Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Tuổi trẻ vĩnh cửu?

Câu hỏi: Thế kỉ 16, có một câu chuyện về một nữ bá tước Hungary tên là Elizabeth Báthory tắm trong máu của thiếu nữ để trẻ lại. Gần đây, chúng ta đã biết được rằng các đoạn telomere trên nhiễm sắc thể của chúng ta trở nên ngắn hơn khi ta già đi và điều này có vẻ khá liên quan tới sự lão hóa. Tui không học tập cái trò bệnh hoạn điên khùng của Báthory ngày xưa, nhưng nếu một người lấy máu của chính mình từ khi còn nhỏ, lưu trữ trong điều kiện hoàn hảo suốt 50 năm rồi sau đó đưa vào cơ thể, việc này liệu có đem lại kết quả khả quan nào không?

Barbara Robson
Ainslie, Australian Capital Territory

Trả lời: 

Thực sự có 2 câu hỏi được đặt ra ở đây. Câu thứ nhất là nguyên nhân của việc lão hóa là gì? Sự ngắn đi của telomere đúng là một lý thuyết nhưng nó hoàn toàn không thể lý giải cho sự lão hóa vì nhiều loài động vật, như là loài giun tròn lão hóa và chết mà không trải qua bất kì quá trình phân bào nào. Ngược lại, tế bào ung thư lại có thể coi như bất tử, trải qua hàng ngàn lần phân bào mà khả năng phân chia không hề suy suyển. Sự lão hóa là một sự ảnh hưởng lẫn nhau vô cùng phức tạp của nhiều hiện tượng khác biệt, trong đó bao gồm việc dần suy giảm về chức năng của ti thể khi phải trải qua quá trình oxy hóa quá nhiều lần* và sự tích lũy các protein bị sai lệch về cấu trúc do dịch mã sai và những hư hại tích lũy của DNA.


Câu hỏi thứ hai là liệu việc thay máu có hiệu quả hay không? Câu trả lời là không. Thay máu "già" bằng máu "trẻ" sẽ không cải thiện được chút nào những hiện tượng tế bào dẫn đến sự lão hóa. Hậu quả nhãn tiền nhất của việc thay máu này có lẽ khá tiêu cực: người bị thay máu sẽ nhanh chóng đổ bệnh vì máu được thay sẽ thiếu những kháng thể mà cá nhân người này đã tích lũy trong suốt 50 năm. Kết quả là những mầm bệnh trước đây chẳng là gì bỗng nhiên có thể dễ dàng xâm nhập vào một hệ tuần hoàn mới để tấn công.

Allan Lees
Tổng điều hành văn phòng thông tin
Viện nghiên cứu lão hóa Buck
Novato, California, US


*ở đây dùng từ oxidative, ý muốn nói tới quá trình oxydative phosphorylation diễn ra trên màng trong (cristae) của ti thể; trong hệ dẫn truyền electron hô hấp, mỗi lần mỗi lần e- đi qua một phân tử carrier sẽ oxy hóa phân tử đó, năng lượng sinh ra trữ vào ATP.




Ngay cả khi chúng ta biết về vai trò của telomere trong sự lão hóa, việc thay mới telomere cũng ít có khả năng cải thiện điều gì. Telomere là những đoạn đệm lặp lại nằm ở tận cùng có thể bỏ đi của cặp nhiễm sắc thể. Trong tế bào soma (là những tế bào bình thường tạo nên cơ thể, không phải tế bào sinh sản hay tế bào gốc) các telomere trở nên ngắn đi trong quá trình phân chia; nếu tế bào sinh sản trải qua quá trình bị ngắn đi như vậy sẽ dẫn đến việc mất mát những vật liệu di truyền hữu ích.


Tế bào có telomere dài không thể làm gì để bảo vệ các tế bào đã mất đi telomere khác. Mỗi telomere chỉ ảnh hưởng tới đoạn cuối của chính nhiễm sắc thể trong chính tế bào mang nó mà thôi.


Trong các tế bào sinh sản như tế bào trứng (noãn bào) và nguyên bào tinh, một enzyme đặc biệt gọi là telomerase sẽ kéo dài telomere ra tới một độ dài cần thiết. Quá trình này tiếp diễn ít nhất là cho tới những giai đoạn đầu tiên của sự phát triển phôi và tiếp tục diễn ra trong tế bào gốc. Đặc biệt, hầu hết tế bào máu có thời gian sống ngắn nên chúng phải luôn được tạo ra và thay thế bởi tế bào gốc trong lá lách và tủy. Điều này có nghĩa là nếu cấy những cấu trúc này thì có thể thay thế được tế bào gốc của một vài loại mô quan trọng, nhưng việc thay máu thì không. Việc kích thích cơ thể sản xuất telomerase có thể có tác dụng hơn nhưng cũng cần cẩn trọng vì đây cũng chính là nguyên nhân của một vài loại ung thư trong cơ thể.

Frank Horseman
Brussels, Bỉ.



___________

Trích từ sách "Gấu Bắc Cực có cảm thấy cô đơn không?" (Do Polar Bears get lonely) của tạp chí NewScientist, Mick O'Hare biên tập (2008), London: Profile Books.

Giải Nobel Y Học 2009 trao cho 3 nhà khoa học Mỹ, GS Elizabeth Blackburn, GS Carol Greider và GS Jack Szostak với công trình phát hiện và giải mã vai trò của telomere và enzyme telomerase trong quá trình lão hóa tế bào.

Hình ảnh: http://www.beltina.org/health-dictionary/telomere-definition-structure-dna.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét