Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Tuần trước vì một lí do dở hơi nào đó mà mình không nhớ, mình vô trang wiki của chùa Bút Tháp. Trong đó có cái ảnh một cái am trên nền trời xám xịt mây. Và mình chợt thấy nhớ cái cảnh trời xám xịt mây một cách khủng khiếp. Dù cho đó là cảnh trời xám xịt mây sau tháp chuông nhà thờ Đức Bà, hay cảnh trời xám xịt mây lúc mình nhìn từ cửa sổ ở nhà, thì mình vẫn đều nhớ. Cái cảnh đó, cùng với khí trời man mát, mùi của mưa bão sắp tới, mình đều thấy nhớ. Ở xứ lạnh, hầu như chẳng khi nào có bầu trời như vậy, để sẵn sàng cho một cơn mưa nhiệt đới như vậy.

.

Dạo này mỗi khi lo âu mình uống rất nhiều nước. Thay vì nốc cà phê hay trà thì mình uống nước lọc. Uống đủ hai lít mỗi ngày. Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều lần. Cũng có thể mình uống nước vì đạp xe nhiều hơn. Thẻ đi tàu và buýt của mình đã hết hạn, và mình không muốn mua lại, nên mình chăm chỉ đạp xe, mỗi ngày 10 cây số. Rồi còn ăn kẹo chanh nữa.

.

Mỗi khi lo âu mình cứ lẩm nhẩm bài "quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã..." bằng Hán Việt. Mình thích đọc cái bài kinh qua bờ này không chỉ vì nó hay, mà còn bởi vì ngôn từ cứ cuồn cuộn chảy ra sẽ khiến tâm trí mình dịu lại. Mình không còn trong thời kì ghiền Phật giáo nữa, bây giờ mình coi Phật giáo cũng giống như là một cách nhìn nhận thế giới, một cách nhìn nhận rất hay và đẹp.

Bồ tát nương vào Bát nhã thì tâm không còn chướng ngại. Tâm không còn chướng ngại thì không sợ hãi, xa rời được mộng tưởng đảo điên, đạt được niết bàn cuối cùng. 

Mình thích hình tượng Quán thế âm. Ngài tượng trưng cho lòng thương xót. Trong đạo Phật, lòng thương xót mà không có trí tuệ, hay trí tuệ mà không có lòng thương xót thì đều vô nghĩa, không làm được gì cả. Bồ tát Quán thế âm thương xót mọi thứ. Ngài ở lại chốn này, đi ra đi vào mọi cõi, biến hình thành đủ thứ, nam, nữ, đầu ngựa, atula, vân vân để cứu vớt mọi người, mọi vật đau khổ.

Mình thích nghĩ về cái cách mà bồ tát Quán thế âm cảm nhận nỗi đau của tất cả mọi người. Thật là đau, thật là xót. Nhưng ngài không khổ. Ngài có đủ trí tuệ để không cảm thấy khổ nữa.

cái đau là không tránh được, còn cái khổ là do lựa chọn. 

Câu này là Haruki Murakami tự bịa ra hay nhặt đâu đó về, chứ không phải trong kinh Phật. Nhưng nó mang trong đó áo lí của Phật giáo. Cái đau là cái đau vật lí, là cái đau khi mở lòng ra với người khác, hay với toàn thể chúng sinh. Còn cái khổ là khi ta tự để mình chìm vào trong cái đau, chìm vào trong sự sân hận, đổ lỗi.

Schopenhauer viết về nghịch lí con nhím, là một ẩn dụ nói về sự tổn thương gây ra bởi sự thân mật ở con người. Nhưng mình nghĩ cũng có thể dùng để nói về sự tổn thương khi bồ tát mở lòng ra. Khi trời lạnh, những con nhím trong hang đứng sát lại với nhau để chia sẻ hơi ấm, nhờ đó mà chúng mới sống sót được. Càng đứng gần nhau thì càng ấm, nhưng gai của chúng sẽ đâm lẫn nhau, làm tổn thương nhau. Tương tự, một vị bồ tát thấu hiểu cái đau của toàn bộ các cõi, sẽ như bị vô số cái gai đâm vào trong lòng. Đau đến cùng cực, đau đến vô lượng, nhưng hoàn toàn không khổ. Như vậy thì mới phát triển được lòng bi vô lượng.

Mình nhớ có lần mình coi trên youtube có đoạn phim Dalai Lama khi thuyết về tâm thương xót, thì chợt bật khóc, đưa khăn lên quệt nước mắt. Dalai Lama cũng được Phật giáo Tây Tạng coi là một biến thân mấy chục đời của bồ tát Quán thế âm.

1 nhận xét:

  1. Dạo này mỗi khi lo âu mình uống rất nhiều nước. Thay vì nốc cà phê hay trà thì mình uống nước lọc. Uống đủ hai lít mỗi ngày. Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều lần. Cũng có thể mình uống nước vì đạp xe nhiều hơn. Thẻ đi tàu và buýt của mình đã hết hạn, và mình không muốn mua lại, nên mình chăm chỉ đạp xe, mỗi ngày 10 cây số. Rồi còn ăn kẹo chanh nữa.

    bạn này viết nhật ký mà cũng thật là đẹp hehe

    Trả lờiXóa