Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Phong vương đắp lũy khóc rân

Mấy ngày trước đọc bài Điệp trận của Nguyễn Trãi:

Làm sứ đi thăm tin tức xuân
Lay thay cánh nhẹ mười phân
Nội hoa táp táp vây đòi hỏi
Doanh liễu khoan khoan kháo lữa lần
Thục đế để thành trêu tức
Phong vương đắp lũy khóc rân
Chúa xuân dìu dặt dư ba tháng
Mắng cầm ve mới đỗ quân 


Bản này của Trần Trọng Dương phiên.

Bài này đúng là khá khó hiểu. Từ tựa đề đến các câu đầu rõ ràng là nói về đàn bướm. Đàn bướm làm sứ mùa xuân, lay thay (aka chớp chớp hoặc lay lay, chỉ bướm đập cánh) đôi cánh nhỏ. Hoa trong nội, liễu trong doanh nghiêng ngả theo đàn bướm.

Xong tới tích Thục đế đưa vào thì hơi siêu thực luôn. Chuyện Thục đế mất nước thì gắn với con đỗ quyên tức là chim quốc (ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên), nhưng không biết dính thế nào với con bướm.

Phong vương có chữ phong bộ trùng 蜂 là con ong. Phong vương là con ong chúa, thấy bướm tới thì cho đắp lũy, và kêu rân rân (cho giống con ong). Không lẽ Thục đế ở trên chỉ để đối với con ong chúa?

Chúa xuân (đi chơi) dìu dặt vài tháng, bỗng mắng cầm ve, nên cho quân đỗ lại. Mắng ở đây tức là âm cổ của văn 聞 là nghe. Từ điển của anh Dương chú và diễn giải rõ biến âm m–v này (tương tự mùi–vị, múa–vũ, mùa–vụ vân vân. CHTV ít đề cập vụ này). Đỗ quân mới đầu đọc loáng thoáng tưởng đỗ quyên vì ở trên có Thục đế, nhưng thật ra không phải, đọc kĩ lại thì nghĩ là "cho dừng quân lại".



______________________________

Dạo này mình vẫn tiếp tục nghe Violin concerto của Tchaikovsky. Trước có lần mình bảo bản của Perlman hay nhất và cho rằng bản của Shouji Sayaka không bằng. Giờ thì rút lại lời nói trước, sau khi nghe thêm mấy chục lần. Mình thấy bản của Shouji Sayaka bây giờ mới là hay nhất :P (dù mình hoàn toàn mù mịt về kỹ thuật).

Và mình vẫn tiếp tục nghe liên tục nhạc game Shogun 2 của Jeff van Dyck. Bài hành khúc Bất động minh vương quả là cực kì tương phản với cái tên.

______________________________

Ảnh trên: Tranh Tennyo (tức là Apsara) của Kiyohara Yukinobu.
Ảnh dưới: Tranh Tsubaki to uguisu (Hoa trà và chim chích) của Hiroshige.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét