non cỏ cây trập trùng, bơi thuyền vượt biển, hướng về đích đến, cuối cùng các ngài cũng tới làng Ikuta, một ngôi làng ở vùng lâm tuyền [near the forest and the river]. Các ngài cũng chỉ biết tên vùng này thôi, chứ chẳng biết gì hơn cả. Khi đến nơi, các ngài trông thấy một toán thiếu nữ từ trong làng. Dù trời vẫn còn mang cái rét đầu xuân, toán thiếu nữ đang trên đường đi hái rau.

Những cây rau đầu tiên của mùa xuân đã nhú mầm trên những cánh đồng vùng Ikuta. Tay áo toán thiếu nữ bay phất phơ giữa gió xuân lồng lộng dưới bầu trời thiên thanh xanh ngắt. Trên rừng, chồi non đã bắt đầu đâm ra, nhưng sâu trong núi, tuyết vẫn còn đọng trên nhành thông. Các cô gái nghĩ, có lẽ lúc này ở Kinh Đô, tiết trời đã ấm hơn Ikuta nhiều. Thế nhưng số phận đã sắp đặt họ phải ở đây, trong tiết trời lạnh giá, ra đồng hái lá rau. Ngay cả nếu mà tuyết phủ đầy đường đi, toán thiếu nữ cũng biết lối mà lần ra tới đồng. Nếu họ đợi hết mùa tuyết, rau sẽ già không dùng được nữa. Thế là, tuy xuân chưa đến vẹn toàn, các thiếu nữ vẫn ra đồng hái rau.

Một nhà sư đến gần và hỏi một cô gái, mạn hỏi nơi này phải là Ikuta chăng? Vâng thưa đúng ạ, cô gái đáp, có lẽ thầy đã biết tên vùng này. Thưa, thầy không thấy cánh rừng phủ dày lối kia sao ạ? Dòng nước các thầy vừa lội qua chính là dòng Ikuta-gawa trong lành chảy từ rặng núi ra biển đấy ạ. Dòng sông đương xanh ngăn ngắt báo hiệu xuân về.

Thế là đến Ikuta rồi, nhà sư nói. Rừng cây này, dòng sông này, biển cả này. Toàn những địa danh nổi tiếng chúng ta đã nghe đến từ tít vùng miền tây xa xôi. Nhìn này - sương đang phủ đầy bãi cỏ kìa - nhưng thưa, chúng bần tăng muốn hỏi đường đến ngôi Cầu mộ.

Ngôi Cầu mộ ạ? Thưa, chúng tôi đã nghe qua nơi này, nhưng thú thực chúng tôi chẳng biết nhiều nhặn gì đâu ạ. Xin các thầy đừng nên phí rỗi thời giờ nơi đây mà nên tiếp tục lên đường. Các vị thầy chùa này khiến cô gái nhớ tới một bài thơ cổ, một bài thơ ca ngợi vẻ kiều diễm của các nàng thôn nữ hái rau, về những lữ khách mải mê ngắm nhìn các cô mà chậm trễ mất chuyến đi. Thật ngờ nghệch làm sao! Các sư lẽ ra nên tiếp tục cất bước. Kinh Đô gần đến lắm rồi, sao lại còn chần chừ làm gì nữa?

Tay áo các cô thôn nữ đã lạnh cóng, tuyết đọng thành băng, còn rau trên đồng vẫn phủ đầy những tuyết. Một làn băng mỏng phủ lên trên lớp bùn, các lá cải non ẩn mình bên dưới. Tuy đã sang xuân rồi, nhưng nhìn tuyết rơi tưởng đông vẫn còn. Xuân lạnh làm sao, gió ảm đạm làm sao, tuyết lẫn cả vào làn gió thổi bạt vào cơn sóng bạc đầu trên dòng sông. Các thôn nữ vội vã tiếp tục công việc, bỏ mặc các sư, nhanh tay hái rau rồi về nhà.

Nhưng cô thiếu nữ lúc nãy chưa về, cô đứng lại. Nhà sư thấy vậy, tò mò hỏi, thưa, tại sao các chị em khác đã ra về hết mà cô vẫn còn chưa về? Các thầy lúc nãy có hỏi về ngôi Cầu mộ, nếu các thầy muốn đến đó, xin đi theo tôi ạ. Họ băng qua đồng một đoạn ngắn, đến một ngôi mộ rêu phủ, thực ra nhìn giống một đụn đất hơn. Đây ạ. Đây là ngôi Cầu mộ, cô gái nói. Vì sao lại có tên này, nhà sư hỏi. Cô gái kể lại câu chuyện:

Nhiều năm trước có một cô gái tên là Unai sống trong làng này. Có hai chàng trai trẻ tên là Sasada và Chinu đều đem lòng yêu cô. Một ngày, cả hai người cùng gửi cho cô một bức thư tình, thổ lộ lòng mình và tình yêu mãnh liệt của mình đối với cô gái. Unai cảm thấy lòng rối bời, nếu cô đáp lại tình cảm một người thì người kia thể nào cũng sẽ mang mối ghen tuông tị nạnh. Động lòng trắc ẩn, cô cảm thấy mình không nên chọn ai cả. Cha mẹ cô lại nghĩ khác, ông bà bảo hai chàng trai hãy đọ tài với nhau, ai thắng sẽ lấy được cô Unai xinh đẹp - nhưng hai chàng ngang sức ngang tài, liên tục hòa nhau bất kể thi thố trò gì. Ngay cả khi họ thi bắn cung nhắm vào con vịt bơi trên sông, cả hai mũi tên đều trúng vào cùng một cánh của con vịt. Nhìn thấy con vịt, Unai đau lòng nghĩ đến đôi vịt sống trên dòng sông, nghĩ rằng chính vì nàng mà chúng đã bị chia ly. Trong cơn khốn bĩ, Unai quyết định quyên sinh. Cô gieo mình xuống dòng Ikuta-gawa, tay áo nổi lềnh bềnh như đôi cánh gãy. Khi Sasada và Chinu biết việc, hai anh đau buồn khôn xiết. Thế gian và cuộc sống này đâu còn gì ý nghĩa. Hối hận, cả hai lao vào chém giết lẫn nhau, kết thúc mối thù địch mãi mãi.

Cái chết của tất cả họ đều là lỗi của tôi, cô gái thốt lên. Xin các thầy hãy ở lại, hãy cầu siêu cho tôi. Nói đoạn, cô biến thành làn khói mỏng và bay vào trong mộ.

Bối rối và lúng túng trước sự việc vừa rồi, các nhà sư đứng như trời trồng trên cánh đồng giá lạnh nhìn ngôi mộ. Một người đi từ làng ngang qua, thấy vậy hỏi họ đang làm gì. Các sư kể lại cho bác này nghe. Bác này nghe vậy liền kể lại câu chuyện về nàng Unai đáng thương, về cái chết bất hạnh của cô, về lỗi lầm cô mang khiến cô vẫn còn kẹt lại và vương vấn thế gian này. Bác cố nài các sư hãy cầu độ cho cô sớm siêu thoát.

Khi mặt trời lặn, các nhà sư bắt đầu cất tiếng tụng kinh cầu cho vong hồn cô Unai. Các thầy cầu cho cô tìm được bình an, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Các thầy cầu cho cô được giác ngộ, cầu cho cô thoát được vòng quay tiếp theo của bánh xe nghiệp. Dưới bóng cácnhà sư giờ đang phủ tràn lên ngôi mộ, hồn cô gái Unai bay ra.

Trong chiếc áo quàn sũng nước, Unai nhìn các sư bằng đôi mắt sầu thảm. Trước này chẳng ai lui tới ngôi mộ của cô, vốn nằm giữa đồng không mông quạnh. Chỉ có bầy thú hoang đi tìm xương cùng lũ quỷ ma hú gào trong gió trên ngọn thông là hay lui tới. Cuộc đời trần thế này thực rất ngắn ngủi làm sao.

Người ta nói rằng hồn người chết thường chịu khổ ải dày vò trong một ngày, hay một đêm, trải qua tám ức [hundred millions, nghĩa là vạn vạn] luyến ái, hay những vọng tưởng khó chịu. Thế nhưng Unai đã phải trải qua bao nhiêu trầm luân, suốt bấy nhiêu năm từ khi cô quyên sinh. Cô mong mỏi trở lại thế gian, nhưng lại mắc kẹt lại mãi mãi bên trong tầng rêu trên ngôi mộ nằm dưới bóng cỏ dày um. Cô đang bị kẹt lại trong ngôi nhà cháy* này bởi chính những luyến ái của mình.

Các nhà sư đều động lòng xót thương trước nỗi đau trong tâm hồn cô gái, họ xin cô hãy cởi mối ràng buộc và thoát khỏi những âu lo trần thế và những khổ đau dưới mồ sâu. Thế gian này có lẽ chỉ là nơi trú ngụ của cái ác hiển bày, là địa ngục, là cảnh giới của ngạ quỷ và yêu ma, là nơi đầy tràn khổ não sinh lão bệnh tử.

Unai cảm tạ các sư. Cô từng bị trói buộc vào khổ đau vô tận không biết đường ra, nay những lời của các sư như một tia sáng nhỏ rọi trong làn khói tối đen của địa ngục. Tuy vậy, nỗi khiếp sợ vẫn còn quẩn quanh nơi tâm cô. Xa xa, cô trông thấy Sasada, rồi thấy Chinu, hai chàng trai cầu hôn cô đã chết từ lâu. Họ tiến tới nắm lấy tay cô: "Hãy đi với anh! Hãy đi với anh!", họ nói. Cô chẳng còn sức mà vùng vẫy thoát ra. Khi hai bóng ma bay đi, cô trông thấy trước mặt mình là con vịt bị thương - biến thành hình một con chim sắt - với cái mỏ thép dữ dằn, móng vuốt sắc như dao, bay đến mổ vào sọ mình, cắn vào xương tủy cô!

Lửa ma trơi hiện lên quanh ngôi mộ, mỗi ngọn là một hồn người đang chuyển hình sang dạng quỷ ma. Họ nhiếc mắng quất roi và đuổi theo Unai. Cô cố vùng lên chạy thoát, nhưng rồi nhận ra trước mặt là trùng dương còn sau lưng là biển lửa. Nhìn sang trái, sang phải, cô đang bị kẹt giữa nước và lửa, không lối nào thoát. Cô tựa lưng vào cây cột trong ngôi nhà cháy tìm nơi ngơi nghỉ, nhưng rốt cục chỉ làm nó bắt lửa thêm. Cô choàng tay ôm lấy cây cột ngùn ngụt lửa khói để mà ngã gục xuống, nhưng rồi lại bị dựng lên. Lũ quỷ ma địa ngục tiếp tục quất lên người cô những làn roi tàn bạo. Vì lầm lỡ mà giờ đây cô phải chịu khổ ải liên miên nơi Bát Đại Địa Ngục. Hãy chứng kiến, hỡi người, và ăn năn hối cải đi thôi. Các nhà sư run rẩy nhìn cảnh tượng địa ngục đáng sợ trước mắt:

Đẳng hoạt địa ngục, Hắc thằng địa ngục, Chúng hợp địa ngục, Hào khiếu địa ngục, Đại khiếu địa ngục, Viêm nhiệt địa ngục, Đại nhiệt địa ngục và Vô gián địa ngục, nơi Unai rơi xuống như một chiếc lá cháy trong lò thiêu ngùn ngụt.

Bóng tối bao trùm trở lại. Lửa tắt dần. Bọn quỷ ma biến mất. Unai trở về ngôi nhà cháy. Đâu là nơi cô từng yên nghỉ? Cô nhìn quanh chán chường, ngôi Cầu mộ đâu rồi? Rồi cô biến trở lại vào trong ngôi mộ lấp bên dưới đám cỏ um tùm. Như sương trên cánh đồng, như khói mù nơi đỉnh núi, cô tan biến mất. Unai trở về lại ngôi Cầu mộ của mình.





*Ngôi nhà cháy: chỉ thế gian này, có lẽ dựa vào nhiều ví dụ trong kinh Hoa sen ví thế gian như ngôi nhà đang cháy và dụ ngôn của Bụt cũng kể trong kinh Hoa sen về người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi ngôi nhà cháy phải dùng nhiều phương tiện khác nhau tùy thuộc vào từng đứa để dụ chúng ra.




____________

Xin cảm ơn đã đọc. Xin lỗi luôn vì tui không chú thích gì về đám bát đại địa ngục, vì tui không đam mê gì phần này. Các bạn đam mê địa ngục có thể lên wiki tra Bát nhiệt hay bát đại địa ngục để đọc về các địa ngục này cho thỏa chí tang bồng. Bạn nào muốn tìm hiểu tiếng Anh dịch các địa ngục này ra sao có thể vào trang web của các bạn Theatre Nohgaku.

2 nhận xét:

  1. Motomezuka hiểu là Motomeru Tsuka nghĩa là ngôi mộ được người ta mong đến, ước được đến. Tiếng Nhật hay có cái màn ghép 2 âm kun lại với nhau, khi đó thường sẽ có 1 âm bị biến đổi (thêm dấu tenten, như ở đây Tsuka + tenten = Zuka / Dzuka)

    Trả lờiXóa
  2. Ừ, tớ biết vụ ghép âm tenten nhưng vì không biết chữ tsuka là cái mộ, cũng chưa tra, chỉ đoán thôi, nên không nghĩ ra vụ này. :D

    Trả lờiXóa