Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Đi khỏi một thành phố



Bỗng dưng bạn cảm thấy việc rời khỏi một thành phố để phiêu lưu tới một thành phố khác thật dễ dàng. Buổi sáng bạn ngủ dậy, đánh răng, nhìn ra cửa sổ xem thời tiết rồi nghĩ, rồi in ra tờ bản đồ xe bus, rồi chạy ra ngân hàng rút vài tờ tiền lẻ, rồi ra ga xe lửa, rồi mua một vé khứ hồi. Chỉ thế, rồi khi đặt chân lên toa xe lửa, bạn thấy việc rời khỏi một thành phố thật dễ dàng biết bao.

Trên toa xe lửa bạn nhặt được một tờ báo ai đó bỏ quên. Lật tờ báo ra thấy bài viết của một ông nhà văn kiêm nghệ sĩ hài nào đó về phân biệt chủng tộc. Đại loại thì là phân biệt chủng tộc là một thứ ngu xuẩn và dở hơi nhất của con người. Để ghét một người, không phải đơn giản, ông tác giả viết, bạn phải tiếp xúc, suy nghĩ, xem xét, so sánh với người đó thật đàng hoàng, rồi mới đi tới được quyết định vì sao người đó đáng ghét. Quả là một quy trình mang tính triết học. Bạn không thể khơi khơi ghét một người. Ông nghệ sĩ hài/nhà văn tiếp tục, chỉ những người không thèm động tâm suy nghĩ, thay vì ghét một người vì tính cách, tâm hồn, hành động của họ, quá lười biếng xem xét, những người này gộp hết cả một dân tộc, một đám người chia theo nơi sanh chốn đẻ, theo màu da, thậm chí theo quy đầu, vân vân mà ghét chung một lượt.

Bạn nghĩ ừ thì đúng rồi. Rồi bạn lấy chai nước trong túi ra nhấp một ngụm.

Bài báo tiếp tục, rằng đối với chúng ta, những người nhận là không phân biệt chủng tộc, trên thế giới này có hơn 200 quốc gia, mỗi nơi mỗi khác. Nhưng với những người phân biệt chủng tộc biếng nhác kia, thế giới chỉ có vài nhóm người: dân da trắng, dân Tàu hay là dân châu Á, dân Ấn Độ, dân da đen, vân vân và một nhóm gồm tất cả những dân không biết phân loại vô đâu hoặc là quá lười để phân loại tiếp. Dưới con mắt phân biệt chủng tộc, cứ dân châu Á, không cần biết Việt Nam, Thái Lan, Inđô, Nhật, Hàn gì, đều là dân Tàu, ông tác giả tiếp tục. Chỗ khu Nam Á, dân Ấn đánh nhau chí chóe với dân Pakistan, hai bên cho rằng mình khác biệt. Nhưng liệu có tốt hơn nếu cả hai đều nhìn mình bằng con mắt của đám người phân biệt chủng tộc lười biếng, để thấy rằng mình cũng chả có gì khác nhau.

Bài báo viết thêm vài câu gì đó rồi kết thúc nhưng bạn không đọc nữa. Hoặc có khi bạn đọc rồi nhưng tàu lửa rung lắc khiến không có gì đọng lại nữa.

Bạn nghĩ về những con người ít trí tưởng tượng. Nhưng trí tưởng tượng là gì, có khi nào nó mang chính con người ra xa nhau hơn, hay mang chính mình ra xa mình hơn? Bạn nghĩ về những đêm bạn nằm tưởng tượng. Có khi là những điều đẹp đẽ, có khi là những điều tầm thường, có khi lại là những điều thô thiển. Bạn nghĩ và chợt bạn muốn khóc. Hai dòng lệ sẽ chảy ra khi bạn tưởng tượng, "hai dòng dài rất dài", trong như dòng ngọc, nghe cliché quá, hay là trong như cái thứ chất dẻo silicone nung lên trong lò 200 độ C hai tiếng đồng hồ. Và chữ cliché nữa, bản thân nó dường như cũng nghe cliché quá.

Rồi bạn không biết bạn nghĩ cái gì. Hình như trí tưởng tượng đưa bạn đi tới đẩu tới đâu. Bạn muốn trở về thực tại, đối diện với nỗi buồn của bạn. Nhưng tôi có buồn gì đâu, bạn cật vấn. Vậy thì đối diện với nỗi vui của bạn. Đối diện với chính việc bạn đang rời một thành phố một cách vô cùng dễ dàng. À, vấn đề đây rồi, bạn nhủ, đó là việc rời thành phố.

Nhưng bạn biết việc bạn rời thành phố tự bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ít nhất là nó không có ý nghĩa gì với những ai không phải là bạn. Bạn bảo tâm phân biệt của bạn vẫn còn mạnh lắm. Thế nên bạn không muốn tiếp tục dông dài về việc bạn nghĩ gì trên chuyến xe lửa rời thành phố sáng hôm nay. Bạn ép cảnh phải chuyển.

Cảnh chuyển sang bạn đang đứng giữa nắng. Bạn nghĩ bạn thích nắng hơn bóng tối. Trong bóng tối, chính bạn không nhìn rõ mặt bạn. Bạn không nhìn rõ tay bạn. Người ta nhìn vào không rõ bạn ở đâu. Bạn bất định xứ. Bạn lửng lơ như một hạt lượng tử trong bóng tối.

Bạn muốn làm gì với nắng. Bạn ngồi trong nắng. Bạn đứng trong nắng. Bạn há miệng cho nắng chảy vào lòng. Bạn vo nắng thành viên. Bạn nhìn nắng và mong nắng nhìn lại bạn. Bạn và nắng như hai người bạn tâm giao. Nhưng rồi bạn phát chán. Bạn bảo đủ rồi, chuyện này sến quá. Bạn không thích kể lể chuyện sến của mình, chuyện mình chơi với nắng cho người khác nghe.

Bạn cũng muốn nói về bóng tối. Tuy trong bóng tối bạn như bất định, bạn như hạt lượng tử không biết mình ở đâu, nhưng ít nhất bạn biết về năng lượng của bạn. Bạn biết với bóng tối, bạn mạnh mẽ thế nào. Bạn biết bạn vui. Bạn biết bạn buồn. Bạn biết về muôn điều, trừ một điều bạn không rõ bạn ở đâu.

Cảnh lại chuyển và bạn đi bộ giữa rừng thông. Mỗi lần thấy một cội thông cong cong bạn lại nhớ tới cái nền của một vở kịch Nô, cái nền có cây thông đứng yên. Mặc dầu trong đời, bạn chưa bao giờ tận mắt xem một vở kịch Nô. Thời gian, không gian, bốn mùa, âm thanh, thảy đều trôi qua ngọn thông, vùn vụt như tên bay, ào ào như nước chảy. Bạn khẽ chạm vào cây thông, bạn nghĩ tới dòng suối mình vừa đi qua. Bạn không biết giao tiếp với dòng suối thế nào. Dòng suối chảy tới tận đâu bạn không hề rõ, tới những vùng đất xa. Bạn thấy giao tiếp với dòng suối thật khó. Dòng suối vẫn vui vẻ cho bạn những dòng nước thật mát. Bạn vẫn vui vẻ vốc nước uống và nói lời cảm tạ.

Cây thông đứng đó, tán lá rào rào. Bạn nhận ra rằng bạn vừa trông thấy thời gian trôi qua ngọn thông.

Rồi bạn nhận ra tàu lửa tới ga cuối rồi. Việc đào tẩu khỏi một thành phố đã xong rồi.

Thật dễ dàng quá đi.




________________

Đoạn trên báo tôi dựa trên bài viết của Richard Herring đăng trên Metro ngày 31/5/2013, có xào nấu lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét