Chữ cơ mà vốn được dùng tương tự chữ kia mà. Khi đó nó nằm ở cuối câu. Người ta có thể bảo rằng cụm này mang hàm ý nhấn mạnh điều vừa được nói tới.
Ví dụ: - Con không ăn bánh mì nữa đâu. Con vừa ăn cơm rồi cơ (kia) mà.
Tôi ngồi nghiệm một lúc thì thấy ngoài cách lý giải lớt phớt hời hợt trên, chính xác mà nói, cụm này mang hàm ý trả lời cho câu hỏi tự đặt ra "Vì sao tôi nói cái ý vừa nói?"
Lấy cái ví dụ trên, lời phát biểu trên có thể hiểu là mang hàm ý như sau: Con không ăn bánh mì nữa đâu, vì sao con nói như vậy, đó là vì con vừa ăn cơm rồi.
Lấy thêm ví dụ số hai: - Trời hôm nay đẹp nhỉ! Tối qua còn mới mưa cơ mà.
Câu này mang hàm ý: Trời hôm nay đẹp nhỉ! Vì sao tôi phải thốt lên như vậy, vì tối qua còn mới mưa, thế mà hôm nay đã đẹp thế này rồi.
Lấy ví dụ số ba nữa cho tăng độ tin cậy: - Ê, bỏ cái ví đó xuống! Của tao cơ mà!
Lại như cách phân tích cũ, câu này hàm ý: Ê, bỏ cái ví đó xuống. Vì sao tao phải hét lên như vậy, vì cái ví đó của tao [không phải của mày].
Khái quát lên sẽ như vầy:
[Phát biểu A]. [Phát biểu B] cơ mà.
= Tôi nói A. Vì sao tôi lại nói A, vì B.Đấy, cách dùng cơ mà tôi vốn biết là như thế.
Khi chế biến nó lại tương đương nghĩa với nhưng mà, người ta vứt chữ cơ mà lên đầu câu hoặc nhét vào giữa hai vế, và xài y chang nhưng mà. Tôi lấy vài ví dụ:
Vd4: Một đêm luyện hết đống season 8 của How I Met Your Mother hôm rày bỏ giữa chừng. Quá đã. Cơ mà vợ Ted sao xấu thế :( ---- status facebook của Le Minh Dao.
Vd5: Hôm nay đi chơi thật đã. Mệt cơ mà vui.Đại để là như thế. Tuy nhiên, xét kĩ một chút thì có thể thấy được cách dùng cơ mà này có sắc thái khác với nhưng mà. Nó thể hiện phần nào sự ngập ngừng của người nói. Chỉ thế thôi, tôi chưa thấy được chỗ nào khác nữa.
Tôi không biết gốc gác của sự phát triển lối nói này. Có thể nó là một phương ngữ của một vùng nào đó, đột ngột phát triển thành một lối nói thông dụng được các bạn trẻ (và vài bạn già) dùng. Có thể bất chợt nó nảy ra từ một cộng đồng, một cá nhân nào đó, rồi nhiều người khác nhắm mắt nói theo. Tôi không và không muốn phản đối tiến trình phát triển của ngôn ngữ. Nhưng tôi thấy chúng ta nên có một cái nhìn phê phán hơn, để ý hơn trong lời nói của mình. Chúng ta có thể tôn vinh những thứ sáng tạo, nhưng đừng a dua và làm theo những cách nói sai của một vài cộng đồng nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét