Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Samidare

   五月雨  や    蠶        煩ふ     桑   の   畑
Samidare ya kaiko wazurau kuwa no hata
-- Bashô --

Tháng năm mưa dầm
Con tằm bệnh
Nương dâu
-- Bashô -- 





Sa-midare là tên riêng để chỉ những cơn mưa vào tháng Sa (tháng Sa-tsuki, từ tsuki nghĩa là trăng-tháng rồi), vốn là tháng thứ năm trong âm lịch cũ của Nhật Bản (sau Minh Trị thì dẹp lịch âm). Samidare vì vậy là quý ngữ trong haiku để chỉ mùa đầu mùa hè.

Mưa Samidare là mưa đầu mùa hè, là những cơn mưa dài, và dai dẳng. Khi chuyển ngữ thơ haiku có samidare (Bashô có một đống các bài khác bắt đầu bằng samidare), các sách tiếng Anh thường dịch là "constant rain" - mưa dầm, hay "first summer rain" - mưa đầu hạ, ...

Ở Việt Nam, mùa mưa kéo dài từ khoảng tháng 5 tới tháng 10 âm lịch. Nhưng chúng ta không có cái tên đặc biệt nào cho mưa đầu mùa hạ (đầu mùa mưa) như samidare. Dĩ nhiên tôi có thể bắt chước bản dịch tiếng Anh và dịch là "Mưa dầm đầu hạ", thay vì "Tháng năm mưa dầm", như thế có vẻ cũng hay hơn:

Mưa dầm đầu hạ
Con tằm bệnh
Nương dâu
--Bashô--


Ở Việt Nam, có mưa đầu tháng Bảy gọi là mưa Ngâu, gắn với truyền thuyết đêm Thất tịch (7/7 âm lịch), Ngưu lang - Chức nữ gặp nhau khóc lóc trên trời làm mưa rớt xuống. Đó là tên riêng duy nhất dành cho mưa trong tiếng Việt mà tôi nhớ được ở thời điểm này. Nếu đi hỏi nông dân, chắc họ rành hơn tôi. Ở Nhật thì lễ Thất tịch Tanabata (bây giờ diễn ra vào đêm 7/7 Dương lịch) không có mưa nhiều (đọc trên mạng thấy người ta thường cầu cho không mưa vào đêm này), chắc thế nên không thấy có tên riêng hay quý ngữ cho mưa vào dịp này.


Tôi nghĩ linh tinh, thế là dùng chữ mưa ngâu để dịch, dùng như vậy hóa ra lại là hay nhất, nhưng nó làm lệch bản gốc mất.

Tháng bảy mưa ngâu
Con tằm bệnh
Nương dâu
--(dựa theo) Bashô --


___________________________

Ngoài ra còn một chữ nữa, đó là chữ hat畑. Ai học kanji theo cuốn Basic Kanji Book chắc đều gặp chữ này ngay mấy bài đầu. Chữ này là kokuji (quốc tự), nghĩa là chữ cho người Nhật chế ra chứ không được người Hán xài, do đó không có âm Hán (dĩ nhiên cũng không có âm Hán Việt). 

Chữ hata vốn là chữ điền 田 có thêm bộ Hỏa. Người Tàu nửa trên sông Dương Tử trồng lúa mì, nửa dưới trồng lúa nước, dùng chữ điền để chỉ cả ruộng lúa mì lẫn ruộng lúa nước. Người Nhật trồng lúa nước, nên chữ điền 田 nó mang nghĩa khá ướt (kiểu chữ ruộng trong tiếng Việt). Khi thêm bộ hỏa vào, chữ hata 畑 mang nghĩa khô hơn, và để chỉ nơi trồng cây trái khô, không ngập nước. Tương tự trong tiếng Việt có chữ đồng hoặc chữ nương, hoặc chữ rẫy mang nghĩa khá khô ráo hơn chữ ruộng, mặc dầu người ta vẫn kêu đồng lúa nhưng chữ đồng trong này nó chỉ khoảng không gian nhiều hơn là chỉ vật thể.

Và cũng giống tiếng Việt có các từ ghép ruộng đồng, ruộng nương, ruộng rẫy (có từ này nha, google đê) tiếng Nhật cũng có từ ghép 田畑, đọc là tahata, tahatake, hoặc đọc chữ điền bằng âm Hán denbata.

2 nhận xét:

  1. 畑 tớ học có chữ Hán-Nhật Việt là VƯỜN, ko rõ do ai chế ra (do trường tớ hay ông Đỗ Thông Minh?)

    Trả lờiXóa
  2. Hình như trong bảng thường dụng Hán tự, ông Đỗ Thông Minh ghi là vườn thì phải.

    Trả lờiXóa