Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Trải nghiệm triết học (1)

CÓ CẢ MỘT ĐẠI DƯƠNG ĐÓNG BĂNG BÊN TRONG CHÚNG TA. Triết học là một lưỡi rìu.

Mọi thứ bạn tin đều đáng ngờ. Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi một cách thật sâu sắc về mọi thứ chưa? Sự chấp nhận một niềm tin, mà không chút mảy may phê phán gợn lên trong bạn, được truyền cho bạn từ cha mẹ bạn, từ thầy cô giáo bạn, từ các chính trị gia và các lãnh tụ tôn giáo, đó là một điều nguy hiểm. Nhiều niềm tin chỉ đơn giản là một sự ngộ nhận. Một vài trong số đó lại là những lời lừa dối, được tạo dựng nhằm mục đích điều khiển bạn. Ngay cả khi những điều được truyền đạt đó là đúng, chúng cũng không phải là chân lý của bạn. Chấp nhận một điều mà không hề thắc mắc gì, điều đó biến bạn thành một con rối, một con người thứ cấp.

Niềm tin có thể truyền đạt lại. Kiến thức cũng có lẽ có thể truyền đạt lại. Nhưng sự minh triết không bao giờ có thể truyền đạt. Mục tiêu của triết học là đạt lấy sự minh triết. Mọi cố gắng nhằm truyền đạt triết học đều không mang tính triết học*.

Minh triết đòi hỏi phải biết thắc mắc những điều đáng thắc mắc, nghi ngờ những điều đáng ngờ. Vì chưng mọi thứ đều đáng thắc mắc và đáng ngờ, minh triết đòi hỏi phải thắc mắc và nghi ngờ mọi thứ. Đó chính là triết học: nghệ thuật nghi ngờ mọi thứ.

(Phần Một: Bắt đầu vào triết học)

Daniel Kolak và Raymond Martin (2006) Trải nghiệm triết học (The Experience of Philosophy) 6th edition. New York, Oxford: Oxford University Press.

____________________

*: Trying to hand down philosophy is unphilosophical

____________________

Đây là quyển sách đầu tiên tôi mượn về từ thư viện.

Nguyên bản tiếng Anh của lời mở đầu phần một là một đoạn văn ngắn rất gợi hứng. Mục tiêu của đoạn văn hướng tới đó là kêu gọi mọi người hãy biết thắc mắc. Chữ "question" và "questionable", tôi dịch bằng cả 2 từ: đáng ngờ và đáng thắc mắc. Xét về mặt cảm quan cá nhân, tôi thấy nếu chỉ chuyển nghĩa bằng 1 từ tiếng Việt, nó không mang lại đầy đủ ý nghĩa cho mục tiêu của triết học.

Tôi chợt nhớ về "Thế giới của Sophie", quyển sách triết học đầu tiên tôi đọc trong đời, năm tôi 13 tuổi. Nhà triết học Alberto luôn nói với Sophie rằng, trẻ con là những triết gia bẩm sinh, vì chúng luôn thắc mắc, các triết gia thực thụ là những người vẫn còn giữ được niềm hân hoan thơ trẻ và tươi mới đó vì họ luôn nhìn thế giới quanh mình bằng một con mắt lạ lẫm và luôn đặt câu hỏi. Hầu hết, khi người ta lớn lên, chúng ta đều tự ngộ nhận rằng mình biết đủ rồi và tự cho mình cái quyền tỏ ra quen thuộc với thế giới này. Hệt như một chú học trò giỏi toán tỏ vẻ khinh người trước một thầy giáo già đã học toán, làm toán và dạy toán hơn 30 năm; chúng ta cũng y như vậy. Chúng ta sống trên đời vài chục năm thế mà đã tự cho rằng mình biết hết vạn sự ở cái thế giới già cỗi này, thông tuệ hết mọi phức tạp tinh vi của cái xã hội đã hình thành hàng chục ngàn năm nay. Bằng cách đó, chúng ta tự tước đi của mình cái quyền ngạc nhiên về thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu đã viết rằng về bản chất, dân tộc Việt Nam là một dân tộc ít có tư duy triết học. Giáo sư Trần Đình Sử một lần phân tích câu chuyện dân gian Thầy bói xem voi (bấm vào link để xem) đã nhận xét tâm thức dân tộc Việt thiếu một tầm triết lý, nếu so sánh với các dân tộc lớn Trung Hoa, Ấn Độ... Tôi đã từng quan sát trong số các bạn bè mình, tôi cũng thấy nhiều khi có một sự thiếu nghiêm túc khi đề cập đến các khái niệm hình thành nên tư duy về bản chất của mọi thứ trong cuộc sống quanh ta.

Các bạn tôi giờ đây hầu hết đều đang học năm thứ nhất đại học. Ở Việt Nam, các bạn sẽ phải cày bừa để vượt qua được cái môn gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin. Có trường gọi đó là học triết học, có trường gọi là học chính trị. Về phần mình, tôi nghĩ đó không phải là một môn triết học. Đừng tưởng ở các nước tư bản phương Tây, Các Mác không được đánh giá cao. Mác được đại học Cambridge bình chọn là nhà tư tưởng đứng đầu của thiên niên kỉ, làm thay đổi bộ mặt của xã hội cũng như nhận thức của nhân loại về lao động. Thư viện trường tôi đang học có cả một tủ các tác phẩm của Mác và Ăng-ghen. Dạy sinh viên về tư tưởng của những người vĩ đại đặt nền móng cho lý tưởng mà đất nước đang theo đuổi là một việc làm không có gì sai trái, thế nhưng làm sao có thể gọi đó là một môn triết học cho được khi mà sinh viên thậm chí còn không có ý muốn tìm hiểu gì về bản chất các mối quan hệ sản xuất là như thế nào.

Tôi nhận thấy ngay từ việc nhảy thẳng vào Mác mà dạy, bắt đầu từ những năm đầu cấp 3 trong môn GDCD mà không cho thấy một quá trình phát triển tư duy của nhân loại đã là một thất bại to lớn của cách dạy triết học (mặc dù là sơ cấp) ở nước ta. Tôi không hề biết sinh viên chuyên ngành triết học sẽ học như thế nào, nhưng một đất nước mạnh phải là một đất nước hiểu mình đang làm gì, và sinh viên, kể cả kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà kinh tế, chưa kể nhà lãnh đạo, những cái đầu tương lai của đất nước, cần phải ít nhất có một hiểu biết nhất định về triết học, vì triết học không chỉ là một môn học về nhân loại đã tư duy những gì và như thế nào mà còn là một môn học dạy người ta phải biết tư duy những gì và như thế nào.Việc tước bỏ những Plato, Aristotle, Kant, hay tất cả những người trước Mác và sau Mác khỏi kiến thức của đại đa số học sinh sinh viên chính là một cách làm thui chột bản năng tò mò và thắc mắc, chẳng khác nào việc tước đi tinh thần triết học khỏi những bộ óc tương lai này.

2 nhận xét:

  1. Cai ten Sophie co lien quan gi toi chu Philosophia khong nhi?

    Chao ban Hien(va xin loi vi viet tieng Viet khong dau). Minh co doi cau muon noi voi ban. Nhung dieu do, chung co the khong quan trong(tham chi vo nghia) voi ban nhung lai rat anh huong toi minh. Vi the, rat mong ban dong y lang nghe.
    Vui long cho minh xin email cua ban( khong co vu spam dau, ban yen tam),email minh la nguyen.thi.long.k37@gmail.com
    Cam on ban rat nhieu.

    Trả lờiXóa
  2. Sophie có gốc từ Hy Lạp - sophia, nghĩa là sự thông tuệ. Trong từ triết học - Philosophy - philos nghĩa là bạn. Philosophia có nghĩa là bạn của sự thông tuệ.

    Trả lờiXóa