Trách nhiệm bắt đầu từ trong mơ
William Butler Yeats
Sách của Kolak (2006) chép lại một đoạn về "Sự tuân lệnh người cầm quyền" của nhà tâm lý học Stanley Milgram của đại học Yale, trích trong cuốn sách cùng tên của ông xuất bản năm 1974 ở New York. Trong đoạn trích, Milgram miêu tả thí nghiệm nổi tiếng của mình mà Kolak gọi là "thí nghiệm gây chấn động nhất và quan trọng nhất từng được thực hiện về hành vi loài người" (tr.22).
Thí nghiệm của Milgram nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi một người bình thường liệu sẽ có thể tuân theo mệnh lệnh mà tra tấn hoặc thảm sát những người vô tội khác đến mức độ nào, đặc biệt thí nghiệm hướng tới trường hợp của Adolf Eichmann và trường hợp những lính Mỹ tham gia cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968.
I. Về Eichmann: Eichmann là trung tá của SS Đức Quốc xã, là người chịu trách nhiệm chính về việc bắt bớ và thủ tiêu người Do Thái. Eichmann phải quan tâm tới việc làm sao để thủ tiêu được nhiều người Do Thái một cách hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất. Sau chiến tranh, Eichmann giả mạo giấy tờ để trốn, thoát được phiên tòa Nuremberg nhưng cuối cùng cũng bị bắt và đưa ra xét xử ở Israel. Trong suốt cuộc xét xử, Eichmann một mực khăng khăng mình chỉ làm đúng theo mệnh lệnh cấp trên.
II. Về Cuộc Thảm sát Mỹ Lai: Trong thời kì diễn ra Tổng khởi nghĩa Mậu Thân, Quân đội Mỹ được lệnh càn quét và giết tất cả du kích cũng như binh lính Việt Cộng và "những người khả nghi" ở vùng thôn Mỹ Lai, Quảng Ngãi. Rốt cuộc đã diễn ra một cuộc thảm sát và tra tấn quy mô, nạn nhân gần như tất cả là người già, phụ nữ và trẻ em. Đến cuối buổi sáng thì tin mới đến tai thượng cấp và lệnh ngừng bắn được đưa ra. Kết quả là 504 dân thường thiệt mạng. Phía Lục quân Hoa Kỳ cố gắng che giấu nhưng cuối cùng vẫn bị lộ ra thông tin về cuộc thảm sát. Phiên tòa được tiến hành nhưng chỉ có duy nhất thiếu tá Calley bị kết án, mặc dù cũng một mực bào chữa mình chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên.
III. Thí nghiệm Milgram:
- Khái niệm: Một người được đưa vào phòng thí nghiệm tâm lý và được bảo phải làm một chuỗi hành động ngày càng xung khắc với lương tâm. Vấn đề đặt ra ở đây là người đó sẽ tiếp tục tiến thành thí nghiệm đến mức độ nào trước khi từ chối không làm nữa.
- Tiến hành:
- Có 2 người được đưa vào phòng thí nghiệm ban đầu được nói là để làm thí nghiệm về trí nhớ và việc học tập. Một người sẽ đóng vai "giáo viên" và một người vai "sinh viên". Người "sinh viên" sẽ ngồi trong một căn phòng, tay chân giữ chặt để tránh cử động lung tung và một điện cực được gắn vào hông. Anh ta được bảo phải học một danh sách các cặp từ, nếu mắc lỗi anh ta sẽ bị phạt bằng một dòng điện ngày càng mạnh dần (từ 15 volt tới 450 volt, mỗi lần tăng 15 volt).
- Người "giáo viên" sau khi chứng kiến người "sinh viên" bị buộc vào ghế sẽ được đưa sang một gian phòng khác để giám sát việc học của "sinh viên". Mỗi lần "sinh viên" trả lời đúng, "giáo viên" sẽ chuyển sang cặp từ khác, mỗi lần trả lời sai, "giáo viên" sẽ phải nhấn nút để phạt "sinh viên".
- "Sinh viên" là các diễn viên, họ thực ra không phải chịu bất kì một dòng điện nào cả, chỉ việc đóng giả các mức độ bị điện giật. "Giáo viên" là đối tượng chính của thí nghiệm.
- Mỗi khi "giáo viên" chần chừ không đưa ra quyết định phạt "sinh viên", người giám sát thí nghiệm sẽ ra lệnh cho anh ta tiếp tục tiến hành thí nghiệm: (lần 1: Xin hãy tiếp tục; lần 2: Thí nghiệm đòi hỏi anh phải tiếp tục; lần 3: Anh phải tiếp tục, điều đó thực sự rất cần thiết; lần 4: Anh không có lựa chọn nào, anh phải tiếp tục). Sau 4 lần ra lệnh, nếu "giáo viên" tiếp tục từ chối, thí nghiệm ngừng lại.
IV. Milgram giải thích
- Milgram cho rằng có một sự khác biệt lớn giữa hoàn cảnh của những người tiến hành thí nghiệm với những sĩ quan và người lính trong chiến tranh thực sự; và người giám sát thí nghiệm cũng có rất ít quyền lực đối với người "giáo viên" nếu so với quyền lực của một vị tướng trong chiến tranh. "Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng tôi cho rằng việc quan sát kỹ lưỡng sự tuân lệnh trong trường hợp đơn giản này là cần thiết nhằm mục đích có được thêm những hiểu biết và rút ra được kết luận chung để áp dụng cho nhiều trường hợp khác nữa".
- Milgram nhắc tới ý kiến của Hannah Arendt về việc những người khởi tố Eichmann cho rằng Eichmann là một con quái vật tàn ác là sai một cách cơ bản, rằng Eichmann chỉ là một sĩ quan bàn giấy ngồi ở bàn làm việc của mình và làm công việc mình được giao. "Sau khi chứng kiến hàng trăm người bình thường cam chịu tuân lệnh trong thí nghiệm của mình, tôi phải kết luận rằng quan niệm của Arendt về sự tầm thường của cái ác đã tiến đến rất gần chân lý hơn người ta dám tưởng tượng".
- Những điều khiến đối tượng tiếp tục tuân theo mệnh lệnh:
1. Những nhân tố níu kéo đối tượng: lời hứa ban đầu sẽ tiến hành thí nghiệm, ngại rút lui, sợ tỏ ra bất lịch sự nếu từ chối tiến hành.
2. Sự điều chỉnh tâm lý của đối tượng:
(i) Một cơ chế điều chỉnh là xu hướng tập trung vào khía cạnh kỹ thuật hẹp của thí nghiệm mà mất đi tầm nhìn rộng hơn về hậu quả của thí nghiệm.
2. Sự điều chỉnh tâm lý của đối tượng:
(i) Một cơ chế điều chỉnh là xu hướng tập trung vào khía cạnh kỹ thuật hẹp của thí nghiệm mà mất đi tầm nhìn rộng hơn về hậu quả của thí nghiệm.
(ii) Cơ chế điều chỉnh thường thấy nhất là sự điều chỉnh suy nghĩ sao cho đối tượng nhìn thấy trách nhiệm không thuộc về hành động của mình. Anh ta rũ bỏ trách nhiệm từ phía mình mà chuyển sang cho người giám sát thí nghiệm. Anh ta xem mình không phải là một người thực hiện hành động liên quan đến vấn đề đạo đức mà chỉ là một phương tiện của một quyền lực bên ngoài. Hầu hết đối tượng sau thí nghiệm đều trả lời: "Nếu là tôi quyết định, tôi đã chẳng làm như thế. Tôi chỉ làm những gì tôi được bảo phải làm". Đó cũng là câu trả lời được nghe nhiều nhất ở phiên tòa Nuremberg.
3. Đặt ra mục đích cao thượng cho hành động của mình. Phần lớn đối tượng trong thí nghiệm đặt mình vào trong văn cảnh lớn hơn, rằng điều họ làm có ích cho cộng đồng - họ đang tham gia tìm cầu chân lý khoa học. Điều này giống với tâm lý dân Đức khi được tuyên truyền suốt cả một thập kỷ về việc chấp nhận một sự diệt chủng Do Thái, cũng như giống tâm lý lính Mỹ trong chiến tranh VN.
V. Biến thể của thí nghiệm
Đối tượng lần này không được yêu cầu kích hoạt hình phạt nữa, mà chỉ nhấn nút ra lệnh cho một đối tượng khác thực hiện hình phạt. Trong trường hợp này 37 trên 40 người ở New Haven tiến hành thí nghiệm cho tới mức cao nhất. Như dự đoán, các đối tượng đều cho rằng trách nhiệm không thuộc về họ nữa mà thuộc về người nhấn nút thực hiện hình phạt. Điều này cho thấy "về mặt tâm lý, rất dễ dàng để chối bỏ trách nhiệm nếu mỗi người chỉ là một nút thắt trong cái dây chuyền tội ác". "Ngay cả Eichmann cũng sẽ phát ốm nếu chứng kiến những trại tập trung, nhưng để thực hiện việc giết chóc hàng loạt, ông chỉ cần ngồi ở bàn làm việc và lật giấy" (Milgram, 1974).
Milgram biên, "Hình thái của xã hội và cách xã hội phát triển góp phần rất lớn vào việc này", rằng "Từ khi có sự phân chia lao động của loài người, mọi thứ đã thay đổi. Việc đập nhỏ tổ chức xã hội ra theo cách mọi người lo một công việc hạn hẹp và chuyên môn của mình khiến cho chất lượng công việc và cuộc sống con người mất đi một phần nào đó. Một người không được nhìn thấy toàn cảnh công việc, do đó không thể hành động mà không có một chỉ dẫn toàn diện nào. Anh dựa dẫm hoàn toàn vào người cầm quyền nhưng chính làm như thế, anh đã xa rời khỏi chính hành động của mình".
__________________________
Ngoài phần đầu cùng 2 phần Eichmann và thảm sát Mỹ Lai, phần còn lại chủ yếu là ghi chép từ đoạn trích nguyên tác của Milgram trong sách Trải nghiệm triết học của Kolak và Martin.
Phim về thí nghiệm của BBC trên Youtube.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét