Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Đóa hồng có tên




Quả thật, "Tên của đóa hồng" là một bản dịch cực kỳ công phu của ông Lê Chu Cầu. Umberto Eco viết nên một cuốn sách đồ sộ, còn ông Chu Cầu hẳn cũng phải lao động rất mệt mỏi để chuyển cuốn sách tiếng Tây sang thành một bản Việt dịch tuyệt hảo.

Là một học giả semiotics (dịch là ký hiệu học chăng? tôi thấy hơi điêu) hàng đầu thế giới, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Eco mang một tầm vóc (theo tôi là) lớn hơn so với những kiến thức về ký hiệu học giải trí của Robert Langdon trong truyện của Dan Brown (Langdon được miêu tả là giáo sư về symbology: cái quỷ này mới là ký hiệu học nè). Quyển sách thực sự khiến tôi choáng, không biết diễn tả thế nào, nhưng không phải choáng theo cái kiểu hồi nhỏ dại đọc những cuốn sách đồ sộ mà không hiểu gì hết, bất khả tri giác. Cảm giác choáng giống như kiểu vừa phải vật lộn với những ngôn từ, tranh luận thần học liên miên, vừa để ý và tận hưởng những liên tưởng, tưởng tượng được từ những cái semiosis đem lại. Ô kê, ngừng vấn đề này lại ở đây, tốt nhất là tôi không nên múa rìu nữa, tôi chả có học hành, nghiên cứu gì về ba cái vụ này, ngay cả chữ semiosis tôi còn không biết dịch như thế nào. Tóm lại, ý tôi muốn nói là nếu mà so với Eco thì truyện của Dan Brown đọc giải trí giống như đọc Đôrêmon vậy*.

Ông Lê Chu Cầu đã tỉ mỉ dùng cả 3 bản dịch: nguyên gốc tiếng Ý, bản dịch tiếng Đức vừa dịch vừa phóng túng chế thêm, và bản dịch tiếng Anh sát nhất nhưng sứt sẹo cắt bỏ lung tung. Trong quá trình đọc cuốn sách, tôi nghiệm ra quan niệm cho rằng bản dịch tiếng Anh luôn là bản dịch chuẩn, tối thượng, kinh điển, canonical... là một quan niệm ấu trĩ và sai lầm. Ví dụ chính là cuốn này, bản dịch của William Weaver lược bỏ tùm lum tà la, được ông Cầu đánh dấu bằng những dấu ngoặc vuông [] trong bản Việt dịch. Cả bản tiếng Ý cũng có một lỗi về logic, có lẽ là lỗi biên tập viên. Ông Cầu phát hiện, chú lại, so sánh rằng bản Anh dịch theo bản Ý nên dịch sai y chang, còn bản Đức chỉnh sửa lại nên diễn đạt đúng về mặt logic.

Ông Cầu cũng tẩn mẩn chú giải đường hoàng từng tích Thánh Kinh và tích thần thoại, cổ tích Tây đầy đủ. Thiển nghĩ ai cũng hiểu rằng đọc sách Tây mà có chú thích tích tiếc đầy đủ cũng thú vị y hệt đọc Truyện Kiều chú đủ tích Tàu, thế nên tôi chẳng cần nói thêm. Ngoài vụ này, ông Cầu cũng đã biên phụ họa chung với Eco về lịch sử Tây thời Trung Cổ (thứ mà đối với dân không chuyên như tôi phần nhiều mù mờ). Nhiều phần ông biên rất hay và thú vị, ví dụ như nhờ ông mà tôi biết được Tòa thánh có vụ bán giấy xá tội sẵn, kiểu như vé giữ chỗ thiên đường hay vé bảo kê khỏi xuống Hỏa ngục, để lấy tiền xây Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Chính vụ này là một trong những giọt nước tràn ly khiến Martin Luther tức quá chống lại Tòa thánh.

Dưới đây tôi sẽ ngừng ca tụng ông Eco, ông Cầu và bản dịch của ông, để mà biên lại vài chỗ tôi rút tỉa trong quá trình đọc sách:

1. Trang 56: ông Cầu dịch đoạn miêu tả hình ảnh 24 vị niên lão ngồi dưới chân Chúa Trời trên cánh cổng tu viện có dùng chữ "đội mão triều thiên". Tôi đoán có lẽ chữ "mão triều thiên" là dịch từ cái tiara. Công giáo ở Việt Nam (hay Wiki Việt) dịch cái mão Giáo hoàng đội là "mão triều thiên ba tầng", dùng nhiều trở thành quen luôn. Việc ông Cầu dịch vậy nghĩ cũng chẳng có gì sai. Chẳng qua tôi sực nhớ tới "Mão triều thiên, Mão triều thiên / Ôi hoài vọng hoa niên" của Văn Cao với cơn sốt "Ngàn năm áo mũ" dạo này nên ngứa miệng nói chơi thôi. Tôi tra wiki tiếp thì biết TQ gọi cái papal tiara là Tam trùng miện và Nhật thì gọi là Giáo hoàng quan. Nói cho ra nhẽ thì cách gọi "mão triều thiên" là cách gọi kiểu lấy cái mình có để gọi cái chưa có trong tiếng Việt, nhưng truy tới gốc thì nó không chính xác. Nếu tôi, tôi sẽ dịch giản dị là "đội miện".

