Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

We're coming down to the ground


Tâm trí con người bị chi phối bởi những mối liên hệ xúc cảm. Mỗi lần xem WALL-E tôi lại tràn đầy một niềm bi cảm mãnh liệt và kèm theo đó là những liên tưởng về vài nghệ phẩm khác theo cùng một chủ đề nostalgia, tạm dịch là nỗi hoài niệm quê hương. Nostalgia là một dạng u sầu (melancholy), hiểu theo một nghĩa thoáng hơn là tình trạng hoài tưởng và lý tưởng hóa (tóm lại gọi là nhớ) quê hương, những kỷ niệm xưa cũ, về những cái "auld lang syne" theo như thơ của Robert Burns.

Xem
WALL-E, tôi thường nghĩ đến Hoàng tử bé của Exupéry trước tiên, sau đó nhớ tới cuốn Nostalgia trong bộ Hi no tori của Tezuka Osamu, rồi nhớ tới bài Nostalgia của Yanni. Thực ra bốn tác phẩm này tạo thành một vòng tròn khép kín liên hệ với nhau trong tâm thức tôi, thưởng thức một cái, lần lượt ba cái còn lại chen vào cảm xúc.

1. Hoàng tử bé - Antoine de Saint-Exupéry

Người ta bảo Hoàng tử bé là truyện cho thiếu nhi. Tôi không hiểu thiếu nhi đọc truyện này khoái ở chỗ nào, vì nó buồn quá, triết lý quá, lại chả có gì vui vẻ, gay cấn, giật gân, blah blah blah. Vả lại, cái buồn của nó, có lẽ thiếu nhi cũng chả nhận ra. Hồi nhỏ xíu, có lần tôi vớ cuốn này, nhưng lật vài trang rồi không đọc. Đến năm lớp 8, tôi định đọc thử lúc nhặt được ở thư viện trường, bản dịch của Bùi Giáng, nhưng đọc được đến chỗ anh phi công gặp chú hoàng tử (khoảng được 6, 7 trang gì đó) là bỏ dở, vì nó nhảm quá.

Tới năm lớp 10, tôi mới đủ thấy được và thấm thía cái u sầu bất tuyệt trong "tác phẩm thơ mộng nhất và u uần nhất trong những tác phẩm của Saint-Exupéry" (lời cụ Bùi) qua bản dịch của cụ Bùi Giáng. Sau đó tôi mua bản dịch của Vĩnh Lạc. Quả thật, tôi thích bản này hơn của cụ Bùi (cụ chế nhiều quá). Còn bản "Chú bé Hoàng tử" của nhà xuất bản Kim Đồng tôi chưa đọc.


Đọc từ đầu tới cuối quyển sách vài lần, tôi thấy từng câu từng chữ chú hoàng tử nói ra đều ướp đẫm thứ u hương thoang thoảng. Chú u sầu quá, chú đa cảm quá. Chú buồn cả khi bên cây hoa của chú, cây hoa mà chú yêu thương. Chú buồn cả khi rời xa tinh cầu B-612 của mình. Chú buồn cả khi chu du qua các tinh cầu. Chú buồn cả khi ở trên Trái Đất, nhớ về ngôi nhà của mình, nhớ về cây hoa, nhớ về những ngọn núi lửa. Đó là tâm điểm của nỗi
nostalgia.

2.
Nostalgia - Hi no tori - Tezuka Osamu

Bộ manga này có lẽ cũng không dành cho con nít, mặc dù nó được xếp vào loại Shōnen (nam thiếu niên). Hi no tori là bộ manga tâm huyết nhất của ông Tezuka - mangaka thuộc loại thượng thừa, cha đẻ của nền manga hiện đại Nhật. Hi no tori dịch là "chim lửa", bản tiếng Anh dịch là "Phoenix" (phượng hoàng lửa), một con chim thần thoại, đóng vai trò là nối kết xuyên thời đại từ quá khứ tới tương lai, đó là khoảng thời gian mà bộ truyện trải dài. Hi no tori có giá trị như một bộ manga đầy triết lý nhân sinh: luân hồi, lòng tham, tội ác, nỗi bất an, khát vọng, sự sống, tình yêu, trí tuệ nhân tạo (có tình yêu giữa người và robot),... và có cả
nostalgia.

Tập
Nostalgia đặt trong bối cảnh tương lai, kể về những con người rời bỏ Trái Đất tìm đường lên vũ trụ. Câu chuyện là một thiên anh hùng ca về sự trỗi dậy và sụp đổ của một nền văn minh trên tinh cầu Eden; về chuyến kiếm tìm xuyên vũ trụ của những con người ấy về hành tinh quê hương. Đó là một câu chuyện bi tráng về Con Người vĩ đại nhưng không thoát khỏi tình cảm nostalgia của mình.

Hoàng tử bé
xuất hiện trong tác phẩm này với vai trò là quyển sách người phi công vũ trụ đọc lúc nhỏ. Khi nhân vật nữ chính về đến quê hương, chỉ để sống 1 ngày, rồi chết, anh phi công vũ trụ đã vừa đẩy quan tài của cô, vừa kể lại những dòng cuối của Hoàng tử bé, khi mà chú hoàng tử từ biệt anh phi công Saint-Exupéry để "trở về" quê hương của mình, nơi mà chú bảo: "Đường xa lắm! Tôi không mang nổi thân xác này, nặng lắm!". Tezuka đã lồng ghép Saint-Exupéry một cách vô cùng tài tình, đem tới một xúc cảm mãnh liệt.

Tôi đọc Nostalgia trước khi đọc chính thức Hoàng tử bé qua bản dịch của Bùi Giáng. Thú thực mà nói, chính Tezuka là người truyền tải cho tôi nỗi buồn mang tính nostalgia vĩ đại xuyên vũ trụ của Exupéry.

3.
Nostalgia - Yanni

Bản nhạc
Nostalgia của Yanni là một bản nhạc buồn nhưng chơi ở nhịp rất nhanh. Mỗi lần nghe, tôi đều nhắm mắt lại và bắt đầu tưởng tượng đến Hoàng tử bé. Như chính Yanni đã nói trong concert Yanni Live at the Acropolis: bản nhạc này thể hiện một cảm xúc mà tôi thường rất hay trải qua vì tôi đã xa quê hương tôi khá lâu rồi, Kalamata, Hy Lạp.

Những tiết tấu chậm ban đầu, tôi tưởng tượng đến những bước chân nhẹ nhàng, bước đi trên con đường quê hương xưa cũ, vừa đi vừa nhìn ngắm xung quanh, này là bờ sông, kia là bãi cát, đó là cái cây to ngày nhỏ vẫn thường chơi đùa, còn nọ là bãi cỏ rộng ngày xưa vẫn thường nằm dài hít thở hương hoa hương cỏ. Rồi "nhân vật" trong tưởng tượng của tôi bước tới một mỏm núi, nhạc đổi, mặt trời hiện lên, anh nhìn thấy một ánh sáng chói lòa, rồi bóng tối tràn đến. Trước mắt anh không còn hình ảnh nữa, tất cả chỉ còn là những bóng hình trừu tượng của nỗi nhớ, của xúc cảm. Tiếng French horn nền phía dưới, như những kí ức, là gốc rễ của niềm nostalgia. Chơi cao phía trên là tiếng piano của Yanni và dàn violin, đó là những xúc cảm chờn vờn, những niềm u uất lảng vảng nơi trái tim.

4. WALL-E

Chi tiết làm tôi xúc động nhất trong phim không phải là tình yêu ngộ nghĩnh giữa WALL-E và EVE mà chính là những rung động trong cảm xúc của những sinh vật có lý trí - con người. Con người trên Axiom mặc dù phát triển tột bậc về kỹ thuật, nhưng lại gần như đánh mất cuộc sống của chính mình, đánh mất tâm hồn mình. Phải đến khi nỗi nostalgia đến với ngài captain của Axiom, ông mới gần như lấy lại những gì đã đánh mất. Công việc nhàm chán, tiện nghi đầy đủ, chỉ có ăn và ngủ đã làm thui chột cả một giống nòi, thui chột cả người lãnh đạo. Chính nostalgia đã khiến ngài Captain thốt lên:

- Tôi muốn sống chứ không muốn tồn tại.

Trái Đất trong phim được gọi là "home" - là nhà. Trái đất là nhà của chúng ta, của loài người. Rất nhiều tác phẩm sci-fi trong đó con người phiêu lưu khắp cùng trời cuối đất, khi nói đến Trái đất, môi họ luôn bật lên một chữ "nhà" đầy nuối tiếc. Bạn cứ thử bay ra khỏi tầng khí quyển của chúng ta mà xem, ở đấy, cái nơi mà khả năng trở về của bạn là 50-50, chính là nơi nỗi niềm nostalgia của bạn đột ngột bùng phát, chỉ cần ai nhắc đến chữ "nhà", tôi chắc hẳn nước mắt bạn sẽ chảy ra, cùng lắm, ruột gan, cổ họng bạn cũng quặn thắt lại.

"Nhà" của chúng ta đâu phân biệt chỗ này chỗ nọ, đâu cũng là nhà thôi. Khi con người lên tới vũ trụ, chúng ta như sống trong một thực tại cao cả hơn, lớn lao hơn, ở đó không có chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nữa, ở đó một nắm đất sa mạc Kalahari cũng là đất nhà tôi, một vốc nước Bắc Băng Dương cũng là nước nhà tôi, một ngọn cỏ ở thảo nguyên Bắc Á cũng là cây cối nhà tôi, một người Burkina Faso ở tận châu Phi cũng là đồng loại của tôi.

Tôi không chắc những người từ Axiom bước xuống Trái Đất đã tan nát trong WALL-E có thể tiếp tục tồn tại hay không. Nhưng ít nhất họ cũng thỏa mãn được cái nostalgia của mình. Ít nhất họ cũng đã sống.

Dù gì thì cũng nên xuống lại mặt đất, vì chẳng còn chỗ nào tốt hơn.
We’re coming down to the ground
There’s no better place to go


(Peter Gabriel)

5 nhận xét:

  1. Mình rất thích câu nói trên của vị captain tàu Axiom: "Tôi muốn sống chứ không muốn tồn tại". Nghe bạn nói mình mới để ý hơn lời thoại này :)

    Trả lờiXóa
  2. Lần nào xem tớ cũng để ý câu này.

    Trả lờiXóa
  3. tao khoái ông thuyền trưởng, mập ú như con heo. Lúc ổng đứng dậy được, đám mập ú còn lại vỗ tay rần trời. Làm như con người lần đầu biết đi!
    Ờ, tao cói Hoàng Tử Bé rồi. Nó hay hơn Công chúa nhỏ thiệt. Mà mày biết gì dám nói Công chúa nhỏ dành cho con nít. Mày làm như mày người lớn á!

    Trả lờiXóa
  4. Vì tao thấy người ta nói vậy mà.

    Trả lờiXóa
  5. aaa, rất thích bài viết này. :D

    Trả lờiXóa