Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ám

Tác giả: David Surtasky
Dịch: QH.


Có những linh hồn thường du lãm vào trong giấc mơ của chúng ta. Tự ý và lén lút.

Câu chuyện này được kể đi kể lại nhiều lần trong các vở kịch Nô. Một lữ khách, một thầy cúng, một nhà sư, một viên quan, hay một sứ giả - đến một chốn nào đó cụ thể, rồi vì một duyên cớ nào đó, chốn này bị một hồn ma không siêu thoát ám lấy: hãy cầu độ cho tôi, đây thường là lời điệp khúc hồn ma này cất lên, xin cứu vớt tôi thoát khỏi nỗi thống khổ dằng dặc mạn trường này.

Đôi khi những hồn ma này cuối cùng được siêu thoát. Đôi khi không.

Phải chăng những kịch bản Nô chỉ là những câu chuyện ma, hay phải chăng chúng đã chạm vào được những ngóc ngách thẳm sâu trong bản thể con người, nơi khao khát được bày ra những hồn ma từ lâu vẫn ngụ bên trong? Hiểu biết của chúng ta hiện nay về giấc mơ, nếu so với thời của Zeami, cũng chẳng hơn nhiều lắm. Có thể trong chúng ta có sẵn một nhu cầu luôn muốn được khơi lên và đối mặt với những vọng tưởng, những nỗi sợ trong mình, bắt chúng phải hiển lộ rõ ràng hòng chúng ta có thể gọi đúng tên chúng ra.

Thường trong phổ cảm xúc của những hồn ma điển hình trong vở kịch Nô có những xúc cảm cám dỗ tiêu cực và nguy hiểm: những luyến ái, vướng mắc, ganh ghét và hận thù. Các câu chuyện dạy rằng nếu không buông bỏ được những xúc cảm này, ta sẽ mãi bị kẹt trong bánh xe nghiệp - bánh xe karma - và sẽ mãi trở đi trở lại trong thế giới hình tướng.

Hồn ma của nữ võ sĩ can trường Tomoe (trong vở Tomoe - 巴) trở về nơi chủ tướng của nàng chết, lòng đầy ân hận đã không thể cùng ở đây với chủ tướng lúc ngài hi sinh để có thể quyết tử cùng ngài. Cuối kịch, nàng cầu khẩn nhà sư thị giả hãy cứu vớt nàng thoát khỏi nỗi ám ảnh khôn nguôi này. Trong vở Motomezuka (求塚) cô gái đáng thương Unai trở về và kể lại tỉ mỉ những khổ ải cô phải trải qua ở thế giới bên kia - đến mà nhà sư cũng không có cách gì tháo gỡ được cảm giác tội lỗi của cô trước cái chết của hai chàng trai cầu hôn mình. Chàng Tomomori (vở Funa Benkei - 船弁慶) trở về từ ngôi mộ nước để trả mối thù với Yoshitsune, mối thù mà đến cuối cùng chỉ bị đẩy lùi đi chứ không thể bị tháo gỡ hoàn toàn. Atsumori (vở Atsumori - 敦盛) được siêu thoát nhờ vị thầy tu nhiệt thành vốn là dưới trướng kẻ thù xưa kia Kumagae. Và vẫn còn nhiều ví dụ khác.

Có lẽ nằm ẩn bên dưới kết luận rằng các vở kịch Nô kinh điển có vai trò như những mẩu chuyện răn dạy đạo đức Phật giáo, là cả một xung lực nhân bản hơn liên quan tới cơn vẫy vùng tập thể của chúng ta trong bể cảm xúc. Nhiều khả năng những gì mà Zeami cho là cảm giác tội lỗi không nhất thiết cũng phải giống cảm giác tội lỗi của chúng ta trong xã hội đương đại, hay rất có thể những lời cảnh tỉnh về ghen tuông, thù hận trong kịch Nô chỉ nằm trong khuôn khổ của một xã hội đa thê trung đại. Quả không có cách gì để ta chắc chắn rằng những cảm xúc ta cảm được từ bản dịch một văn bản xưa cũng chính là những cảm xúc của con người ngày nay.

Cũng có thể, biết đâu, những gì ta cảm được cũng là những gì con người trung đại đã từng trải qua. Có thể khi ta gọi lên những tên người bên ánh đuốc dưới ánh trăng câu liêm, ta sẽ triệu hồi được những hồn ma đã khuất từ lâu, những xúc cảm đã tan biến trở về trong nhận thức. Có thể ta mơ mòng, ta cầu độ, và ta khơi lên những gì thuộc về chính bản chất của ta. Có khi những hồn ma tìm được siêu thoát. Có khi không.

Tiếng chuông chùa Gion*
Vọng lên nỗi vô thường
Và sa-la song thụ
Màu hoa cũng xót thương
Lên cao rồi sẽ ngã
Vẫn như một lệ thường
Những người đầy tham vọng
Như giấc mộng đêm xuân
Anh hùng rồi tuyệt diệt
Như bụi giữa cuồng phong.

(Truyện Heike, Nhật Chiêu dịch)



_________
Chú thích của QH:
* Gion (đọc là Ghi-ôn) hay tiếng Phạn Jetavana nghĩa là vườn của hoàng tử Jeta (Kỳ viên), vốn là tên tu viện được cúng dường cho Bụt, sau cái tên này được dùng để đặt cho nhiều chùa chiền. Chùa Gion ở trên có thể hiểu là chùa tên là Gion (Kỳ viên).

6 nhận xét:

  1. Tớ mượn đc thư viện cuốn có bài dịch này của Nhật Chiêu rồi này :D

    Trả lờiXóa
  2. À, chỉ có mình đoạn đó thôi, ko phải cả bài

    Trả lờiXóa
  3. Đoạn Heike Monogatari hả? Phải giống bài này không?
    http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2273:truyn-heike-s-thi-nht-bn&catid=64:vn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108

    Trả lờiXóa
  4. Không nhớ tớ đã comment lên đây,giờ tớ mới nhớ ra :p
    Sách tớ mượn thư viện nó in hơi khác khác chút.

    Trả lờiXóa
  5. cho mình hỏi một tí. trên trang thivien.net bạn có tên là Phụng Vũ Cửu Thiên đúng không ạ. năm 2007. :)

    Trả lờiXóa