2. Trang 138: thầy William nói với Adso về việc người ta thời này (thời Trung cổ) cứ phải khăng khăng củng số niềm tin nơi người dân chất phác bằng cách suốt ngày đi rao giảng về nỗi đau khổ của Chúa Giêsu, của Đức mẹ, và đặc biệt là rao giảng về những đày ải nơi địa ngục. Tôi bất chợt thấy tình cảnh của châu Âu một thời cũng y hệt bên đạo Bụt ở châu Á trung đại, khi mà những quan niệm về địa ngục cũng xuất hiện và lan tỏa đầy rẫy trong dân gian. Bụt có giảng về phương tiện, rằng với từng loại chúng sinh có từng cách thức khác nhau để mà parasamgate (vượt qua bờ kia hoàn toàn), đạt cứu cánh cần đạt. Tôi nghĩ địa ngục cũng là một loại phương tiện để giáo dục một loại chúng sinh nào đó về đạo đức học Phật giáo. Tuy thế, cần phải xét kỹ lưỡng xem nó có liễu nghĩa hay không, có thỏa đủ ba cái ấn không, trước khi lạm dụng nó, in thành poster cỡ bự treo đầy tường đầy cổng chùa chiền để hù dọa người ta.
Thôi, tôi không nhiều lời về vụ này nữa. Lạc đề rồi.

3. Trang 430: ông Cầu chú về Hector, Achilles, Agamemnon và Priam, đụng trúng chỗ nên tôi ngứa miệng thôi. Ông chú thích sai bảo rằng đây là các nhân vật trong Odyssey của Homer. Thực ra trong Odyssey còn có mỗi Agamemnon thôi. Đúng ra phải nói rằng đây là các nhân vật trong Iliad.

4. Trang 475 chép lại đoạn trong phần hát bài thánh ca Dies irae (Ngày phán xét) và trang 525 chép lại đoạn Nuốt cuốn sách nhỏ.
Cả hai đoạn này đều quen thuộc với tôi. Phần lời Dies irae tiếng Latin tôi nghe và hát đi hát lại tới thuộc từ Lacrimosa trong các bản Requiem. Tôi lại cũng nhớ tới phần Dies irae trong Requiem của Verdi, phần nhạc dữ dội rất kinh điển, do Abbado chỉ huy:
Đoạn Nuốt cuốn sách nhỏ thì lại cũng rất quen thuộc với tôi hồi đọc Khải huyền mấy năm trước.

Tự dưng gặp lại những dữ liệu quen thuộc, hẳn trong lòng phải bồi hồi, thêm phần thú vị và đẻ ra nhiều semiosis khác, chẳng phải ru?

5. Và cuối cùng, trang 537, thầy William nói với cậu chủng sinh Adso những lời cuối cùng của sách: "Chân lý duy nhất hữu ích là những công cụ; hãy quẳng chúng đi sau khi đạt mục đích". Tôi nghe thấy ở đây như một lời đồng vọng với dụ ngôn về cái bè của Bụt: Pháp của tôi dạy cũng giống chiếc bè, qua sông rồi thì bỏ lại ở bến, chứ vác theo sau lưng làm gì.

Quỷ không phải Satan. Quỷ chính là tính kiêu căng của tinh thần, là đức tin không chút mỉm cười, là sự thật chẳng hề bợn hoài nghi. Quỷ tàn nhẫn vì nó biết nó đi đâu, và khi đi nó luôn quay về nơi nó xuất phát. Huynh chính là Quỷ, và huynh sống trong bóng tối giống như Quỷ.

(Umberto Eco - Tên của đóa hồng, Lê Chu Cầu dịch)

_______________________


*Để khỏi bị chụp mũ, tôi cũng xin phép nói luôn là tôi không hề có ý chê truyện Dan Brown. Tôi cũng khoái bác Đen Nâu này lắm. Hồi tôi chê cuốn Kẻ trộm sách đọc nhây nhây, không hay bằng Dan Brown, tôi đã bị ném đá, chụp mũ nhiều rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét