Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Yume Juya

Cách đây nửa tháng, blogger Đông A giới thiệu bộ phim "Mười đêm mộng" (2006) làm theo nguyên tác "Mười đêm mộng" (夢十夜 - Yume Juya) của Soseki Natsume. Mình lân la hỏi han thì cũng được ai đó cho cái link download phim.

Truyện đầu tiên của Soseki mình đọc chính là "Mười đêm mộng" (bản An Nhiên dịch, sẽ dùng để trích dẫn phía sau). Mặc dù tác phẩm làm cho mình biết đến Soseki lại là "Tôi là con mèo" (吾輩は猫である*- Wagahai wa neko dearu) nhưng mình chưa đọc cuốn này bao giờ. Một lần ra Tràng Tiền Hà Nội, phân vân giữa hai cuốn "Tôi là con mèo" và "Truyện Genji" (Genji Monogatari), mình chọn cuốn Genji vì nó rẻ hơn.

Bộ phim làm năm 2006 (theo số ghi trên imdb, nhưng theo wikipedia thì chiếu năm 2007), gần tròn 100 năm (chính xác hơn một tí là khoảng 99 năm) ngày viết Yume Juya (từ 25/7 - 5/8/1908). Blogger Đông A không biết phát hiện ra hay đọc đâu đó một cách lý giải con số 100 này rất hay.

___________________

Tôi hỏi khi nào em lại đến.
-Mặt trời chắc chắn mọc rồi lại lặn. Rồi lại mọc, rồi lại lặn đi. Trong khoảng thời gian mặt trời đỏ đi từ Đông sang Tây, rơi từ Đông sang Tây, anh có chờ được chăng?
Tôi im lặng gật đầu. Nàng như thoát ra khỏi sự tĩnh lặng, nói bằng giọng mạnh mẹ hơn.
-Hãy chờ em một trăm năm.
-...
-Một trăm năm. Hãy ngồi bên mộ em và chờ nhé. Em sẽ đến gặp anh.

(Đêm thứ nhất)

___________________

Bộ phim mở đầu bằng một cuộc trò chuyện của Soseki và một cô gái (có lẽ là cô hầu). Cô gái hỏi về những giấc mơ trong "Mười đêm mộng" của ông, hỏi rằng khi nào nó sẽ được giải đáp. Soseki đáp: chắc một trăm năm nữa. Cô gái: Vậy thì có lẽ em phải tái sinh để chứng kiến việc đó. Soseki chỉ cười nhún vai.

Bộ phim là một chuỗi mười phim nhỏ sau phần mở đầu và cuối cùng là một phần kết thúc. Mười đạo diễn đảm nhiệm mười giấc mơ nhỏ cùng một đạo diễn làm phần mở đầu và kết thúc.

Mười câu chuyện của Soseki là mười câu chuyện siêu thực. Đã là siêu thực thì không thể hiểu được một cách trọn vẹn. Chính vì không thể hiểu được như vậy nên không phải giấc mơ nào cũng để lại ấn tượng. Mình chỉ cảm thấy những giấc mơ số một, ba, bốn, bảy, chín là nằm trong tầm với của mình. (lý giải theo lý thuyết dụng điển của Ngô Tự Lập là những giấc mơ đó như thế nào đó đã có chung một trường nhận thức với ký ức mình, sẽ bàn tới ở bài khác).

Ngôn ngữ của phim thể nào cũng phải khác truyện. Mười giấc mơ được mười đạo diễn khác nhau đảm nhiệm là mười phong cách điện ảnh hoàn toàn khác biệt. Giấc mơ của Soseki thường khá ngắn gọn và hàm súc. Vì thế để chuyển đổi cho trở thành một bộ phim bằng ngôn ngữ điện ảnh, các đạo diễn thường phải mở rộng các tình tiết ra một chút, khiến nhiều giấc mơ khác ít nhiều so với nguyên tác.

Thêm một điều đáng chú ý nữa, nguyên tác là do chính tác giả viết, nên nhiều khi Soseki không muốn bộc lộ hay chỉ bộc lộ gián tiếp những sự kiện của cuộc đời mình, ngay cả khi viết về những giấc mơ. Trong khi đó, những giấc mơ được chuyển đổi thành phim của các đạo diễn khác lại thể hiện khá nhiều khía cạnh của cuộc đời Soseki.
___________________

Giấc mơ thứ nhất được chỉnh sửa nhiều về ánh sáng. Bố cục gói gọn trong một căn nhà nhỏ, dường như là nhà trọ. Cách bài trí phong cảnh ngôi nhà khá đặc biệt khiến nhiều góc quay làm mình hay liên tưởng tới một cái sân khấu, cụ thể hơn là kịch Kobuki hay kịch Noh (nếu là Noh thì còn thiếu cái phông nền nữa thôi). Căn nhà có một chiếc đồng hồ đặc biệt, dường như là dấu chỉ cho thời gian, một chiếc furin (phong linh - chuông gió) như là những điều dễ bị một cơn gió rung động và một cánh cửa mở ra một khung cảnh đặc sệt chất mộng mị: một chiếc đu quay quay chầm chậm kọt kẹt theo thời gian.


Giấc mơ này có khung cảnh trái hẳn với liên tưởng của mình khi đọc. Mình hình dung ra một khung cảnh thoáng đãng hơn, thiên nhiên hơn, cụ thể là một khung cảnh ngoài trời, với vầng dương lướt trên đầu người đàn ông và người phụ nữ đang chết, chứ không phải một khung cảnh tù túng như vậy.

____________________

Phim về giấc mơ thứ ba bị lạm dụng quá nhiều hiệu ứng của phim kinh dị châu Á, điều này khiến mình không thích. Phim kinh dị (gọi toẹt là phim ma) của Nhật và Hàn hay dùng những hình ảnh ghê rợn làm người xem giật mình (ít thôi) và thấy ớn (là chủ yếu). Điều này khác với phim kinh dị của Hollywood, thường dùng hiệu ứng âm nhạc hay tạo không khí bằng việc xây dựng cốt truyện để chủ yếu làm người xem giật mình và ấn tượng chứ không để lại cảm giác ơn ớn cho người xem.

Về giấc mơ thứ ba trong nguyên tác của Soseki: đây là một giấc mơ về tội lỗi ám ảnh. Nó thật sự ám ảnh, với sự khắc họa rõ nét của tác giả đối với bóng tối và sự trĩu nặng.

Giấc mơ thứ ba cho độc giả thêm vài thông tin về những người con của Soseki.

___________________

Giấc mơ thứ tư được khắc họa khá dễ thương và có nhiều hình ảnh đậm chất siêu thực. Khi mình nói đậm chất siêu thực nghĩa là nó được tạo ra cùng kiểu với những bức tranh siêu thực như của Dalí.

Giấc mơ này khá là khác so với nguyên tác. Ở nguyên tác, Soseki chỉ nói về người cha. Ông mơ thấy cha ông vừa uống rượu vừa đi ra bờ sông vừa thổi sáo vừa ve vẩy một chiếc khăn vàng. Ông vừa đi vừa dắt theo một bầy trẻ, vừa nói sẽ biến chiếc khăn thành con rắn. Rồi cứ thế ông đi xuống sông. Soseki nghĩ rằng ông sẽ biến chiếc khăn thành con rắn thật, vẫn đứng chờ bên bãi sậy. Nhưng đứng hoài vẫn không thấy cha quay lên.

Còn trong phim có vẻ như đạo diễn muốn nói về tuổi thơ của Soseki. Ông sinh ra là một đứa con không mong muốn, được cho đi làm con nuôi, và có lẽ hay bị ốm yếu quặt quẹo như trong phim. Phim ngắn về giấc mơ thứ tư thể hiện một Soseki thanh niên trở về một thị trấn nhỏ, hiu hắt, có lẽ nằm ở quá khứ, để tìm kiếm những kí ức của mình về những người bạn lúc nhỏ. Dường như đó là một kí ức về một tai nạn. Cô bạn gái mặc đầm đỏ đã tặng cho Soseki chiếc vỏ ốc khi ông đuổi theo đến tận bờ biển. Nhưng vì Soseki không nghe được tiếng bên trong chiếc vỏ ốc nên ông không thể đi theo cô và các bạn. Họ từ từ đi xuống biển theo tiếng hát và tiếng sáo của một người đàn ông (người nói sẽ biến chiếc khăn thành con rắn) rồi biến mất.

Mình rất thích khung cảnh bên bờ biển. Một bờ biển đậm màu cam, với những chiếc cánh quạt khổng lồ nằm bên bờ biển xoay chầm chậm. Soseki quỳ nhìn về phía biển, rồi một chiếc máy bay lao ầm xuống.


___________________

Giấc mơ thứ sáu được khắc họa khá hay và ấn tượng. Đó là một sự kết hợp giữa trào phúng Nhật, nhạc pop và phim cổ điển, trong khi nguyên tác của Soseki sặc mùi nghiêm túc và truyền thống.

Có thể nói giấc mơ thứ sáu ám chỉ một niềm cảm hứng cao độ thông qua việc miêu tả Unkei (một nhà sư, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng ở Todaiji - Đông Đại Tự) sáng tạo ra tác phẩm điêu khắc của mình.

___________________

Trong nguyên tác, mình không thích nhất là giấc mơ thứ tám. Vì mình chẳng hiểu gì cả. Giấc mơ thứ tám có lẽ là giấc mơ khó dựng phim nhất. Phim về giấc mơ thứ tám cũng vậy, nhiều chi tiết mình không hiểu được.

___________________

Còn trong phim, giấc mơ mình không thích nhất là giấc mơ thứ mười. Theo cảm quan của mình, nó được dựng một cách nhảm nhí và rẻ tiền quá.

Nhưng đó là cảm giác của mình. Tốt hơn hết vẫn là không nên chê bai một sản phẩm trí tuệ của người khác một cách thậm tệ quá.

___________________

Những cảnh cuối của bộ phim trở lại với cô gái ở đầu phim. Cảnh vật bây giờ không phải là thời Minh Trị nữa mà là Tokyo hiện đại. Cô gái mặc một chiếc váy, quấn khăn choàng cổ, cầm cuốn sách (Yume Juya), đứng giữa phố, trời tuyết rơi nhẹ.

"-Một trăm năm ... đã đến rồi ư? ... Hay là lại phải chờ thêm một trăm năm nữa?"

___________________

Lúc này tôi mới bắt đầu nhận ra một trăm năm đã đến rồi.

(Đêm thứ nhất)

___________________
*: ghi tiếng Nhật lòe bịp thiên hạ thôi chứ cóc biết chữ tiếng Nhật nào ngoài chữ A () và chữ No (の).

4 nhận xét:

  1. chưa coi.
    nhưng mà chắc cũng hay!

    Trả lờiXóa
  2. Không hay lắm đâu. Nhưng phải mê truyện thì mới thấy hứng thú.

    Trả lờiXóa
  3. Ờ!
    Nếu như phim hay gần bằng truyện thì cũng thú.
    Chứ tao coi Twilight mà phim thì dở tệ và thất vọng toàn tập. Vậy mà cũng Pr um sùm lên..

    Trả lờiXóa
  4. Thật tiếc vụ Tôi là con mèo :(

    Trả lờiXóa